Trang nhà > Lịch sử > Trung đại > Lý Long Tường (thế kỷ 13)
Lý Long Tường (thế kỷ 13)
Thứ Ba 1, Tháng Năm 2007
Người Việt Nam chúng ta ít biết đến hoàng tử Lý Long Tường, thậm chí trong một thời gian dài cả hàng mấy trăm năm, ngay cả giới sử gia cũng không hề nghe nhắc đến tên của ông. Nhưng ở Hàn quốc, Lý Long Tường là một danh nhân.
Bức tượng của ông được dựng uy nghi gần thủ đô Seoul của Hàn Quốc, là nơi du khách thăm viếng và người dân trong nước đến tỏ bày lòng ngưỡng mô.
Theo những tài liệu mới phát hiện thì hoàng tử Lý Long Tường sống vào thế kỷ 13 và là con thứ của vua Lý Anh Tông (trị vì 1138-1175), em của vua Lý Cao Tông (trị vì 1176-1210), và là chú của vua Lý Huệ Tông (trị vì 1211-1224).
Những bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục hoàn toàn không viết về Lý Long Tường, và có thể không biết có Lý Long Tường trong lịch sử. Chỉ vào nửa sau của thế kỷ 20, khi hậu duệ của hoàng tử Lý Long Tường về Việt Nam tìm hiểu nguồn cội tổ tiên, thì chúng ta mới biết đến vị hoàng tử nhà Lý mà thôi.
Lý Long Tường vượt biên vì lý do chính trị. Năm 1225, Trần Thủ Độ tổ chức đảo chánh một cách khôn khéo, lật đổ nhà Lý, đưa cháu là Trần Cảnh lên ngôi tức Trần Thái Tông (trị vì 1225-1258), lập ra nhà Trần (1225-1400). Sau cuộc đảo chánh không đổ máu, thì đến cuộc tàn sát đổ máu. Trần Thủ Độ đưa ra 3 biện pháp để tiêu diệt họ Lý: thứ nhất buộc con cháu nhà Lý đổi qua họ Nguyễn, thứ nhì đày con cháu nhà Lý đi lên vùng núi non biên giới phía bắc, và thứ 3 tàn sát con cháu nhà Lý. Vì sự ngược đãi của Trần Thủ Độ, con cháu nhà Lý bỏ trốn, trong đó có Lý Long Tường. Ông ra đi không phải để cầu viện hay tìm cách khôi phục nhà Lý, mà chỉ để bảo toàn sinh mạng và để lo việc thờ cúng tổ tiên. Tấm bia ghi lại công nghiệp của Lý Long Tường còn lưu lại hiện nay ở Thụ Hàng Môn (Bắc Cao Ly), có ghi như sau: "Năm Bính Tuất (1226) niên hiệu Bảo Khánh (đời Tống) trong nước có loạn, việc thờ cúng tổ tiên ở nhà Tông miếu bị huỷ bỏ, ông là chú vua, khóc ở miếu Nam Bình, rồi đem đồ tế khí ở bàn thờ tổ tiên, chạy về hướng đông."
Tấm bia nói trên hoàn toàn không nói đến lý do vì sao Lý Long Tường qua Cao Ly mà không qua Trung Hoa. Trong quyển tiểu thuyết dã sử nhan đề "Hoàng thúc Lý Long Tường" của một tác giả Cao Ly, ông Kang Moo Hak có viết rằng Lý Long Tường qua Trung Hoa, tới Nam Kinh nhưng được biết rằng sứ thần nhà Trần đã qua Nam Kinh xin phong vương, và nhà Tống đã chấp thuận, nên Lý Long Tường thấy không thể ở lại Trung Hoa. Ông nhờ một người Cao Ly đưa qua nước Cao Ly.
Vì sách của tác giả Cao Ly là một tiểu thuyết dã sử nên ở đây chúng ta không cần cẩn án về các chi tiết. Tuy nhiên có một điểm có thể ghi nhận là Lý Long Tường đã đến Trung Hoa trước khi đến Cao Ly, và có thể ông thấy ở Trung Hoa chưa an toàn, nên ông tiếp tục đi qua Cao Ly. Ngoài ra, tại sao chúng ta không nghĩ đến một giả thuyết rằng trên cuộc hải trình, Lý Long Tường có thể bị gió bão đẩy đi xa, hoặc thuyền của ông trôi theo dòng nước nóng Kuro Shivo lên tận biển Cao Ly?
Lý Long Tường được xem là một anh hùng vì ông đã giúp vua Cao Ly chống lại hai cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ vào các năm 1232 và 1253. Nguyên khi đến Cao Ly, Lý Long Tường lên bộ ở tỉnh Hoàng Hải (Hwanghae), trên bờ biển phía tây Cao Ly, ở phía trên vĩ tuyến 38, trong eo biển nhìn qua Trung Hoa. Ông được chính quyền Cao Ly tiếp đón ân cần, và chấp nhận cho ông dung thân tại Trấn Sơn, huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải.
Năm 1232, vua Mông Cổ là A Hoạt Đài (Ogadai) tức Nguyên Thái Tông (trị vì Mông Cổ 1229-1241), sai quân đánh qua Cao Ly. Quân Mông Cổ đi bằng hai đường: đường bộ và đường thuỷ. Trên đường bộ, quân Mông Cổ tách làm hai, một cánh đánh thẳng vào kinh đô Cao Ly lúc đó là Khai Kinh, ở trung tâm nước Cao Ly, và một cánh quân đánh các tỉnh miền tây Cao Ly. Về đường thuỷ, quân Mông Cổ vượt giữa Trung Hoa và Cao Ly, tiến đánh tỉnh Hoàng Hải nhưng sau đó bị đẩy lui. Một trong những tướng lãnh góp công đẩy lui quân Mông Cổ ở tỉnh Hoàng Hải là Lý Long Tường.
Năm 1253, vua Mông Kha (Mangu) của Mông Cổ tức Nguyên Hiến Tông (trị vì Mông Cổ 1251-1259) gởi quân đánh Cao Ly lần nữa. Quân Mông Cổ tràn đến tấn công Hoàng Hải cả đường thuỷ lẫn đường bộ. Lý Long Tường đã cầm cự vững vàng vùng đất nầy. Sau khi quân Mông Cổ rút lui, vua Cao Ly cho xây tại Bồn Tân một công trình kỷ niệm chiến công gọi là "Thụ Hàng Môn". Tại đây, vào năm 1711, người Cao Ly dựng một tấm bia ghi công trạng của Lý Long Tường. Nhờ thế hậu thế mới biết được ông là một hoàng thân họ Lý qua định cư tại Cao Ly.
Văn bia dựng ở Thụ Hàng Môn cũng có ghi sơ lược về con cháu của Lý Long Tường có nhiều người đỗ đạt làm quan. Con ông là Lý Căn, làm Nghệ Văn Đại Đế Học, Kim Tử Quang Lộc Đại Phu; cháu của ông là Lý Huyền Lương giữ chức Lễ Bộ Tham Nghị Thượng Thư; Lý Long Tuyền làm Giám Tu Quốc Sử. Cháu đời thứ 5 là Lý Duy, đời thứ 6 là Lý Mạnh Nghệ được sắp vào hàng 72 danh sĩ ở ẩn vì giữ trung nghĩa, không ra làm quan với kẻ soán nghịch.
Sau khi Cao Ly chia hai năm 1953, hậu duệ họ Lý cũng chia hai. Một nhánh ở lại tỉnh Hoàng Hải, một di cư xuống phía nam vĩ tuyến 38, lập nghiệp ở Hán Thành và ở Đông Hoả, một TP ở đông nam Cao Ly. Cho đến nay, kể từ Lý Long Tường, họ nầy truyền được 26 đời.
Trước 1975, ông Lý Khánh Huân, đời thứ 25 tính từ Lý Long Tường, đến Sài Gòn để tìm về cội nguồn tổ tiên, nhưng vì lúc đó đang có chiến tranh, nên chính phủ Đệ Nhị Cộng Hòa không giúp đỡ được gì nhiều. Năm 1994, ông Lý Xương Căn, con của ông Lý Khánh Huân, tức đời thứ 26, qua Việt Nam, tìm đến bái vọng tổ tiên tại từ đường họ Lý ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn (Tiên Sơn cũ), tỉnh Bắc Ninh. Đình Bảng cách Hà Nội 20 cây số về phía đông bắc, trên quốc lộ 1A đi từ Hà Nội đến Bắc Ninh.
Minh Nguyệt
THAM KHẢO
Gia phả hậu duệ dòng họ Lý tại Hàn Quốc cho biết vào mùa thu năm 1226, Lý Long Tường đã tấp vào cửa biển Ongjin-gun (Khang Linh), tỉnh Hwanghae (Hoàng Hải) thuộc phía tây bắc bán đảo Triều Tiên. Toàn bộ đoàn thuyền còn hơn 1000 người sống sót đều lấy họ Lý để tỏ lòng trung thành.
Theo nhà văn Vũ Ngọc Tiến (Hà Nội), đoàn thuyền “lênh đênh trên biển gần một tháng thì gặp bão lớn, phải ghé vào Đài Loan lúc đó hoang vu, thưa vắng người. Ở đó ít lâu, người chết vì đói hoặc say sóng, bệnh tật mất già nửa. Long Tường quyết định đi tiếp, nhưng con trai là Lý Long Hiền (có tài liệu viết tên là Lý Đăng Hiền) ốm nặng, cùng gia đình và 200 thuộc hạ ở lại đảo Đài Loan”.
Xem online : Nguồn gốc hai dòng họ Lý ở Đại Hàn