Trang nhà > Xã hội > Nước Mỹ > Những kẻ khốn cùng và sự vô dụng của thi ca (phần 2)
Những kẻ khốn cùng và sự vô dụng của thi ca (phần 2)
Thứ Năm 20, Tháng Mười 2011
Anh nói rằng nhiều người vô gia cư trông như đã bị hành hung. Ai là người tấn công họ?
Tyrone, một người đàn ông da đen khoảng 45 tuổi sống vất vưởng trên những hè phố gần một năm nay, nói với tôi hắn đã bị ba thanh thiếu niên chận đánh. Hắn chỉ cho tôi thấy chỗ bị khâu lại trên trán. Một gã đàn ông da trắng trạc 30 đã suýt bị một ả da trắng say rượu dùng dao cắt hộp các-tông đâm vào người trong lúc đi bộ với nhóm bạn. Ả rạch nát túi xách của gã. Câu chuyện nghe có vẻ khó tin, nhưng mọi chuyện khác gã kể thì hợp lý. Gã nói phụ nữ da đen thương gã nhất trên đời, và y chang, một phụ nữ da đen trẻ tuổi đã tặng gã một túi thức ăn từ tiệm McDonald trong lúc tôi nói chuyện với gã.
Tại thành phố Richmond, thuộc bang Virginia, Tony, một cựu y tá người da trắng, cũng nói rằng phụ nữ da đen là những người tốt bụng nhất với anh ta. Không đầy một phút sau đó, như được ra dấu, một phụ nữ da đen tặng anh ta một quả táo. Tony kể chuyện một người đàn ông Mễ vô gia cư đã bị nện gậy trong lúc giặt quần áo trên sông. Kẻ đánh anh ta là một tên da đen, có lẽ cũng trong nhóm vô gia cư. Anh Mễ này có một vết thương lớn trên đầu nhưng không dám đi đến phòng cấp cứu vì anh thuộc thành phần bất hợp pháp. Biết Tony đã từng là y tá, anh ta đến Tony nhờ chữa chạy. Tony nhìn qua vết thương và nói tự nó sẽ lành, thế là thôi.
Nếu bạn phải nằm ngủ trên vỉa hè, bạn sẽ không tránh khỏi những chuyện hiểm nghèo, điều này ai cũng thấy rõ. Đó là lý do tại sao rất nhiều người trong đám vô gia cư ngủ vào ban ngày, bởi như vậy an toàn hơn, với nhiều người đi bộ xung quanh họ. Nhưng cho dù không bị hành hung, người vô gia cư chắc chắn không thể có được một giấc ngủ tốt, vì yếu tố thời tiết, tiếng ồn chung quanh và vì họ phải nằm ngủ trên miếng các tông cứng.
Một số hình ảnh của anh chú trọng vào những bích chương quảng cáo. Anh nghĩ sao về sự quan hệ giữa thương mại và người vô gia cư?
Phần lớn nhiếp ảnh được sử dụng để quyến rũ. Kỹ nghệ quảng cáo bán ảo tưởng, để kích động chuyện mua hàng. Những hình ảnh quảng cáo quyến rũ và khẩu hiệu hấp dẫn trở nên một tương phản lố bịch với những gì thực sự xảy ra trên đường phố.
Thời gian cuối cùng tôi ở Việt Nam, vào năm 2001, tôi thường thấy khẩu hiệu DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, trên những bích chương lớn của chính phủ, nhưng đây là tuyên truyền cộng sản theo kiểu cũ. Qua hình ảnh những anh hùng vai rộng, với dáng dấp cương quyết, được mô tả từ phía dưới ngước lên, người Cộng sản đã tìm cách tạo cảm hứng, nhưng chủ nghĩa tư bản nhắm vào sự quyến rũ bộ não vô thức.
Trên truyền hình Mỹ, có một quảng cáo cho thấy một cầu thủ bóng đá nổi tiếng, đầu tiên trong bộ đồng phục, sau đó gần như trần truồng. Tiếp thep là những bàn tay phụ nữ âu yếm mặc quần, áo sơ mi và thắt cà vạt cho hắn. Chỉ ở cuối phim quảng cáo bạn mới khám phá rằng đây chỉ là một cái cớ để bán xe!
Tóm lại, nhiếp ảnh đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế gợi dục này. Hình ảnh quyến rũ hiện hữu khắp nơi. Môi trường này sẽ dụ bạn thoát y và cũng cho bạn một viễn ảnh rất mát mẻ, nhưng nó không phải là sở hữu của bạn, mà chỉ là thứ để bạn ngắm cho đã mắt! Tôi cố gắng diễn tả sự lừa đảo của thương mại trong những ảnh chụp của tôi.
Trong những bài viết đi kèm với dự án anh gay gắt chống đối sự lan tràn của sòng bạc. Xin anh cho biết lý do?
Sòng bạc là biểu tượng trung thực nhất cho nền kinh tế phi sản xuất của chúng ta. Rất nhiều món tiền được đổi tay trong một sòng bạc, nhưng nó không sản xuất ra cái gì cả. Nhà máy bị bỏ phế trong các thành phố và nhiều thị trấn trên toàn nước Mỹ, nhưng vấn nạn sòng bạc tiếp tục lan tràn. Những tên gian manh và bọn ngốc hỗ trợ sòng bạc nói rằng sòng bạc giúp người dân có công ăn việc làm, nhưng sòng bạc biểu tượng cho sự thua lỗ của mọi cộng đồng.
Anh có phải xin phép trước khi chụp ảnh, hoặc có phải giải thích mục đích của mình về hình chụp? Nếu vậy, một phản ứng điển hình là gì?
Nếu tôi có thể chụp lén một bức ảnh, tôi sẽ làm điều đó. Nói chung, tôi không muốn đối tượng của tôi cảm thấy như bị chụp hoặc nhận thức sự hiện diện của tôi, nhưng vì tôi mang trên người một máy ảnh lớn, điều này không phải là chuyện dễ làm.
Qua mỗi tấm ảnh, người ta có thể nhận thấy là tôi có sự tương quan với đối tượng của mình hay không. Đôi khi tôi cho người ta ít tiền, thường chỉ một, hai đô, để chụp hình họ. Tuy nhiên, tôi đã cho một người đàn bà ở thành phố Camden 10 đô, để bà có thể mua mấy lon dầu Sterno hâm thức ăn và sưởi lều. Ở Detroit, tôi cũng đã cho một ông già 10 đô vì coi ông thê thảm quá. Ông nói rằng ông cần số tiền này để mua thuốc. Bất cứ khi nào tôi đến thăm thành phố lều ở Camden, New Jersey, tôi thường mang theo 24 lon bia lớn làm quà, dù sao thì mình tôi cũng uống tới ba hoặc bốn lon. Tôi cũng mua thức ăn cho người vô gia cư.
Khi tôi nói chuyện với những người trên đường phố, tôi nói cho họ biết tôi đang viết ký sự về nền kinh tế Mỹ. Hầu hết đều biết rõ là nền kinh tế đang trong tình trạng khủng hoảng và sẽ trở nên tồi tệ hơn, và nhiều người trong số họ không ngần ngại chia sẻ với tôi về tình cảnh trầm trọng của họ.
Một lần, tôi thấy một phụ nữ trẻ lên cơn nói sảng và trông cực kỳ bẩn thỉu, thậm chí người cô ta còn khai sực mùi nước tiểu, nhưng từ lúc tôi trò chuyện với cô, cô bỗng tỉnh táo và rạng rỡ lạ thường. Tôi không muốn phóng đại nhưng cô đã trở nên cực kỳ xinh đẹp. Tôi mua cho cô một lon nước uống và cho mượn điện thoại di động của của mình để cô có thể gọi một người bạn tại Baltimore lên đón cô ở Philadelphia.
Với khuynh hướng nghệ sĩ, bạn là một loại kền kền lượn lờ trong đám đông, vì bạn luôn chủ tâm khai thác những lời nói của người chung quanh, bề ngoài và thân thế họ, và vì nghệ thuật luôn luôn chủ quan – một cái nhìn lệch lạc, áp đặt – vì bạn luôn bóp méo diện mạo của người khác theo ý đồ của bạn. Mặc dù nghệ thuật, trong khái niệm này, là một sự bóc lột, nó cũng là một cống hiến, và do đó, tương quan với tình yêu. Đôi khi tôi không thể tưởng tượng được sự tuyệt vời và nét đẹp của con người.
Anh kể rằng đã mang bia hoặc các thức ăn với anh khi đi chụp ảnh. Một thành kiến chung về người vô gia cư là chuyện họ cầm bảng đứng ăn xin ở ven xa lộ rồi dùng tiền bố thí mua ma túy và rượu. Thành kiến này có chính xác hay không?
Đúng ra thì có các nơi từ thiện làm việc cung cấp súp và thức ăn cho những người vô gia cư, gọi là “soup kitchens.” Ở Camden, tôi đã đi với một nhóm người vô gia cư đến một soup kitchen rất sạch sẽ và trang trọng. Thực khách ngồi xuống ở các bàn dài và được phục vụ bởi các tình nguyện viên. Khi một cặp vợ chồng vô gia cư rời nơi này có vẻ hơi sớm, tôi hỏi họ: "Sao vậy? Ông bà không thích những thức ăn ở đây sao?” Người đàn bà bị câm điếc, do đó, chỉ có người đàn ông trả lời. Ông nói: “Ừ, cũng thích đấy, nhưng bây giờ chúng tôi sẽ tới một soup kitchen khác!" Một gã khác nói với tôi: "Mày phải là thằng ngốc mới bị chết đói ở Camden." Vấn đề là, nhiều người vô gia cư ít nhất cũng hơi khùng khùng. Mặc dù một số khởi sự đã bị bệnh tâm thần hoặc cũng không bình thường, tôi chắc chắn đã có nhiều người đã trở thành như vậy khi phải sống vất vưởng ngoài đường phố.
Có một tên đi lang thang cùng khắp trung tâm mua sắm trong thành phố Philadelphia. Quần của hắn đã rách bươm và chảy xệ. Bạn có thể nhìn thấy rõ háng của hắn. Vợ tôi đã cố đưa cho hắn một dây thắt lưng, nhưng hắn nhất định không nhận. Hắn thậm chí cũng không lấy tiền mặt. Hắn chẳng bao giờ thốt một lời, có lẽ hắn bị câm cũng nên. Thỉnh thoảng, bạn sẽ gặp một người vô gia cư không chịu nhận tiền của ai cả.
Dù sao, tôi thường mang bia đến thành phố lều ở Camden vì tôi suy luận, tại sao không cho những người này uống bia? Ngoài ra, tôi cũng sẽ không được chào đón như khách quý nếu tôi đã không mang bia!
Thành phố lều ở Camden, New Jersey, đã tạo nhiều dư luận về mặt thông tin nhưng tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ bị sốc khi biết rằng hiện nay có nhiều thành phố lều mọc lên ở Mỹ. Một số tin tức cho biết lớp tầng lớp dân cư ở những chỗ này sẽ gây ngạc nhiên cho nhiều người. Xin anh cho biết bối cảnh của phố lều Camden khi anh đến đó?
Tương đối trật tự và an toàn. Vào mùa hè, bạn vẫn có thể ngửi thấy mùi cứt đái ở những chỗ coi bộ cũng kha khá, nhưng nó không đến nỗi quá khủng khiếp. Cho dù tình cảnh chung chẳng có gì là khả quan, nhưng mọi người có vẻ cố gắng sống với sự khó khăn của họ. Họ tụ tập ở trung tâm phố lều, nói chuyện và cười đùa. Đôi khi người ta cũng cãi lộn, la hét inh ỏi, nhưng tôi đã đến đó khoảng mười lần và không bao giờ chứng kiến những hành vi bạo lực. Tôi có nghe một vài tin đồn về những chuyện bạo lực, nhưng có lẽ điều đó rất hiếm.
Dù sao, những chỗ khác ở Camden có vẻ nguy hiểm gấp bội lần. Jamaica, lãnh đạo tự xưng của phố lều Camden, đảm trách vấn đề trật tự công cộng. Sau đó, tôi nghe từ một người sống ở một phố lều khác tại Camden là Jamaica đã bắt người ta trả cho hắn một món tiền tượng trưng để sống trong phố lều "của hắn." Chả biết điều này có đúng sự thật hay không, nhưng tôi cũng thấy rằng thỉnh thoảng Jamaica dấu kỹ một số bia tôi mang tới mà không phân phát cho ai hết. Ôi, làm sao mà biết được. Hắn là "thị trưởng" nơi đó, và rất nhiều người mà tôi trò chuyện có vẻ thực sự biết ơn hắn. Ông Rex, 76 tuổi, nói với tôi rằng Jamaica đã đích thân cõng ông ta đến bệnh viện. Hầu như không một ai có điện thoại di động ở đó, cho nên đâu dễ dàng gọi 911 nếu có trường hợp khẩn cấp.
Một lần tôi đến đó, thời tiết chỉ khoảng 5 độ F và đồng thời có một trận bão tuyết rất lớn. Thấy một thằng nhỏ, có lẽ chỉ khoảng 22 tuổi, đang bị khủng hoảng tâm thần. Chúng tôi đứng quanh ngọn lửa, cố gắng để sưởi ấm, nhưng thằng này lên cơn nói sảng
vì nó không chịu đựng được nữa. Tôi cho nó mượn điện thoại di động của mình để nó có thể gọi cho mẹ nó. Thằng nhỏ bắt đầu van xin mẹ cho nó trở về nhà. "Con sẽ làm bất cứ điều gì mẹ muốn, Mẹ ơi! Con hết sống như vầy được nữa!" Jamaica về sau cho biết hắn đưa thằng nhỏ ra bến xe buýt Greyhound, và dường như hắn đã thật sự làm như vậy, bởi vì tôi không gặp thằng nhỏ này lần nào nữa.
Thành phố lều gây nhiều dư luận, vì vậy chính quyền thành phố cuối cùng đã bắt dân cư giải tán. Thật ra chính quyền chỉ đuổi người ta ra khỏi chỗ đó rồi chằng dây xích xung quanh. Về phần những người bị đuổi ra khỏi thành phố lều, một tổ chức tư nhân đã đưa họ đến tá túc ở một khu nhà trọ, nơi họ có thể tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc đàng hoàng rồi được hỗ trợ trong việc tìm kiếm công việc làm hoặc nhà ở.
Dù sao, tỉ lệ thất nghiệp chính thức của Camden là 25%, vì vậy tôi chắc chắn nhiều người trong số này cuối cùng lại quay ra sống vất vưởng trên các hè phố. Tôi cũng đã thấy những người sống trong lều hoặc những nhà dựng tạm bợ ở một vài khu phố gần Camden. Chắc hiện nay cũng phải có hàng chục những thành phố lều trên toàn quốc.
Thành phố ở Mỹ cấm chuyện ngủ ngoài trời hoặc cắm trại nơi công cộng. Ở nhiều nơi, chuyện “lặn” vào những nơi đổ rác để kiếm thức ăn và đồ dùng cũng là chuyện bất hợp pháp. Nên nhớ rằng trong cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế vào năm 1929, bao nhiêu thức ăn đã bị tiêu hủy ngay trong lúc dân Mỹ phải chịu nạn đói!
Ở Hawaii, Santa Cruz (California) và các nơi khác, bạn không thể ngủ trong xe hơi của mình, và tại San Francisco, bạn bị cấm ngồi lê trên vỉa hè. Những biện pháp thẩm mỹ được thiết kế chỉ để che dấu sự sụp đổ đang tăng tốc của nền kinh tế. Tuy nhiên, trước những tang chứng sờ sờ như vậy, các cơ quan truyền thông của giòng chính vẫn trơ trẽn tuyên bố rằng thời phục hồi đã đến.
Đinh Linh & Andrew Cox
Nguồn: Da Màu
Dịch: Đinh Từ Bích Thúy
(Hết phần 2)
Xem online : Phong trào « chiếm Phố Wall »