Trang nhà > Con người > Tâm linh > NHIỀU “TRUNG TÂM TÌM HÀI CỐT” DỎM?
NHIỀU “TRUNG TÂM TÌM HÀI CỐT” DỎM?
Thứ Sáu 11, Tháng Mười Một 2011, bởi
Trên các con đường ở Quảng Trị thường có những chiếc xe treo băngrôn mang hàng chữ “xe di chuyển hài cốt liệt sĩ”. Lần theo các chuyến xe này, chúng tôi chứng kiến những hình ảnh không bình thường xung quanh chuyện tìm hài cốt đang là đề tài “nóng” ở một số tỉnh miền Trung…
Sáng 21/7, chúng tôi có mặt tại Quảng Trị. Ngồi ở quán nước trên đỉnh Dốc Miếu (Gio Linh), cứ khoảng 30 phút có một chiếc xe “di chuyển hài cốt” lao vút qua. 10g, một chiếc xe du lịch 16 chỗ biển số Hà Tĩnh tấp vào đậu trước nghĩa trang Gio Linh. Trước đầu xe treo tấm băngrôn đỏ “xe di dời hài cốt liệt sĩ”.
Một cuộc tìm kiếm hài cốt người chết
Từ trên xe đổ xuống hơn mười người mang lỉnh kỉnh hoa quả, nhang đèn, rượu thịt, vàng mã… Một phụ nữ khoảng 30 tuổi mặc quân phục mới tinh được hai người đàn ông dìu đi. Phía sau vành mũ tai bèo là gương mặt trắng bệch, mắt nhắm nghiền, chân đi xiêu vẹo. Lên hết bậc tam cấp cuối cùng của nghĩa trang liệt sĩ, chị phụ nữ bắt đầu vẩy hai tay liên hồi, hai quai hàm đánh qua lại lộp cộp, miệng thốt ra những câu vô nghĩa, không rõ ràng.
Sau 30 phút “vong (vong hồn người chết) nhập xác phàm”, bỗng dưng chị phụ nữ quơ tay chỉ vào nghĩa trang bạt ngàn ngôi mộ, miệng lập bập : “Cậu ở đây nì, 23 nớ” (cậu ở đây nè, số 23 đó). Nhóm người ùa tới hỏi tới tấp : “Cậu (chú, bác…) ở mô, sống khôn thác thiêng chỉ con cháu đưa về”.
Lúc này chị phụ nữ bắt đầu… ngáp, tay chân đạp loạn xạ, miệng ú ớ liên hồi. Để “động viên” vong, một thanh niên lấy máy nghe nhạc mở bài Hành quân xa rồi cả nhóm người vỗ tay đồng thanh hát theo. 30 phút trôi qua. Chị phụ nữ đột nhiên bật dậy miệng lắp bắp, câu nọ đứt đoạn câu kia : “Tháng mười… bảy tám… thì… thì về chứ nì, dãy 8… cái 23 nớ”. Một người đàn ông “à” một tiếng rồi “phiên dịch” : “Cậu nói hài cốt được quy tập về nghĩa trang tháng 10/1978, hàng số 8, mộ thứ 23”.
Mọi người lập tức toả ra đi tìm vị trí ngôi mộ, chuẩn bị bày mâm hoa quả, xôi gà, rượu thịt, nhang đèn. Anh Đặng Văn Hiệp, cháu gọi liệt sĩ Hỷ bằng cậu ruột, cho biết : “Cậu Hỷ sinh năm 1944, quê ở Hà Tĩnh. Nhập ngũ năm 1965, hi sinh năm 1968 khi đang trên đường vào chiến trường miền Nam. Sau giải phóng, gia đình cất công tìm kiếm hài cốt của cậu nhiều nơi nhưng không kết quả. Mới đây em đến trung tâm của ông Bằng ở P.Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) cầu khấn, được vong của cậu nhập vào cháu gái là Đặng Thị Hoàn và chỉ ra nơi an nghỉ ở nghĩa trang này”.
Chúng tôi hỏi chị Hoàn cũng công tác trong quân đội hay sao, anh Hiệp nói: “Cô Hoàn chỉ làm ruộng thôi. Nhưng vì vong của cậu nhập vào nên bây giờ không còn là cô Hoàn nữa mà là liệt sĩ Nguyễn Văn Hỷ. Bộ quân phục mặc trên người cô Hoàn mua trước trung tâm của ông Bằng”.
Tranh thủ lúc “vong” tạm rời xác, chúng tôi gặp chị Hoàn. Chị Hoàn cho biết khi “vong” nhập chị như lạc vào cõi mộng, không biết mình nói gì, làm gì. Hỏi trước khi rời trung tâm có được ai cho ăn, uống thứ gì đó không bình thường không, chị Hoàn chắc nịch: “Nỏ mô (không có). Trước chừ tui có đi ra tới đây mô, khi vong nhập tui kể vanh vách từng địa danh, vị trí, địa điểm nghĩa trang. Những điều về quan hệ, đồng đội… của liệt sĩ Hỷ tui cũng đều biết”.
Khoảng 15g, “vong” quay lại tìm chị Hoàn. Chị Hoàn lại vật vã trong cơn co giật, miệng méo xệch nhưng vẫn trả lời những câu hỏi xác minh về nhân thân của liệt sĩ (tên tuổi, năm sinh, ngày nhập ngũ, ngày hi sinh, người thân…), rồi sau đó làm lễ khấn, xin keo, đặt bia (làm sẵn từ trước) lên ngôi mộ vô danh “hàng số 8, ngôi số 23” . Chúng tôi hỏi làm sao có thể khẳng định đây là mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Hỷ, anh Hiệp nói vì “vong đã báo là 100%”.
Sau khi cho rằng đã xác định được mộ liệt sĩ Hỷ, nhóm thân nhân đến phòng LĐ-TB&XH huyện để làm thủ tục xin hốt hài cốt. Tuy nhiên, do thiếu một số thủ tục cần thiết nên họ phải về Hà Tĩnh trong đêm. Đến sáng 2-8, anh Hiệp cho biết vẫn chưa di dời được hài cốt liệt sĩ Hỷ về quê.
Một ngày ở “trung tâm ông Bằng”
Sáng 22/7, chúng tôi có mặt tại “trung tâm ông Bằng”. Ngay từ đầu phố, chúng tôi bắt gặp một “rừng” ôtô, xe máy của khách thập phương. Các hàng quán dọc hai bên đường mở cửa từ tờ mờ sáng để phục vụ người nhà liệt sĩ đến cúng bái, cầu vong hồn liệt sĩ. Đối diện “trung tâm ông Bằng” bày bán la liệt băngrôn, hoa, quân phục, dịch vụ cho thuê xe, nấu cơm… Trước cổng trung tâm có hàng trăm người đang đợi đến giờ vào làm lễ cầu “vong”.
“Trung tâm ông Bằng” là ngôi biệt thự bề thế nằm giữa khu vườn rộng lớn. Trên lối dẫn vào sân vườn, bên tay phải có điện thờ nghi ngút khói hương, trong khoảnh sân rộng có rạp lớn kê khoảng 500 cái bàn nhựa dùng làm bàn thờ cầu vong linh cho liệt sĩ. Cuối khu vườn trổ ra phía bờ sông đặt điện thờ và sân làm lễ (khi sân chính quá tải thì dời ra đây). Ngay cửa ra vào toà nhà đặt bàn thờ chính, thùng công đức.
7g, cửa trung tâm mở toang, trên 100 con người chen chúc ùa vào. Bên trong bắt đầu lập bàn thờ, bày biện ảnh người chết mất tích, mâm hoa quả, bánh kẹo, rượu thịt lên chiếc bàn nhựa. Chỉ thoáng chốc mùi nhang khói bốc lên mù mịt, ngột ngạt. Mỗi bàn thờ túc trực khoảng mười người thay nhau quỳ lạy xì xụp. Tiếng rì rầm cầu “vong” trỗi vang vọng cả khu vườn.
9g, khu vực hành lễ đã quá tải, không còn chỗ chen chân. Chốc chốc người nhà kẻ qua đời bật dậy reo mừng khi “vong” nhập vào người thân. Chỉ trong nháy mắt, từ một người bình thường, người được “vong” nhập bắt đầu nhảy múa, la hét, khóc lóc hoặc nằm lăn ra chiếu mắt nhắm nghiền, miệng sùi bọt mép, tay chân đạp loạn xạ. Trong khi đó người nhà liên tục vỗ tay hô to “cố lên, cố lên…” để khích lệ, động viên. Đó chỉ là màn dạo đầu, từ khi “vong” ứng cho đến lúc “vong” chịu chỉ đường dẫn lối đến địa điểm có hài cốt là cả một… lộ trình dài.
Trọn một ngày ở “trung tâm ông Bằng”, chúng tôi thấy hầu hết người nhà người mất tích đều ngồi bó gối thất vọng vì “vong” còn đang lưu lạc đâu đó. Anh Hiệp (nhà ở Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết đây là lần thứ hai anh đến cầu “vong”. Lần trước “vong” áp vào người cháu gái chỉ hài cốt ông bác nằm ở tận Tây Ninh. Gia đình thuê xe, sắm lễ vật đi tìm ròng rã nửa tháng nhưng không kết quả. Món nợ hơn 30 triệu đồng chưa kịp trả thì “vong” lại ứng người khác. Gia đình đang chạy tiền để chuẩn bị cho cuộc hành trình vào đầu tháng tới.
Tối khuya, ngày sắp qua nhưng khách vẫn còn nán lại vái lạy, cầu “vong”. Tại góc sân, người nhà liệt sĩ Dương Đình Chu ẩn đang quây quần bên mâm cúng. Bất ngờ một thanh niên to cao, vạm vỡ lảo đảo rồi ngã vật ra chiếu, miệng thở phì phì, mắt nhắm nghiền, miệng lải nhải mấy câu vô nghĩa. Một phụ nữ (người của trung tâm) đứng cạnh đó la lớn “vong ứng rồi” và liên tục thúc giục anh thanh niên uống chai nước suối đặt trên bàn thờ. Chờ mãi nhưng “vong” chưa chịu chỉ ra địa điểm chôn cất hài cốt. Mọi người lẳng lặng thu xếp bàn thờ ra về, hẹn hôm sau tiếp tục cầu “vong”.
Theo xác minh, chủ nhân “trung tâm” có tên Nguyễn Văn Bằng, nguyên trước đây là bộ đội. Điều hành trung tâm này là ông Nguyễn Văn Mến, một người bà con của ông Bằng. Theo lời quảng cáo của “trung tâm”, ông Bằng được một vị lãnh tụ nhập “vong” và chỉ đạo thành lập “trung tâm” để quy tập hài cốt liệt sĩ từ Nam chí Bắc. Nói chuyện với chúng tôi, ông Bằng cho biết việc “vong” ứng nhanh hay chậm còn phụ thuộc nhiều thứ. Có người chỉ 2-3 ngày là “vong” ứng, có người chờ hàng tháng trời nhưng không kết quả. Quan trọng là phải biết thành tâm và kiên nhẫn.
Đại diện chính quyền địa phương nói gì ?
Đề cập đến “trung tâm ông Bằng”, ông Trương Quang Sơn – phó phường Thạch Linh – nói: “Tôi không đồng ý chuyện mượn danh các vị lãnh tụ ra để gán ghép, áp đặt cho niềm tin tâm linh, dù mục đích có tốt đẹp, cao cả đến mấy. Ngay cả việc ông Mến mượn vong bác ruột là liệt sĩ Nguyễn Văn Tín phán rằng ông Mến được quyền thay mặt các liệt sĩ chỉ đạo, điều hành trung tâm đã bị chính người thân trong gia đình phản đối kịch liệt. Vừa rồi em ruột của liệt sĩ Tín làm đơn gửi phường tố cáo về vấn đề này”.
Theo ông Sơn, trước đây ông Bằng có tìm đến một trung tâm ở Nam Đàn (Nghệ An) kiếm hài cốt của bác ruột là liệt sĩ thời kháng chiến chống Pháp. Trung tâm này ban đầu khá nổi tiếng, nhưng sau đó xảy ra sự cố bốc nhầm mộ của người khác tại Quảng Trị nên nhiều người không đến nữa. Sau một thời gian tham gia giúp lễ cho trung tâm ở Nam Đàn, ông Bằng quay về mở “trung tâm” ngay tại nhà riêng. Tính từ lúc khai trương đến nay có rất nhiều người đăng ký tìm hài cốt, trong đó có 19 hài cốt được thân nhân đưa về từ rừng núi.
Ông Sơn cho biết: “Nói là hài cốt nhưng khó mà xác định được có đúng hài cốt hay không hoặc hài cốt đó có đúng không. Hầu hết 19 hài cốt đưa về không hề có bất kỳ kỷ vật gì để chứng minh có liên quan đến gia đình. Thậm chí nói là hài cốt nhưng xương cũng không có. Theo “vong” báo thì cứ thế mà đào, đến lớp đất khác màu là hốt đem về và xem đó là hài cốt”.
Trao đổi về độ tin cậy của “vong” tìm hài cốt, ông Sơn nói: “Hiện nay khoa học chưa có kết luận. Thực tế có cái đúng, có cái không đúng và có cả việc lợi dụng vào tâm linh để thu lợi. Nhiều gia đình thuê xe, chi phí 30-40 triệu đồng vào tận các tỉnh miền Trung, miền Nam đào bới hàng tháng trời nhưng không kết quả. Một số có kết quả nhưng chưa có cơ sở xác định tính chính xác. Vừa qua, tại huyện Hương Khê xuất hiện thêm ba trung tâm tìm kiếm hài cốt.
Trong quá trình hoạt động, một số trung tâm có vấn đề, gây ồn ào, có nơi vong nhập vào và đánh luôn lãnh đạo huyện. Vừa qua, chủ tịch UBND tỉnh có làm việc với lãnh đạo các địa phương, ngành chức năng và chỉ đạo khẩn trương nắm tình hình các trung tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ để báo cáo. Nếu có dấu hiệu lợi dụng vấn đề tâm linh để trục lợi hoặc có dấu hiệu lừa đảo thì có biện pháp chấn chỉnh, xử lý”.
Trả lời câu hỏi về tính pháp lý của “trung tâm”, ông Sơn cho biết: “Ngày 8/5, trung tâm ông Bằng khai trương. Tôi chỉ đạo bên công an nắm tình hình ngay. Đến ngày 11/5 chúng tôi có mời ông Bằng và ông Mến lên làm việc. Theo trình bày của ông Bằng, mục đích mở trung tâm là để giúp dân tìm kiếm hài cốt. Thấy nguyện vọng chính đáng, chúng tôi tạo điều kiện cho trung tâm hoạt động nhưng trên cơ sở tôn trọng pháp luật, tôn trọng nếp sống văn minh”. Ông Sơn cũng nói dù có ồn ào, đông đúc nhưng đến nay “trung tâm ông Bằng” chưa xảy ra vấn đề gì ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Thực hư không rõ
Các “trung tâm tìm kiếm hài cốt” đang rộ lên ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Hằng ngày, các “trung tâm” này luôn đông nghịt người. Phía sau những tấm lòng mong ngóng tìm mộ của người dân là bao câu chuyện chưa rõ thực hư, thậm chí mang màu sắc kinh doanh thu lợi.
Đi qua đoạn đường liên thôn ken dày hàng quán, điểm giữ xe máy, ôtô, chúng tôi đến nhà chị Phan Thị Hạnh (31 tuổi, trú tại xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Đây là “trung tâm tìm mộ” xuất hiện sớm và lớn nhất tại Nghệ An. Trên lối vào sân có một miếu thờ, liền đó là một hòm công đức. Trong sân đông nghịt người ngồi trước gần 100 cái bàn nhựa đặt sát nhau. Trên bàn có ảnh người chết, vòng hoa, đồ thờ giữa nhạt nhoà hương khói. Mỗi gia đình cử năm người thay nhau ngồi cầu khấn, chờ “vong” áp vào. Khi “vong” áp, chỉ mộ ở tỉnh nào, người nhà thuê xe theo gợi ý của trung tâm đi tìm ngay.
Chị Hạnh cho biết: “Tháng 9/2010, tôi ra nhà ông Tuấn ở thị trấn Duy Tiên, huyện Duy Tiên (Hà Nam) nhờ tìm mộ là chú ruột tên Phan Văn Dũng bằng phương pháp ngoại cảm. Cất bốc được mộ, “vong” của chú lại áp vào, nhờ tôi đi tìm đồng đội của chú đưa về quê an táng. Theo điều hành của “vong”, tháng 12-2010 tôi lập bàn thờ và mở “trung tâm tìm kiếm mộ liệt sĩ” tại nhà riêng”.
“Trung tâm” của bà Phan Thị Hạnh có 7.000 người đăng ký, đã quy tập 272 hài cốt. Có người tìm được hài cốt thì “vong” tiếp tục “đề nghị” mở thêm trung tâm mới để tìm kiếm, đưa đồng đội khác về quê. Vậy là các “trung tâm” xuất hiện ngày càng nhiều. Nghệ An hiện có 15 “trung tâm” tại các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu và TP Vinh. Danh sách đăng ký tìm mộ tại 15 “trung tâm” này lên tới 15.000 người. Kết quả, cất bốc được 810 hài cốt nhưng tất cả đều chưa xét nghiệm ADN nên vẫn có nhiều gia đình băn khoăn, chưa thể biết chắc chắn ngôi mộ mình kỳ công tìm được có phải mộ thân nhân hay không.
Ông Châu Thái (trú tại xóm 1B, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn) kể: “Tôi được “trung tâm Phan Thị Hạnh” chỉ dẫn bốc mộ liệt sĩ tại nghĩa trang xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Trước khi bốc mộ, “vong” áp vào cháu tôi nói dưới mộ có di vật là chiếc đồng hồ đeo tay. Khai quật mộ, chúng tôi phát hiện một chiếc đồng hồ đúng như “vong” báo”. Anh Trần Văn Hùng, công tác ở Nghệ An, trước khi bốc mộ cho anh trai ở nghĩa trang huyện Gio Linh (Quảng Trị) được “vong” báo có chiếc võng dù nằm dưới mộ. Khi khai quật, đúng là có một chiếc võng dù nằm khuất dưới lớp xương cuối cùng. Cũng từ “trung tâm Phan Thị Hạnh”, ông Dương Tuấn tìm thấy hai mộ của anh ruột và chú ruột. Ông Tuấn nói: “Đủ độ tin cậy để yên tâm đây là hài cốt của chú và anh ruột tôi”.
Ngược lại, gia đình ông Đinh Xuân Thường (trú tại xóm 5, xã Xuân Hoà, huyện Nam Đàn) hoàn toàn thất vọng khi “trung tâm Lê Thị Hoà” (ở xóm 4, xã Xuân Hoà, huyện Nam Đàn) chỉ dẫn tìm mộ anh trai là liệt sĩ Đinh Xuân Cầu. Theo đó, “vong” chỉ mộ đang nằm ở vùng rừng tỉnh Bình Dương nhưng hai cựu binh Nguyễn Công Thành và Trần Văn Thường (bạn chiến đấu với Đinh Xuân Cầu) khẳng định: “Cầu hi sinh khi đang vượt sông Se Măng Hiêng ở Hạ Lào. Chính hai anh em chúng tôi đã an táng Cầu tại vùng rừng Hạ Lào”. Nghe vậy, gia đình ông Thường đắn đo rồi dừng chuyến đi. Gia đình anh Hoàng Văn Tùng (trú ở xã Tân An, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) đến tìm mộ ở “trung tâm Sa Nam” (thị trấn Nam Đàn), được “vong” chỉ mộ nhưng kết quả là bốc nhầm mộ một người khác ở nghĩa địa Võ Xá, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, Quảng Trị.
Quảng cáo và cạnh tranh
Hồi tháng 5, “trung tâm Nguyễn Thị Phương Mai” cho hay vừa di chuyển 121 hài cốt quy tập từ lâu trong nghĩa địa Rú Nẩy thuộc huyện Nam Đàn về chung một ngôi mộ do trung tâm này tự xây. Mộ dài 1,5m, rộng 1m, bia cao 1,8m, mặt trong đề: “Tổ quốc ghi công. Ngôi nhà chung 121 anh hùng liệt sĩ. Trung tâm 3 Sa Nam, thị trấn Nam Đàn quy tập”. “Trung tâm” không biết 121 liệt sĩ đó là ai, ở đâu nên dùng cành lau làm xương, vỏ quả dừa làm sọ người xếp vào trong mộ. Khi được các cơ quan chức năng hỏi, “trung tâm” này cho rằng do “vong” của liệt sĩ Nguyễn Cảnh Tuệ bảo xây nên phải xây.
Giữa các “trung tâm” cũng có chuyện quảng cáo hoặc cạnh tranh quyết liệt. Sau khi “trung tâm Lê Thị Hoà” xuất hiện, người của “trung tâm Phan Thị Hạnh” cho rằng “chỉ có trung tâm cô Hạnh ở Nam Cát mới điều hành được vong”. “Trung tâm” này còn treo biển : “Thông báo trung tâm tìm kiếm hài cốt tại Nam Cát, Nam Đàn là trung tâm duy nhất. Bà con lưu ý không có cơ sở nào khác, ai đi cơ sở khác “trung tâm” không chịu trách nhiệm”. Ngay sau đó, “trung tâm Nguyễn Thị Phương Mai” ở thị trấn Nam Đàn tự nhận “trung tâm chỉ huy cao nhất”. Các trung tâm còn tổ chức quay camera, dựng đĩa CD để tuyên truyền về cơ sở của mình.
Tại các “trung tâm”, người đi tìm mộ liệt sĩ phải thuê chiếu ngồi với giá 20.000 đồng/chiếc/ngày; đặt đồ lễ cúng từ 300.000-500.000 đồng/lễ. Gia đình nào có người “áp vong” liền được “trung tâm” gợi ý thuê xe giá 2,8-3,2 triệu đồng/ngày (tiền xăng gia đình lo). “Trung tâm Phan Thị Hạnh” đã mua bốn ôtô và thuê thêm tám ôtô để phục vụ người đi tìm mộ liệt sĩ. Trung bình mỗi gia đình đi tìm mộ tốn 50-80 triệu đồng. Không ít người phải vay mượn tiền bạc hoặc cầm cố tài sản để theo đuổi việc tìm mộ tại các “trung tâm”.
Nói về các “trung tâm” tìm kiếm mộ liệt sĩ đang đua nhau mọc lên, trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Đàn Phạm Hữu Tùng nói : “Chúng tôi rất lo ngại khi xuất hiện “vong” giả và loạn “vong”. Tại “trung tâm” Nguyễn Thị Phương Mai” ở Sa Nam, thị trấn Nam Đàn (bà Mai tự phong anh rể làm giám đốc, em rể làm phó giám đốc, còn mình làm người phiên dịch cho bố là liệt sĩ Nguyễn Cảnh Tuệ để chỉ đạo việc tìm kiếm hài cốt) đã có chuyện “vong” nhập vào người đi tìm mộ nhưng toàn nói xấu cán bộ địa phương. Chị N. (20 tuổi) bị “vong áp” hơn một tháng nhưng không thành, bà Mai dùng roi dâu đánh để giải tà ma khiến chị này hoảng hốt hét lên. “Trung tâm” này còn có nhiều người “vong” không thoát nên bị nhốt trong một phòng thờ riêng, chờ giải tà ma xong mới cho về”.