Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Con người > Hiếu kỳ > Đi thăm... cõi chết

Đi thăm... cõi chết

Thứ Sáu 9, Tháng Ba 2012

“Lên taxi một lát thì tôi chẳng biết gì nữa. Khi mở mắt ra thì thấy dây dợ đầy mặt. Tôi nghe có tiếng nói, ông sống rồi đó. Nhiều phóng viên đã có mặt và chụp hình tôi. Tôi mất hai tuần không trở được người vì lồng ngực đau ê ẩm, sau này mới biết, đó là do bị sốc tim liên tục lúc tôi chết lâm sàng”, ông Trương Văn Dục kể lại câu chuyện được bác sĩ bệnh viện Hoàn Mỹ – Đà Nẵng cứu sống sau khi chết lâm sàng 15 phút ngoài bệnh viện vì nhồi máu cơ tim.

15 phút ngưng thở

Tháng 12.2011, từ Sài Gòn, ông Dục (sinh năm 1958) chạy xe máy về tận Đà Nẵng để lo đám hỏi cho con gái út, là nhân viên chăm sóc khách hàng tại bệnh viện Hoàn Mỹ. Việc nhà vừa xong, ngày chủ nhật 25.12, sau khi ăn tối tại nhà bạn, cả hai đang ngồi trước hiên nhà uống nước, ông bị một cơn đau nhói ở ngực. Bạn ông biết đôi chút về bệnh tim nên gọi cho Ngọc, con gái ông Dục đến đưa đi viện khám.

“Lên taxi ba tôi kêu ngực nóng và tức, khoảng 10 phút sau, ba nấc lên và ngưng thở, chân tay đờ ra và mắt trợn lên. Tôi cuống lên, vừa gọi điện đến bệnh viện nhờ chuẩn bị phòng cấp cứu, vừa giục taxi chạy nhanh. Hơn 15 phút sau taxi mới đến được bệnh viện vì người lái xe không biết đường tắt, mà tôi thì rối trí nên quên chỉ đường”, Ngọc kể.

Ông Dục được đưa đến bệnh viện trong tình trạng co quắp vì đã ngưng thở trên taxi hơn 15 phút. Khi được đưa vào phòng cấp cứu, trong 15 phút đầu, các bác sĩ không bắt được mạch cho bệnh nhân. Êkíp trực tiêm rất nhiều thuốc hồi dương và làm các biện pháp sốc tim, bóp tim nhưng không có dấu hiệu của sự sống, đồng tử mắt đã giãn. Sau 30 phút ông Dục nằm trong phòng cấp cứu, bác sĩ trực cấp cứu báo gia đình chuẩn bị hậu sự. “Tôi không nhớ chi tiết, chỉ biết một chị tham gia ca cấp cứu nói với tôi, các bác sĩ đã tiêm cho ba tôi rất nhiều ống adrenalin, nhiều trên mức bình thường. Họ cũng làm sốc tim liên tục, nhưng chẳng có dấu hiệu gì. Tôi chỉ biết khóc”, Ngọc kể lại.

“Phước chủ may thầy”

BS Trần Văn Long, giám đốc bệnh viện kể về cuộc chạy đua cứu sống ông Dục chiều ngày Noel 2011: “Khi anh em gọi điện cho tôi, tôi ở ngoài bệnh viện vì là chủ nhật, được nghỉ. Đây là người nhà của một nhân viên bệnh viện, thêm vào đó, ông đã chết ngoài bệnh viện nên anh em gọi điện hỏi ý kiến tôi. Tôi đến bệnh viện và kiểm tra. Dù thấy mạch không đập, đồng tử mắt đã giãn, tôi cảm nhận dường như mắt có phản ứng, nên tôi đoán có thể đồng tử giãn do tác dụng của một số thuốc hồi dương. Vì thế tôi để anh em tiếp tục làm các thao tác cấp cứu. Khoảng 45 phút sau thì nhịp tim và mạch xuất hiện trở lại”.

Sau khi tim của ông Dục đập lại, các bác sĩ chẩn đoán ông Dục bị tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước (một động mạch chính cung cấp máu cho tim) dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp. Sáng hôm sau, ông Dục được đưa vào phòng can thiệp mạch vành và đặt stent để tái lưu thông mạch máu. “Thông thường, các bệnh nhân đặt stent sau 24 – 48 giờ là có thể xuất viện, nhưng ông Dục, khi đưa vào viện thì thận và gan đã bị tổn thương do tình trạng thiếu máu, vì thế phải chạy thận nhân tạo. Cũng may, ông không có tiền sử về bệnh tật nên tám ngày sau thì hồi phục gần như hoàn toàn”, BS Long cho hay.

BS Long cho rằng ông Dục được cứu do ba cái may: thứ nhất bản thân ông Dục không có tiền sử về bệnh tật, thể lực sung mãn. Thứ hai, ông được đưa đến bệnh viện kịp thời trong khoảng "thời gian vàng", để làm thao tác thông tim và đặt ống stent. Thứ ba, vì con ông Dục là nhân viên bệnh viện, nên người nhà bệnh nhân có sự đồng thuận trong chữa trị với các bác sĩ, dù biết mức độ thành công chỉ chiếm 1 – 2%. “Theo tôi nghĩ, thời gian mạch ngưng đập có thể không dài đến 15 phút. Hoặc trong thực tế khi các bác sĩ làm thao tác xoa bóp, sốc tim thì máu có thể vẫn được đẩy lên não. Vì về mặt khoa học, nếu tim ngưng hoạt động 15 phút thì rất khó cứu do khi đó não đã chết rồi. Mà não chết thì không cứu được”, BS Long nhận định.

Ông Dục cho biết, đây không phải lần đầu ông chết hụt, nhưng là lần đầu tiên ông trải nghiệm cái chết một cách rõ nhất. “Nó giống như đi vào một giấc ngủ. Con người đúng là sống nay chết mai. Nhưng qua cơn thập tử nhất sinh, chết đi sống lại mới thấy có gia đình, vợ con hay người thân ở cạnh là điều vô cùng quý giá. Vợ chồng tôi ly hôn. Nhiều năm qua, tôi sống một thân một mình, lang bạt mọi nơi, cả năm mới về nhà một lần. Chẳng mấy quan tâm đến ốm đau bệnh tật. Vừa rồi, nếu không nhờ con, chắc tôi đã chết rồi. Giờ chỉ mong có cơ hội sống trong một mái gia đình, cùng với vợ con rồi sau này có cháu chắt. Tôi không mong muốn gì hơn là có người thân bên cạnh”, ông đăm chiêu.

Theo bs Trần Văn Long, giám đốc điều hành bệnh viện Hoàn Mỹ – Đà Nẵng, khi thấy đau thắt ngực, nặng ngực và cảm giác mệt – thì đó là dấu hiệu của cơn đau nhồi máu cơ tim, bệnh nhân phải được đưa thẳng đến những bệnh viện có chuyên ngành, tránh đưa đến các cơ sở y tế không chuyên rồi chuyển từ nơi này đến nơi khác. Những nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim thường là do căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng, suy nhược, lao tâm lao lực, và những tình trạng khiến sức đề kháng giảm. Nên kiểm tra chuyên khoa tim mạch mỗi quý một lần, nhất là với người trên 50 tuổi.

SGTT.VN - Kim Dung