Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Ẩm thực > Rau quả > Thực phẩm biến đổi gen: Hãy đi chậm và thận trọng

Thực phẩm biến đổi gen: Hãy đi chậm và thận trọng

Thứ Sáu 14, Tháng Mười 2011


Bắp biến đổi gen đã xâm nhập nhiều thị trường - Ảnh: Thescientist Gardener

“Những loại giống mà bao đời đã dùng sẽ bị gạt ra khỏi danh sách nuôi trồng. Hãy thử tưởng tượng làm thế nào để giải phóng đất nước khỏi sự xâm phạm đó?" - ông Jeffrey Smith, một chuyên gia về sản phẩm biến đổi gen (BĐG), tác giả cuốn Những hạt giống lừa gạt (Seeds of deception), phó giám đốc Viện Công nghệ có trách nhiệm (Mỹ), nói với TTCT về câu chuyện thực phẩm BĐG.

Ông Jeffrey Smith - Ảnh: Hương Giang

Jeffrey M. Smith là tác giả của hai cuốn sách về sản phẩm BĐG là Những hạt giống lừa gạt (Seeds of deception) và Canh bạc gen (Genetic roulette). Trong đó, tác giả giới thiệu những bằng chứng cho thấy cây trồng, vật nuôi BĐG có thể dẫn tới những thảm hoạ về môi trường và sức khoẻ. Smith hiện là một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ trong quá trình vận động người tiêu dùng và Chính phủ Mỹ thận trọng với sản phẩm BĐG.

Hiện nay, ông cùng các đồng nghiệp đang vận động Chính phủ Mỹ ra quy định về dán nhãn sản phẩm BĐG cũng như nâng cao nhận thức công chúng về ảnh hưởng của sản phẩm BĐG. Đầu tháng 6-2011, ông được Liên hiệp Hội các tổ chức hữu nghị VN và Quỹ hoà bình và phát triển mời sang VN để nói chuyện về chủ đề này.

Ông Smith nói: Thực phẩm BĐG là thực phẩm có được nhờ việc đưa ADN của một loại, có thể là vi khuẩn, virut, động vật hay con người, vào ADN của cây trồng, vật nuôi khác để tạo ra giống cây trồng, vật nuôi mới. Bản thân quá trình BĐG này tạo ra nhiều tác hại và tác dụng phụ không lường trước được. Không may là hiện nay người ta chưa đánh giá đầy đủ các tác dụng phụ trước khi đưa thực phẩm BĐG vào thị trường.

Các tác dụng phụ đó bao gồm dị ứng, ngộ độc, gây rối loạn dinh dưỡng, một số bệnh tật... Việc đậu nành BĐG gây dị ứng với tỉ lệ cao gấp bảy lần so với đậu nành truyền thống là một ví dụ.

* Theo ông, đâu là lý do thực phẩm BĐG vẫn có mặt trên thị trường thế giới?

- Động cơ ở đây là đồng tiền. Chẳng hạn ở Mỹ có chiến dịch khổng lồ để quảng bá thực phẩm BĐG. Cục Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) năm 1992 tuyên bố họ không nhận thấy có sự khác biệt lớn trong thực phẩm BĐG. Hậu quả là không có quy định nào về kiểm nghiệm hay dán nhãn sản phẩm. Hay Monsanto, công ty từng nói dối về chất độc da cam, cũng tuyên bố sản phẩm BĐG của họ an toàn.

Bảy năm sau đó, một vụ kiện đã hé lộ 44.000 ghi chép mật của FDA cho thấy chính sách của họ đã dựa trên những lời nói dối. Chính các nhà khoa học của FDA đã nghiên cứu thấy thực phẩm BĐG không chỉ khác biệt mà còn nguy hiểm. Họ đã yêu cầu người phụ trách tiến hành những kiểm nghiệm dài hạn nhưng đã bị lờ đi.

Nhiều nhà khoa học độc lập có các nghiên cứu quan trọng về vấn đề này nhưng khi phát hiện các tác hại của thực phẩm BĐG, họ thường bị tấn công bằng cách cho nghỉ việc, đe doạ, gây áp lực để không tiến hành nghiên cứu tiếp.

* Cụ thể các nghiên cứu đó đã cho thấy tác hại gì?

- Ví dụ khi chuột trong phòng thí nghiệm được cho ăn đậu nành hay bắp BĐG, các nhà nghiên cứu phát hiện có thay đổi chức năng gen trong phôi thai của chuột, hoặc biến đổi trong bộ phận sinh dục và một số rối loạn khác như mọc lông trong miệng, chuột con sinh ra nhỏ hơn thông thường... Nhiều nghiên cứu tương tự đã được tiến hành ở Nga, Ý, Áo, Brazil... Chúng tôi cũng thấy nhiều báo cáo từ những người nông dân cho biết sản phẩm BĐG cũng ảnh hưởng gây hại đến sức khoẻ sinh sản vật nuôi của họ.

Kể từ khi sản phẩm BĐG có mặt ở Mỹ năm 1996, nhiều vấn đề sức khoẻ sinh sản của con người cũng xuất hiện thêm. Chúng ta chưa thể khẳng định thực phẩm BĐG gây ra tác động đó vì chưa có giám sát và đánh giá tác động, nhưng rõ ràng nhiều người tin rằng thực phẩm BĐG đóng góp vào việc dị ứng, ngộ độc thực phẩm gia tăng.

* Ở châu Âu dường như có cách tiếp cận thận trọng về thực phẩm BĐG. Một số nước cho phép nhập khẩu thực phẩm BĐG nhưng không cho sản xuất trong nước, Nga đã tuyên bố thực phẩm BĐG có tác hại. Tại sao Mỹ lại có cách tiếp cận cởi mở hơn?

- Trước đây, hầu hết người Mỹ không nhận thức được họ đang ăn thực phẩm BĐG. Hiện nay, nhận thức đó đang thay đổi và ngày càng có nhiều người phản đối. Chúng tôi dự báo rằng chính người tiêu dùng sẽ buộc các công ty cung cấp thực phẩm phải loại bỏ thực phẩm BĐG. Theo tôi, chính lựa chọn của người tiêu dùng sẽ quyết định sự tồn tại hay không tồn tại động thực vật BĐG (GMO).

* Một trong những lập luận của phe ủng hộ thực phẩm BĐG là nó đảm bảo vấn đề an ninh lương thực của thế giới. Ông nhận định thế nào về ý kiến này?

- Điều này chỉ mang tính huyễn hoặc. Công nghệ BĐG không phải là công nghệ phù hợp để đáp ứng an ninh lương thực. Khoảng 400 nhà khoa học ở trên 60 nước, cùng với sự tham gia của Tổ chức Y tế thế giới, Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới... đã có một phân tích toàn diện, cho thấy GMO không phải là giải pháp để nuôi thế giới này vì nó không tạo ra nền nông nghiệp bền vững và cũng không giúp ứng phó biến đổi khí hậu.

* Tại VN, thực phẩm BĐG đã xuất hiện trên thị trường. Ông có gợi ý gì cho việc tiếp cận thực phẩm BĐG ở VN?

- Theo tôi, Chính phủ cần có cách tiếp cận chậm và thận trọng vì điều này liên quan tới quyền tự chủ về thực phẩm, an ninh lương thực, sức khoẻ của dân chúng, môi trường, vật nuôi, các loại gen của tương lai. Tôi cho rằng các nghiên cứu cần tiếp tục tiến hành trong phòng thí nghiệm vì khi gen mới được sử dụng ở bên ngoài thì sẽ không thể đảo ngược được.

Tôi nghĩ sẽ cần có rất nhiều nghiên cứu trước khi sản phẩm BĐG được đưa ra thị trường và đưa vào chuỗi cung cấp thực phẩm. Hiện một số công ty, chẳng hạn như Monsanto, đang kêu gọi “các nước sẽ bị tụt lại đằng sau nếu không áp dụng GMO”. Điều này thuần túy là chiêu marketing. Nhiều nước đang gánh chịu hậu quả vì tin vào điều đó.

Khi đặt câu hỏi “đâu là mối quan tâm lớn nhất của bạn” thì thông thường, ở các nước khác, câu trả lời là “sức khoẻ”. Ở VN, mặc dù sức khoẻ là vấn đề rất quan trọng nhưng hầu hết mọi người lại trả lời là “chủ quyền”. Họ nói về lịch sử hơn 2.000 năm đấu tranh giành độc lập của VN. GMO cũng là một mối đe doạ đối với chủ quyền và nó khác với mọi thứ các bạn đã gặp.

Người nông dân sẽ không có đủ năng lực để có giống riêng, sẽ phải mua hạt giống từ các tập đoàn. Những loại giống mà bao đời đã dùng sẽ bị gạt ra khỏi danh sách nuôi trồng. Hãy thử tưởng tượng làm thế nào để giải phóng đất nước khỏi sự xâm phạm đó?

Cho dù không trồng cấy các giống cây BĐG nữa nhưng sẽ không thể nào loại bỏ được loại gen đã bị biến đổi đó. Một khi đã ra đời, gen không thể bị loại bỏ khỏi vốn gen. Do đó, tôi mới đề nghị cách tiếp cận chậm và thận trọng.

HƯƠNG GIANG thực hiện (TT)

Vụ kiện “Củ cải đường”

Tranh cãi ở Mỹ chủ yếu xung quanh cây củ cải đường BĐG. Bộ Nông nghiệp Mỹ có trách nhiệm phải tiến hành nghiên cứu tác động môi trường trước khi cho phép trồng cây BĐG. Tuy nhiên điều này đã không được tiến hành với cây củ cải đường. Sau vài năm loại cây này được trồng, một số tổ chức quan ngại đã kiện Bộ Nông nghiệp để yêu cầu bộ này tiến hành nghiên cứu tác động môi trường.

Vào tháng 8-2010, một thẩm phán quận ở California (thẩm phán Jeffrey White) đã tạm dừng việc trồng các giống cây củ cải đường BĐG cho đến khi Bộ Nông nghiệp có được báo cáo tác động môi trường.

Tháng 9 cùng năm, Bộ Nông nghiệp cho phép trồng các giống củ cải đường BĐG. Điều này vi phạm lệnh của thẩm phán White nên trong một vụ kiện khác được tiến hành vào tháng 12-2010, thẩm phán White ra lệnh dỡ bỏ những hạt giống củ cải đường BĐG đã được trồng.

Năm 2004, hạt Mendocino (California) trở thành hạt đầu tiên ở Mỹ cấm sản xuất GMO.

Đức cấm việc trồng và bán bắp BĐG vào tháng 4-2009. Ngoài hai nước là Pháp và Đức, các nước châu Âu khác cấm trồng và bán GMO là Áo, Hungary, Hi Lạp và Luxembourg.

Công chúng Nhật Bản nhìn chung không ủng hộ thực phẩm BĐG, cả trên khía cạnh sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu. Tuy nhiên sự thụ phấn chéo vẫn xảy ra thường xuyên vì Nhật Bản nhập khẩu hạt cải dầu BĐG từ Canada. Do đó, các nhóm vận động đã lên tiếng rằng các sản phẩm BĐG nhập khẩu có thể gây hại cho đa dạng sinh học và gây tổn hại không thể đảo ngược.

Các nhóm hoạt động ở Nhật Bản đã ngăn được việc nhập khẩu hạt cải dầu từ Canada.