Phong trào « chiếm Phố Wall » phản đối giới tài phiệt Mỹ lan rộng

Khởi phát tại New York từ ngày 17 tháng 9, làn sóng biểu tình phản đối sự lạm dụng của các tập đoàn tài chính Phố Wall đã bước sang tuần thứ ba liên tiếp và đang lan rộng ra khắp nước Mỹ, bất chấp việc hàng trăm người đã bị bắt giữ.

Theo Reuters, đến giờ các cuộc biểu tình tương tự như ở Phố Wall, New York bắt đầu xuất hiện từ Los Angeles đến Boston, qua Chicago tới St. Louis và tới tận Florida. Tại thành phố Chicago, bang Illinois, hàng trăm người tụ tập trước trụ sở Chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong tiết trời bắt đầu lạnh. Các cuộc biểu tình cũng tiếp tục lan tới khu buôn bán sầm uất ở Boston (Massachusetts) và San Francisco (California). Tại nhiều nơi người biểu tình dựng lều, cắm trại tại các khu vực công cộng. Ngày mai dự kiến một cuộc tập hợp lớn với nội dung tương tự sẽ được tổ chức tại thủ đô Washington.


Phong trào « chiếm Phố Wall » (Occupy Wall Street) tại Los Angeles, California, ngày 03/10/2011. Reuters

Các cuộc biểu tình bày tỏ bất bình với giới tài phiệt ban đầu còn rời rạc nay đã trở nên có tổ chức hơn. Nhiều công đoàn ủng hộ và gia nhập phong trào. Công đoàn ngành giao thông còn yêu cầu thẩm phán Liên bang cấm cảnh sát trưng dụng xe bus để chuyên chở những người biểu tình bị bắt giữ. Nhiều nghiệp đoàn các ngành nghề khác nhau ở khắp nơi cũng kêu gọi biểu tình qua các trang mạng xã hội.

Đặc biệt, ngày hôm qua phong trào còn nhận được tiếng nói cảm thông của chính Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đại tài phiệt Ben Bernanke. Tại Washington Bernanke nói là ông thông cảm với một số yêu sách của người biểu tình trong phong trào « chiếm Phố Wall ».

Các cuộc biểu tình với mô hình tổ chức linh hoạt tiếp tục diễn ra. Thông điệp chính của những phong trào là lên án chính sách của giới chủ ngân hàng và các tài phiệt gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008, khiến hàng triệu người Mỹ và các nước ảnh hưởng bị mất công ăn việc làm và hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo.

Tổng thống Barack Obama ký ban hành luật tài chính tạm thời

Theo AFP, hôm nay, 05/10, tổng thống Mỹ Barack Obama đã ban hành luật ngân sách tạm thời để chi phí cho các hoạt động của nhà nước liên bang cho tới 18 tháng 11.

Thông cáo của Nhà Trắng xác nhận tổng thống Mỹ đã ký ban hành luật, nhằm tránh làm tê liệt các cơ quan hành chính vì chưa có ngân sách.

Sau khi đạt được thoả hiệp giữa hai phe Dân chủ và Cộng hoà và được Thượng viện bật đèn xanh, hôm qua Hạ viện đã thông qua bộ luật ngân sách tạm thời này với 352 phiếu thuận, 66 phiếu chống.

Đến sát ngày 18 tháng 11, tức là ngày luật hết hạn hiệu lực, các nghị sĩ lại phải thoả thuận với nhau một luật ngân sách mới.

Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang suy thoái như hiện nay thì các luật ngân sách tạm thời, dù thời hạn hiệu lực chỉ kéo dài vài tuần, cũng vẫn luôn là chủ đề tranh cãi gay gắt giữa hai phe Cộng hoà và Dân chủ tại Quốc hội mà cốt lõi vẫn là vấn đề mức chi tiêu ngân sách Liên bang.

Source: Anh Vũ (RFI)

46,2 triệu người Mỹ thuộc diện nghèo đói

Tuần trước, các số liệu điều tra dân số chính thức cho biết, cứ 6 người Mỹ thì có 1 người sống trong cảnh nghèo đói. Tổng cộng có 46,2 triệu người Mỹ thuộc diện nghèo đói. Tỷ lệ người nghèo ở Mỹ hiện là 15,1%, cao hơn bất cứ nước nào thuộc nhóm công nghiệp phát triển. Nhiều chuyên gia cho rằng, con số này còn tiếp tục tăng...

...Cuộc biểu tình Phố Wall lấy cảm hứng từ phong trào nổi dậy Mùa xuân Arab nhằm hối thúc Tổng thống Mỹ Barack Obama thành lập một ủy ban chấm dứt sự chi phối của đồng tiền đến các vấn đề chính trị, đồng thời “là một biểu tượng của sự bất mãn với bối cảnh kinh tế và chính trị hiện nay”. Trong bài phát biểu gần đây ở Cleveland, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết, nước Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khi tỷ lệ thất nghiệp trên 9% kể từ tháng 4-2009.

Những định chế tài chính hiện tại của nước Mỹ được đánh giá là chỉ mang lại lợi ích cho người giàu và đẩy gánh nặng thuế má sang những người thuộc tầng lớp trung lưu hoặc nghèo khó. Tháng trước, ngay khi xảy ra cuộc biểu tình đầu tiên trên Phố Wall, Tổng thống Mỹ B.Obama đã đưa ra đề xuất tăng thuế với người giàu nhằm bảo đảm những nhà triệu phú sẽ đóng một mức thuế tối thiểu bằng với tầng lớp trung lưu hay còn gọi là thuế “Buffett” do tỷ phú Warren Buffett đề xuất. Tuy nhiên, theo đa số công dân Mỹ, để giảm được khoảng cách giàu - nghèo hiện nay, tăng thuế thu nhập của giới nhà giàu là chưa đủ. Sự bất bình đẳng nghiêm trọng nhất tại Mỹ không phải là thu nhập mà là tài sản. Nhóm 1% những người giàu nhất nước Mỹ kiếm tương đương 21% thu nhập quốc gia, nhưng sở hữu tới 35% tổng tài sản quốc gia. Chính phủ Mỹ cần áp thuế trực tiếp lên tài sản của giới nhà giàu. Trên thực tế, từ năm 2008, Pháp, Na Uy, Thụy Sĩ và 5 quốc gia khác thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) đã áp dụng loại thuế này.

Source: Tiến Tùng (ANTĐ)