Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Phố cũ > Phố Nhà Thờ

Phố Nhà Thờ

Thứ Bảy 21, Tháng Tư 2012

Phố dài 110m, chạy từ phố Hàng Trống đến quảng trường Nhà Thờ Lớn Hà Nội, nơi giáp hai phố Nhà Chung và Lý Quốc Sư. Nhà thờ làm xong năm 1887, xây gạch, tường trát bằng giấy bổi, chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m, hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to ở bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá.

Ngã ba Hàng Trống-Nhà Chung. Panorama ©NCCong2012

Trước đó, sau khi quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ nhất (1873), Giám mục P.F.Puginier đã cho xây dựng ở đây một nhà thờ nhỏ bằng gỗ. Theo sách của Louvet “La vie de Mgr. Puginier” và các tài liệu trong Văn khố Hội Thừa sai Ngoại quốc Paris (M.E.P.) thì khu Nhà thờ Lớn và cả khu Nhà Chung [1] xưa kia đều thuộc về chùa Báo Thiên, một ngôi quốc tự nổi tiếng được xây dựng từ thời Lý.

Phố Nhà Thờ thời thuộc Pháp gọi là Avenue de la Cathédrale

Nhà thờ mở cửa tất cả mọi ngày, trừ những buổi lễ. Thánh đường lấp lánh ánh sáng từ những ô cửa kính màu nằm tít trên cao. Trong khuôn viên có một sân rộng nằm gần ngôi trường tiểu học.

Quảng trường với tượng đài Đức Mẹ

Giữa quảng trường có tượng đài Đức Mẹ, các quán xung quanh nổi tiếng với nem chua nướng, trà chanh và cà phê, được nhắc đến cả trong cuốn cẩm nang du lịch Lonely Planet. Xế chiều là thời gian đông khách nhất.

Cà phê vỉa hè Quảng trường Nhà Thờ

Chùa Bà Đá ở số 3 phố Nhà Thờ, mới là công trình kiến trúc cổ nhất còn sót lại của phố này. Tương truyền khi đắp thành Thăng Long vào đời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) ở làng Báo Thiên Tự Tháp người dân đào được một pho tượng Phật Bà bằng đá nên đã lập đền thờ ngay tại chỗ và gọi là đền Bà Đá. Sau dân làng thấy linh thiêng mới góp công, góp của xây thành chùa lớn, đón sư về trụ trì và thờ Phật. Đến thế kỷ XVII - XVIII, khi Lâm Tế tông [2] phát triển ở miền Bắc Việt Nam thì chùa trở thành chốn tổ đình của phái này.

Chùa Bà Đá

Một thuyết khác nói đền bị cháy và pho tượng đá bị mất trong vụ cháy. Sau đó đền được làm lại, chuyển thành chùa và mang tên mới là Linh Quang Tự. Bởi vậy chùa không còn nhiều vẻ cổ kính, chỉ có một số di vật như hai cái chuông đúc năm 1873 và năm 1881, một khánh đồng đúc năm 1842.

Sư cụ chùa Bà Đá từng cho cưu mang các cha cố người Pháp khi quân Cờ Đen tàn phá Hà Nội hồi tháng 5-1883. Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có đến thăm chùa Bà Đá và dự buổi tuyên thệ đoàn kết giữa các đảng phái.

Chùa có quy mô khá lớn với năm gian tiền đường, bốn gian thượng điện và khu nhà thờ tổ, thờ mẫu nằm gọn trong một khuôn viên khép kín. Trong chùa có trường Trung cấp Phật học Hà Nội và chùa là trụ sở của Thành hội Phật giáo Hà Nội.

Từ 2012 chùa bắt đầu được trùng tu lớn.

Ngã ba Hàng Trống-Nhà Thờ. Panorama ©NCCong2012


[1Bao gồm Toà Tổng giám mục Hà Nội, Đại chủng viện Hà Nội, Dòng Mến Thánh giá Hà Nội.

[2Tông Lâm Tế (rinzai-shū) có từ thời Đường; ngày nay là một trong hai tông của Thiền vẫn tồn tại ở Nhật Bản cùng với tông Tào Động (sōtō-shū). Từ những năm 1960 đến giờ, tông Lâm Tế còn được truyền bá đến phương Tây.