Toạ đàm về tiểu thuyết "3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]" của Đặng Thân

Dù diễn ra trong thời tiết khá lạnh, lại trùng vào những ngày nghỉ, buổi toạ đàm về tiểu thuyết "3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]" của Đặng Thân tại Trung tâm văn hoá Pháp, Hà Nội, chiều 7/1 vẫn thu hút đông đảo người quan tâm.

Buổi toạ đàm diễn ra dưới sự chủ trì của nhà văn Đỗ Minh Tuấn. Cùng ngồi bàn chủ toạ, ngoài tác giả Đặng Thân còn có 2 nhà phê bình Đỗ Lai Thúy và Nguyễn Chí Hoan. Cuộc thảo luận về 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] nóng lên ngay sau khi Đỗ Lai Thúy đọc lại bài tham luận đã in trên báo Văn nghệ của mình - “Đặng Thân nhìn từ Nguyễn Huy Thiệp”. Trong bài phê bình này, Đỗ Lai Thúy so sánh Đặng Thân với Nguyễn Huy Thiệp và cho rằng, Đặng Thân là người tiếp bước Nguyễn Huy Thiệp trong một cuộc chạy tiếp sức văn chương. Ông viết: “Nguyễn Huy Thiệp là một đỉnh cao của văn học Việt Nam thời Đổi mới và Mở cửa. Bởi thế, có thể lấy Thiệp làm một (tượng) đài quan sát, để, một mặt ngó về văn-học-trước-Thiệp, hay văn-học-thời-Thiệp, mặt khác, quan trọng hơn, phóng chiếu một cái nhìn vào văn-học-sau-Thiệp, tức văn học hôm nay”. Tác giả phân tích những thành công của Nguyễn Huy Thiệp với truyện ngắn ở giai đoạn Hiện đại - Đổi mới và cho rằng, “điểm dừng” của Nguyễn Huy Thiệp là khi sang thời Hậu hiện đại ông không thành công với tiểu thuyết, và Đặng Thân chính là người tiếp sức. “Như trong một cuộc chạy tiếp sức của lịch sử, chính ở chỗ mà Thiệp dừng chân (thì) Thân bước tiếp”, Đỗ Lai Thúy khẳng định.


Tác giả Đặng Thân nhận hoa từ độc giả. Ảnh: Lê Minh Đạt

Trong khi Đỗ Lai Thúy đăng đàn, phía dưới cử toạ truyền tay nhau một tờ báo Văn nghệ đăng bài viết của ông đính kèm với một tờ giấy A4 đã được một người tên là Trương Đức chuẩn bị từ trước. Trong tờ giấy A4 này, Trương Đức nêu ý kiến bày tỏ quan điểm không đồng tình với nhận định của Đỗ Lai Thúy, nhất là việc so sánh Đặng Thân với Nguyễn Huy Thiệp.

Nhà lý luận phê bình Nguyễn Hoàng Đức cũng thể hiện sự bất đồng với Đỗ Lai Thúy bằng một thái độ khá quyết liệt. Ông cho rằng Nguyễn Huy Thiệp viết về nông thôn và nông dân theo một kiểu khác, còn Đặng Thân viết về các vấn đề khác hẳn theo lối hậu hiện đại, nên đặt cạnh nhau sẽ sống sượng. Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái tiếp tục chiều hướng không đồng tình với tham luận của Đỗ Lai Thúy. Bà cho rằng, bài viết thiếu thuyết phục khi không có liên hệ thi pháp. Ngoài ra, bà Minh Thái nhận định: “Nguyễn Huy Thiệp thành công bởi truyện ngắn, còn với tiểu thuyết thì không thành công lắm nếu không muốn nói là thất bại, còn Đặng Thân thành công với tiểu thuyết, vì thế nếu so sánh sẽ bị khập khiễng”. Bà khẳng định, với "3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]" sẽ chỉ có những ý kiến “cực khen hoặc cực chê”. Bà hài hước nói thêm: “tiểu thuyết của Đặng Thân đáng có một số phận như vậy”.

Trong khi khi phần tranh luận đang nóng nhất, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có mặt tại toạ đàm giơ tay xin phát biểu nhưng chưa được chuyển micro. Khi được mời trở lại,tác giả “Tướng về hưu” đã không còn trong hội trường. “Sóng gió” tạm lắng xuống nhưng chưa khép lại. Ở phần sau của buổi toạ đàm, khi được mời phát biểu, nhà phê bình Phạm Xuân Thạch với thái độ điềm đạm đã bày tỏ sự ủng hộ cách nhìn nhận và so sánh của Đỗ Lai Thúy và phản bác quan điểm của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái về việc bà cho rằng không thể so sánh tiểu thuyết với truyện ngắn. “Chúng ta đừng nhìn một bức tranh vẽ con bò và một bức tranh vẽ con lợn mà bảo không thể so sánh với nhau”, nhà phê bình đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội nói. Anh còn nâng sự so sánh của Đỗ Lai Thúy lên một tầm cao khác khi cho rằng: “Đặng Thân đã tạo ra một thế giới nghệ thuật đi xa hơn những gì Nguyễn Huy Thiệp đã làm”. Phạm Xuân Thạch nêu quan niệm của mình về thể loại tiểu thuyết khi dẫn lại câu nói của nhà văn Nguyễn Bình Phương: “tiểu thuyết như một trạng thái của đời sống chứ không phải một câu trả lời về đời sống”. Phạm Xuân Thạch cũng cho rằng anh nhìn thấy ở Đặng Thân con đường mà Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Nguyễn Hữu Hồng Minh… đã đi, và “Đặng Thân là người đi xa nhất trên con đường này”.

Nhà văn Lê Anh Hoài trong phần phát biểu đã nói rằng không nên gọi "3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]" của Đặng Thân là tiểu thuyết mà chỉ nên gọi nó là “cuốn sách của Đặng Thân”. Lê Anh Hoài đã gọi tiểu thuyết của Đặng Thân là cuốn “ba vạn chín nghìn”, anh nói, "3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]" đã phô bày ra một thế giới theo kiểu mô phỏng, và nên thưởng ngoạn nó theo kiểu mô phỏng ấy. Lê Anh Hoài cũng chia sẻ, “tôi không hoàn toàn thích cuốn sách này nhưng tôi đánh giá cao những nỗ lực lao động của Đặng Thân, vì tác giả đã làm thật và làm điều mình thích, những nỗ lực ấy đáng trân trọng”.

Rất nhiều ý kiến của những nhà chuyên môn cũng như của một số bạn đọc quan tâm đã nói lên cảm xúc, nhận xét của mình về cuốn sách, nhưng tựu chung lại đều nhìn nhận đây là một cuốn tiểu thuyết không giống bất cứ cuốn tiểu thuyết nào. Có một điều lạ là một số người phát biểu khá hăng hái nhưng lại hồn nhiên nói “tôi chưa được đọc cuốn sách”.

Đạo diễn điện ảnh, nhà văn Đỗ Minh Tuấn trong vai trò điều hành cuộc toạ đàm cũng đọc bản tham luận chuẩn bị công phu của mình cho thấy ông khá say sưa và thích thú với tiểu thuyết "3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]". Bài tham luận của ông có tên gọi “Cuộc tỷ thí giữa Hitle và Giun đất”. Tác giả “Thần thánh và bươm bướm” ví cuộc “tỷ thí” đó như một cuộc song thoại, một cuộc “so găng” văn hoá Đông - Tây với những mô tả khá ly kì. Kết thúc bài viết khá dài, Đỗ Minh Tuấn kết luận về trường hợp Đặng Thân bằng những lời có cánh: “3339.Những mảnh hồn trần” là khu vườn lạ, một sắp đặt văn hoá tâm linh tạo nên một khu vườn văn chương lổn nhổn, rườm rà và rất nhiều cạm bẫy, nhưng khá thú vị. Một quyền lực nghệ thuật hậu hiện đại không biết từ đâu đã bỗng nhiên ngự trị trên mảnh đất còn hoang sơ, khiến cho khi lạc vào khu vườn đó, con chim nào cũng phải hót lên, dù đó là tiếng hót gọi đàn vì cảm thấy lạc lõng bơ vơ xa lạ, hay tiếng hót hân hoan của kẻ tìm thấy mảnh đất hoang để xây những tổ ấm văn chương mới cho bầy đàn mình".

Có mặt tại buổi toạ đàm, trong khi các ý kiến tranh luận khá sôi nổi thì ngược lại, tác giả của "3.3.3.9 [những mảnh hồn trần]" khá kiệm lời, anh chỉ nhã nhặn mời mọi người tiếp tục bày tỏ ý kiến, suy nghĩ và trao đổi. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn trên Evan trước đó, Đặng Thân đã bày tỏ: “Gốc của vấn đề là tôi chưa từng muốn viết một cuốn sách nào giống ở đâu cả. Nếu tất cả đều cách tân thì chắc rằng tôi sẽ viết kiểu cổ đại”.

Dương Tử (eVan)