Nga mới là nỗi lo lớn của Trung Quốc ở biển Đông

Trung Hoa

Tháng 7 năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố nhấn mạnh các nước phải dùng biện pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông [nguyên văn : biển Nam Trung Hoa]. Các phát biểu sau đó của Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đều nhất trí với quan điểm này, trở thành chính sách Mỹ lựa chọn đối với các tranh chấp ở Biển Đông, nhằm bảo đảm hoà bình và an ninh trong vùng này.

Sự chuyển dịch chiến lược của Mỹ tại Biển Đông

Sau đó Mỹ, Nga, Nhật, Ấn Độ, Australia và các nước khác đều tỏ thái độ đối với vấn đề Biển Đông.

Đối với các tranh chấp hải đảo, xưa nay nước Mỹ không tỏ rõ lập trường. Thập niên 80 thế kỷ XX, Mỹ có lập trường không can dự các tranh chấp ở Biển Đông. Thập niên 90, Mỹ tỏ ý hy vọng các nước dùng biện pháp hoà bình để giải quyết vấn đề này. Nhưng về vấn đề Mỹ sẽ có phản ứng ra sao khi có nước dùng biện pháp phi hoà bình giải quyết tranh chấp thì Mỹ chưa nói gì. Chính sách ấy thực ra là một kiểu đe doạ.

Giữa thập niên 90, Trung Quốc thực hành biện pháp cứng rắn trong vụ tranh chấp hải đảo với Philippines, nước này cũng phản ứng rắn trở lại, kéo Mỹ can dự vào. Ngày 5/10/1995, Joseph Nye lúc đó là quan chức cấp cao của Mỹ ra tuyên bố cảnh cáo gay gắt nhất, nói Mỹ không thể nhẫn nhịn đối với hành động « tằm ăn lá » của Trung Quốc.

Bắc Kinh đổi sang áp dụng chiến lược « Ổn định phía Nam, giữ chắc phía Bắc » ở Biển Đông, nghĩa là chuyển sang các bước đi ổn thoả chắc chắn tại quần đảo Trường Sa, giữ ổn định với các nước ASEAN, tập trung lực lượng giữ quần đảo Hoàng Sa và vịnh Bắc Bộ. Cuối cùng Bắc Kinh giữ được vịnh Bắc Bộ (thực ra cũng chẳng cần giữ), nhưng phía Nam Biển Đông thì không giữ được ổn định.

Nga đi trước M ỹ

Trên thực tế ở Biển Đông Mỹ là kẻ đến sau. Tại đây, ngoài các nước ASEAN ra, kẻ nhanh chân đến trước là Nga chứ không phải Mỹ.

Thập niên 80, Liên Xô và Việt Nam lập công ty liên doanh cùng khai thác dầu ở giếng Bạch Hổ, sản lượng chiếm một nửa sản lượng dầu thô của Việt Nam, hiện nay vẫn là giếng dầu lớn nhất Việt Nam. Thống kê cho thấy Nga hiện nay đã trở thành bạn hợp tác lớn nhất của công ty dầu khí quốc gia Việt Nam. Chỉ vài năm gần đây các công ty dầu mỏ phương Tây như Exxon, BP ... mới bắt đầu cùng Việt Nam bỏ vốn khai thác dầu khí ở Biển Đông.

Hợp tác Nga-Việt vừa có lợi ích an ninh, vừa có lợi ích kinh tế. Do có lợi ích lớn ở Biển Đông nên Nga trở thành chỗ dựa lớn nhất của Việt Nam trên vấn đề Biển Đông, Việt Nam liên kết với một cường quốc thế giới thành một cộng đồng kinh tế. Dễ hiểu vì sao mấy năm gần đây Nga đồng ý bán cho Việt Nam các trang bị quân sự tiên tiến chuyên dùng cho cuộc xung đột ở Biển Đông, với các điều kiện ưu tiên hơn bán cho Trung Quốc.

Việt Nam đã đặt mua của Nga nhiều hệ thống vũ khí tiên tiến gồm 6 tàu ngầm cấp Kilo 360, 13 máy bay chiến đấu Su-27, 20 chiếc Su-30 và tên lửa, ra đa. Các vũ khí này có tính năng tiên tiến hơn vũ khí đã bán cho Trung Quốc trước đó. Cuối năm nay sẽ giao xong toàn bộ máy bay. Cuối 2013, trừ tàu ngầm ra các vũ khí nói trên sẽ hình thành sức chiến đấu.

6 tàu ngầm sẽ bắt đầu được bàn giao từ cuối năm nay, trong 5 năm giao xong toàn bộ. Trong khi Nga đóng tàu ngầm thì Việt Nam sẽ đào tạo binh lính sĩ quan ; hiện nay Nga và Ấn Độ đang giúp Việt Nam đào tạo. Các hệ thống vũ khí nói trên sẽ hình thành sự đe doạ khá lớn đối với các nước xung quanh, kể cả Trung Quốc, nhằm bảo đảm an toàn các dàn khoan dầu khí của Việt Nam.

Nếu xét riêng vấn đề Biển Đông thì Mỹ không có lợi ích chiến lược lớn về an ninh và kinh tế trong khu vực này. Sở dĩ Mỹ ủng hộ ASEAN chống Trung Quốc tại Biển Đông chủ yếu để tránh xảy ra tình trạng sau khi trỗi dậy Trung Quốc sẽ thách thức sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương ; Mỹ cần sớm ra tay chặn Trung Quốc tiến xuống phía Nam. Cũng có thuyết cho rằng Mỹ làm thế là để bảo đảm tự do đi lại cho máy bay tàu chiến Mỹ giữa Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, và giữ ổn định tình hình Biển Đông.

Điểm chú ý chiến lược của Nga khác Mỹ ở chỗ Nga có tình hữu nghị truyền thống với Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 và cuộc chiến kéo dài 10 năm sau đó tranh dành 2 mỏm núi, Liên Xô là cường quốc duy nhất ủng hộ Việt Nam. Biển Đông như cái mỏ vàng, qua hợp tác lâu dài với Việt Nam, Nga kiếm được khá nhiều ngoại tệ.

Ngoài ra, từ sự khác nhau về chính sách ngoại giao của Nga, Mỹ đối với các nước xung quanh Biển Đông, có thể thấy hai nước này có lập trường khác nhau về vấn đề Biển Đông. Mỹ can dự vấn đề Biển Đông là để tăng cường bàn bạc và hỗ trợ với các đồng minh như Nhật, Australia; sự ủng hộ đối với các nước ASEAN vẫn xoay quanh đồng minh truyền thống là Philippnines; sự ủng hộ các nước ASEAN khác như Việt Nam chủ yếu dừng lại ở tầng nấc ngoại giao và tầng nấc đe doạ. Nga gián tiếp ủng hộ các nước ASEAN nhưng lại tập trung viện trợ thực tế cho Việt Nam.

Nói cách khác, ngoài tăng cường hợp tác về ngoại giao và kinh tế ra, Nga còn dùng hành động thực tế tạo chỗ dựa cho Việt Nam. Hiện nay Nga vẫn mỉm cười với Trung Quốc, trên mặt ngoại giao thì nói hay nói tốt nhưng không có hành động gì, chẳng khác « vịt bơi » : nhìn trên mặt nước không thấy động tĩnh gì nhưng dưới nước lại làm đủ trò.

Dựa vào xu thế diễn biến tình hình trên Biển Đông hiện nay, một khi Việt Nam và Trung Quốc có chiến tranh trên biển với nhau thì hầu như toàn bộ vũ khí hải chiến lợi hại của Việt Nam sẽ đến từ Nga chứ không phải từ Mỹ ; Mỹ chỉ có thể gián tiếp ủng hộ Việt Nam trên mặt ngoại giao và trên tầng nấc đe doạ chiến lược. Thiết nghĩ khi đánh giá rủi ro xung đột hải chiến với Việt Nam tại Biển Đông, Bắc Kinh nên hiểu rõ những điều nói trên.

Nguyên Hải lược dịch

Nguồn: Báo Buổi Sớm (Singapore) 16/8/2011