Nữ văn sĩ Harper Lee (1926-)

Khác với Margaret Mitchell, sau thành công vượt bực của To Kill a Mockingbird, Harper Lee đã dự thảo trước sau hai dự án tiểư thuyết, để rồi cuối cùng bỏ cuộc, và rút vào im lặng từ sau cuộc phỏng vấn cuối cùng năm 1964, bốn năm sau khi To Kill a Mockingbird ra đời và được khắp nước Mỹ và thế giới đón nhận nồng nhiệt.

Sinh ngày 28 tháng 4, 1926 và lớn lên tại Monroeville, một tỉnh nhỏ ở tiểu bang Alabama, bà tên thực là Nelle Harper Lee, xuất thân từ một gia đình cha là luật sư Amasa Coleman Lee, một thời làm dân biểu tiểu bang và chủ một tờ báo địa phương, và là một nhân sĩ được kính trọng trong tỉnh. Ông Lee có một dạo biện hộ cho hai người da đen, cả hai bị kết án và treo cổ sau đó, nên ông bỏ nghề biện hộ để xoay ra chuyên về luật ngân hàng. Mẹ bà, Frances, không có bao nhiêu ảnh hưởng đối với con cái vì bà bị bệnh tâm thần, hầu như không tự tay chăm sóc và giáo dục các con. Là con út trong một gia đình bốn anh em, Nelle có bà chị lớn, Alice, cũng làm luật sư và là người về sau này quản lý sổ sách và công việc giao tế cho bà sau khi Mockingbird ra đời và trở thành bestseller và một hiện tượng văn học.

Nelle cũng theo học luật, nhưng bỏ dở chừng. Bà bỏ đi New York vào năm 23 tuổi để vừa đi làm vừa viết văn. Một phần cũng vì người bạn thời thơ ấu của bà là Truman Capote đang sống đời văn sĩ tại đó sau khi có một đôi cuốn sách xuất bản và tạo được một tên tuổi, và khuyến khích bà lên New York, cái nôi của văn học nghệ thuật thời đó. Cả hai khi còn nhỏ thường hay đàn đúm với nhau viết truyện trên một cái máy chữ cũ ông Lee mua cho con gái. Nelle, với bản chất con trai (tomboy), cao và khoẻ, thường còn là người bao bọc cho Truman vì ông tính như con gái, thấp bé yếu ớt, thường bị tụi trẻ bắt nạt. Thời còn ở đại học Nelle cũng đã cộng tác với tờ báo của trường và càng lúc càng thấy không muốn làm gì khác ngoài viết văn. Cha bà rất buồn trước quyết định bỏ học của con gái, nhưng không cản bà đi New York, nghĩ rằng bà trước sau rồi sẽ tỉnh ngộ và về lại với gia đình để giúp ông thực hiện giấc mộng có một văn phòng luật dưới bảng hiệu “A.C. Lee & Daughters”.

Nelle đi làm nghề bán vé máy bay cho hai hãng hàng không đề sinh sống, cũng chỉ đủ trả tiền thuê nhà và mua đồ ăn khiêm tốn. Song ngược lại bà làm quen với một số bạn, trong đó có nhà viết lời cho nhạc kịch Broadway tên Michael Brown và vợ là Joy, và trở nên thân thiết với gia đình này. Bà cũng viết được một số truyện và vừa tìm được người đại diện (literary agent) để giúp giao dịch với các nhà xuất bản. Giáng sinh năm 1956, sau sáu năm ở New York, Nelle nhận được một món quà đặc biệt của vợ chồng Brown nhân dịp ông vừa nhận được tiền bản quyền của một bộ nhạc kịch: đó là một món tiền trị giá lương một năm của Nelle, với một ghi chú ngắn: “Cô có một năm không phải đi làm để viết bất cứ gì cô thích. Merry Christmas.”

Nelle bỏ việc, ngồi nhà viết văn. Trong vòng một năm, trong sự cô độc và niềm nhớ nhà và khung cảnh thân thuộc của quê nhà ở miền Nam nước Mỹ, bà viết xong bản thảo đầu cuốn sách về sau này được đặt tựa là To Kill a Mockingbird. Nelle sau đó trải qua hơn một năm làm việc với chủ bút Tay Hohoff của nhà xuất bản J.B. Lippincott & Co., viết tới viết lui, sắp xếp lại thứ tự các chương, thay chỗ này cắt chỗ kia thêm chỗ nọ. Trong thời gian làm việc này, có lúc Nelle khổ sở chán nản tới độ một bữa trời đang tuyết, bà mở tung cửa sổ rồi tung hê đống bản thảo trong tuyết, rồi bốc điện thoại gọi bà chủ bút tuyên bố bỏ cuộc. Bà Hohoff bình tĩnh bảo bà mặc đồ ấm vào rồi xuống đường lượm những tờ bản thảo đó lên. Và Nelle đã làm như bà dặn, vừa nhặt các trang giấy sũng tuyết vừa khóc.

Nelle cuối cùng hoàn tất cuốn tiểu thuyết đầu tay vào mùa hè năm 1959. Cũng vào cuối năm đó, Truman cần Nelle tháp tùng giúp ông thu thập chất liệu cho một loạt phóng sự cho tạp chí The New Yorker về vụ án mạng toàn gia đình nông gia giầu có Herbert Clutter ở tỉnh lẻ Holcomb, Kansas. Chính nhờ sự giúp đỡ đắc lực và rất hữu hiệu này của Nelle mà Truman đã cuối cùng có nhiều hơn là đủ chất liệu để thực hiện cuốn tiểu thuyết phóng sự nổi tiếng In Cold Blood (1966).

Xuất bản vào ngày 11 tháng 7, 1960, To Kill a Mockingbird trong chỉ một sớm một chiều trở thành bestseller, được trao giải Pulitzer Prize for Fiction năm 1961, được dịch ra trên 40 thứ tiếng và trước sau bán ra trên 30 triệu ấn bản. Mockingbird được dựng thành phim vào năm 1962 do Robert Mulligan đạo diễn, với tài tử danh tiếng Gregory Peck thủ vai chính, luật sư Atticus Finch, và đã được nhiều giải thưởng Oscar. Năm 1999, Library Journal, qua một cuộc thăm dò ý kiến, bầu Mockingbird là “Best Novel of the Century”, qua mặt cả Gone with the Wind.

To Kill a Mockingbird đặt bối cảnh tại một tỉnh nhỏ miền Nam có tên là Maycomb, Alabama, trong thời kỳ Khủng hoảng Kinh tế vào đầu thập niên 1930. Câu chuyện được một nhân vật nữ kể lại về thời thơ ấu của mình qua cô bé Scout, với người anh, Jem, và cha, luật sư Atticus Finch và là một người đàn ông goá vợ ở vậy nuôi các con. Câu chuyện bắt đầu lúc cô bé Scout chưa bắt đầu năm học đầu tiên và kéo dài ba năm. Cô đeo theo người anh và một cậu bé hàng xóm tên Dill, mỗi hè về ở với người cô ở Maycomb, cả ba chơi những trò chơi đơn sơ của trẻ con. Một trong những trò chơi đó là rình rập một căn nhà bí ẩn trong xóm, nơi trú ngụ của một người mà ai cũng né tránh mặc dù không mấy ai biết mặt, tên là Boo Radley. Ba đứa trẻ quyết tìm xem Boo mặt mũi thế nào.

Trong khi đó trong tỉnh xẩy ra vụ một người da đen, Tom Robinson, bị cáo buộc là hiếp một phụ nữ da trắng, Maybelle Ewell, con gái của một nông dân da trắng có tật say sưa và hung bạo, hay đánh đập la mắng cô. Lũ nhỏ không để ý tới chuyện này cho tới khi Atticus được cử biện hộ cho Tom. Khi Atticus ngồi án ngữ trước nhà ngục vào một đêm khuya để ngăn không cho đám người quá khích vào lôi Tom ra để hành quyết (lynching), cả ba đứa trẻ chạy tới góp mặt. Scout nhận ra trong đám người hung hãn ấy có một nông dân mà Atticus đã giúp đỡ trong một vụ pháp lý nhưng không có tiền trả và Atticus đã đồng ý nhận những gói hạnh nhân lâu lâu ông ta mang lại thay cho tiền, và ông này là cha của một cậu bé mà chính Scout đã nhẩy vào can thiệp khi cậu ta bị các bạn uy hiếp. Cô bé gợi chuyện với người đàn ông đó, khiến ông ta bối rối, hết còn hung hăng, và đám đông cũng dịu theo, rồi họ theo nhau giảỉ tán. Mặc dù bị cha cấm không được theo dõi vụ án, nhưng Jem, Scout và Dill vẫn lén lên ban công nơi dành riêng cho người da đen mở xuống phòng xử dành riêng cho người da trắng bên dưới, để theo dõi vụ xử án. Vụ án diễn ra cho thấy công lý bị thành kiến và óc kỳ thị lấn át. Mặc dù Atticus đã đưa ra những lý luận hợp lý hợp tình, Tom vẫn bị một bồi thẩm đoàn toàn da trắng kết án. Khi đi theo Tom bị dẫn giải ra khỏi phòng xử, Atticus nói với theo Tom là ông sẽ kháng án, trước ánh mắt oán hận và tuyệt vọng của Tom. Biết trước sau gì cũng chết, Tom vượt ngục, nhưng bị bắn chết.

To Kill a Mockingbird ra đời đúng lúc phong trào đòi quyền công dân của người da đen lên cao vào thập niên 1960, bị các chính quyền địa phương đối phó bằng bạo động, song phong trào lại có được sự công nhận và bảo vệ của chính phủ liên bang. Độc giả da đen thấy họ phản ảnh trong Mockingbird. Độc giả da trắng vẩn hỗ trợ phong trào dù thầm lặng nhìn thấy nơi luật sư Atticus Finch hình ảnh của họ. Giới trẻ trong khi theo dõi bộ ba Scout-Jem-Dill và chia sẻ những tràng cười với các nhân vật trước các trò chơi trẻ con, để rồi bị cuốn hút vào chuyện người lớn lúc nào không hay, như Scout, Jem và Dill. Có lẽ đó là một trong những lý do Mockingbird được đón nhận nồng nhiệt vì đã ra đời đúng lúc, mặc dù tác giả của nó không hề tính toán như vậy.

Cũng như Margaret Mitchell, sự thành công bất ngờ của Mockingbird đã làm Nelle đi từ ngạc nhiên, tới choáng ngợp – choáng ngợp vì danh vọng chợt đến trong khi bà, vốn bản chất khiêm tốn và riêng tư, không hề chuẩn bị tinh thần vì vốn không tin là cuốn truyện về đời sống tại một tỉnh lẻ và những mảnh đời bình thường lại có thể trở thành ăn khách như thế.

“Tôi không hề mong đợi bất cứ một thành công nào với Mockingbird. Tôi đã hy vọng sẽ đối diện với một cái chết nhanh chóng và nhân từ từ tay các nhà phê bình song đồng thời tôi cũng hy vọng ai đó sẽ thích [cuốn sách] vừa đủ để khuyến khích tôi,” Nelle trả lời cuộc phỏng vấn vào năm 1964 với Roy Newtquist, cuộc phỏng vấn cuối cùng mà sau đó bà đã từ chối không trả lời bất cứ câu hỏi gì liên quan tới Mockingbird nữa. “Tôi chỉ hy vọng một chút thôi, như tôi đã nói, song tôi đã nhận được quá nhiều, và trên một khía cạnh nào đó, điều này cũng hãi hùng như cái chết nhanh chóng và nhân từ mà tôi đã hy vọng vậy.”

Ngay sau khi Mockingbird trở thành một hiện tượng văn học, nhà xuất bản Lippincott đã băt đầu hỏi bà cuốn sách kế tới đâu rồi vì không muốn bị mất cái đà (mometum) mà Mockingbird đem lại. Phần bận rộn với việc quảng cáo cho cả sách lẫn phim suốt ba năm sau khi cuốn sách ra đời, phần khác có thể là do thận trọng vì biết từ đây tác phẩm nào dưới tên Harper Lee cũng sẽ không tránh khỏi bị đo bằng cái thước Mockingbird, bà lần lữa, khất lần. Một, hai rồi ba năm trối qua.

Kể từ sau cuộc phỏng vấn dài với Roy Newtquist thì bà hoàn toàn rút vào im lặng, mặc thiên hạ đoán già đoán non lý do tại sao bà ngưng hẳn sáng tác, kể cả không lên tiếng khi có người nêu lên giả thuyết là có thể Truman Capote là người giúp bà viết Mockingbird. Bà không lên tiếng cải chính, mà Truman thì lấp lửng trong chuyện này. Là một người có tính kiêu ngạo và khoe khoang, Truman vẫn cay với người bạn từ ấu thời ở chỗ mặc dù cũng là một bestseller, nhưng In Cold Blood đã không nhận được những danh dự như Mockingbird, nhất là đã không được giải Pulitzer danh giá. Tình bạn của họ do đấy cũng bị sứt mẻ dần, cộng thêm với những tuyên bố này khác của Truman về lý do
tại sao Nelle không sáng tác được nữa. Và họ hầu như không gặp nhau nhiều năm trước khi Truman qua đời vì rượu chè và bệnh hoạn, vào năm 1984.

Theo Charles J. Shields, tác giả cuốn tiểu sử Mockingbird – A Portrait of Harper Lee (2006), kết quả của một cuộc sưu tầm rất công phu và có lẽ cho tới này chưa có cuốn sách nào đầy đủ và trọn vẹn về Nelle như vậy mặc dù ông không hề một lần liên lạc được với Nelle, thì vào giữa thập niên 1980, Nelle cũng bắt đầu sưu tập tài liệu cho một dự án tiểu thuyết thuộc loại như In Cold Blood, về một vụ án có thật liên quan đến một mục sư bị kết án giết năm người trong đó có vợ ông để lĩnh tiền bảo hiểm nhân thọ, và lần cuối cùng thì viên luật sư vẫn biện hộ cho ông từ chối không biện hộ cho ông ta nữa vì nghi có điều mờ ám. Song ông lại nhận biện hộ cho người đàn ông (thân nhân của một trong những nạn nhân của ông mục sư) đã bắn chết ông mục sư này ngay trong nhà thờ trước 300 nhân chứng vì bấy lâu tin ông mục sư giết người thân của ông ta. Shields đã viết về dự án sách không thành này dựa vào cuộc phỏng vấn với chính viên luật sư trong cuộc, Tom Radney.

Thỉnh thoảng, đó đây, tác giả Mockingbird hé lộ cho biết tại sao bà ngưng sáng tác. Câu trả lời mà tôi cho là hay nhất, đó là khi một người em họ hỏi bà khi nào thì bà sẽ cho xuất bản cuốn sách kế, và bà đã trả lời: “Richard, khi cậu đã lên tới tột đỉnh thì chỉ còn có một con đường cho cậu chọn lựa thôi.” (“Richard, when you’re at the top, there’s only one way to go.”)

Ngưng không sáng tác nữa là một việc Nelle chắc đã phải phấn đấu không ngừng để tự hoà giải đồng thời tìm sự an bình cần thiết cho tâm hồn. Bởi vì bà rất yêu viết văn. Trong buổi phỏng vấn chót vào năm 1964 với Roy Newtquist, bà tâm sự: “Tôi thích viết. Đôi khi tôi sợ là tôi thích nó quá đi vì khi tôi bắt đầu tôi không muốn ngừng. Do đấy mà tôi có thể viết ngày này qua ngày khác không ra khỏi nhà hay nơi nào đó mà tôi đang ngồi viết. Tôi sẽ chỉ ra khỏi nhà vừa đủ thời giờ mua giấy và ít đồ ăn và chỉ có vậy. Cũng lạ, thay vì ghét viết [như nhiều văn sĩ một khi trở thành chuyên nghiệp] tôi lại yêu nó quá sức.”

Harper Lee hiện sống với người chị, Alice, luật sư năm nay 99 tuổi song vẫn còn sáng suốt và lo sổ sách giấy tờ cho em gái, mỗi khi bà về Monroeville, Alabama vào mùa đông. Ngoài ra, bà giữ một căn chung cư ở New York để đi về. Cả hai chị em cùng độc thân.

Hiện có tới 75% trường trung học công lập dùng Mockingbird trong chương trình giảng dậy. Hàng năm cuốn truyện 300 trang này vẫn bán ra cá triệu ấn bản. Nhiều người đã phân tích những lý do đưa tới sự thành công của Mockingbird. Ngoài giá trị văn chương và chủ đề xung đột chủng tộc vẫn còn là một đỉểm nhức nhối của nước Mỹ mặc dù đã có những tiến bộ vượt bực so với thời của Mockingbird, cuốn tiểu thuyết còn dạy cho các thế hệ trẻ tại Mỹ lòng bao dung.

Và bài học ấy được gói trọn trong câu nói của vị luật sư nhân vật chính Atticus Finch, biết khó thắng nhưng vẫn đứng ra biện hộ hết mình cho kẻ bị hàm oan, qua sự diễn tả của một trong những nam tài tử được hâm mộ nhất vào giữa thế kỷ 20, Gregory Peck, trong một cuộc trao đổi với con gái Scout: “Con sẽ không bao giờ thực sự hiểu thấu một người cho tới khi nào con nhìn mọi sự qua nhãn quan của người đó… Tới khi nào con lẩn được vào bên dưới làn da của người đó và đi đó đây trong làn da đó.” ("You never really understand a person until you consider things from his point of view... Until you climb inside of his skin and walk around in it.")

Trùng Dương (VOA)