Bốn bài thơ của hoạ sĩ Chu Hoạch (1941-2007)

Trong khi Chu Hoạch còn sống, tôi đã đọc cho Chu Hoạch nghe nhưng anh đã quên toàn bộ những bài thơ này, tôi lại phải đọc cho anh chép lại.

Những bài thơ như thế này, anh làm hàng ngày, hàng đêm suốt từ đầu những năm 1970 đến giữa những năm 1980. Anh thường chép vào những cuốn sổ, hồi đó giấy bút đều hiếm, ai muốn mượn về nhà đọc anh cũng cho, rồi người ta giữ luôn cũng chẳng sao. Và anh cũng quên luôn.

Tôi thường mượn thơ của anh về đọc, cả chồng thơ, nay cũng còn sót lại đôi ba quyển. Hàng chục quyển hay nhất tôi đã trả lại (tuy anh không đòi) với ý nghĩ chắc anh sẽ là người sẽ lưu trữ tốt nhất cho những đứa con tinh thần của anh. Nhưng không ngờ vào khoảng thời gian anh sống ở Sài Gòn (1990-1993) anh đã đốt gần hết những tập thơ này trong một cơn hiểu lầm ghen tuông ! Theo đánh giá của tôi thì những bài thơ hay nhất, xuất thần nhất của anh đã bị anh đốt hết. Ví dụ bài số 1 sau đây, tôi cho là kiệt tác của thơ Việt Nam:

Bài 1.

Giữa muôn ngàn khổ
       mắt anh tỏ một lối nhìn
              lần theo lối đó
                     Tay tìm lại tay quen
Đủ ấm rồi sao tay run lên
Em cúi mặt không nhìn anh cúi mặt
Bàn tay gày trong đêm nói thay cho mắt
Anh là người đến chậm mất rồi…
                            Em
Đêm không gió
              Đêm bình yên
Mưa không nỡ rơi trên hai bàn tay quên gỡ
Hai bàn tay mải nói cho nhau những điều chưa nở
Đã vội vàng bỏ dở cuộc tươi xanh
Em về rồi, chỉ còn anh và bàn tay anh
Ngơ ngác mãi trong mênh mông buồn tủi
Đấy, có một giọt mưa xuyên qua vùng bóng tối
Rơi vào lòng tay anh và giận dỗi ướt nhoà
Anh chợt tỉnh, bàng hoàng, biết rằng đêm sắp qua.

Bài 2.

Ngồn ngộn bờ đêm
Thị Nở đã nở thêm vài nét nữa
Chí Phèo mặt lửa
Ngậm mồm, gốc chuối gió nghiêng
Sau cuộc thiêng liêng
Chí Phèo hiền hơn cả đất
Không còn vết nứt
Trên màu mặt ngất ngư say
Thị Nở vòng tay, che nét mặt đầy vụng dại
Đêm, cờ chuối vẫy
Trăng cười lặng dưới đáy sông…
***
Bỏ bút ngồi trông
để thấy ròng ròng ướt mái
Mưa, bằng mắt mình cũng thấy
mắt mình mưa…

Bài 3.

(Tặng Tố)
Từ cái gốc tên em
Nảy lên nhiều huyền thoại
Có thứ thành hoa dại
Có thứ rồi thơm như trái chín cây vườn
Tự tên em là nguồn
Bao nhiêu con sóng vỗ
Có con sóng bạc đầu tủi hổ
Có con sóng chồm hết độ cuồng điên
Cũng có con sóng yên
Yên tĩnh ẩn vùng nước tối.
Anh không là gì đâu
Anh không hề nói dối
Anh chẳng có phần mình trong sớm tối của em
Giữa những huyền thoại trên
Anh chỉ là kẻ đứng nhìn, nghe, và lặng im hoá đá
(?….) Anh vẫn là người xa lạ

(bài thơ vẫn còn, nhớ không hết)

Bài 4.

Đã có em anh vẫn từng đêm đói lửa
Vẫn từng đêm gõ cửa nhà nhà
Vẫn từng đêm chờ đường đón ngõ
Ôi, thèm một người thức, một người qua

Trong bài viết của Phan Thị Thanh Nhàn đăng trên lethieunhon.com với tiêu đề “CHU HOẠCH TIẾNG THỞ CHẦM CHẬM CÓ HỒI ÂM” có đăng bài thơ mà tôi đang giữ bản gốc chép tay của Chu Hoạch. Bài thơ này cũng đã được in trong tập thơ Chu Hoạch (khi anh còn sống) và do anh cung cấp bản thảo.

Tôi xin được đính chính 2 chữ cuối cùng là “…im lặng lẫn màu” do chính tác giả dập xoá 2 chữ “cúi đầu” để thay bằng “lẫn mầu” nó bao la hơn, bình dị hơn, im lặng hơn, sâu sắc hơn nhiều.
“Nhưng nhiều nhất là nói về những người đi trên phố
Những người đi ô tô những người đi bộ ngược chiều nhau
Những người vội vàng
Những người hớn hở
Và những người đi im lặng lẫn mầu…”
(cúi đầu.)

Nhạc sĩ ĐẶNG HỮU PHÚC