Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Cuộc sống > Bốn phương > Tiết lộ kinh người của một sát thủ kinh tế

Tiết lộ kinh người của một sát thủ kinh tế

Thứ Ba 17, Tháng Giêng 2012

Sát thủ kinh tế John Perkins trả lời phỏng vấn báo SP (Nga) lý giải nguyên do của "mùa xuân Arab", sự sụp đổ của Gaddafi, sự đạo đức giả của Mỹ và phương Tây... VietnamDefence trích giới thiệu để quý vị tham khảo.

Trong năm qua, trên thế giới đã xảy ra quá nhiều sự kiện đòi hỏi nghiên cứu nghiêm túc. Tờ SP quyết định tìm hiểu ý kiến về bản chất các sự kiện này của người đã hơn 20 năm vì nghề nghiệp đã dính líu đến việc tạo ra các tình huống khủng hoảng tương lai, đó là John Perkins, tác giả cuốn sách “Lời thú tội của một sát thủ kinh tế”. Cuốn sách của ông trong một năm rưỡi qua trụ vững trong danh sách các cuốn sách bán chạy của tờ The New York Times, được dịch ra hơn 30 thứ tiếng và được xuất bản với ti-ra tổng cộng hơn 1 triệu bản.

Trong “Lời thú tội”, Perkins từ trong bản thân hệ thống cho thấy, Mỹ đang khiến cả các quốc gia khác đi đến phá sản và phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ. Điều đó được thực hiện dưới vỏ bọc mỹ miều: khi ở nước nào đó thuộc thế giới thứ ba phát hiện được các tài nguyên mà các tập đoàn Mỹ cần, những kẻ mà bên trong bản thân hệ thống gọi thẳng là “các sát thủ kinh tế” được cử đến đó. Nếu như “các sát thủ kinh tế” thất bại, thì các sát thủ thực sự đến ngay: Tổng thống Panama Omar Torijos và Tổng thống Equador Jaime Roldós Aguilera đã chết thê thảm như thế, Perkins viết. Nếu như cả các vụ mưu sát, tổ chức các cuộc bạo loạn đường phố không đạt được mục tiêu, Mỹ phái đến quân đội. Một trong những ví dụ mới đây là chiến tranh ở Iraq.

Còn với hiện tại thì sao? Sắp tới là tròn một năm của làn sóng “cách mạng Arab” lan tràn khắp Cận Đông và Bắc Phi. Có thể nói Mỹ đã viết kịch bản cho chúng không? Hay đó là sự phản đối tự phát sau đó được ủng hộ từ bên ngoài? Nếu vậy thì điều đó có lợi cho ai? Chính John Perkins sẽ trả lời những câu hỏi đó.

- Liên quan đến các sự kiện “mùa xuân Arab”, tôi không cho rằng, chúng đã được vạch kế hoạch và thực hiện theo sơ đồ mà tôi đã mô tả. Tôi nghĩ rằng, “mùa xuân Arab” cũng giống như các hoạt động phản đối đông người ở các nước khác, đã cho chúng ta thấy một điều hoàn toàn khác. Trước hết, người ta trên khắp thế giới thức tỉnh và bắt đầu nhận thức được rằng, hệ thống cũ không còn phát huy hiệu lực. Đó là hệ thống, trong đó 1% đứng đầu cả kim tự tháp kinh tế và sử dụng 99% còn lại phục vụ lợi ích của mình trong suốt một thời gian dài.

SP: Có nghĩa là các sự kiện này quả thực là bột phát, chứ không bị ai đó đạo diễn từ bên ngoài?

- Đúng, nhưng tôi cũng nghi ngờ - tôi không có bằng chứng nào, bởi vì tôi không còn dính líu đến những hành động như vậy, - rằng, các sát thủ kinh tế và các điệp viên loại khác đang tiếp tục xâm nhập vào các nhóm phản đối này, người ta muốn làm cho các chính phủ như của Gaddafi hay Mubarak bị thay thế bằng những người có thiện chí hơn đối với các tập đoàn lớn, ngoan ngoãn hơn đối với giới đầu sỏ các tập đoàn (Corporatocracy). Nhưng trong khi đó, cũng tồn tại một phong trào Hồi giáo rất mạnh, đang cố làm điều ngược lại nên không thể nói tất cả sẽ kết thúc bằng điều gì.

SP: Tại sao Mỹ và cả thế giới phương Tây kiên trì như thế khi nói về những vi phạm nhân quyền ở Syria, còn trước đó là ở Libya, nhưng lại không muốn nhận thấy các sự kiện tương tự đang diễn ra ở Bahrain và Yemen?

- Đó là sự đạo đức giả, điều đó thậm chí còn tồi tệ hơn cả đạo đức giả. Chúng ta đang nói về những vi phạm nhân quyền khi mà chúng tôi muốn loại bỏ những nhà lãnh đạo không có lợi cho chúng tôi và muốn kiểm soát đất nước của họ. Nhưng khi chúng tôi nhìn thấy những vi phạm nhân quyền tương tự ở những nước mà các nhà lãnh đạo của chúng được chúng ta ưa thích như ở Bahrain thì chúng tôi phớt lờ chúng. Và đương nhiên là chúng tôi phớt lờ những vi phạm đó ở ngay nhà mình. Ở chính nước Mỹ hiện nay cũng có vô vàn sự vi phạm nhân quyền, ví dụ như với binh nhì Bradley Manning, người đã trao các thông tin mật cho Wikileaks và đã bị giam trong tù một thời gian dài mà không đưa ra cáo buộc. Chúng tôi đang sử dụng thuật ngữ “vi phạm nhân quyền” khi điều đó có lợi cho chúng tôi từ góc độ chính trị.

SP: Ông có thể nêu riêng các sự kiện ở Libya và vụ giết hại ông Muammar Gaddafi?

- Tôi nghĩ rằng, khi nước Mỹ áp dụng những biện pháp quyết liệt như thế chống Gaddafi, động cơ của các hành động đó chính là việc Gaddafi quyết tâm thiết lập một đồng tiền mới sẽ thay thế đồng đô la Mỹ. Ông Gaddafi đã nói đến việc lập đồng dinar vàng và ông ấy có một ngân hàng trung ương rất mạnh với một số lượng vàng lớn. Ông ấy đã xúi giục các nước châu Phi và Mỹ Latinh mua và bán dầu bằng đồng dinar vàng thay cho đồng đô la, mà điều đó sẽ làm sụp đổ bản thân đồng đô la Mỹ và thực tế là cả bản thân hệ thống dự trữ liên bang FRS (Federal Reserve System) của Mỹ - toàn bộ hệ thống nhà băng mà nền kinh tế của nước Mỹ được xây dựng trên đó.

Chế độ Iran hiện đang đi theo con đường giống như vậy và tôi nghĩ rằng, nhiều điều đã từng xảy ra ở Libya cũng đang diễn ra hiện nay xung quanh Iran, có liên quan đến hệ thống kinh tế và đồng đô la ở mức độ lớn hơn nhiều so với việc chế tạo vũ khí hạt nhân hay dầu mỏ.

SP: Ông nói rằng, mọi người trên toàn thế giới đang thức tỉnh và bắt đầu nhận thức được rằng, hệ thống cũ không còn có hiệu lực. Ý ông muốn nói gì?

- Tôi cho rằng, cả các hành động phản đối “Hãy chiếm lấy phố Wall”, cả những hành động phản đối ở châu Âu, cả “mùa xuân Arab”, cũng như các sự kiện ở Nga là một phần của một quá trình thức tỉnh toàn cầu. Người ta bắt đầu hiểu rằng, có một vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống hiện nay: ý tôi nói rằng, các nguyên thủ quốc gia dù đó là Mỹ hay ở Cận Đông đều không phục vụ các công dân của mình. Đã nhiều năm, các hành động của họ phục tùng lợi ích của một nhóm nhỏ, đứng đầu các tập đoàn lớn nhất thế giới - đó là giới đầu sỏ các tập đoàn. Sở hữu các khả năng tài chính to lớn, họ kiểm soát phần lớn các chính phủ thế giới. Họ cũng kiểm soát các phương tiện truyền thông đại chúng chủ yếu bằng cách đươn giản là sở hữu chúng. Họ chỉ có một nhiệm vụ là thu lợi nhuận tối đa. Thế giới của chúng ta đã bị đánh cắp và chúng ta cần lấy lại nó: nắm lấy kinh tế và chính trị của chúng ta. Các phong trào phản đối là một bộ phận của quá trình này.

SP: Ông có thể nêu ra ranh giới khi mà quyền lực ở nhiều nước đã chuyển từ nhà nước sang các tập đoàn?

- Đó đã là một quá trình lâu dài, nhưng nếu như muốn nghe một điều gì cụ thể thì ở Mỹ, đó là việc bầu Ronald Regan làm tổng thống, ở Anh là bầu Margaret Thatcher làm thủ tướng. Ở Nga, tôi nghĩ rằng, điều đó đã xảy ra với việc Gorbachev lên nắm quyền. Giai đoạn tích cực nhất là thập niên 1980, khi mà các chính phủ như Mỹ bắt đầu trao cho các tập đoàn ngày càng nhiều quyền lực, bắt đầu giảm mức độ điều hành luật pháp đối với hoạt động của chúng, điều đã cho phép đặt các tập đoàn dưới sự kiểm soát. Đó là chính sách có chủ đích. Kết quả là các tập đoàn có ngày càng nhiều khả năng tài trợ và quyết định các chương trình tranh cử của các chính trị gia khác nhau và áp đặt các điều kiện của mình. Tôi nêu bật thập kỷ 1980, nhưng hiển nhiên là quá trình chuẩn bị đã diễn ra trong một thời gian dài trước đó.

SP: Ông nghĩ gì về các hoạt động phản đối quần chúng ở Nga?

- Trước hết, phải nói rằng, tôi chưa bao giờ làm việc ở Nga và tôi chỉ có thể dự đoán về bản chất các sự kiện đang diễn ra ở Nga, nhưng tôi cảm thấy rằng, nó cũng giống như ở cả thế giới còn lại. Có lẽ người Nga đã bắt đầu nhìn thấy rằng, các nhà lãnh đạo của họ trong một thời gian dài đã lừa dối nhân dân, còn một nhóm người rất nhỏ đã trở nên ngày càng giàu hơn bằng cách bóc lột tất cả những người còn lại và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

SP: Ở Nga, hiện nay người ta đang thảo luận 2 quan điểm đối với những hành động phản đối mới xảy ra. Một quan điểm là điều mà ông vừa nêu ra, hai là thái độ phản đối bị hun nóng từ bên ngoài và trước hết là từ Mỹ nhằm suy yếu nước Nga.

- Tôi cho rằng, quan điểm thứ hai có quyền để tồn tại. Mỗi lần khi mà người ta quyết rằng, chính phủ đã lừa dối họ và các hành động phản đối như vậy bắt đầu, các điệp viên của Mỹ, giống như “các sát thủ kinh tế” đều mưu toan xâm nhập vào đó và tôi không hề nghi ngờ chuyện điều như vậy hiện nay cũng đang diễn ra. Song tôi cho rằng, các sự kiện là Nga là một bộ phận của các sự kiện đang diễn ra trên toàn thế giới.

SP: Nhưng chúng sẽ kết thúc bằng cái gì? Nếu như giới đầu sỏ tập đoàn quả thực nắm giữ quyền lực như thế thì nó sẽ không trao trả một cách tự nguyện.

- Đúng và chúng ta đang thấy nó đang đấu tranh chống lại. Các vị có lẽ đã thấy các bức ảnh ở Mỹ, trên đó cảnh sát giải tán, đàn áp các hành động “Hãy chiếm lấy phố Wall”. Sự chống đối có ở khắp nơi, nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng, một khi những người cấu thành nên giới đầu sỏ tập đoàn không phớt lờ chúng tôi mà đấu tranh chống lại, có nghĩa là họ sợ chúng tôi. Bởi vậy, tôi cho rằng, những người tham gia các phong trào phản đối cần nhìn nhận đây là tín hiệu rất khả quan - người ta nghe thấy chúng, người ta sợ chúng. Ở Anh thế kỷ XIII, một tình thế như vậy đã dẫn đến việc người dân nổi dậy, buộc vua George ký Đại Hiến chương. Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc cho một hiến chương mới, một hiến chương toàn cầu. Về bản chất, các tập đoàn tồn tại không phải để làm giàu chính mình mà là để phục vụ xã hội, quan tâm đến những con người bình thường và phục vụ các lợi ích của họ, chứ không phải lợi ích của một nhóm người rất nhỏ và cực giàu.

SP: Ở Nga có quan điểm cho rằng, trong quá khứ, các cuộc khủng hoảng hệ thống đã có thể vượt qua được chỉ là thông qua chiến tranh. Cụ thể là thế giới thoát khỏi cuộc đại khủng hoảng chỉ thông qua Thế chiến II. Cũng có những lo ngại rằng, ngày nay chúng ta đang đi đến Thế chiến II. Ông có đồng ý với quan điểm đó không?

- Tôi rất hy vọng rằng, thực tế không phải như thế bởi vì chiến tranh thế giới sẽ tàn khốc đối với tất cả chúng ta, có chăng chỉ trừ các tập đoàn lớn sẽ kiếm được nhiều tiền từ chiến tranh như đã làm trong tất cả các cuộc chiến trong quá khứ. Tôi thực sự nghĩ rằng, đó là nguy hiểm thực sự, và mức độ căng thẳng như thế trong quan hệ Iran-Mỹ làm tôi rất sợ hãi bởi vì nó có thể dẫn đến một cuộc chiến rất nghiêm trọng. Hơn nữa, ở Mỹ có nhiều tin đồn là Nga và ông Putin muốn có cuộc chiến tranh này bởi vì nó sẽ làm tăng mạnh giá dầu mỏ. Tôi hy vọng chúng ta cuối cùng cũng tránh được điều đó.

SP: Tại sao chống đối một hệ thống đã có lại khó khăn đến vậy? Tại sao các quan chức giữ chức vụ cao lại không thể đơn giản thay đổi triệt đế chính sách của mình?

- Bởi vì, các phương pháp đã được chúng tôi áp dụng ở các nước thế giới thứ ba có thể áp dụng đối với những con người riêng biệt ở ngay trong chính nước Mỹ. Chúng tôi biết rõ rằng, ngày nay tổng thống Mỹ đang ở trong tình thế rất sơ hở. Trong thời đại chúng ta, không hề cần giết các tổng thống bằng viên đạn. Việc “ám sát” Bill Clinton được thực hiện bằng việc bôi xấu ông ta qua vụ scandal tình dục. Chỉ mới đây, chúng ta đã thấy, cũng bằng cách đó, sự nghiệp của Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Dominique Gaston André Strauss-Kahn đã bị hủy diệt như thế nào, mặc dù cáo buộc cuối cùng không được chứng minh. Và Obama hiểu rằng, ông ta có thể bị quật ngã bởi những tin đồn giản đơn, những cái buộc ngoại tình, sử dụng ma túy hay bất cứ cái gì khác nữa. Các nhà lãnh đạo của chúng tôi ngày nay rất dễ bị tổn thương và các sát thủ không cần sử dụng bom hay đạn như trong quá khứ.

SP: Thưa ông Perkins, câu hỏi cuối cùng: do cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay và các cuộc chiến tranh mới đây, trong đó có chiến tranh Libya, nhiều chuyên gia Nga đã bắt đầu nói rằng, nếu như Liên Xô vẫn còn thì không có chuyện gì như thế có thể xảy ra. Ông nghĩ sao?

- Dĩ nhiên là không thể nói điều gì có thể xảy ra nếu như Liên Xô không sụp đổ, nhưng chúng ta biết chính xác rằng, khi Liên Xô không còn thì trên thế giới chỉ còn lại một siêu cường là Mỹ. Trước đó, Liên Xô và Mỹ đã cân bằng nhau rất tốt, nhưng khi Liên Xô tan rã, thế cân bằng đã bị phá vỡ. Và sau đó, khi Mỹ trở thành siêu cường duy nhất, Mỹ đã trở thành siêu cường của giới đầu sỏ tập đoàn. Điều này hiện nay đang đặc trưng cho cả thế giới tư bản. Vì thế, sự sụp đổ của Liên Xô đã làm thay đổi hoàn toàn cán cân của nền chính trị toàn cầu.

Nguồn: Sát thủ kinh tế: các cựu đồng nghiệp của tôi có ở khắp nơi / Viktor Savenkov // SP, 12.1.2012