Tìm hiểu về danh, tự, hiệu của người xưa

Thời xưa, ở Trung Quốc, tầng lớp quí tộc quan lại, ngoài họ tên chính thức do ông, bà, cha, mẹ đặt cho; khi lớn lên người ta thường đặt tên tự, tên hiệu và biệt hiệu.

Sách Từ nguyên mục Danh tự giải thích: “古代貴族始生有名, 二十歲成人, 行冠禮又加字, 合稱名字. 後來在字之外, 又有號, 合稱名號. 自稱用名, 別人為表示禮敬, 用自或號相稱. 參閱禮檀弓上: “幼名, 冠字”. Phiên âm: Cổ đại quí tộc thủy sinh hữu danh, nhị thập tuế thành nhân, hành quán lễ hựu gia tự, hợp xưng danh tự. Hậu lai tại tự chi ngoại, hựu hữu hiệu, hợp xưng danh hiệu. Tự xưng dụng danh, biệt nhân vi biểu thị lễ kính, dụng tự hoặc hiệu tương xưng. Tham duyệt Lễ, Đàn cung thượng: “Ấu danh, quán tự”. Dịch nghĩa: Tầng lớp quí tộc thời xưa khi mới sinh thì đặt tên (danh), hai mươi tuổi trưởng thành thì làm lễ đội mũ và đặt thêm tên chữ (tự), gọi chung là danh tự. Về sau ngoài tên tự lại đặt hiệu, gọi chung là danh hiệu. Tên (danh) dùng để tự xưng, còn người khác muốn biểu thị sự tôn kính người mình gọi, thường gọi bằng tên tự hoặc tên hiệu.

Xem Đàn cung thượng sách Lễ ký chép: “Khi còn nhỏ thì đặt tên (danh), khi đến tuổi đội mũ thì đặt tự”). Và mục Tự giải thích: “禮曲禮上: “男子二十冠而字 ”. 儀禮士冠禮: “冠而字之, 敬其名也 ”. 禮檀弓上 “幼名, 冠字, … 周道也”. 疏: “人年二十, 有為人父之道, 朋友等類, 不可覆呼其名, 故冠而加字 ”. (Phiên âm: Lễ, Khúc lễ thượng: “Nam tử nhị thập quán nhi tự”. Nghi lễ, Sĩ quan lễ: “Quán nhi tự chi, kính kỳ danh dã”. Lễ, Đàn cung thượng: “Ấu danh, quán tự... Chu đạo dã”. Sớ: “Nhân niên nhị thập, hữu vi nhân phụ chi đạo, bằng hữu đẳng loại, bất khả phúc hô kỳ danh, cố quán nhi gia tự”. Dịch nghĩa: Thiên Khúc lễ thượng sách Lễ ký chép: “Con trai hai mươi tuổi thì đội mũ và đặt tên tự”. Mục Sĩ quan lễ sách Nghi lễ chép: “Đến tuổi đội mũ thì đặt tên tự, là để tỏ ý kính trọng đối với danh”. Thiên Đàn cung thượng sách Lễ ký chép: “Khi còn nhỏ thì đặt tên (danh), khi đến tuổi đội mũ thì đặt tự... đó là phép của nhà Chu”. Giải thích thêm: “Con người khi đến hai mươi tuổi là đã có đủ tư cách làm cha, khi đó bạn bè cùng lứa, không được gọi bằng tên (danh) nữa, cho nên khi đến tuổi đội mũ thì đặt tên tự”).

Như vậy, người đời xưa thường có tên (danh), có tên chữ (tự) và có tên hiệu (hiệu), có người lại có cả biệt hiệu nữa. Việc đặt tên tự, tên hiệu và biệt hiệu ban đầu được sử dụng trong tầng lớp quí tộc; sau này được mở rộng, không chỉ có ở tầng lớp quí tộc mà cả các tầng lớp khác trong xã hội, như: quan lại, nho sĩ, các bậc tao nhân mặc khách, v.v...

Tên (danh) là tên riêng do ông, bà, cha, mẹ đặt cho. Việc đặt tên cũng có những phép tắc nhất định, như thời nhà Chu, cách đặt tên của tầng lớp quí tộc được qui định: trẻ nhỏ thường phải sau khi sinh ra được 1 tháng hoặc 100 ngày mới được đặt tên (danh). Thời cổ đại, tên người (danh) thường được đặt đơn giản và người ta lấy can chi đặt làm danh, đó có thể là có liên quan đến sự coi trọng thời gian của người đương thời. Sau này, theo sự phát triển của văn hoá và ngôn ngữ văn tự, tên người ngày càng được đặt một cách phong phú hơn. Hoặc có người lại cố tình đặt cho con những tên xấu để cho phù hợp với sự quan niệm là dễ nuôi và không bị chết yểu.

Tên chữ (tự) thường là giải thích và bổ sung cho danh, giữa danh và tự có mối liên hệ chặt chẽ về ý nghĩa, biểu thị sự hô ứng và bổ sung cho danh, nên còn được gọi là biểu tự. Tên tự được đặt khi đã thành niên và thường do cha mẹ hoặc bề trên đặt cho, cũng có khi do chính bản thân tự đặt. Việc đặt tên tự là chứng tỏ người đó bắt đầu được mọi người trong xã hội công nhận và tôn trọng.

Khi đặt tên tự, người ta thường căn cứ vào danh để chọn từ tương ứng mang ý nghĩa liên quan và phụ trợ cho danh, như: Gia Cát Lượng 諸葛亮 nhà Thục thời Tam quốc, tự là Khổng Minh 孔明 (lượng là sáng còn khổng minh là rất sáng); Bao Chửng 包拯 thời Bắc Tống, tự là Hy Nhân 希仁 (chửng là cứu giúp còn hy nhân là mong làm điều nhân), v.v...

Có trường hợp tự và danh được lấy câu chữ trong cổ thư, như Tào Tháo 曹操 nhà Hán thời Tam quốc, tự là Mạnh Đức 孟德 lấy từ câu trong Tuân Tử: “phù thị chi vị đức tháo” (dịch nghĩa: đó là phẩm hạnh của đức), v.v. Lại có người lấy tên tự ngược hẳn nghĩa với danh, như: Chu Hy 周熹 đời Tống, tự là Nguyên Hối 元晦 và Trọng Hối 重晦, hiệu là Hối Am 晦菴 (hy là sáng còn hối là tối), v.v. Ngoài ra, còn có tiểu tự, tức nhũ danh (tên gọi khi còn bú mẹ), như: Tào Tháo có tiểu tự là A Man, Lưu Thiện có tiểu tự là A Đẩu, v.v...

Danh và tự của người xưa còn được dùng để chỉ quan hệ thứ bậc trong gia tộc, biểu thị anh em trong gia đình, và người ta thường có thêm chữ bá (mạnh) là lớn, trọng là thứ hai, thúc là em, quý là út; như Bá Di 伯夷, Thúc Tề 叔齊, Trọng Hối 重晦, Mạnh Đức 孟德, v.v..

Tên hiệu (hiệu) là tên gọi được đặt khi người ta đã thực sự trưởng thành, các sĩ phu và văn nhân thời phong kiến thường có tên hiệu hoặc biệt hiệu của mình, như: Lý Bạch 李白 thời Đường lấy hiệu là Thanh Liên Cư sĩ 青蓮居士, Đỗ Phủ 杜甫 thời Đường lấy hiệu là Thiếu Lăng Dã Lão 少陵野老, Vương An Thạch 王安石 thời Tống lấy hiệu là Bán Sơn 半山, v.v...

Tên hiệu là do người sử dụng tự đặt, không hề bị chi phối bởi gia tộc, thứ bậc trong gia đình. Thông qua việc đặt tên hiệu, hoặc biệt hiệu, người ta có thể tự do gửi gắm tư tưởng và tình cảm, biểu lộ chí hướng và hoài bão, thể hiện sở thích của mình trong cuộc sống. Việc đặt tên hiệu hoặc biệt hiệu đôi khi còn để mang dấu ấn địa phương, quê hương bản quán của mình.

Một người có thể thay đổi khá nhiều tên hiệu hoặc biệt hiệu, và thông qua sự thay đổi này có thể hiểu được quan niệm sống, tâm tư tình cảm và tư tưởng của người đó trong cuộc sống ở các thời kỳ khác nhau. Tuy nhiên, trong lịch sử cũng có người chọn hiệu hoặc biệt hiệu chỉ là học đòi làm sang, chứ không hề phù hợp với thân thế và sự nghiệp của họ chút nào.

Nằm trong khu vực ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa, Việt Nam vào thời kỳ phong kiến, các nhà Nho, nhà thơ, nhà văn, hàng ngũ quan lại, ngoài tên (danh) ra cũng đặt tên tự và tên hiệu hoặc biệt hiệu, dựa theo những nguyên tắc của Trung Hoa.
...
Danh, tự và hiệu hay biệt hiệu tuy đều là tên người, nhưng khi sử dụng không thể tùy tiện mà phải tuân theo phép tắc nhất định. Do người xưa rất trọng lễ nghĩa, cách dùng danh, tự và hiệu cũng rất cầu kỳ. Trong giao tiếp, danh thường dùng trong trường hợp khiêm xưng, hoặc trên gọi dưới, còn những người ngang hàng chỉ gọi danh khi thật thân mật. Khi không được phép mà gọi thẳng danh của người đang nói chuyện là bất lễ, danh của cha mẹ mà nhắc tới là bất kính, còn danh của vua chúa mà nhắc tới là đại nghịch. Tự và hiệu dùng trong trường hợp người dưới gọi người trên, hoặc những người ngang hàng nhau. Như người đời thường gọi Nguyễn Trãi là Ức Trai Tiên sinh, gọi Nguyễn Thiếp là La Sơn Phu tử, gọi Lê Hữu Trác là Hải Thượng Lãn Ông, Ngô Thời Sĩ có đạo hiệu là Nhị Thanh Cư sĩ, v.v... Những người khi đặt cho mình tên hiệu là “Cư sĩ” thường thể hiện người đó coi khinh lợi lộc, tự cho mình là thanh cao.

Danh, tự và hiệu hoặc biệt hiệu, ngoài việc dùng trong giao tiếp, người ta còn dùng để đặt tên cho các trước tác của người đó, như: Chu Văn An đã được dùng tên hiệu để đặt cho các tên sách: Tiều ẩn thi tập 樵隱詩集 (nay chưa tìm thấy), Tiều ẩn quốc ngữ thi tập 樵隱國語詩集 (nay chưa tìm thấy). Trần Nguyên Đán đã được dùng tên hiệu để đặt tên sách: Băng Hồ ngọc hác tập 冰壺玉壑集 (nay chưa tìm thấy). Ngô Thì Nhậm đã được dùng tên tự để đặt tên sách: Ngô gia văn phái Hy Doãn công tập 吳家文派希尹公詩集, Hy Doãn công di thảo 希尹公遺草. Nguyễn Thiếp đã được dùng các tên hiệu để đặt cho các tên sách: Hạnh Am di văn 幸庵遺文, Lạp Phong văn cảo 笠峰文槁. Nguyễn Tư Giản đã được dùng tên tự và tên hiệu để đặt cho các tên sách: Nguyễn Tuân Thúc thi tập 阮洵叔詩集, Thạch Nông thi tập 石農詩集, Thạch Nông toàn tập 石農全集, Thạch Nông văn tập 石農文集. Cách ghép tên tự và tên hiệu vào tên sách như vậy, là cách làm phổ biến, nhưng cũng đặt ra những vấn đề cho người đời sau khi tìm hiểu về tác gia và tác phẩm Hán Nôm.

Như vậy, khi gọi và khi viết về người khác, người xưa rất ít khi nêu thẳng tên (danh) mà thường thay bằng tên tự hay tên hiệu hoặc biệt hiệu. Chính điều đó đã gây ra nhiều khó khăn cho thế hệ ngày nay khi nghiên cứu tìm hiểu về người xưa, nhất là đối với các tác gia Hán Nôm cùng các văn bản viết bằng chữ Hán và chữ Nôm hiện còn được lưu giữ đến ngày nay. Bởi vì tên tự và tên hiệu của các tác gia nhiều khi trùng nhau và không biết được đó là ai. Ví dụ như từ “Đạm Trai”, theo sự thống kê của chúng tôi có đến 6 tác gia Hán Nôm lấy để đặt tên hiệu cho mình; hay từ “Tĩnh Trai”, theo sự thống kê của chúng tôi cũng có đến 7 tác gia Hán Nôm lấy để đặt tên hiệu cho mình. Để góp phần tìm hiểu vấn đề danh, tự, hiệu và biệt hiệu ở Việt Nam; chúng tôi nghĩ nên biên soạn cuốn Tên tự tên hiệu các tác gia Hán Nôm, nhằm làm rõ được tên (danh), tên tự và tên hiệu hoặc biệt hiệu của các tác gia Hán Nôm, giúp độc giả tiện đường tham khảo.

Trịnh Khắc Mạnh
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Hán Nôm, số 3 (51), năm 2002