Những kẻ khốn cùng và sự vô dụng của thi ca (phần 1)

LTS: Dưới đây là bài phỏng vấn Đinh Linh, thực hiện bởi Andrew Cox, một blogger đảm trách trang Your Opex. Bài phỏng vấn đề cập về dự án nhiếp ảnh/ký sự Tình Trạng Liên Bang (State of the Union) của Đinh Linh, bắt đầu vào tháng 5 năm 2009, và sẽ được nhà xuất bản Kaya Press ở San Francisco phát hành với tựa Bưu Thiếp từ Chốn Đường Cùng của Mỹ Quốc (Postcards from the End of America) vào mùa Thu năm 2012.

Theo Đinh Linh, dự án Tình Trạng Liên Bang là một cách ghi lại những cảnh đời khốn cùng của dân Hoa Kỳ trong thời kỳ kinh tế suy bại, cho đến nay đã bao gồm hơn 3,100 hình ảnh và 50 bài tiểu luận chính trị. Với máy ảnh Canon 50D, anh đã thăm viếng 20 tiểu bang, bằng xe đò hoặc xe lửa, và thường ngủ trên xe để tiết kiệm chi phí. Tại những thành phố như Camden, Detroit, Buffalo, Cleveland, New Orleans, Atlanta, Đinh Linh đi bộ hàng dặm qua những đường phố xa lạ để chụp ảnh, nói chuyện và ghi xuống những mẩu đối thoại với những người vô gia cư hiện sống trong “thành phố lều” hoặc trên vỉa hè, cũng như giới bán rong, dân biểu tình, mục sư giảng đạo và gái mãi dâm. Anh cũng đã chụp ảnh các sòng bạc và các nhà máy bị đóng cửa. Gần đây anh đã tham dự vào nhóm người biểu tình ở Wall Street. “Tôi thấy mình như một hiện thân của nhà nhiếp ảnh Dorothea Lange –người đã được chính quyền Mỹ trợ giúp để chụp những bức ảnh gây ấn tượng vào thời Đại Khủng Hoảng Kinh Tế, có điều là tôi chưa lãnh đồng nào của Uncle Sam!”

Đối với độc giả Việt Nam, có lẽ dự án của Đinh Linh gần hơn với những nỗ lực của Liêu Diệc Vũ, một nhà thơ đối lập vừa trốn thoát ra khỏi Trung Quốc và cũng là người dám hoàn thành Cửu Vạn Xác Chết (廖亦武) (Corpse Walker) và Thiên Chúa Màu Đỏ (God is Red), hai ký sự táo bạo và trung thực về những tầng lớp khốn khó ở Trung Quốc.

Để giúp Đinh Linh hoàn thành dự án Tình Trạng Liên Bang, quý độc giả có thể gửi chi phiếu ủng hộ về thẳng địa chỉ nhà của Đinh Linh, 1124 E. Passyunk Ave. #4, Philadelphia, PA 19147. Nếu ủng hộ $50 trở lên sẽ nhận được tác phẩm Love Like Hate với chữ ký của tác giả.

Mọi hình ảnh trong bài do Đinh Linh chụp, trích từ trang nhà Tình Trạng Liên Bang.

- Trường hợp nào đã tác động dự án Tình Trạng Liên Bang của anh?

Năm 2005, tôi dạy một khoá dạy viết văn gọi là Tình Trạng Liên Bang (State of the Union) tại Đại học Naropa ở thành phố Boulder, tiểu bang Colorado. Tôi cũng đã giảng dạy môn viết văn này tại Đại học Montana và Đại học Pennsylvania. Tôi muốn các sinh viên quan tâm đến những khủng hoảng hiện đang ảnh hưởng quốc gia của chúng ta. Dĩ nhiên chuyện tìm hiểu căn nguyên của mọi vấn nạn không phải là điều dễ dàng, nhất là khi có quá nhiều những thông tin và tuyên truyền sai lạc như lúc này.

Dự án Tình Trạng Liên Bang là nỗ lực của tôi nhằm theo dõi, qua hình ảnh và ngôn từ, những gì đang xảy ra tại Hoa kỳ. Dự án cũng đã buộc tôi phải dấn thân vào thế giới vật chất, như một cách lìa bỏ thế giới ảo của máy tính.

Như hầu hết mọi người, tôi đã sống một cuộc sống gián tiếp, trải nghiệm chủ yếu qua máy tính, nhưng, với Tình Trạng Liên Bang, tôi sẽ đi bộ hàng dặm qua những đường phố, quan sát và nghe ngóng, và đôi khi đặt câu hỏi. Trước khi tôi bắt đầu dự án này, tôi đã trở thành xa lạ với nhiều nơi trong thành phố tôi đang cư ngụ. Tôi đã quên tên các khu phố gần nhà, những nơi tôi đã biết đến khi làm thợ sơn nhà vào những năm trước đây.

Tôi cũng đã quá mệt mỏi làm cư dân của xóm thơ nhà lá. Nhà thơ hoàn toàn vô hình và vô dụng trong xã hội này. Trong lúc xã hội Mỹ suy sụp, nhà thơ chẳng có gì để đóng góp vào cuộc hội thoại. Rất ít người lên tiếng, và những người dám lên tiếng cũng chả được ai nghe.

Tôi đã quá mệt mỏi về chuyện được xuất bản trong những cuốn sách và tạp chí văn học mà không ai đọc. Những tiểu luận chính trị của tôi do đó là cách tôi muốn đạt đến một lượng khán giả lớn hơn, một đối tượng bao quát hơn. Tôi muốn sử dụng tất cả tài năng văn chương của mình để nói chuyện trực tiếp những người không có cơ hội đọc những bài thơ của tôi….

- Tại sao anh lại nghĩ rằng những nhà thơ bị bỏ qua? Đây là một vấn nạn hoàn cầu hay chỉ là hiện tượng ở Mỹ?

Bị chi phối bởi xe cộ và vô tuyến truyền hình, người Mỹ chúng ta đánh giá tốc độ trên tất cả. Chúng ta muốn tất cả mọi thứ tăng tốc và êm ru. Chúng ta không quan tâm đến chất lượng, chỉ số lượng. Không cần biết những thứ chúng ta ăn, miễn sao ăn càng nhanh càng tốt.

Thơ có tốc độ quá chậm chạp so với nền văn hoá này. Các nhà thơ vì vậy cũng đáng bị kết tội. Né tránh cuộc sống thay vì đương đầu với nó, hầu hết trong đám nhà thơ là mấy anh yếu xìu. Họ nghĩ rằng cuộc sống lý tưởng là cuộc sống vĩnh viễn trong khuôn viên đại học, với những tháng nghỉ để đi dự hội nghị thi ca hàng năm của họ. Ở đó, họ có thể cùng lúc nâng bi và đú đởn.

Da Vinci đã tuyên bố, "Một người đàn ông mong đợi mùa xuân chính là người đang trông ngóng cái chết của mình." Luôn luôn nhìn về phía trước là mãi mãi không hài lòng với hiện tại, nhưng đó là nền văn hoá của chúng ta, chúng ta luôn hướng về năm tới, tuần tới, giờ tới, chúng ta không thể nào chịu được giây phút này. Văn hoá của chúng ta không chỉ dự đoán cái chết, mà đang sống trong cái chết!

Tóm lại, một dân tộc không suy nghiệm và không chịu được sự yên tĩnh sẽ không đọc một bài thơ. Mặc dù điều này đã trở thành một hiện tượng hoàn cầu, nó là vấn đề trầm trọng hơn ở những chỗ như nước Mỹ, nơi chúng ta đã đạt đến một trạng thái khủng hoảng về tâm thần. Chúng ta ghét bỏ tâm trí của chúng ta. Chúng ta không muốn nghe nội tâm mở miệng.

Hãy xem, người ta luôn luôn bật mở một dụng cụ điện tử ngay sau khi họ bước vào một căn phòng, bất kể là TV, stereo hoặc máy tính. Đôi khi cả ba đều được bật lên cùng một lúc. Nếu không có những tiếng nói thay thế này, chúng ta sẽ bị mất phương hướng. Những gì tôi đang muốn làm dĩ nhiên sẽ vượt xa ra khỏi khuôn khổ của thơ. Những gì tôi đang cố gắng để đạt tới chính là sự tự trọng và lòng can đảm để cho phép bạn nghe chính mình và những người khác, không chỉ rõ ràng hơn, mà ít nhất là để thật sự nghe.

Một quan sát sơ lược về Việt Nam. Tôi trở về Việt Nam trong năm 1995, năm 1998, sau đó ở lại 2 năm rưỡi bắt đầu từ năm 1999. Trong khoảng thời gian này, tôi có thể quan sát cách Việt Nam dần chuyển sang mô hình Mỹ, có nghĩa là lúc nào cũng có những chuyện làm con người ta bị chia trí, nơi những suy nghĩ nghiêm trọng bị chìm đắm bởi những điều dở hơi, giật gân và nhỏ nhặt. Mặc áo thun với những khẩu hiệu Anh ngữ ngớ ngẩn, nhiều người bắt đầu nghe loại âm nhạc được thu lại, bật oang oang khắp nơi, xem những chương trình TV vô bổ và đua đòi sắm những thương hiệu xa xỉ, mặc dù một số không có đủ khả năng tài chính.

Những thứ này tự nó không nhất thiết là điều xấu. Một cái áo thun với khẩu hiệu ngu ngốc chỉ là một mảnh đồ lót với những giòng chữ dớ dẩn, và tôi cũng thích coi một trận bóng đá như bất cứ thằng đàn ông nào, nhưng nền văn hoá pop của Việt nam gần đây đã tiếp tay cho việc che đậy quá nhiều vấn nạn nghiêm trọng.

Như tệ nạn mãi dâm kể như nhan nhản ở mọi khu phố. Trong nhà máy, công nhân bị lạm dụng, sách nhiễu về mặt tình dục. Những phụ nữ giúp việc trong các gia đình trung lưu cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Tôi thật ra không chống kỹ nghệ mãi dâm, chỉ có điều là sự nghèo đói đã bắt buộc nhiều phụ nữ trẻ trở thành gái điếm.

Những quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản trở nên cực kỳ giàu có, mua nhiều tài sản và gửi con của họ đi học các trường đại học ở phương Tây, trong khi giai cấp cùng đinh bán cơ thể của họ và đi ăn xin. Tuy nhiên, với loại âm nhạc át tiếng, các trận bóng đá hào hứng, máy truyền hình liên tục nhấp nháy và vô số những hình ảnh gợi dục, trong khuôn khổ “nhỏ” hoặc “thổi” thành khổ lớn, việc bắt giữ các nhà văn và các nhà trí thức đối lập không còn là chuyện tối hậu nữa. Cũng như ở Mỹ, giới trí thức Việt Nam đã trở thành lạc hậu.

- Anh cảm thấy thế nào lúc mới rời bỏ văn phòng làm việc và máy tính để “dấn thân” vào thế giới vật chất?

Văn phòng làm việc nghe coi bộ trịnh trọng quá! Vâng, tôi có một căn phòng nhỏ với một cái bàn và một cái giường nhỏ. Mười năm trước đây tôi ngủ không ngáy, nhưng bây giờ thì có, vì vậy vợ tôi và tôi không ngủ cùng giường hay cùng phòng.

Trong cái gọi là văn phòng của tôi, có một số thực phẩm được lưu trữ ở một góc: một két cá ngừ đóng hộp, một thùng mì ăn liền và mấy bao gạo. Chúng tôi không có nhiều chỗ trong căn hộ, vì vậy mỗi khuôn diện tích phải bị xếp chồng lên nhau với một cái gì đó. Nơi tôi làm việc chính là nơi tôi đang gõ vào máy vi tính (để trả lời bài phỏng vấn). Nó giống một căn hầm trú bom nhiều hơn là một văn phòng làm việc chính cống.

Nếu rủi ro có một vụ nổ hạt nhân, vợ tôi và tôi có thể khoá mình trong lỗ chuột này và tồn tại cho đến khi Chúa Giêsu, Allah hay Phật, bất cứ ai là một tạo hoá thực sự lớn nhất, ác ôn nhất, cương cứng nhất, gõ cửa ra lệnh, “Này, mọi thứ yên ổn rồi, tụi mày có thể chui ra ngay bây giờ!”

Theo định nghĩa, một nhà văn hay một nghệ sĩ phải làm việc trong sự cô lập. Hắn phải được cách biệt ra khỏi thế giới để hắn viết, vẽ hoặc làm bất cứ điều gì, nhưng một nhà văn cũng phải sống hoà hợp với những người khác để hắn có kinh nghiệm mà sáng tác.

Cuốn sách đầu tiên của tôi, Fake House (Nhà Ngụy), tả về đám dân cư thua cuộc, đó là các loại người sinh sống chung quanh tôi, tôi đã làm việc và uống bia với họ. Tất nhiên, có một số nhân vật cũng phản ảnh chính cá tính của tôi. Tôi là một kẻ thua cuộc ở khắp mọi phương diện, tài chính, xã hội và tình dục. Tôi là một thí dụ đáng xấu hổ. Hiện nay tôi vẫn vậy. Tôi chả được ăn cái mẻ gì ở bất cứ mâm xôi nào.

Bạn hỏi về kỹ nghệ thông tin. Có thể nói, kỹ nghệ thông
tin là kỹ nghệ gợi lòng tham. Kỹ nghệ thông tin khai thác mọi dục vọng tự nhiên và kỳ quái của con người. Kỹ nghệ truyền thông tuyên dương đời sống “hưng phấn,” tiệc tùng, đéo đụ và tiêu xài, nhưng thực tế cuộc sống không phải là như vậy. Vâng, bạn có thể có một vài kỷ niệm le lói để đời, nhưng phần nhiều cuộc sống cũng đầy những chật vật. Chỉ có chuyện duy trì phẩm giá căn bản đã làm người ta tất bật; một người phải là một nhà thể thao cả về thể chất lẫn tâm thần chỉ để sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Tôi đề tặng Nhà Ngụy cho những kẻ “không được chọn.” Lúc nào tôi cũng quan tâm đến bọn người bị coi là thua cuộc, hay không được ai chọn, bởi vì đó là tình trạng chung của con người, nếu không thua trong lúc này, thì thế nào mai mốt cũng thua. Chúng ta tất cả sẽ thua cuộc, nhưng trong sự thua cuộc cũng hàm chứa phẩm giá và nghị lực. Tôi đến từ một xã hội thua cuộc là miền Nam Việt Nam, và tôi đang trải nghiệm một nền văn hoá phá sản ngay trong lúc này.

Dù sao, tôi luôn luôn là một người thích lang thang, một tên thích đi bộ. Lúc bé ở Sài Gòn, tôi đi khắp nơi. Khi tôi sống ở Ý và Anh, tôi thường đi thăm viếng nhiều thành phố, thị xã, làng ấp xa lạ và chỉ đi bộ. Dự án hiện nay cũng là cách tăng cường một thúc đẩy mà tôi vẫn hằng có.

Thời gian duy nhất trong đời mà tôi không đi bộ là lúc còn ở trung học. Lúc đó tôi sống ở San Jose và miền Bắc Virginia. Hai nơi này phụ thuộc nhiều vào xe. Thật tình, tôi ghét sống ở hai chỗ đó.

Máy tính dễ gây nghiện. Tôi chưa bao giờ nghiện TV, trong nhiều năm tôi thậm chí không có cả một cái TV, nhưng với máy tính, tôi đã trở thành dân nghiện màn hình lần đầu tiên trong đời.

Trang web của tôi, cũng tên là Tình Trạng Liên bang, cho tôi một lý do hiển nhiên để ra khỏi nhà, đó là một điều tốt. Tôi có thể đi bộ mà không đi đến quán rượu. Hiện nay tôi không uống bia rượu nhiều như lúc trước.

Khi bạn là một phần của đám đông, bạn sẽ luôn luôn được ngạc nhiên. Bạn nghĩ rằng bạn đã biết rõ sắc diện của mọi người và cách ăn nói của họ, nhưng bạn thường đoán sai. Con người luôn luôn có óc sáng tạo bởi vì lúc nào họ cũng bồn chồn, buồn chán và thích phô trương. Họ cũng thích hưởng lạc. Tự lăng xê, họ luôn luôn trau chuốt mọi hành vi của cá nhân họ. Ví dụ, họ sẽ chế biến ra cách lạ đời nhất để đội một cái mũ, hoặc để truyền đạt một thông điệp đơn giản nhất.

- Điều gì đã làm anh ngạc nhiên nhất khi anh bắt đầu chụp ảnh những người vô gia cư? Và điều gì hiện làm anh ngạc nhiên?

Tôi quen sống ở thành thị trong nhiều năm qua, vì vậy người vô gia cư không phải là một hiện tượng mới đối với tôi. Có rất nhiều tình cảnh túng thiếu và bẩn thỉu ở Sài Gòn, nơi tôi được sinh ra và sống trong thời thơ ấu, và cũng là nơi tôi trở về sống trong 2 năm rưỡi lúc đã trưởng thành.

Khi tôi dọn nhà đến Philadelphia vào năm 1982, tôi nhìn thấy nhiều người vô gia cư sống ngay trong các bến chờ tàu điện ngầm, và tôi nhớ đã nhìn thấy hàng trăm người vô gia cư ở công viên Tompkins Square tại New York vào giữa thập niên 80.

Trước khi tôi bắt đầu dự án Tình Trạng Liên Bang, tôi chưa hề bao giờ nói chuyện với một người vô gia cư. Tôi nghĩ mình học hỏi được nhiều điều khi để ý nghe những câu chuyện ngoài đường. Tôi không muốn khái quát hoá quá mức về tình cảnh những con người vô gia cư, nhưng thật tuyệt vời khi thấy tận mắt sự từng trải và kiên cường của họ. Trên khuôn mặt và cơ thể của họ là tang chứng của một cuộc sống rất khó khăn mà họ đã phải chịu đựng, ngay cả trước khi họ trở thành người không nhà. Nhiều người trong số này có dáng dấp kiệt quệ như đã bị đánh đập, bởi vì họ đã bị như vậy. Tại Việt Nam, bạn cũng sẽ thấy những khuôn mặt và hình hài của loại người này.

"Nhà" là một điều hết sức cần thiết cho thể xác và tâm linh. Trong khi hầu hết chúng ta vẫn còn có mái nhà trên đầu, tôi có thể nói rằng nhiều người trong chúng ta là những kẻ vô gia cư về mặt tình cảm. Hoạ hoằn lắm, thì chúng ta được sống trong một thứ nhà tạm, hoặc một loại hầm tránh bom… ái tình, với hộp cá ngừ đã hết hạn nằm trơ ở một xó nhà.

Lúc này tôi muốn xướng ca một bài độc thoại phơi cuống rốn về nhà: Tôi sinh ra ở Sài Gòn và đã sống ở đó lúc trưởng thành, nhưng gọi Sàigòn là nhà thì có phần lộng ngôn. Tôi thoải mái nhất khi sống ở Philadelphia và rất gắn bó với thành phố này, nhưng tôi không thể phủ nhận sự phấn chấn của mình bất cứ lúc nào tôi có thể rời thành phố này, dù chỉ là tạm thời.

Tôi thấy mình an bình và hạnh phúc nhất khi sống ở Certaldo, Ý, dân số 16.000, nhưng tôi chỉ nói bập bẹ mấy câu tiếng Ý và không phải lo chuyện mưu sinh khi sống ở đó. Trừ San Jose và miền Bắc Virginia, tôi yêu thích mọi nơi tôi đã sống, ngay cả Norwich, Anh quốc, và Missoula, bang Montana, nhưng, như Camus đã nói, theo như tôi nhớ và có thể là nhớ sai bét "Hắn yêu thương tất cả giống cái, có nghĩa là hắn chả yêu một em nào trong đám đó."

Mẹ tôi trước đây là người Hà Nội, vì vậy tôi có thể giả giọng Hà Nội cũng kha khá, và nhiều lần tôi đã chợt nghĩ, trong lúc ở Hà Nội, "Sẽ thật tuyệt nếu ta được chết ở đây," nhưng thật ra tôi không ham sống ở đó, nên Hà nội cũng không phải là nhà. Tôi chấp nhận lưỡng thái không/có nhà. Tôi hạnh phúc nhất khi tôi ở trên một con tàu, mặc dù tôi cũng nôn nức muốn xuống tàu.

Đinh Linh & Andrew Cox

Nguồn: Da Màu

Dịch: Đinh Từ Bích Thúy

(Hết phần 1)