Trang nhà > Văn chương > Truyện ngắn > GIẤY CHỨNG NHẬN GIA ĐÌNH VĂN HÓA
Trương Đình Toe
GIẤY CHỨNG NHẬN GIA ĐÌNH VĂN HÓA
Thứ Sáu 23, Tháng Chín 2011, bởi
Tan cuộc họp, chị Cáp cầm tờ giấy chứng nhận gia đình văn hoá mà mừng như mở cờ trong bụng. Chị định sẽ treo lên tường cho ai đến nhà cũng đều biết. Chồng con chị cũng có cái để tự hào.
Chả là quê ta bây giờ đổi mới, lắm hội nhiều hè, nào là hội thơ, hội các cụ, hội phụ nữ, hội hát chèo, hội cựu chiến binh, ban khánh tiết, hội những người yêu đạo Phật… Nếu nói về tín ngưỡng thì xưa kia làng chỉ có đạo Phật. Trải qua hai đợt chống mê tín dị đoan vào những năm 50 và 80 của thế kỷ trước, chùa thờ phật may mắn được vẹn toàn. Giờ dân chúng lại xây thêm đền mẫu Liễu Hạnh ngay trước cửa chùa để tiện nhẩy đồng. Ngoài ra còn mới có thêm đạo… Bác Hồ! Bao nhiêu hội tất nhiên bấy nhiêu phong trào. Chị Cáp thì rất thích hội hè. Năm hết tết đến rộ lên phong trào xây dựng làng văn hoá. Muốn có làng văn hoá thì phải có nhiều gia đình văn hoá. Trong sứ mệnh này, chị em phụ nữ đóng vai trò nòng cốt. Hội phụ nữ xã họp hôm nay cũng trước là công bố danh sách gia đình văn hoá, sau các đại biểu thảo luận, đưa ra các biện pháp làm thế nào để địa phương có thêm nhiều gia đình văn hoá hơn nữa. Cuộc họp diễn ra rất sôi nổi, nên chị Cáp xuống xã từ chiều mà đến tận khuya mới về .
Về đến nhà, đèn đóm đã tắt, cửa rả đã đóng im ỉm. Chị cất tiếng gọi con bé lớn:
— Hoa ơi… Hoa ơi… Mở cửa cho mẹ với!
Trong nhà vẫn im ắng, không động tĩnh gì. Mấy đứa trẻ nhà chị ngủ rất khoẻ. Chị đã nhiều lần chứng kiến. Chúng nó ngủ có khi sét đánh mang tai cũng không dậy được. Liền chuyển sang gọi chồng:
— Anh Cáp ơi… Dậy mở cửa cho tôi.
Nhưng gọi mãi cũng chẳng được. „Quái lạ. Hay hắn này đi đâu, giờ vẫn chưa về”? -
Nghĩ vậy chị bắt đầu bực bội. Thấy nhà hàng xóm vẫn thắp đèn, chị sang hỏi thì nghe nói là lúc tối vẫn thấy mấy bố con anh ấy loanh quanh trước nhà. Chị quay về gọi cửa tiếp. Gọi đến nửa tiếng vẫn không thấy gì. Trời rét mướt mà lòng chị nóng như lửa đốt.
— Anh Cáp ơi!… Đồ khốn nạn…! Hay là chết ở trong nhà rồi?… – Chị vừa gọi, vừa nguyền rủa, vừa đập cửa thình thình mỗi lúc một to nhưng cũng chẳng mang lại kết quả.
Không biết làm thế nào, chị đã nghĩ đến việc đi tìm người về nhờ phá cửa thì trong nhà có tiếng lạch cạch. Anh Cáp vừa mở vừa cằn nhằn:
— Làm gì mà ầm ỹ lên thê?
Bỗng chị ngửi thấy hơi rượu phảng phất thì hiểu ngọn ngành. Sôi hết cả máu, chị không thèm trả lời, cúi xuống rút ngay chiếc dép đương đi, xông vào đập anh túi bụi, vừa đánh vừa la:
— Quân say rượu, thằng đểu, ối giời đất ơi, ối làng nước ơi, cứu tôi với…!
Chị la hét cứ ầm ầm. Mà chẳng hiểu tại sao lại kêu được to như thế? Hay đi họp người ta không cho ăn, bụng rỗng quá, nên nhiều hơi chăng? Mấy đứa trẻ bấy giờ mới tỉnh giấc. Con Hoa mắt nhắm mắt mở, tưởng mẹ bị bố say rượu đánh thì xông vào bênh. Hai mẹ con hăng máu đẩy anh Cáp ngã chỏng gọng ra nhà. Anh vừa kêu vừa thanh minh:
— Ối ối ối…! Không phải, không phải! Đấy là mẹ mày đánh tao, chứ tao có làm gì mẹ mày đâu…
Thương hại thay cho anh Cáp đường đường là một đấng nam nhi, xưa đã từng xông pha trận mạc, vào sinh ra tử bãi chiến trường mà cuối cùng về nhà lại bị vợ ăn hiếp. Thực ra anh cũng chẳng đến nỗi nhu nhược đớn hèn gì. Trước kia chị mà lôi thôi vẫn thường xuyên bị anh thụi cho. Nhưng từ ngày đi bộ đội về sinh ra rượu chè quá mức, nay sức khoẻ có phần giảm sút, anh không địch nổi chị. Lại được bốn đứa con thì toàn gái. Đẻ quá tiêu chuẩn, mất hết cả đảng phái. Xẩy ra việc gì, chúng đều bênh mẹ chứ không bao giờ bênh bố. Thế mới biết, sinh con phải sinh con trai, sinh con gái toàn sinh hậu hoạ! Anh nghĩ mà ứa nước mắt. Liền lồm cồm bò dậy, mặc thêm cái áo ấm, khệnh khạng ra khỏi cửa. Mẹ con cái Hoa chắc cũng biết là quá đáng, đứng nhìn nhau mà không ngăn cản gì.
Anh Cáp lang thang ngoài ngõ. Làng mấy năm nay nuôi nhiều chó làm đặc sản, sủa cứ rinh thiên địa. Anh đi đến đâu chúng sủa đến đấy. Đêm hôm khuya khoắt, lang thang kiểu này thật là bất tiện. „Năm hết tết đến – anh Cáp sực nhớ ra – nhà cu Vọ thể nào cũng có hội đánh bạc to”. Anh liền rảo bước đến đó.
Nguyên nhà anh cu Vọ có hai vợ chồng với một đứa con. Vợ anh là người phụ nữ hiền lành, chịu khó và… chẳng bao giờ đánh chồng. Nhà quê bây giờ người nhiều, ruộng ít, trâu bò ít. Ngày ba tháng tám chị phải ra Hà Nội làm thuê làm mướn kiếm thêm. Chị ở hẳn ngoài ấy, thường một hai tuần mới về một lần. Chồng ở nhà chỉ có việc trông con, ngoài ra còn uống rượu và thích tổ chức đánh bạc. Sòng bạc nhà anh lớn và nổi tiếng trong vùng, có cả khách thập phương đến tham ra. Các ngài chơi đủ kiểu, nào là tá lả, tiến lên, tổ tôm, xóc đĩa, đỏ đen… Nhiều khi đánh tiền triệu.
Anh Cáp quả nhiên không nhầm. Đẩy cửa vào nhà anh cu Vọ, thấy một đám người đương say mê xóc đĩa, quên hết cả trời đất. Tham ra có cả những tay tai to mặt lớn trong làng, nào là trưởng thôn, phó bí thư, nhân viên phòng thuế…, rồi ông già, Thanh niên, mấy vị khách không rõ từ đâu đến, lại cả… đàn bà con gái. Giữa nhà trải chiếc chiếu nhựa Trung Quốc. Người ngồi thành vòng. Mấy bà đàn bà không đánh, lượn vòng ngoài, mắt cũng hau háu nhìn vào. Anh cu Vọ ngồi khoanh chân, đặt đồng xu vào cái đĩa, lấy cái bát úp lại, hai tay bê lên lắc keng keng, rồi đặt xuống chiếu. „Một trăm nghìn. Ai dám đối địch với tôi nào”? – Anh Vọ miệng nói, tay rút tờ giấy bạc quăng ra. „Đây, một trăm nghìn”! – Một ông khách lạ mặt xuất tiền. „Sấp hay ngửa”? „Ngửa đi”. Anh Vọ đặt tay lên cái bát cố ý gây thêm phần hồi hộp. Ai nấy đều nín thở chờ đợi. Anh Vọ nhấc bổng cái bát rồi reo: „Sấp”! Mọi người không ai bảo ai, cùng đồng thanh „ồ” lên cả một lượt. Anh Vọ cười ha hả, vơ lấy cả hai tờ giấy bạc bỏ túi. „Đánh tiếp đi! – Ông khách nói – Lần này tôi đặt hai trăm”… Sòng bạc cứ theo đà ấy mà tiếp diễn. Đánh được nửa tiếng nữa, ông khách hết sạch tiền. Không vay được ai, ông đành cởi đồng hồ ra đặt, nhưng lại thua. Cuối cùng tháo cả com lê, sơ mi, ca vát ra cầm vẫn không gỡ được. Trên người ông còn mỗi cái quần đùi và cái áo may ô, chả lẽ lại lột ra mà đánh tiếp. Trời rét như cắt ruột, ông đành phải mượn nhà chủ cái chăn quấn quanh mình, rồi ngồi lù lù tại chỗ để chầu rìa.
— Ai đánh nữa không? – Anh Vọ hỏi.
— Nhường ông Cáp đến sau đánh. – Có người đề nghị.
Thực ra anh Cáp vào đây chỉ để lánh nạn, vả lại anh đã từng thua bạc nhiều phen, nên không có ý định đánh chác gì. Nhưng không khí ở sòng bạc quả vui hơn ở nhà. Ngồi một lúc anh quên hết cả u phiền. Lại được nhiều người xúi bẩy, trong túi sẵn có tý tiền „cựu chiến binh” mới lĩnh, máu „sấp ngửa” trong anh lại nổi lên.
— Nhưng tôi không đánh với cu Vọ. – anh Cáp nói – Nó đỏ lắm!
— Để tôi xóc cho. – Một ông khách lạ xung phong.
Anh cu Vọ đứng dậy nhường chỗ. Hai đối thủ ngồi đối diện đưa mắt gườm nhau. Ông khách vùa xóc vừa hỏi anh Cáp:
— Ông định đấu bao nhiêu? Một trăm, năm trăm, hay một triệu?
— Trước tiên hãy đấu một trăm.
— Ô-cây! – ông khách đặt bộ bát đĩa xuống chiếu, rút tiền, hỏi tiếp – Sấp hay ngửa?
Xung quanh ào ào dự đoán, người „sấp”, kẻ „ngửa”. Vô thưởng vô phạt, ai cũng muốn làm thày dùi cho anh Cáp. Anh thì hồi hộp, lưỡng lự, không sao quyết đoán được. Cả hội đương hăng hái cổ vũ, bỗng bên ngoài có tiếng „đoàng” „đoàng”. Các con bạc nhốn nháo, ngơ ngác nhìn nhau. Người nọ hỏi người kia, ở đâu ra tiếng nổ? Nhưng chẳng ai biết gì. Chỉ có anh cu Vọ thì hiểu nguyên nhân, thủng thẳng thẳng trả lời:
— Mấy cái thằng ranh con nhà Tuất… Mua ở đâu được tý thuốc về rồi tự quấn pháo đùng. Không khéo rồi lại cháy cả nhà. Người ta đã cấm đốt pháo mà thỉnh thoảng cứ đùng đoàng, điếc cả tai. Lũ con nhà ấy hư lắm.
Các thày bấy giờ mới hoàn hồn, quay lại cuộc đỏ đen, ai nấy lại bàn tán, nói cười, cổ vũ anh Cáp. Anh nhìn xuống bộ đĩa bát úp vào nhau, tim vẫn đập thình thình. Đương lúc căng thẳng, đằng sau có người thúc đầu gối vào lưng. Nghoảnh lại thì quay ngay mặt vào đũng quần của hai phụ nữ. Anh điên hết cả ruột gan, chửi:
— Mấy con mẹ này! Có xéo ngay không? Đàn bà con gái mà vô ý vô tứ, đứng trõ cả tò he vào đầu người ta.
Các con bạc phá lên cười. Hai bà lùi vội, lảng sang chỗ khác. Riêng anh Cáp mặt nhăn như bị, đỏ phừng phừng. Ra ngõ gặp gái đã là đen. Đánh bạc mà lại có đàn bà con gái canh ty thì bán nhà đi lúc nào không biết. Thay vì được trăm nghìn của kẻ khác, trăm nghìn của anh chắc sẽ chui tọt vào túi lão khốn nạn kia mất thôi. Đối thủ chắc cũng hiểu vậy, dưng dưng tự đắc nhìn anh Cáp, tay đặt vào cái bát, chỉ chờ anh phán, là lật. Anh Cáp cứ đắn đo mãi mà không biết đoán kiểu gì. Ai nấy đều nóng ruột. Bất ngờ có tiếng quát như tiếng bom:
— Giơ tay lên!
Anh Cáp giật bắn mình, tưởng đương giáp mặt quân thù, giơ vội hai tay lên giời, hàng liền. Mọi người lại cười ồ cả nên. Ai nấy đều chê anh là nhát. Mà đúng là nhát thật. Người quát không phải ai xa lạ, chính là anh cu Vọ. Vì đứng ngoài cổ vũ, chờ lâu quá nên mới nghĩ ra trò tinh quái doạ đùa. Làm được cho anh Cáp khiếp sợ, anh Vọ thấy khoan khoái trong lòng, cũng cười típ cả mắt. Anh Cáp hiểu ra, bẽn lẽn hạ tay xuống. Bấy giờ lại có tiếng người dõng dạc từ cửa vọng vào:
— Tất cả hãy ở nguyên vị trí! Tuyệt đối không được manh động! – Một kẻ nào đó bắt chước anh Vọ. Nhưng trò hề dẫu khôi hài đến mấy, diễn đi diễn lại cũng sẽ thành nhạt.
Anh Cáp đương cáu tiết, chẳng cần biết đấy là ai, chửi liền:
— Cút mẹ chúng mày đi!
Nhưng bốn bề đương ào ào, bỗng dưng im ắng. Anh Cáp thấy là lạ, ngẩng đầu nhìn thì giời ơi…, tưởng mình bị quáng gà! Cửa ra vào đã bị các chiến sĩ công an – đích thực công an – quân phục chỉnh tề, dùi cui, súng ống vây kín. Thật khổ thân cho anh Cáp. Anh có biết đâu rằng sòng bạc này nổi tiếng, bị theo dõi từ lâu. Thám tử của công an đã từng đột nhập, trực tiếp đánh bạc với các vị. Sắp tết thể nào cũng lắm kẻ tham gia, nên công an mới tung lưới võng để quét sạch. Anh sĩ quan chỉ huy đội đặc nhiệm tuyên bố:
— Các người đã vi phạm nghị quyết CP số…, ngày… tháng… năm, về việc chống tệ nạn xã hội. Những kẻ cố tình không chấp hành chính sách sẽ bị nghiêm trị, xử phạt tù từ ba tháng đến mười năm! – Rồi quay sang lệnh cho đồng đội – Bắt hết!
Người nào người ấy run cầm cập, mặt cắt không còn hột máu. Nhưng cuối cùng mấy bà đàn bà và mấy ông già được thả. Không phải vì đàn bà hoặc các cụ phụ lão thì có quyền thoải mái vi phạm pháp luật của nhà nước, mà là vì các chiến sĩ công an chỉ chuẩn bị có chín cái còng số tám. Vả lại xe cũng không đủ chỗ, nên có muốn cũng không bắt được hơn. Trong số những người bị bắt tất nhiên có anh Cu Vọ đầu trò, ông khách lạ thua bạc và anh Cáp số đen. Các phạm nhân bị giải xuống tỉnh và hôm sau được lên… ti vi. Anh Cáp đứng giữa, cạnh ông khách trên người chỉ còn mỗi cái quần và đùi cái áo may ô. Chỉ có anh cu Vọ, không hiểu tại sao, là không có mặt.
Buổi chiều vợ anh cu Vọ sang rủ chị Cáp lên chùa làm lễ dâng sao giải hạn, bấy giờ mới thổ lộ:
— Nhà em được thả rồi chị ạ… – Người đàn bà trẻ nói đến đây thì hạ giọng thì thầm như sợ có người nghe thấy.
Nguyên chị đương ở Hà Nội, nhận được tin chồng bị bắt, liền vội về ngay, vì nhà có con nhỏ. Vừa về đến nhà, chồng từ tỉnh gọi điện bảo: „Phải chạy ngay lấy mười triệu, tức khắc sang huyện đưa ông Tham. Không có thì ‘bố’ giết”! Đây cũng xin nói, ông Tham là người làng, làm cán bộ ở ủy ban nhân dân huyện, nên quen biết nhiều. Chị nghe xong lăn đùng ra chết ngất. Người nhà phải cứu mãi mới tỉnh. Chị khóc mũi khóc dãi. Giết thì có thể là không, nhưng không đủ tiền, cái quân vũ phu ấy, ra tù thể nào ‘nó’ cũng đánh cho thập tử nhất sinh. May mà chị vẫn còn một ít tiền trong lọ chôn dưới nền nhà, lại vay mượn mỗi nơi một tý, cuối cùng thì cũng đủ mười triệu đưa cho ông Tham. Chị cu Vọ kể rồi lại rơm rớm nước mắt.
Chị Cáp nghe đến con số mười triệu to quá thì bĩu môi:
— Mười triệu thì đào mả bố nó lên mà lấy à? Cái giống nhà nó ngu thì cho chết. Người ta nhốt cho càng đỡ tốn cơm. - Và trước khi lên chùa làm lễ giải hạn, chị không quên dặn con Hoa ở nhà treo cái giấy chứng nhận gia đình văn hoá lên tường.
Mẹ đi rồi, con Hoa giở tờ giấy ra ngắm nghía. Phía trên vẽ quốc huy hai bên cắm cờ chi chít. Phía dưới là những hàng chữ vừa in vừa viết rất bóng bẩy và hoa mỹ: „CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, ĐỘC LẬP- TỰ DO – HẠNH PHÚC. ỦY BAN NHÂN DÂN, HỘI PHỤ NỮ TỈNH X. CHỨNG NHẬN GIA ĐÌNH ông Trương Văn Cáp và bà Trần Thị Tuyết Mây LÀ GIA ĐÌNH VĂN HÓA”. Dưới cùng đóng dấu đỏ loè đỏ loẹt và một chữ ký ngoằn ngoèo, rắc rối đến mức, chắc không ai tài gì mà mạo được. Con Hoa không biết treo thế nào? Thói thường công việc này thuộc về bố nó. Nhưng bố bị bắt, lệnh mẹ đã truyền xuống, không thể không thi hành. Nó liền lấy cơm nguội phiết vào mặt sau tờ giấy chứng nhận, dán lên tường ngang, cạnh mấy bức tranh thủy mạc: „Hai con trâu húc nhau”, „Chim sẻ đậu cành mai”, „Tam anh hùng đả Lã Bố”, „Hạc rỉa lông bên cây tùng” cùng nhiều ảnh gia đình và vô vàn những giấy khen, bằng khen, huân chương, huy chương, bảng gia đình vẻ vang, giấy chứng nhận hai mươi năm tuổi đảng, ba mươi năm ngày nhập ngũ, …Nhiều lắm.
TĐT (Source: Blog Zetamu)