Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Công nghệ > Kết nối > Khoa học và Công nghệ: khác nhau chỗ nào?

Khoa học và Công nghệ: khác nhau chỗ nào?

GS Nguyễn Văn Tuấn

Thứ Sáu 24, Tháng Hai 2012, bởi Cong_Chi_Nguyen

Mỗi ngày tôi nghe và đọc, thậm chí dùng những từ như scientific, technique, và technology khá thường xuyên. Từ những bài báo khoa học, đến bài giảng của khách mời, ai cũng nói đến những khái niệm hơi mới như genetic technology, biotechnology, genotyping technology, genotyping technique, genetic engineering, v.v. nhưng ít khi nào thấy người sử dụng những từ ngữ này phân biệt rành rọt. Có lẽ đó là lĩnh vực của các chuyên gia về triết học của khoa học (philosophy of science).

Định nghĩa theo Oxford

Tất cả những từ này (technology, technique, science) xuất phát từ tiếng Anh, nên có lẽ chúng ta bắt đầu bằng … từ điển. Từ điển chuẩn tiếng Anh có lẽ là Oxford. Từ điển Oxford giải thích như sau:

  • Technology: the application of scientific knowledge for practical purposes, especially in industry (tạm dịch: ứng dụng tri thức khoa học vào các mục đích thực tiễn, đặc biệt là kĩ nghệ). Từ điển Oxford còn cho biết từ này xuất hiện từ đầu thế kỉ 17, có nguồn gốc tiếng Hi Lạp (dĩ nhiên) tekhnologia có nghĩa là “systematic treatment”, và chữ này xuất phát từ danh từ tekhnē có nghĩa là “art, craft”.
  • Technique: a way of carrying out a particular task, especially the execution or performance of an artistic work or a scientific procedure (tạm dịch: cách thực hiện một công việc cụ thể, đặc biệt là thực thi hay biểu diễn một tác phẩm nghệ thuật hay một qui trình khoa học). Từ này xuất hiện vào đầu thế kỉ 19, từ tiếng Latin technicus.

Có thể tóm lược vài ý chính chung quanh hai từ đó như sau:

Technique (kĩ thuật)
Kĩ thuật là khả năng thực hành công việc một cách hữu hiệu. Kĩ thuật đề cập đến kĩ năng của một người thợ, luật sư, bác sĩ, nhạc sĩ, v.v. Đó là những ứng dụng những “know-how” được tích luỹ từ kinh nghiệm thực tế. Người quan tâm đến kĩ thuật không cần biết tại sao có hiệu quả, mà chỉ biết làm việc có hiệu quả.

Technology (công nghệ)
Technology có cái đuôi -ology, tức là thuộc về lĩnh vực lí thuyết, học thuật (như theology, sociology, psychology, biology, v.v.). Nói đến công nghệ là đề cập đến một lĩnh vực có dáng dấp khoa học, có dựa vào lí thuyết. Kĩ thuật không quan tâm đến lí thuyết bằng công nghệ. Đối với công nghệ, vấn đề không chỉ là thực hành có hiệu quả, mà còn phải lí giải tại sao có hiệu quả. Công nghệ phải biết cái tại sao mình muốn biết.

Tôi nghĩ một ví dụ tiêu biểu nhất có lẽ là genotyping technique và genotyping technology. Có lẽ tạm dịch hai thuật ngữ đó là kĩ thuật phân tích gene và công nghệ phân tích gene. Khi nói đến kĩ thuật phân tích gene, có lẽ chúng ta nghĩ ngay đến những kĩ thuật “cổ điển” như RFLP (tức kĩ thuật cắt mảng DNA thành nhiều mảng nhỏ bằng enzyme), t-RFLP, AFLP, hay thậm chí MLPA. Những kĩ thuật này chỉ phân tích một số ít gene hay marker của gene. Nhưng ngày nay, công nghệ phân tích gene có thể phân tích hàng trăm ngàn marker, và những công nghệ này có thể là DNA microarrays của Illumina hoặc Affymetrix (cả hai đều của Mĩ).

Từ điển Oxford giải thích rằng technology xuất phát từ chữ techne (tiếng Hi Lạp) mà có khi được dịch sang tiếng Anh là arts. Có lẽ cách dịch này không mấy chính xác, bởi vì nghệ thuật thiên về biểu hiện cái đẹp. Plato, Aristotle, và Hippocrate dạy rằng đặc điểm của techne cũng giống như episteme. Episteme chú ý đến sự thật (chân lí) của cái gì đã được biết, còn techne chú ý đến hiệu quả. Khoa học quan tâm đến tri thức, còn techne quan tâm đến làm thế nào. Khái niệm công nghệ chính là khái niệm techne.
Nói tóm lại, theo tôi hiểu từ những lí giải trên đây, có thể phân biệt khoa học và kĩ thuật tương đối dễ dàng. Kĩ thuật là thuộc về phạm trù thực hành, khoa học là tri thức.

Nhưng phân biệt giữa khoa học và công nghệ thì có lẽ rắc rối hơn. Có thể nào xem công nghệ là khoa học ứng dụng (applied science)? Dựa vào bảng phân biệt dưới đây, tôi nghĩ có thể xem công nghệ là khoa học ứng dụng. Hiểu như vậy, có lẽ “Bộ Khoa học và Công nghệ” nên sửa lại đơn giản hơn là “Bộ Khoa học” (1). Đề nghị này chắc Bộ trưởng Nguyễn Quân sẽ mỉm cười.

NVT

(1) Tôi hơi ngạc nhiên về cái danh xưng “Bộ Khoa học và Công nghệ”, nên thử tìm hiểu trên mạng xem gốc của nó từ đâu. Kết quả cho thấy bên Tàu, họ cũng có một bộ y chang như ta (tức là Ministry of Science and Technology of the People’s Republic of China và website cũng giống như VN ta: http://www.most.gov.cn). Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Iran, Thái Lan cũng có một bộ cùng tên (Ministry of Science and Technology).

Vài khác biệt giữa khoa học và công nghệ (sưu tầm)

Khía cạnh Khoa học (science) Công nghệ (technology)
Mục tiêu Phát triển tri thức mới mà có thể không quan tâm đến ứng dụng (chẳng hạn như tìm hiểu một phân tử) Tạo ra sản phẩm, hiện vật, hệ thống để đáp ứng nhu cầu con người (như bào chế thuốc)
Thái độ Tri thức Thực tế
Sứ mệnh Đi tìm và lí thuyết hoá về nguyên nhân và hệ quả Đi tìm và lí thuyết hoá về một qui trình mới
Kết quả Những phát biểu gần như không có giá trị thực tế Việc làm lúc nào cũng nhắm đến giá trị thực tế
Phương pháp Phân tích, khái quát hoá, kiến tạo lí thuyết và qui luật Phân tích và tổng kết thành những thiết kế, đồ án
Phương pháp để đạt mục tiêu Phương pháp khoa học, khám phá qua những thí nghiệm có kiểm chứng Qui trình công nghệ, thiết kế, phát minh, và sản xuất
Chủ tâm Tìm hiểu hiện tượng tự nhiên, kết luận dựa vào dữ liệu thí nghiệm và lí thuyết Tìm hiểu môi trường hình thành như thế nào. Quyết định dựa trên dữ liệu không đầy đủ và mô hình hay mô phỏng
Kĩ năng Kĩ năng thí nghiệm và kĩ năng suy luận logic Thiết kế, xây dựng, kiểm định, kiểm tra chất lượng, giải quyết vấn đề, kĩ năng liên hệ và thông tin