Bản lĩnh Steve Jobs

Ngày 5 tháng 10 vừa qua, ông Steve Jobs Chủ tịch công ty Apple qua đời ở tuổi 56. Cả thế giới sững sờ, không ai ngờ cuộc đời của thiên tài này lại chấm dứt nhanh chóng như vậy. Hôm 24/8/2011 ông vừa gửi một thư ngắn cho Ban lãnh đạo Apple xin từ chức CEO công ty, trong đó viết: "Tôi luôn nói với mọi người rằng nếu một ngày nào đó tôi không thể đảm đương nổi trách nhiệm và những kỳ vọng trên cương vị là Tổng giám đốc điều hành Apple thì chính tôi sẽ cho các bạn biết điều đấy trước tiên. Thật không may rằng ngày ấy đã đến. Tôi sẽ rời vị trí mà mình đang nắm giữ tại Apple".

Hơn một tháng sau ông ra đi mãi mãi. Cả nhân loại ngậm ngùi thương tiếc. Hoa, nến và táo (Apple nghĩa là quả táo) truy điệu ông tràn đầy bên ngoài trụ sở công ty và mọi chi nhánh của Apple trên toàn thế giới. Tổng thống Obama xúc động nói: « Michelle và tôi rất đau buồn khi biết tin Steve Jobs qua đời. Ông là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất nước Mỹ, ông ấy có đủ dũng khí để suy nghĩ một cách khác biệt, đủ mạnh mẽ để tin rằng mình có thể thay đổi thế giới, và đủ tài năng để thực hiện điều đó ». Doanh nhân huyền thoại M. Bloomberg nói: « Nước Mỹ đã mất đi một thiên tài, người sẽ được nhớ đến cùng với Einstein và Edison, người mà những ý tưởng của ông sẽ định hình thế giới trong nhiều thế hệ tiếp theo. » CEO công ty Samsung (đang khởi kiện Apple) ca ngợi Steve Jobs là « doanh nhân vĩ đại ».

Dưới đây là một bài báo viết từ tháng 9, trước khi Steve mất.

Ngày 24 tháng 8 năm nay, cả thế giới sửng sốt khi nghe tin Steve Jobs tuyên bố từ chức Giám đốc điều hành (CEO) công ty máy tính Apple. Truyền thông tất cả các nước đều bình luận về tin này với nhiệt tình có lẽ chẳng kém khi một Tổng thống Mỹ từ chức.

Steve Jobs là ai vậy ?

Ông thuộc vào số những doanh nhân tài ba lẫy lừng từng góp phần làm cho nước Mỹ luôn dẫn đầu thế giới trong hầu như tất cả các lĩnh vực công nghệ và sản xuất vật chất. Sau Henry Ford, Lee Iacocca, Roberto Goizuet, Bill Gates v.v…giờ đây tên tuổi Steve Jobs nổi lên hơn hết vào chính lúc ông rời bỏ vai trò lãnh đạo công ty Apple.

Ông là một huyền thoại đang sống cùng thời với chúng ta, một thiên tài có sức sáng tạo vô tận và tư duy luôn đi trước thời đại nhiều năm, người cầm lái công ty toả sáng nhất thế giới thời gian qua. Apple do ông lãnh đạo hiện nay là công ty có giá trị thị trường lớn thứ nhì toàn cầu và nhất thế giới trong số các công ty công nghệ cao (303 tỷ USD; so sánh : Microsoft 240 tỷ, IBM 184 tỷ ; số liệu đầu năm 2011) với 35 nghìn nhân viên trên khắp 5 châu. Apple mở ra một thời đại mới của công nghiệp thông tin (IT); các sản phẩm của họ đã ảnh hưởng tới phần lớn cư dân Trái Đất. Nhiều người nói họ ưa chuộng sản phẩm Apple chỉ vì họ yêu quý Steve Jobs.

Ông có đóng góp đặc biệt lớn trong lĩnh vực công nghệ IT nói chung và máy tính cá nhân nói riêng. Máy tính cá nhân quả là một trong những sáng chế vĩ đại nhất, có công dụng lớn nhất của thế kỷ XX. Giờ đây hàng tỷ người trên thế giới ngày ngày sử dụng máy tính cá nhân để làm việc, học tập, lên mạng Internet tìm kiếm thông tin hoặc để giải trí, thông tin liên lạc v.v… Bài báo này được viết trong niềm cảm phục Steve Jobs, bởi lẽ không có công cụ vạn năng ấy thì tác giả sẽ bó tay trong hầu hết công việc của mình.

Liều thuốc đắng cho « Người thay đổi cả thế giới từ ga-ra nhà mình »

Mẹ đẻ Steve Jobs là một nghiên cứu sinh sống độc thân. Để tiếp tục học, bà quyết định trao cậu bé cho một cặp vợ chồng nhận làm con nuôi với điều kiện họ phải cho Steve Jobs sau này được vào đại học. Tuy bố nuôi là một công nhân chưa học xong trung học phổ thông, nhưng khi Steve Jobs 17 tuổi vẫn được học tại trường đại học Reed có học phí đắt ngang với trường Stanford danh tiếng. Mới học được 6 tháng, vì không nỡ để cha mẹ nuôi tiêu hết số tiền họ ki cóp cả đời vào việc trả học phí cho mình, Steve Jobs thôi học, đi nhặt vỏ lon kiếm sống, sau đó dành tất cả thời gian cho việc nghiên cứu sáng chế chiếc máy tính cá nhân kiểu mới đang nung nấu trong đầu anh.

Năm 1976, Steven Jobs 21 tuổi cùng bạn là Steve Wozniak 26 tuổi thành lập công ty Apple Computer Inc. ngay trong garage của bố nuôi. Sau 10 năm, Apple từ chỗ chỉ có hai người phát triển thành doanh nghiệp có hơn 4000 nhân viên và giá trị sản phẩm 2 tỷ USD. Công ty tung ra thị trường máy tính Apple I và Apple II, là một trong những dòng máy tính cá nhân thành công thương mại đầu tiên trên thế giới. Nhờ thế khi Apple phát hành cổ phiếu (1980), hai nhà sáng lập công ty này trở thành tỷ phú.

Đầu năm 1984 Apple đưa ra một sản phẩm tuyệt vời có tiếng vang lớn là máy tính cá nhân Macintosh. Đây là loại máy tính cá nhân đầu tiên được thương mại hoá thành công với đặc điểm điều khiển bằng chuột.

Nhưng ngay năm sau Steve Jobs bị « đá » ra khỏi công ty do mâu thuẫn với John Sculley — nguyên Chủ tịch hãng Pepsi lừng danh thời gian 1978-1983 và được chính Steve Jobs mời về làm CEO Apple từ 1983.

Steve Jobs kể lại chuyện ấy như sau:

« Sao lại có chuyện một người bị chính công ty mình sáng lập hất mình đi nhỉ?
Câu chuyện là thế này. Cùng với sự lớn mạnh của Apple, chúng tôi thuê một anh chàng vốn dĩ được tôi coi là tài ba lỗi lạc đến cùng tôi quản lý Apple. Năm đầu tiên mọi việc suôn sẻ. Nhưng về sau hai chúng tôi bắt đầu có quan điểm khác nhau về tương lai phát triển của công ty…. Hội đồng Quản trị công ty đứng về phía anh ta. Vì thế nên năm 30 tuổi thì tôi bị hất ra khỏi Apple.

Tôi choáng váng khi thấy công sức cả quãng đời trưởng thành của mình bị tiêu tan. Mấy tháng đầu tiên tôi thực sự chẳng biết làm gì. Thậm chí tôi còn định rời khỏi Thung lũng Silicon nữa kia. Song dần dần tôi bắt đầu nhận thấy mình vẫn còn ưa thích các công việc cũ. Bước ngoặt sự kiện ở Apple không hề làm tôi suy suyển chút nào. Tuy bị người ta từ chối nhưng nhiệt tình của tôi vẫn còn đó. Tôi quyết định làm lại từ đầu.

Lúc đó tôi chưa nhìn ra, nhưng sự thật chứng tỏ việc tôi bị Apple sa thải lại chính là sự kiện tốt nhất với tôi. Bây giờ tôi hoàn toàn tự do tự tại bước vào thời kỳ có nhiều ý tưởng sáng tạo nhất trong đời mình.

Trong 5 năm tiếp theo, tôi sáng lập công ty NeXT rồi tiếp đó là công ty Pixar, và yêu Laurene, một phụ nữ tuyệt vời sau này trở thành vợ tôi. Pixar làm ra bộ phim hoạt hình đầu tiên trên thế giới được trợ giúp hoàn toàn bằng máy tính — phim Câu chuyện đồ chơi (Toy Story). Hiện nay Pixar là một trong các xưởng làm phim hoạt hình thành công nhất thế giới. Về sau Apple đã mua lại công ty NeXT. Tôi lại trở về Apple. Công nghệ chúng tôi từng nghiên cứu phát triển ở NeXT trở thành động lực chính thúc đẩy sự phục hưng công ty Apple…

Nếu Apple không hất tôi ra khỏi công ty thì mọi chuyện vừa kể đã không xảy ra. Đó là một liều thuốc đắng, nhưng tôi cho rằng bệnh nhân cần liều thuốc ấy. Cuộc đời như thế đấy, có lúc nó choảng một viên gạch vào đầu bạn. Nhưng chớ nên mất lòng tin. Tôi tin rằng sự yêu thích công việc của mình là lý do duy nhất luôn giúp tôi không ngừng tiến lên. Bạn cần phải tìm cho mình cái mình yêu thích. Và điều đó là đúng đối với công việc của bạn cũng như đối với người mà bạn yêu quý. Công việc sẽ choán hết phần lớn cuộc đời bạn. Cách duy nhất để ta toại nguyện là hãy làm cái ta tin là công việc lớn nhất. Và cách duy nhất để làm công việc lớn ấy là hãy yêu thích công việc mình làm.”

Trích dịch từ bài nói chuyện ngày 12/6/2005 của Steve Jobs tại lễ tốt nghiệp của sinh viên Đại học Stanford.

Sau khi sa thải Steve Jobs tài ba nhưng bị chê là quá hà khắc và quyết đoán, công ty Apple sa sút dần. Giá cổ phiếu Apple tụt xuống như diều đứt dây, công ty suýt nữa phá sản.

Ngược lại Steve Jobs bắt đầu thời kỳ ăn nên làm ra chưa từng thấy. Các phim hoạt hình của công ty Pixar thu được 3 tỷ USD tiền bán vé. Trong đó phim Toy Story (1995) và Finding Nemo (2003) được tặng giải thưởng của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ. Năm 2006 công ty Walt Disney bỏ ra 7,4 tỷ USD mua lại Pixar, Steve Jobs trở thành cổ đông lớn nhất của Walt Disney và là một trong những người giàu nhất nước Mỹ hồi ấy.

Steve Jobs giúp Apple hồi sinh

Năm 1993, sau 10 năm lãnh đạo Apple, John Sculley cuốn gói ra đi. Ba năm sau, công ty này dũng cảm đưa ra một quyết định đổi đời: bỏ ra 429 triệu USD mua lại công ty NeXT của Steve Jobs nhằm mời ông về làm CEO toàn quyền nắm vận mạng Apple.

Vị thuyền trưởng "mới" này đề xuất và thực thi chiến lược đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo các sản phẩm IT ngày một tốt hơn, tiện dụng hơn và tích hợp nhiều tính năng mới. Đầu tiên ông tập trung phát triển dòng máy tính iMac. Chủ trương này chẳng những đã cứu Apple thoát khỏi cảnh phá sản mà còn làm rung chuyển thị trường máy tính cá nhân cuối thập niên 90.

Quý IV năm 1998, công ty Apple thu lãi ròng hơn 100 triệu USD, một thành tích khiến giới IT lác mắt. Steve Jobs tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tạo nên một trào lưu công nghệ IT mới với những sản phẩm luôn được cải tiến về công nghệ và kiểu dáng.

Dự đoán được nhu cầu cực lớn của thị trường về sản phẩm xử lý đồ hoạ, ảnh, nghe nhạc, xem phim, lên mạng và điện thoại di động, Apple dưới sự lãnh đạo của Steve Jobs đã đi đầu đưa âm nhạc số vào dòng tiêu thụ chính, cách mạng hoá công nghiệp điện thoại di động và gần đây nhất làm chấn động thị trường máy tính bảng (tablet).

Tháng 10/2001, Apple tung ra thị trường máy nghe nhạc nén nhãn hiệu iPod. Sau nhiều lần cải tiến, tới năm 2006, iPod là máy nghe nhạc số phổ biến nhất ở Mỹ, chiếm hơn 70% thị phần và Apple đã bán được 42 triệu chiếc iPod.

Năm 2007, Apple đưa ra sản phẩm điện thoại di động thông minh (smartphone) nhãn hiệu iPhone và màn hình chạm tay Touch. Năm sau họ lại làm thiên hạ ngạc nhiên với sản phẩm máy tính xách tay Macbook Air siêu mỏng, tới mức một anh chàng người Nhật đã thử dùng cạnh máy này để bổ quả táo (xem ảnh) . Năm 2009, Apple công
bố iPhone 3GS, Nano5, Touch 3. Năm 2010 — máy tính bảng iPad và điện thoại iPhone 4. Năm nay Apple chào bán iPad2. Tạp chí tiêu dùng nổi tiếng của Mỹ Consumer Reports nhận xét đây là mẫu máy tính bảng hàng đầu, có thể đánh bại bất kỳ đối thủ nào cùng loại.

Chiếm lĩnh thị trường điện thoại di động là chiến lược đặc biệt thành công của Apple, vì đây là sản phẩm IT được tiêu thụ nhiều chưa từng thấy, hầu như mỗi người trên thế giới đều dùng tới, từ em học sinh cho đến cụ già nghỉ hưu, nhiều người thay điện thoại di động như thay áo.

iPhone là một điển hình của sự sáng tạo. Ngoài tính năng điện thoại, nó còn được trang bị màn hình cảm ứng, máy chụp ảnh, khả năng chơi nhạc và chiếu phim (tương tự iPod), trình duyệt web,...Tiếp theo là iPhone 3G (7/2008) có thêm hệ thống định vị toàn cầu GPS, mạng 3G tốc độ cao, rồi đến iPhone 3G S (6/2009, S là Speed tức Tốc độ) có tính năng vượt trội vì được trang bị bộ vi xử lý tốc độ gấp gần 1,5 lần so với iPhone 3G, bộ nhớ trong lên đến 32 GB, máy ảnh số 3.15 Mp, tích hợp la bàn số và hàng loạt tính năng được nâng cấp như tốc độ Wi-Fi, thời gian dùng pin v.v...

Iphone 4 (6/2010) được thiết kế mỹ quan hơn và có chức năng quay phim HD, màn hình Rétina tốt hơn hẳn các màn hình đời trước và có chức năng FaceTime (gọi và thấy hình người đối thoại qua Wi-Fi). Mới đây Apple lại giới thiệu iPhone 4S.

Tháng 8/2007, Apple tung ra thị trường dòng máy tính để bàn iMac “tất cả trong một” mỏng hơn, đẹp hơn và cấu hình mạnh hơn nhiều các phiên bản cũ, được thiết kế từ nhôm và kính chứ không làm bằng plastic như các dòng máy khác. Dòng máy iMac ra đời năm 2010 được coi là máy tính hiện đại nhất, với bàn phím không dây và chuột Magic làm cho máy trở nên gọn gàng, thanh thoát dễ coi.

Cho tới nay chưa một công ty IT nào làm được như Apple của Steve Jobs — luôn luôn đổi mới sản phẩm, làm cho người tiêu dùng toàn thế giới không ngừng đi từ ngạc nhiên thú vị này tới ngạc nhiên thú vị khác. Từ Macintosh đến iPod, từ iTunes đến iPhone… Steve Jobs đã tạo ra nhiều sản phẩm IT độc đáo mang thương hiệu của riêng ông và làm thay đổi thế giới IT.

Tuy thu được thành công lớn về máy tính cá nhân nhưng Steve Jobs đã thấy trước sản phẩm này sẽ phải nhường chỗ cho máy tính bảng và điện thoại thông minh. Từ tháng 6/2010, ông đã nhắc đến thời kỳ hậu máy tính cá nhân khi máy tính cá nhân bị coi là cỗ xe tải cồng kềnh chỉ dùng cho các việc nặng nhọc còn máy tính bảng là chiếc xe con sang trọng ai cũng cần. Apple ngừng sản xuất máy tính cá nhân. Quyết định này cho thấy Steve Jobs có tầm nhìn chiến lược xa tới mức nào.

Thành công vang dội của các sản phẩm được ưa chuộng kể trên đã giúp Apple tăng doanh số với tốc độ gấp 3 lần toàn ngành công nghiệp IT. Nhờ thế cổ phiếu Apple nhanh chóng lên giá, từ khoảng một vài USD năm 1996 lên tới 400 USD năm ngoái. Apple trở thành doanh nghiệp công nghệ cao có giá trị lớn nhất toàn cầu. Hiện nay Apple có trữ lượng tiền mặt lên tới 76,4 tỷ USD, hơn cả tổng dự trữ tiền mặt của Bộ Tài chính Mỹ (73,7 tỷ).

Nhân tố quyết định : tư duy chiến lược đúng đắn

Điều kỳ lạ là những tiến bộ ấy diễn ra trong tình hình cơ chế tổ chức, đội ngũ nghiên cứu triển khai và tiếp thị của Apple không có thay đổi lớn. Hầu như với bộ máy và những nhân viên cũ, nhưng Apple từ sắp phá sản đã đi tới thành công rực rỡ.

Khi một người mới được bổ nhiệm làm CEO, việc đầu tiên họ thường làm là thay đổi cơ cấu tổ chức công ty, thay hết những nhân viên họ không ưa chuộng. Tóm lại là xáo tung tất cả.

Nhưng Steve Jobs thì tập trung toàn bộ sức mình vào việc nghiên cứu phác thảo chiến lược phát triển sản phẩm. Với đầu óc sáng suốt, với tầm nhìn bao quát thấy trước xu thế của thời đại, nhu cầu của thị trường, các sản phẩm ông đưa vào kế hoạch nghiên cứu triển khai đều đáp ứng tốt nhất sở thích của người tiêu dùng, nhờ thế Apple đã thắng trong cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các công ty IT.

Câu chuyện Steve Jobs khiến cả thế giới càng thấy rõ một sự thực: phẩm chất của người lãnh đạo là nhân tố chính quyết định sự thành bại của một cộng đồng, dù đó là một công ty hay một quốc gia. Nhà tư tưởng R.W. Emerson rất đúng khi nói: “Một cộng đồng chỉ cần có một người thông thái thì tất cả mọi người sẽ trở nên thông thái nhờ sức cảm hoá của người đó.” Thành công của Apple chứng tỏ nhà lãnh đạo giỏi phải đưa ra được chiến lược đúng, có tầm nhìn xa. Chiến lược sai, tầm nhìn thiển cận thì công ty hoặc quốc gia đó vẫn thất bại cho dù có bộ máy thực hiện giỏi, có cơ sở vật chất-công nghệ mạnh.
Steve Jobs là một anh hùng kiểu Mỹ, tức loại người từng trải nhiều gian truân mà vẫn đứng vững. Trong tiểu thuyết Ông già và biển cả, Hemingway từng viết: Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh ngã. Thập niên 70, Steve Jobs sáng lập Apple, mở ra trào lưu máy tính cá nhân làm thay đổi cả một thời đại, nhưng khi lên tới đỉnh cao thì ông bị hất xuống vực thẳm. Tuy thế ông vẫn đứng thẳng và chỉ 12 năm sau, Steve Jobs tái tạo thời đại thứ hai mang tên mình. Cuộc đời huyền thoại ấy kết hợp « 3 trong 1 » : con người công nghệ IT, con người nhân văn và con người doanh nhân, rất đáng để mọi người suy ngẫm.

Cũng nên biết thêm là hiện nay Steve Jobs nắm 7,4% cổ phần hãng Disney (138 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 4,5 tỷ USD; do kết quả bán hãng Pixar năm 2006); nhưng ông chỉ nắm 0,5% cổ phần của Apple (5,5 triệu cổ phiếu, khoảng 2,1 tỷ USD). Tài sản cá nhân ông lên tới 8,3 tỷ USD. Ngoài ra ông còn là một tín đồ đạo Phật kể từ sau chuyến thăm Ấn Độ hồi trẻ.

Dấu ấn Steve Jobs

Do sức khoẻ sút giảm sau 8 năm bị bệnh ung thư tuyến tụy quái ác hành hạ, vị thuyền trưởng 56 tuổi ấy buộc phải nhường tay lái cho người ông lựa chọn. Steve Jobs chỉ còn giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Apple.

Dư luận phổ biến cho rằng Steve Jobs tuyên bố từ chức CEO Apple là tin tồi tệ nhất đối với công ty này, sức mạnh của Apple sẽ sa sút dần, cổ phiếu Apple sẽ sụt giá thảm hại.
Nhưng dường như câu chuyện lại không như vậy.

Theo bài 6 thông tin bất ngờ về Steve Jobs và Apple của Matt Nesto phát đi ngay sau hôm Steve Jobs từ chức thì cổ phiếu Apple không hạ xuống mà lại tăng lên: 49 trong sô 51 nhà phân tích hiện nay đồng loạt đánh giá là nên "mua" với mức giá trung bình 497 USD cho một cổ phiếu của Apple, tức cao hơn khoảng 32% so với giá đóng cửa ngày 24/8. Tin gây sốc của Jobs không hề bị đáp ứng bằng một cuộc hạ giá và bán tháo cổ phiếu Apple, mà thay vào đó là một điệp khúc hợp xướng các cuộc gọi mua vào cổ phiếu này.

Nên nhớ giá IPO của Apple chỉ là 2,75 USD và trên thực tế ngày 12/12/1980 đã giao dịch với giá 22 USD. Như vậy những người sớm đầu tư vào Apple lãi gấp hơn 20 lần! Thực ra từ 18/3/2009 cổ phiếu Apple đã không giao dịch với giá dưới 100 USD.

Thông tin bất ngờ nói trên cho thấy dưới sự dẫn dắt và đào tạo của thuyền trưởng tài ba Steve Jobs, công ty Apple đã có nền tảng vững chắc để đủ sức tiếp tục tiến lên.

Vả lại Tim Cook, nhân vật mới được cử làm CEO của Apple từng là người thay thế rất tốt cương vị của Steve Jobs trong mấy lần trước ông tạm rời công việc vì ốm đau (năm 2004 phẫu thuật cắt khối u tuyến tụy, năm 2009 phẫu thuật ghép gan). Thực tế cho thấy trong thời gian đó Apple vẫn hoạt động rất khởi sắc không hề sa sút.

Chính Steve Jobs khi từ chức cũng nói : "Tôi tin rằng những ngày tươi sáng và nhiều đổi mới đang ở phía trước chúng ta, và tôi nóng lòng được chứng kiến, đóng góp vào những thành công của công ty trong một vai trò mới. Trong thời gian làm việc tại Apple, tôi đã có được những người bạn tốt của đời mình. Xin gửi lời cảm ơn tới tất cả mọi người vì những năm tháng đã sát cánh bên nhau".

Jack Gold, Chủ tịch J. Gold Associates, nhấn mạnh "Apple đang chạy khá tốt" ; với việc làm mới các dòng iPhone và iPad, Apple sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường trong ít nhất vài năm tới.

Huyền thoại Steve Jobs vẫn sẽ dẫn dắt công ty Apple tiếp tục toả sáng trên thị trường IT.

Nguyễn Hải Hoành 9/2011


"Steve Jobs là CEO thành công nhất tại Mỹ trong suốt 25 năm qua. Ông đã kết hợp sự nhạy cảm của nghệ sĩ với tầm nhìn của kỹ sư theo cách chỉ riêng mình làm được, và tạo nên một công ty vô cùng đặc biệt. Jobs thực sự là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ". — Eric Schmidt Chủ tịch Tập đoàn Google.

"Tầm nhìn xa trông rộng và tài năng lãnh đạo của Steve đã đưa Apple trở thành công ty có nhiều đổi mới và giá trị nhất thế giới. Những đóng góp của Steve là không thể đong đếm được." — Art Levinson, thành viên Ban lãnh đạo Apple.