Trang nhà > Cuộc sống > Du lịch > VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH
VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH
Thứ Ba 2, Tháng Tám 2011
<carte_gis1|id_article=4467|zoom=16|type=carte|control=small|control_type=complet>
«Bất đáo Trường Thành phi hảo hán» là câu nói cửa miệng của người Trung Quốc. Vạn lý Trường Thành (tức Trường Thành) [1] là công trình kiến trúc vĩ đại nhất, một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất của Trung Quốc, và là niềm tự hào của dân tộc này. Trường Thành bắt đầu từ ải quan Gia Dụ (tỉnh Cam Túc) ở phía tây, uốn khúc chạy sang phía đông đến ải quan Sơn Hải (tỉnh Hà Bắc). Trường Thành đã xuất hiện trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc. Nó nguyên là các bức tường của các nước thời Chiến Quốc dùng ngăn giặc. Trong trận chiến cổ đại, quân đội dựa vào kỵ binh, bộ binh, và chiến xa (do ngựa kéo), vì thế các tường thành này rất quan trọng để ngăn chặn quân địch. Trước khi Tần thống nhất Trung Quốc, tường thành của nước Tần bắt đầu từ Lâm Triệu (huyện Mân, Cam Túc ngày nay) ở phía tây, chạy qua Cố Nguyên ở đông bắc và đến Hoàng Hà. Tường thành của nước Triệu từ Cao Quyết (huyện Lâm Hà, Nội Mông ngày nay) chạy đến đất Đại (huyện Úy, Hà Bắc ngày nay). Và tường thành của nước Yên từ Tạo Dương (Độc Thạch Sơn, Hà Bắc ngày nay) chạy đến Liêu Đông. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất 6 nước năm 221 TCN, ông cho gia cố các tường thành cũ và xây nối liền chúng với nhau.
Năm 221 TCN, vừa mới thống nhất Trung Quốc, Tần Thuỷ Hoàng Đế đã sai tướng Mông Điềm kéo quân đánh Hung Nô, chiếm cứ vùng Hà Nam. Để ngừa Hung Nô tiến xuống phía nam, vua Tần sai xây dựng thêm và gia cố ba tường thành cũ (của Tần, Triệu, và Yên). Việc này cũng do tướng Mông Điềm chỉ huy coi sóc trong mười năm, huy động rất nhiều công sức lao động của quân lính, dân chúng, và tù nhân. Ngoài việc nối liền ba tường thành cũ, vua Tần cho mở rộng thêm về hướng bắc. Những triều đại về sau (trừ đời Thanh) đều góp phần gia cố tu bổ thêm Trường Thành.
Đời Hán, Trường Thành được nối dài sang phía tây đến ải quan Ngọc Môn, để phòng bị giặc từ phía Tây Vực. Dọc theo Trường Thành có nhiều trại quân và nhiều tháp canh gọi là phong hoả đài. Chế độ biên phòng này rất nghiêm nhặt. Nếu thấy giặc, ban ngày thì đốt khói, ban đêm thì đốt lửa báo tin cho nhau, từ xa mấy trăm dặm quân cứu viện có thể đến ngay được.
Đời Nam Bắc Triều, vua Tuyên Vũ Đế của Bắc Nguỵ cho xây thêm một đoạn thành 1000 km từ phía tây sang đông, tức là từ Ngũ Nguyên (thuộc Nội Mông ngày nay) đến Xích Thành (thuộc Hà Bắc ngày nay). Đời Bắc Tề cũng tu sửa Trường Thành, đặt thêm các trạm biên phòng nơi xung yếu. Đời Tùy huy động trăm vạn nhân công tu bổ Trường Thành để chống người Đột Quyết.
Sau khi triều đại Nguyên sụp đổ, biên giới phía bắc không an ninh, phía đông bắc có người Nữ Chân quấy phá, do đó triều đình nhà Minh đã tu bổ Trường Thành một cách qui mô để ngăn ngừa giặc tràn xuống phía nam. Việc tu bổ này tiến hành suốt 100 năm. Trường Thành đời Minh dài 6 ngàn km, chạy dài từ ải quan Gia Dụ đến Áp Lục giang. Dọc theo Trường Thành, triều đình nhà Minh đặt 9 trại quân đồn trú tại Cam Túc, Cố Nguyên, Ninh Hạ, Diên Tuy, Thái Nguyên, Đại Đồng, Tuyên Phủ, Bào Châu, và Liêu Đông. Đến đời Thanh, vì giai cấp thống trị là người Mãn Châu, tức là đối tượng từng bị Trường Thành cản trở trong các triều đại trước, nên họ không quan tâm tu bổ Trường Thành.
(theo Lê Anh Minh)
[1] ĐT: Chữ Hán giản thể: 万里长城 phồn thể: 萬里長城 Bính âm: Wànlĭ Chángchéng; có nghĩa là "Thành dài vạn dặm"