Trang nhà > Hà Nội > Hôm qua > Hội Trí Tri
Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin
Hội Trí Tri
Cập nhật : Đông Tỉnh
Thứ Tư 21, Tháng Mười Hai 2011, bởi
Xuất phát từ nhu cầu học thêm để hoàn thiện khả năng tiếng Pháp, năm 1892, một số thông ngôn và giáo viên tiểu học bản xứ quyết định lập nhóm để giúp nhau học tập. Hàng tuần, học viên có mặt 2 buổi chiều thứ 5 và chủ nhật để viết chính tả, tập làm văn, tập dịch.
Hội quán Trí Tri nay là Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Nguyễn Văn Tố (đối diện Đền Dâu). Panorama ©2011 NCCong
Thành công của những buổi học nhóm đầu tiên và những lợi ích do hoạt động này mang lại đã thôi thúc các hội viên mở rộng hoạt động và thành lập một hiệp hội chính thức. Hội ra mắt tại Hà Nội ngày 01 tháng 4 năm 1892, với tên gọi Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin - Bắc Kỳ Trí Tri Hội. Các sáng lập viên của Hội gồm có: Nordemann (giáo viên tiểu học, sau này là Chánh Sở Học chính Trung Kỳ); Lê Đình Tĩnh, Bùi Xuân Thái, Bùi Thế Xuân (thông ngôn Toà Đốc lý Hà Nội); Nguyễn Hữu Long (thông ngôn, lục sự phủ Thống sứ Bắc Kỳ); Nguyễn Hữu Sung (cựu thư ký Nha Công chính); Trần Hữu Đức, Phạm Văn Hữu, Phạm Quang Lãng, Đặng Văn Mỹ và Bùi Xuân Phái (giáo viên tiểu học). Hội quán đặt tại số nhà 59, phố Rue des Eventails, Hà Nội.[1]
Mục đích ban đầu của Hội là hỗ trợ các hội viên học tiếng Pháp và truyền bá ngôn ngữ này ở Bắc Kỳ. Kinh phí hoạt động của Hội lấy từ hội phí của các hội viên, trợ cấp của chính phủ Bảo hộ và thành phố Hà Nội; tổ chức chiếu bóng, bán vé số và bán Tập san Trí Tri.
Hội Trí Tri nhận được sự bảo trợ của Hiệp hội Bách khoa Paris. Thành viên Uỷ ban bảo trợ gồm nhiều quan chức trong chính phủ Pháp ở Đông Dương như Khâm sứ Lào; Công sứ - Đốc lý Hải Phòng; Giám đốc các Văn phòng phủ Thống sứ Bắc Kỳ; Giám đốc nha Học chính, Tổng Thanh tra Học chính, Giám đốc Nha Lưu trữ và Thư viện; Chánh Sở Học chính Bắc Kỳ... Trong số các Toàn quyền Đông Dương là thành viên danh dự của Hội xuất hiện những cái tên Paul Doumer, Paul Beau, A.Piquié, A.Sarraut, M.Long, M.Monguillot, R.Robin, A.Varenne và P.Pasquier.
Hội do Ban trị sự gồm 1 hội trưởng, 2 hội phó; 1 thư ký - lưu trữ viên, 1 thủ quỹ, 1 phụ trách giảng dạy, 1 thủ thư, 2 uỷ viên lãnh đạo. Hội trưởng Hội Trí Tri từ khi thành lập đến năm 1946 gồm có: E. Nordemann (1892); Đặng Văn Mỹ (1893); Bùi Xuân Phái (1894-1895); Phạm Xuân Tuyết (1896); Bùi Đình Tá (1897-1905); Nguyễn Liên (1906-1911); Bùi Huy Độ (1912); Bùi Đình Thinh (1915); Bùi Đình Tá (1916-1919); Đào Văn Sử (1920); Nguyễn Quí Toản (1921-1923); Phạm Quỳnh (1924-1927); Ngô Vi Liễn (1928-1933); Nguyễn Văn Tố (1934-1946)[2].
Chương trình hoạt động của Hội gồm các nội dung chính như sau:
- Mở trường học và lớp dạy tiếng Pháp và chữ quốc ngữ cho người bản xứ;
- Tổ chức diễn thuyết và giảng sách;
- Phổ biến kiến thức khoa học;
- Xuất bản tập san Trí Tri;
- Lập thư viện...
Từ năm 1892 đến năm 1894, ngoài việc số hội viên tham gia tăng nhẹ, Hội không có nhiều hoạt động nổi bật. Năm 1896, Hội chỉ có 1 chi hội ở Hải Phòng và một lớp học miễn phí tại Hà Nội. Kể từ năm 1920, nhờ hoạt động tuyên truyền của Hội trưởng Đào Văn Sử, số hội viên tăng lên nhanh chóng. Con số hội viên ở Hà Nội khi đó là 500 người. Tổng số hội viên trên toàn xứ Bắc Kỳ là 1000 người. Đến năm 1928, Hội đã có 19 chi hội, lớn nhất là các chi hội ở Hải Phòng, Ninh Bình, Yên Bái, Nam Định, Hải Dương, Cao Bằng, Quảng Yên, Hưng Yên, Thái Bình và Vĩnh Yên. Quá trình phát triển của Hội từ khi thành lập đến năm 1912 được thống kê trong bảng dưới đây.
Từ năm 1918, Hội đứng ra bảo trợ cho Trường Phú Tài, do ông Nguyễn Quí Toản sáng lập. Trường này gồm hai lớp: lớp sơ học (10 học sinh ) và lớp dự bị (30 học sinh). Mọi chi phí của trường do ông Nguyễn Quí Toản đài thọ.
Năm 1922, Hội thành lập được 8 trường học ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình, Hải Dương, Cao Bằng, Hưng Yên và Thái Bình. Chương trình học tại đây giống như chương trình ở các trường công lập Pháp-Việt. Nhiều học sinh bản xứ được theo học miễn phí. Giáo viên các trường được tuyển chọn thông qua thi tuyển trong số những người trẻ có bằng sơ học (brevet élémentaire) hoặc bằng Thành chung (diplôme d’études complémentaires franco-indigènes). Năm 1922, số học sinh là 1.200 người, trong đó có 500 học sinh ở Trường Trí Tri Hà Nội. Ngoài chương trình tiểu học, Hội cũng mở nhiều lớp buổi tối cho những người đã có bằng tiểu học nhưng không thể học lên trung học do hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh công tác giáo dục trẻ nhỏ, mỗi tuần, Hội tổ chức ba buổi học dành cho người lớn. Lớp này dạy tiếng Pháp (đọc hiểu có giải thích, chính tả, ngữ pháp) và dịch thuật. Những học sinh xuất sắc đều được nhận phần thưởng của Hội.
Hai tháng một lần, Hội tổ chức các buổi diễn thuyết về nhiều chủ đề: văn học, khoa học, địa lý, lịch sử, thể dục, vệ sinh... Trong số các diễn giả thành công nhất của Hội, phải kể đến một số tên tuổi lớn thời bấy giờ như Thượng thư Bộ Học Nam triều Thân Trọng Huề, các học giả Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh…
Nói về tài diễn thuyết của học giả Phạm Quỳnh, Tập san Trí Tri quý II năm 1924 có đoạn viết “Tối hôm ấy, giời mưa phùn, đường lầy, lại có gió hơi lạnh, thế mà bẩy giờ rưỡi, trong hội quán, người ngồi đã chật ních cả… Vì hôm ấy diễn giả là ông Phạm Quỳnh, ai cũng biết là một nhà văn học trứ danh, có tài diễn thuyết. Người đến nghe, người nào trông nét mặt cũng vui vẻ, khoan khoái, nhẹ nhàng. Tám giờ thì không còn ghế nào khuyết, người đến sau phải đứng, có người phải dời về, chắc là lấy làm tiếc lắm. Cái cảnh tượng rõ ra một cuộc diễn thuyết lớn”[3].
Hội cũng lập thư viện phục vụ nhu cầu nghiên cứu của hội viên. Tài liệu trong thư viện gồm nhật báo và tạp chí địa phương, bằng tiếng Pháp và chữ quốc ngữ và một số ấn phẩm định kỳ của Pháp như Illustration, Annales, Lectures pour tous. Năm 1931, Hội có 1300 cuốn sách, đến năm 1932 đã tăng lên 1391 cuốn.
Hội còn xuất bản nội san, lấy tên là Tập san Trí Tri (Bulletin de la Société d’enseignement mutuel du Tonkin) đưa tin về các buổi nói chuyện và diễn thuyết; cho đăng các bài báo ngắn gọn về chủ đề lịch sử, địa lý Đông Dương, văn học và khoa học; dịch sang chữ quốc ngữ các tác phẩm văn học bằng tiếng Pháp và ngược lại[4]. Hoạt động báo chí và diễn thuyết của Hội chính là những công cụ đắc lực phục vụ hoạt động truyền bá chữ quốc ngữ và phổ biến kiến thức khoa học ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.
Bùi Thị Hệ - Trung tâm LTQG I
Chú thích
1. Nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, số 47 phố Hàng Quạt, Hà Nội.
2. Năm 1938, khi Hội truyền bá chữ quốc ngữ thành lập, cụ Nguyễn Văn Tố cũng được bầu làm Hội trưởng.
3. Ngô Ngọc Kha, Bài ký sự về việc nói chuyện tại Hội Trí Tri tối hôm thứ năm mùng mười tháng tư năm 1924, Tập san Trí Tri quý II năm 1924.
4. Trong số các cộng tác viên người Pháp của Tập san Trí Tri, có nhà báo Henri Cucherousset, Chủ bút Tuần báo Eveil économique de l’Indochine (Thức tỉnh kinh tế Đông Dương), người có nhiều bài viết đề cập đến vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.