Trang nhà > Cuộc sống > Du lịch > Nghĩa trang Père Lachaise
Nghĩa trang Père Lachaise
Thứ Sáu 16, Tháng Mười Hai 2011
Rộng hơn 40ha và có 5.300 cây xanh lâu năm, nghĩa trang Père Lachaise còn được gọi là công viên an táng.
Một ngày đầy nắng cuối thu, trong dòng người hối hả có những người như tôi và người bạn thong thả rời bến Père Lachaise, rảo bước dọc theo dãy tường cao bên đại lộ Ménilmontant để đến nghĩa trang lớn nhất Paris [1]. Nơi đó – dưới những hàng cây cổ thụ, giữa cỏ hoa, và trăm ngàn tượng cổ – là chốn yên nghỉ của một triệu con người, của La Fontaine, Molière, Bizet, Balzac, Chopin…
Mộ nhà soạn nhạc Frédéric Chopin (1810 – 1849). Hài cốt ông được chôn ở đây, nhưng trái tim được đưa về lưu giữ ở Ba Lan
Bước qua cổng chính ở tường Tây Nam, tôi và bạn đặt chân vào thế giới tĩnh lặng của Père Lachaise.
Nắng cuối thu rực rỡ lên trong tán lá ngả đỏ vàng của rừng cây cao, trải những vùng ấm áp trên trăm ngàn nấm mộ. Mộ ai đó có tượng thiếu nữ tuyệt trần gục bên bia, mặc nắng lướt qua còn ánh lên những đường cong của lọn tóc.
Như trong một thành phố, những lối đi rộng ở Père Lachaise gọi là avenue (đại lộ), và những lối nhỏ hơn là chemin (đường).
Nghĩa trang được kiến trúc sư nổi tiếng Alexandre Théodore Brongniart thiết kế theo lệnh hoàng đế Napoleon. Ông hoàn tất vào năm 1807, và qua đời năm 1813, yên nghỉ ở mạn Đông Nam khu 11 ở chính nghĩa trang này.
Hướng về mạn Tây Nam của khu 11, chúng tôi rẽ vào đường Denon, đến mộ của nhà soạn nhạc thiên tài người Ba Lan Frédéric Chopin (1810 – 1849). Ngôi mộ được rào cẩn thận và đầy sắc hoa tươi. Luôn như thế, cả trong ngày đông lạnh giá nhất, nơi Chopin nằm lúc nào cũng có hoa. Vậy mà trên mộ, tượng nữ thần âm nhạc Euterpe cứ gục khóc bên cây đàn lia bị vỡ.
Ông già râu tóc bù xù từ đâu bước ra, xì xồ điều gì đó về Chopin, và ngân khúc Nocturne, rồi vẫy tay rủ mọi người theo về cuối con đường. Gã thanh niên Đức tóc tai cũng bù xù quay sang nói với bạn đồng hành: “Theo ông ấy đi, ông ấy là nhà nghiên cứu nghĩa trang”.
Nơi yên nghỉ của nữ văn sĩ Pháp Sidonie-Gabrielle Colette (1873 – 1954) luôn có hoa tươi. Dân gian kể rằng những con mèo cũng thường hay lui tới mộ bà
Giữa những lối đi nhỏ loanh quanh, um tùm cây cối trên lưng đồi, chúng tôi đi, đi mãi, mất phương hướng trước một ngã năm. Có đôi nam nữ dừng lại cách mươi bước cũng xoay ngược xoay xuôi tấm bản đồ. Và khi những con mắt tìm đường chạm nhau, cô gái – tay rung rinh cành hoa đỏ – tiến đến hỏi, giọng Anh:
Bạn biết Morrison ở đâu không?
À, dưới đồi kia, phải xuống vòng xoay lớn rồi tìm vào đường Lauriston. Bạn mang cả hoa cho anh ấy ư?
Ừ, người bán hoa nói mua hồng đỏ cho Morrison. Tôi nghĩ anh ta thích nó.
Tuyệt! Tôi đang tìm La Fontaine và Molière. Bạn biết họ ở đâu không?
Molière? Tôi vừa ở đó xong. Gần thôi, đi theo lối này, vào đường Molière et La Fontaine, cứ đi tiếp qua ngã ba một chút là đến. Bên trái nhé!
Những câu hỏi tìm đường ở Père Lachaise không có chữ “nấm mồ”, và lời hỏi đáp giữa những người không quen biết lại thân tình như thể đang nói về ai đó cùng quen, cùng biết, cùng yêu. Sự đồng cảm ẩn trong cả nụ cười và ánh nhìn gần gũi của những người đi ngược chiều chúng tôi đâu đó trên đường đến mộ Balzac, Pissarro, Bizet*…
Mộ Honoré de Balzac (1799-1850), người viết bộ tác phẩm nổi tiếng Tấn trò đời
Đôi bạn người Anh sẽ đến thăm Morrison, người đã bị kẻ hâm mộ đánh cắp mất bức tượng bán thân đặt trên bia đá. Còn chúng tôi lặng lẽ rảo bước dọc con đường đầy lá rụng và cô liêu trong tiếng quạ khàn đục kêu rền, gợi nhớ bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine: “Một con quạ khát nước. Nó tìm thấy một cái lọ. Nhưng nước trong lọ thấp quá. Cổ lọ lại cao…”.
Giữa khu 25, Jean de La Fontaine (1621-1695) và Jean Baptiste Molière (1622 – 1673) ở cạnh nhau trong hai ngôi mộ có bệ cao, cái vuông vắn, cái cong tròn. Lịch sử của Père Lachaise còn kể rằng, những năm đầu mới lập nghĩa trang vắng vẻ vô cùng, cho đến khi mộ của nhà thơ ngụ ngôn và nhà hài kịch được chuyển đến vào năm 1817 thì nhiều người mới chú ý. Vì nhân gian luôn muốn nằm xuống cạnh văn hào!
Père Lachaise ngày nay rộng 44ha, có hơn 70.000 lô đất. Có mộ vĩnh viễn, nhưng có mộ thuê đất mươi năm, rồi phải nhường chỗ lại cho người đến sau. Trong bốn bức tường cao ngất của khu Columbarium ở phía đông bắc còn có các ngăn chứa tro xương cho trăm ngàn người khác. Nghĩa trang yên nghỉ cả triệu người rồi!
Mộ nhà toán học Pháp François Arago (1786–1853), còn được biết đến là nhà vật lý học, thiên văn học, và nhà chính trị
Bản đồ chỉ rằng nhà văn Ireland Oscar Wilde (1854 – 1900) nằm cách Columbarium chỉ một góc đường. Vậy mà chúng tôi tìm quanh khu 89 hai lượt vẫn không thấy mộ ông, nơi phụ nữ khắp thế giới để lại hàng ngàn vết môi son trên bia. Người thợ già hiểu cái nhìn ngó nghiêng của khách, chỉ vào nơi trùm kín vải nhựa sau lưng và nói: “Tìm Oscar Wilde? Ông ấy ở đây!”
Ôi, mộ ông đang tu sửa, phải cuối tháng mới xong. Không hôn được lên bia, hai cô gái Nhật để lại dấu son trên tấm bảng thông báo sửa chữa gắn khuất bên rào chắn.
Trời chiều chập choạng trên đồi, nắng đã xuống ngang những gốc cây và những bia thánh giá. Một chiếc xe cảnh sát không bật đèn pha lái nhẹ qua khi chúng tôi xuống con đường dốc Bourget, rồi bỗng nghe sau lưng có tiếng gọi: “Mademoiselle, đến giờ đóng cửa rồi! Đi hết đường này rẽ phải mà về nhé!”
Lê bước chân có tiếng thì thầm: “Chào Chopin, chào Balzac… chào Bizet, chào Molière… Chào các vị, tôi về!”
Bài và ảnh: Mai Hương (SGTT)
[1] Nghĩa trang Père Lachaise nằm ở quận 20 của Paris. Vào cổng miễn phí, bản đồ phát miễn phí ở cổng và ở toà nhà quản lý. Giờ mở cửa: Từ tháng 3 – tháng 11: 8 – 18g. Từ tháng 11 – tháng 3 năm sau: 8 – 17g30. Để đến nơi này: Metro số 3 và số 2 đến ga Père Lachaise và ga Gambetta. Buýt số 61 và 69 đến cổng chính (cổng Tây Nam). Và buýt số 26, 60, 64, 102 đến cổng Đông Bắc.