1 Phat Loc alley

Ngõ Phất Lộc

quận Hoàn Kiếm

Ngõ Phất Lộc dài khoảng 300m, gồm 3 nhánh thông ra 3 phố: Hàng Mắm, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Hữu Huân. Nay thuộc: phường Hàng Buồm, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 450m (hướng 1h). Trạm bus lân cận: 3 Hàng Muối (xe 04, 8, 11, 14, 18, 23, 31, 34, 36, 86), 54 Nguyễn Hữu Huân (04, 08, 11, 14, 18, 23, 36)

Lược sử

Ngõ Phất Lộc toạ lạc trên đất của giáp Tiên Hạ, làng Dũng Thọ, thuộc phường Đông Các, huyện Thọ Xương, phía đông kinh thành Thăng Long cũ. Tên thời Pháp thuộc cũng vẫn là ngõ Phất Lộc (ruelle Phất Lộc). Ngày nay trong ngõ nhà cửa chen chúc, lắm chỗ ánh nắng khó mà lọt vào.

Điểm đặc biệt ở đây là ngõ gồm ba nhánh nhỏ có lối vào từ ba con phố khác nhau: cuối phố Hàng Mắm và đầu các phố Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Hữu Huân. Ba nhánh này lại hội tụ ở cổng ngôi đền Tiên Hạ. Có một dạo, nhiều đệ tử ẩm thực dân tộc thường tới cuối ngõ phía nam để thưởng thức món bún đậu.

Ngõ Phất Lộc—Hàng Mắm. Ảnh ©2013 NCCong

Phất Lộc nguyên là tên một làng của huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình; năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) có thư sinh họ Bùi đến Thăng Long học trường Quốc Tử Giám rồi lập nghiệp tại thôn Tiên Hạ. Sau đó người làng cũng theo lên, dần dần dân Phất Lộc chiếm đa số và hình thành tên ngõ. Người Phất Lộc dựng đình riêng ở số nhà 46 trong ngõ. Số 30 là nhà thờ họ Bùi, hàng năm con cháu vẫn tới đây giỗ tổ. Nhà nho Bùi Tú Lĩnh người soạn văn bia đình Thanh Hà cũng thuộc dòng họ này.

Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1946—1954), các tiểu đội trưởng đầu tiên của Tự vệ đoàn thuộc Liên khu I đã được huấn luyện tại đây. Và căn cứ quân sự ở ngõ Phất Lộc đã đứng vững cho đến tận cái đêm Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút quân ra khỏi thành phố qua cầu Long Biên gần cạnh đấy.

Ngõ Phất Lộc - Nguyễn Hữu Huân. Ảnh ©NCCong 2019

Di tích trên phố

Số nhà 48 là đền Tiên Hạ, cổng mở ra nhánh ngõ Phất Lộc nhìn về phía phố Nguyễn Hữu Huân. Đây là một trong những ngôi đền ở Hà Nội có thờ ngài Nguyễn Trung Ngạn (1289—1370), đại danh thần và "thị trưởng" của Thăng Long thời Trần. Ngôi đền được tôn tạo, sửa chữa nhiều lần, trong đó phải kể đến lần trùng tu lớn vào năm 1866 đã được văn bia ghi lại và đợt sửa chữa vào đầu thế kỷ XXI.

Trong đền còn bảo lưu được khá nhiều cổ vật như: hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị, khám thờ… Đặc sắc nhất là hệ thống bia đá gồm 5 tấm, trong đó có tấm bia “Tiên Hạ linh từ trùng tu bi ký” lập năm Bính Dần niên hiệu Tự Đức thứ 19 (1866). Hiện tại nơi đây đang thu hút khá đông con nhang đệ tử thờ Mẫu.

Đền Tiên Hạ trong ngõ Phất Lộc. Ảnh ©NCCong 2019

Di tích lân cận

Ngõ Phất Lộc - Lương Ngọc Quyến. Ảnh ©2012 NCCong

Panorama

©NCCông 2011-2021, Phat Loc alley