Trang nhà > Xã hội > Đông Á > Lý Quang Diệu nhận xét về tân lãnh tụ Trung Quốc
Lý Quang Diệu nhận xét về tân lãnh tụ Trung Quốc
Thứ Sáu 15, Tháng Bảy 2011, bởi
Trong buổi chiêu đãi-đối thoại tại cuộc Hội thảo toàn cầu Trung Quốc trong tương lai 2011 (Future China Global Forum 2011, Singapore) tối hôm 11/7 vừa qua, cựu Bộ trưởng cấp cao Singapore Lý Quang Diệu đã trả lời các câu hỏi của ông John Thorton Giám đốc Viện Brookings, think-tank lớn nhất thế giới có trụ sở tại Mỹ. Dưới đây là các câu hỏi và trả lời.
- Ngài nhìn nhận thế nào và có hy vọng gì đối với thế hệ mới nhà lãnh đạo Trung Quốc?
Mỗi thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc đều mong muốn có những sáng tạo khác trước tại nước này. Thời Đặng Tiểu Bình, ông cố gắng ổn định Trung Quốc. Ông Giang Trạch Dân thì tiến hành củng cố và phát triển. Ông Hồ Cẩm Đào dốc sức vào xã hội hài hoà, cải thiện tình trạng phân hoá giàu nghèo trong xã hội. Tôi rất tin tưởng vị lãnh tụ sắp tới của Trung Quốc sẽ để lại cho sự phát triển Trung Quốc dấu ấn và di sản của mình khác với người tiền nhiệm. Chúng ta có thể đoán, nhưng rất có thể đoán sai. Song nếu nhất định phải đoán thì có thể khẳng định mục tiêu nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc theo đuổi là đưa xã hội, giáo dục và kinh tế Trung Quốc lên một tầng cao mới, để cho người Trung Quốc có mức sống cao hơn. Muốn đạt được mục tiêu đó trong 10 năm tới, nhà lãnh đạo này sẽ gặp khá nhiều khó khăn (nguyên văn: có mức độ khó khăn tương đối).
- Ngài có dự đoán gì về Trung Quốc?
Do có ít xáo động xã hội nên GDP Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng 9-10% mỗi năm. Sau 10 năm nữa, rất có thể họ sẽ đuổi kịp Mỹ; 20 năm sau, khẳng định Trung Quốc sẽ đuổi kịp mức GDP của Mỹ. Nhưng Trung Quốc quá lớn, mỗi một vấn đề sẽ bị phóng đại 1,3 tỷ lần, cho nên khẳng định GDP bình quân đầu người Trung Quốc sẽ còn ở mức khá thấp. Ảnh hưởng của Trung Quốc về mặt kinh tế sẽ tiếp tục tăng; do có quy mô 1,3 tỷ dân nên ảnh hưởng của Trung Quốc khó có thể bị coi nhẹ. Thị trường Trung Quốc có sức hút lớn; người Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore đều sẽ tận sức đáp cỗ xe xuôi chiều gió của Trung Quốc, sẽ đầu tư vào Trung Quốc, sẽ làm ăn với Trung Quốc. Singapore cũng sẽ làm như vậy.
Qua mối quan hệ với ông Tập Cận Bình, tôi cho rằng ông ấy là một nhà lãnh đạo thông minh như các lãnh tụ Trung Quốc khác. Tuy thiếu sự vui vẻ thân mật (nguyên văn: bonhomie) của ông Giang Trạch Dân nhưng ông Tập lại không nặng hình thức (nguyên văn: formalistic) như ông Hồ Cẩm Đào.[1]
- Quan điểm của Ngài đối với cuộc cải cách chính trị của Trung Quốc?
Sự phát triển công nghệ đã hạn chế lực kiểm soát của chính phủ đối với thông tin, cho nên mô thức cai trị của Trung Quốc sẽ có thay đổi. Chúng ta đã ở vào thời đại iPad và mạng. Thế nhưng tham vọng muốn kiểm soát tin tức vẫn còn tiếp tục, đó là thói quen cũ. Song họ sẽ ngày càng phát hiện có rất nhiều chuyện ở ngoài tầm kiểm soát của họ ; luật chơi đã thay đổi.
- Triển vọng về mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ?
Nếu đứng từ góc độ Trung Quốc để xem xét thì tôi sẽ giữ mối quan hệ ổn định với Mỹ, bởi lẽ Trung Quốc vẫn còn cần đến khoa học kỹ thuật và đầu tư của Mỹ. Trung Quốc là quốc gia theo đuổi sự thống nhất, còn Mỹ thì cực kỳ đa nguyên hoá. Tình hình đa nguyên hoá của Mỹ làm cho họ có sức mạnh vĩ đại; sự va chạm giữa các cách suy nghĩ sinh ra sức lãnh đạo tư duy [nguyên văn : sản sinh tư duy lãnh đạo lực]. Trung Quốc tất phải học Mỹ cách làm được như thế. Hệ thống của Trung Quốc làm cho tất cả mọi người đều tiến bước theo cùng một nhịp trống.
- Nếu Ngài là người Mỹ, Ngài sẽ nhìn nhận Trung Quốc ra sao?
Mỹ không thể nào ngăn Trung Quốc trỗi dậy. Kẻ duy nhất có thể ngăn được Trung Quốc chính là bản thân Trung Quốc. Trừ phi anh tuyên chiến với Trung Quốc, tiến hành trừng phạt kinh tế; nhưng những cái đó đều gây thiệt hại (cho chính mình). Giả thử Trung Quốc không xuất hiện vấn đề gì thì Mỹ tất sẽ phải cùng tồn tại với một Trung Quốc lớn mạnh hơn. Trước Trung Quốc, chưa có quốc gia nào mạnh tới mức có thể thách thức Mỹ. Nhưng Trung Quốc đủ lớn mạnh; sau đây 20-30 năm, Trung Quốc và Mỹ sẽ cùng ngồi bên chiếc bàn cường quốc thế giới.
- Trung Quốc nên xử lý mối quan hệ với các nước châu Á-Thái Bình Dương như thế nào?
Mỹ vẫn còn ưu thế (tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương). Nếu đưa các quốc gia này vào hệ thống của Mỹ thì Mỹ sẽ có một thị trường lớn hơn. Các hiệp định thương mại tự do khu vực sẽ có thể đưa những quốc gia này vào hệ thống đó. Nhưng Quốc hội Mỹ không tán thành các hiệp định thương mại tự do khu vực ấy, cách làm này rất thiển cận. Nếu cứ tiếp tục theo hướng đó thì các quốc gia này sẽ ngả theo Trung Quốc, bởi vì chúng tôi có thể được lợi từ đấy (từ phía Trung Quốc). Điều này không thay đổi bởi lý do chúng tôi là người Hoa nói tiếng Hoa.
- Ngài tỏ ra lạc quan về tương lai của Trung Quốc và về mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia xung quanh. Nhưng giả thử nếu Trung Quốc xuất hiện vấn đề thì nơi nào sẽ có khả năng nhất phát sinh vấn đề?
Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn, có sự khác biệt một trời một vực giữa các đô thị vùng ven biển với các đô thị nội địa, giữa các tầng lớp xã hội. Trung Quốc sẽ đứng trước sự bất mãn nhiều hơn. Từ truyền hình nhà nước Trung Quốc, Thành Đô và các vùng hẻo lánh xa xôi khác đều có thể nhìn thấy Bắc Kinh. Họ thấy Bắc Kinh có sân vận động Olympic hùng vĩ do các kiến trúc sư giỏi nhất thế giới thiết kế xây dựng. Nhưng nếu Vân Nam và các nơi khác nhìn thấy những kiến trúc như vậy, họ sẽ nghĩ, rốt cuộc mình được cái gì nhỉ.
- Trung Quốc có thể học được gì từ Singapore? Phải chăng Trung Quốc sẽ đi con đường kiểu Singapore?
Không thể nói thế được. Trung Quốc là nước lớn; trời thì cao mà vua thì xa, các tỉnh và các huyện đều có vua của mình [2].
Ghi chú của người dịch :
[1] Trong bản tiếng TQ là “Ông Giang Trạch Dân có ấn tượng sâu sắc về ông Tập Cận Bình nhưng ông Tập lại không gò ép mình [chữ Hán là câu thúc] như ông Hồ Cẩm Đào » Chúng tôi dùng câu trong bản tiếng Anh vì thấy hợp lý hơn.
[2] Bản tiếng Anh: Núi thì cao mà vua thì xa.
Nguồn: zaobao.com 11/7/2011