Lê Thiết Cương

Miếng cháy

Lê Thiết Cương

Nhân lúc không ai để ý, tôi lao xẻng vào thành chảo, xúc ra một tảng cháy, hất xuống cái mũ cối để ngửa sẵn, ung dung đội lên đầu đi ra sau bếp. Chậm vài giây cậu phụ bếp đổ nước vào để ngâm chảo thì hỏng bét cả. Anh bạn tôi đã đợi sẵn ở đó, theo lệ. Anh thoáng thất vọng khi thấy tôi tay không. Bước đến trước mặt anh, tôi làm động tác chào, gập người, cái mũ rơi xuống, tôi đỡ bằng mu bàn chân rồi hất lên, anh ôm gọn cái mũ cháy, cười tươi, bẻ ngay một miếng nhai ngon lành. Tôi đang vội chạy về bếp để bê cơm lên nhà ăn cho kịp giờ đánh kẻng mà anh còn cố níu lại đùa một câu: “Kẻ địch tớ cũng chả sợ, chỉ sợ mỗi đói thôi”.

Những kỷ niệm lúc đói khổ thì sao lại nhớ dai và dễ làm người ta gắn bó đến thế?

Tôi ra quân trước anh, về đến nhà được phường gọi lên, ưu tiên cho đi xuất khẩu lao động ở Bulgari. Ba năm đánh vèo cái đã hết mà chả học được nghề gì cụ thể. Đủ sống và đủ tiền khi về mua ít bánh kẹo làm quà cho gia đình.

Thế là lại nhẩn nha kiếm cơm, kiếm cháo qua ngày. Phụ giúp mẹ làm nhang và in tiền âm phủ, phụ em làm kẹo lạc, bánh đậu xanh đi giao ở mấy quán trà xu vỉa hè.

Hôm đó là rằm tháng bảy, tôi khoác một bị tiền vàng, hương nhang, oản đi bán rong loanh quanh chùa Quán Sứ. Chừng hơn mười giờ đêm, khi đã vơi non nửa bị thì tôi vớ được một khách hàng đặc biệt, anh bạn cũ hồi bộ đội.

Mừng mừng tủi tủi, người bán không thiết bán mà người mua cũng chả buồn mua nữa. Anh lôi tôi vào một cái quán ở gần đó. Tha hương ngộ cố tri. Chúng tôi cạn chén mừng ngày gặp lại.

Sau khi tôi ra quân, anh chuyển đến một đơn vị khác trên Nghĩa Lộ. Vừa mau mồm, vừa láu lỉnh, anh là người quan hệ rộng. Anh kể: “Trước khi xuất ngũ, mình có chơi với một đám lục lâm thảo khấu ở vùng đó. Lũ này kiêm thêm chạy đá đỏ. Biết tin mình sắp hết hạn nghĩa vụ quân sự, tụi nó nhờ làm chân đại diện tại Hà Nội. Lúc đầu mình cũng chỉ định kiếm chút để đủ cơm ăn, học tiếp đại học thế mà không ngờ tiền vào lúc nào mà nhanh thế. Thực ra thì vốn liếng của mình chỉ là ở ba tấc lưỡi thôi. Chẳng có gì đắt, cũng chẳng có gì rẻ, dụng khẩu làm sao để khách thấy hợp lý là thắng”. Tôi đã hơi ngà ngà nhưng vẫn cố gắng nhập tâm câu này để ứng dụng vào việc bán hàng giúp mẹ. “Nói để cậu mừng, bây giờ mình đang làm chủ một cơ sở buôn bán, chế tác đá quý. Chẳng nhỏ mà cũng chẳng to. Việc lễ bái cầu xin là trách nhiệm của tay phó nhưng hôm nay cậu ta về quê đưa đám ông chú, mình đi thay hoá ra may mắn được gặp lại cậu”. Anh vừa bốc đồ nhắm, vừa nhắc lại chuyện miếng cháy rồi cười ngặt nghẽo, “bọn mình thật có lỗi với tổ chăn nuôi của trung đoàn”. Khi chia tay anh bảo: “Ngày mai cậu rẽ qua chỗ mình, nếu ưng thì ở lại làm”.

Thế là làm, công việc cũng chẳng có gì nặng nhọc, chỉ giao hàng rồi nhận tiền chứ chuyện chuyên môn thì quả là rối rắm. Tôi không thể phân biệt được đá nào màu máu bồ câu, thế nào là màu hoa mười giờ. Chưa kể một vài thao tác chuyên ngành khác.

Hôm nọ chúng tôi đi công vụ đặc biệt, khi anh nháy mắt ra hiệu cho khách xem hàng thì tôi mới giật mình. Đáng lẽ khi lấy hàng từ két, tôi phải nhét ngay mấy viên xanh xanh đỏ đỏ của nợ đó vào mồm, giấu dưới lưỡi chứ không phải để trong túi áo ngực, và khi được lệnh thì nhè ra. Đơn giản đến vậy mà tôi không thuộc. Loanh quanh vẫn chuyện miệng lưỡi. Tôi bắt đầu chán nghề đá quý. Thuyết phục mất tuần lễ anh mới để tôi nghỉ.

Cuối năm, bánh kẹo bán chạy, lúc nào chân cũng vắt lên cổ. Bẵng đi ba tháng không gặp nhau. Một hôm, tự nhiên thấy sốt ruột, tôi chạy lại thăm, hoá ra anh bị ốm. Anh thò đầu ra khỏi chăn thều thào: “Không hiểu mình bị bệnh gì. Mấy tay bác sĩ quen, khám xong lắc đầu quầy quậy, kê một đơn toàn thuốc bổ bảng A. Mình lên phố Lãn Ông bắt mạch, cụ lang Tuất phán: trong người có quá nhiều chất độc, thận hư, tâm hoả suy. Cụ ép mỗi ngày mình phải uống ba lít nước râu ngô luộc”. Tôi ngồi tào lao, động viên anh quá trưa mới về. Đi đến đầu phố, nghĩ thế nào, tôi quay ngoắt lại, nháy nháy mắt rồi nói: “Còn một loại thuốc nữa chưa dùng”.

Anh bạn tôi vốn là người vô thần nhưng nước cùng cũng đành tặc lưỡi theo tôi đi xem bói. Vị thầy bói này khá nổi tiếng cả trong giới bác học lẫn bình dân. Cánh bình dân thích vì thù lao tuỳ tâm, cánh bác học thích vì được kéo về đời sống. Chúng tôi đến nơi phải xếp hàng một lúc lâu mới tới lượt. Mỗi lượt là ba người vào, tuần tự, ai đến trước xem trước, không chen lấn xô đẩy. Lượt của bạn tôi gồm hai người nữa, một cô gái trẻ và một ông trung niên đội mũ bêrê màu tím than. Tôi ngồi chầu rìa nghe câu được câu chăng, cô gái hỏi dài dòng về chuyện tình duyên, ông trung niên sốt ruột chuyện tài lộc.

Đến lượt bệnh nhân của tôi, anh được chỉ dẫn nắm chặt ba đồng tiền Khải Định trong tay một lát rồi gieo sáu lần được quẻ Sơn lôi di, động hào sơ biến thành quẻ Sơn địa bác. Thầy trầm ngâm giây lát rồi phán: “Ngũ âm át nhất dương, khốn nhưng không tận. Ông đang kinh doanh tinh hoa của đất giời. Trời làm cho ốm nhẹ để cảnh báo. Nên chuyển sang gom đá trên mạn ngược về bán cho bọn nung vôi hoặc một nghề gì tương tự, bệnh sẽ tự rút”.

Bạn tôi rút một phong bì dày cộp trong túi áo vét ra đặt lên đĩa, cảm ơn thầy bói rối rít. Ông ta lẩm bẩm: Ơn huệ gì, phúc chủ lộc thầy thôi.

Lời phán của ông thầy bói đúng vào lúc thị trường đá quý xuống dốc. Những viên đẹp đã hết, còn lại toàn những viên xấu, vụn, nứt hoặc là hàng chế bằng đá rải đường nhuộm phẩm hồng, bán cho các cơ sở làm tranh đá quý. Loại tranh này chả biết xấu đẹp thế nào nhưng thấy mấy tay sành chơi ở trên phố rỉ tai nhau: “Quá cả giới hạn của chủ nghĩa suy đồi các ngài ạ”.

Hơn tháng sau, anh chạy đến khoe với tôi đã bán tống, bán tháo được toàn bộ cơ sở đá quý. Anh bảo: “Mua vải bán áo, cũng lỗ kha khá nhưng thôi của đi thay người”. Anh rủ tôi bát ngát vào Nam một chuyến, vừa nghỉ ngơi vừa học tập cách làm ăn của các doanh nhân trong đó. Tôi cáo bận vì còn phải lo hàng cho vụ đông xuân.

Thế là lại bẵng đi nửa năm không gặp. Một buổi chiều anh hớt hải chạy đến phân trần: “Công việc ngập đầu thở cả bằng tai, đã chọn ngày rồi, mai cậu qua khai trương quán của mình nhé”.

Anh kể: “Các khái niệm thị trường, cạnh tranh, độc quyền, gây dựng thương hiệu trước đây mình rất mù mờ nhưng sau khi đi Sài Gòn một chuyến thì nắm được ngay và quyết định mở cái quán này. Sáng ra chợ mua ít cá, ít tôm về luộc lên bán cho khách nhậu, kiếm tí lãi còm. Thực ra là lấy công làm lãi. Vơ bèo gạt tép, tích tiểu thành đại. Lớn bùi bé mềm. Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ. Cò con nhưng an toàn. Vả lại nghỉ ngơi, chơi bời mãi cũng chán, chưa kể… miệng ăn núi lở”. Tôi nâng vại bia trào bọt lên chúc mừng anh. Ăn uống xong đứng dậy mà thức ăn vẫn còn già nửa. Tôi thấy mắt anh nhìn xa xăm. Bỗng anh quay lại toét miệng cười: “Mình nhớ miếng cháy”.

Một lần nữa anh rủ tôi ở lại làm cùng. Nhưng công việc của tôi cũng đã đều đặn hơn trước. Ngoài bánh đậu xanh, kẹo lạc, kẹo vừng, tôi làm thêm cả bánh quế, bánh chả. Đã thế tiền âm phủ in không kịp bán, tôi phải “cày” cả đêm lẫn ngày.

Thỉnh thoảng tranh thủ lúc đi giao hàng, tôi ghé vào thăm bạn. Mới có mấy tháng mà thấy thay đổi nhiều quá. Anh thuê thêm nhà bên cạnh, cơi nới quán gấp đôi, khách khứa chen chúc. Anh vừa chỉ huy quân cán vừa nói chuyện với tôi: “Kinh nghiệm hai năm làm tiểu đội trưởng hồi bộ đội và kinh nghiệm làm ăn học được ở chuyến đi thực tế Sài Gòn vừa rồi mình mang ra áp dụng triệt để. Tháng đầu mỗi ngày tiêu thụ hết một yến tôm, hai yến cá thế mà bây giờ tất cả đều phải tăng gấp mười mới đủ phục vụ bà con. Tôm hay cá đều phải tươi roi rói, nấu nướng gia giảm vừa miệng thực khách, lãi ít, số lượng lớn. Bí quyết chỉ có thế. Mình mới mở rộng thêm món ốc luộc với thuốc bắc cũng rất được các bà các cô đi theo chồng hưởng ứng”.

Quãng độ sáu tháng sau tính từ bữa đó, một hôm cậu quản lý của anh đến đưa tôi lá thư, vẻn vẹn có mấy chữ: “Mình ốm…”

Bệnh của anh lần này có phần khó hiểu hơn lần trước. Không nhức đầu, sổ mũi, chóng mặt, mắt vẫn sáng, răng vẫn chắc, đầu óc vẫn minh mẫn thậm chí không cả đau bụng đi ngoài. Chỉ có buồn nôn thôi, ngủ thì mơ thấy mình đang nôn, thức thì lúc nào cũng buồn nôn, phải nhổ nước bọt mới đỡ. Thế là anh nhổ nước bọt suốt ngày, phì phì như máy bơm. Lúc tôi mở cửa bước vào, anh đang ngồi xổm trên một cái ghế đẩu sơn đỏ, toàn bộ nền nhà nhầy nhụa, ngập ngụa, nhơ nhớp, lênh láng, nhoe nhoét nước bọt anh nhổ ra trong suốt tuần lễ vừa qua. Thương bạn nhưng lực bất tòng tâm. Bỗng dưng trong óc tôi loé lên hình ảnh mấy đồng tiền xấp ngửa. Tôi chạy ngược ra cửa, anh nói với theo: “Đừng mời bác sĩ nữa, chữa được bệnh chứ làm sao chữa được mệnh”.

Tôi đến nhà ông thầy bói dạo nọ, vẫn kẻ vào người ra như trẩy hội. Một tiếng sau mới tới lượt. Nhóm của tôi gồm ba người: một cậu thanh niên, tôi và một bà ngoài bốn chục. Bà ta thắc mắc gì đó về hạnh phúc gia đình, còn anh chàng trẻ tuổi hỏi về chuyện tiền bạc. Đến lượt tôi, ông cụ hỏi luôn, bạn cậu sao rồi. Tôi kể sơ qua bệnh tình, mới được vài câu, ông ta ngắt lời, xua tay Thôi thôi, bảo đi buôn đá bán cho bọn nung vôi không đi lại mở quán. Thế là quẻ bĩ chứ cần gì phải gieo nữa. Mỗi tháng tiêu thụ hết mấy chục yến cả tôm, cá, ốc, một năm là mấy tấn sinh linh bị chết oan, sát sinh nhiều thì ốm nặng, sát sinh ít thì chết. Theo kinh nghiệm của tôi thì những trường hợp như bạn anh sẽ gặp thuỷ hạn. Tôi rùng mình, nghĩ đến cảnh anh bạn thân bị chìm trong cái buồng đầy nước bọt của anh ấy.

Cho đến tận hôm nay, tôi cũng không lý giải nổi tại sao bạn tôi lại khỏi bệnh. Sau khi nghe tôi thuật lại câu chuyện xem bói. Anh thốt lên: Xong rồi. Biết cũng chết, không biết cũng chết. Mình vừa biết vừa không thì sẽ sống. Anh tức tốc gọi người quản lý đến, đề nghị thay biển hiệu của quán: “Quán Ăn” thành “Quán Uống”. Chỉ uống suông thôi, các loại rượu gạo nguyên chất, không đồ nhắm. Phải nói bạn tôi may đủ đường. Khỏi bệnh là một. Hai là quán uống không những không vãn khách mà lại có phần nhộn nhịp hơn. Cả Hà Nội có mỗi mình quán của anh chỉ bán đồ uống, tuyệt nhiên không có một chút gì để đưa cay cả, khỏi cạnh tranh, khỏi quảng cáo lôi thôi.

Chỉ có một điều phiền hà nho nhỏ là không thấy các cặp vợ chồng nắm tay nhau hoặc các đại gia đình rồng rắn kéo đến như thời trước, mà toàn khách đàn ông đã đứng tuổi và người già. Họ lại đi lẻ nên bàn ghế phải gọi thợ mộc tới cưa cắt cho nhỏ đi, chữa các ghế băng thành ghế đơn thấp, có tay vịn, mặt và lưng ghế có nệm, một bàn đi với một ghế và khoảng cách giữa các bàn khá xa nhau. Sẵn thợ, anh làm thêm cho tôi một cái giá góc nhiều ngăn để kết hợp bày bán vàng mã, hương nhang của tôi (anh muốn bắt chước mô hình nhượng quyền?) Anh thủ thỉ bảo: “Tuy không thanh khiết bằng nghề của cậu nhưng hình như có mỗi bọn mình là đang được làm cái nghề vừa kinh doanh, vừa đạo đức lại đủ sống”. Tôi ngần ngừ giây lát rồi mới nói: “Cũng chưa biết thế nào. Hôm qua khi mình đến lễ tạ ông thầy bói tốt bụng năm mươi thẻ hương trầm loại đặc biệt, ông ấy dặn: Đúng sai khó lắm. Mà này, hay là bọn mình đi thửa một cái chảo quân dụng để chuyên thổi cơm cháy bán thêm cho tửu khách được không nhỉ?”

Lê Thiết Cương (SGTT)