Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892-1984)

Nguyễn Phan Chánh sinh ngày 21-7-1892 tại Thạch Hà nay là phường Tân Giang, thị xã Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyễn Phan Chánh được coi là hoạ sĩ tranh lụa lớn nhất của Việt Nam thế kỷ 20. Ông mất năm 1984, an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch; được Nhà nước Việt Nam truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một năm 1996.

Năm 1922 Nguyễn Phan Chánh tốt nghiệp Trường Thành Chung Huế. Từ nhỏ đã được rèn luyện về Hán học và thư pháp, song yêu hội hoạ ông thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (vừa mới mở năm 1925), dù ở tuổi 33. Lúc đó, trường dành ra 10 chỗ cho "những người bản xứ" trên toàn Đông Dương. Tại đây, Nguyễn Phan Chánh đã bắt đầu đi sâu về tranh lụa. Khi công sứ Bắc kỳ yêu cầu vẽ thực dụng, Nguyễn Phan Chánh bỏ Hà Nội ra đi và mất cơ hội tham gia phòng tranh 1938. Song đối với giới chuyên môn thì các tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh đã trở nên quen biết và được thừa nhận từ triển lãm thuộc địa 1931.

Cho chim ăn

Nhà văn Nguyễn Nguyệt Tú, con gái đầu của họa sĩ, nhớ lại: "Năm 1939, tôi học trường Đồng Khánh (Huế), mỗi lần có dịp về thăm nhà, cha thường bảo tôi làm mẫu. Để tạo được những nét gấp bên lườn áo, mặc dù rất mỏi, tôi vẫn ngồi yên cho cha vẽ. Còn bức tranh Thiếu nữ trước biển, cha vẽ tôi tại bãi biển quê hương. Sau này, có lần, cha con tôi đến quán cà phê Lâm xem và xin mua lại nhưng chủ nhân không bán.

"Không ai có thể nói cái gì tồn tại mãi được, ngay bức tranh lụa đẹp cũng không thể là cái đẹp vô hạn. Màu sắc tươi đẹp bao nhiêu cũng không thể sống mãi với thời gian. Những gì còn lại bất chấp sự phôi pha của thời gian là tình người. Tình người giúp cho cha trải qua những sóng gió của cuộc đời...". Trong những phút cuối cùng, cha đã tâm sự với tôi như thế.

Khi là giáo viên của trường Bưởi, có lần cha tôi mở triển lãm tranh. Ông tổng giám thị của trường là người Pháp tới xem và cứ nằng nặc đòi mua bức Hai chị em, trong khi bức tranh này đề rõ là đã có người mua. Cha tôi gợi ý để ông này mua bức khác nhưng ông ta nhất định không chịu và đề nghị cha tôi vẽ lại bức tranh. Cha tôi vốn thẳng tính, ông bảo: "Tôi là một họa sĩ, không phải là nhà nhiếp ảnh". Vì vụ việc này mà cha tôi nghỉ dạy ở trường Bưởi. Thế là sau 25 năm ra Hà Nội, cha tôi lại về quê rong ruổi đeo đồ nghề đi vẽ tranh truyền thần khắp các làng quê như hồi 15, 16 tuổi. Nhưng cha tôi vẫn đam mê với tranh lụa, ông cụ tập hợp được hơn 40 bức tranh vẽ hồi ở quê, ra Hà Nội thuê phòng, mở triển lãm, bán hết được số tranh này và sau đó đưa cả gia đình trở lại Hà Nội. Để nuôi 9, 10 miệng ăn, thời gian kháng chiến chống Pháp, cha tôi vừa đi vẽ tranh truyền thần ở các tỉnh lân cận, vừa lấy ký họa cho tranh sau này."

Tắm sớm

Hết chiến tranh, Nguyễn Phan Chánh trở về Hà Nội với tranh lụa. Đề tài của họa sĩ vẫn là người nông dân và cảnh thôn quê: trẻ em chơi, thiếu phụ tắm cho con, thôn nữ gánh thóc, người con gái nghiêng mình xuống nước, cánh đồng sau mùa gặt hái...