Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Cuộc sống > Bốn phương > Việt Nam qua con mắt cựu đại sứ Trung Quốc

Việt Nam qua con mắt cựu đại sứ Trung Quốc

Thứ Sáu 18, Tháng Năm 2012

Với 17 năm công tác tại Việt Nam ông Tề Kiến Quốc gần như đã tận mắt nhìn thấy toàn bộ quá trình Đổi mới của đất nước này. Năm 2006, ông mãn nhiệm Đại sứ trở về Trung Quốc và vẫn tiếp tục theo dõi tình hình Việt Nam.

Ngày 30/6/2008 ông có cuộc trả lời phỏng vấn của nhà báo nổi tiếng Trung Quốc Chương Văn. Cuộc phỏng vấn diễn ra sau dịp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh « đột nhiên » thăm Trung Quốc từ ngày 30/5/2008. Thời gian đó giới báo chí bàn tán xôn xao về cuộc khủng hoảng tài chính ở Việt Nam, thậm chí báo chính thống Trung Quốc dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ sụp đổ, vì thế dư luận Trung Quốc cho rằng chuyến thăm này của ông Nông Đức Mạnh nhằm tìm kiếm sự viện trợ của Trung Quốc.

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn ông Tề Kiến Quốc. Bài này đã đăng trên Tuần san Nhân vật phương Nam và được blog Chương Văn đăng lại ngày 16/11/2010.

Chương Văn : Ông Nông Đức Mạnh thăm Trung Quốc phải chăng là có chủ ý tìm sự giúp đỡ ?

Tề Kiến Quốc : Chuyến thăm này của ông Nông Đức Mạnh được thu xếp từ đầu năm nay, lẽ ra ông định đến Trung Quốc vào tháng 3, nhưng vì thời điểm ấy phía chúng ta bận việc thay đổi ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới của Quốc Hội và Hội nghị Hiệp thương chính trị [5 năm một nhiệm kỳ] nên chuyến thăm phải lùi lại đến cuối tháng 5 đầu tháng 6. Lần này ông ấy đến không phải là để tìm sự giúp đỡ ; trên thực tế chuyện đó chỉ được nhắc qua thôi chứ không phải là vấn đề chính của chuyến thăm.

Chương Văn : Thế nhưng không ít báo đài nước ngoài đều phỏng đoán như vậy, xem ra có sự hiểu lầm. Vậy ông nhìn nhận cuộc khủng hoảng tài chính của Việt Nam như thế nào ? Có người nói đấy là phương Tây cố ý « chỉnh » Việt Nam.

Tề Kiến Quốc : Tôi không cho là như vậy. Trong hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam luôn luôn cảnh giác với sự « diễn biến hoà bình » của phương Tây. Nhưng lần này theo tôi chủ yếu vẫn là nguyên nhân về kinh tế. Những khoản tiền nóng của phương Tây đều có tính đầu cơ cả. Việt Nam là một thị trường mới nổi, năm 2006 khi thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu hoạt động, quy mô chỉ có 1 tỷ đô-la, sau một năm đã lên tới 15 tỷ đô-la. Thấy thế lúc mới đầu phương Tây đổ tiền vào, nhưng hiện nay thấy Việt Nam lạm phát cao,
họ vội rút tiền ra. Như thế chẳng phải là làm cho tai hoạ càng nặng thêm đấy ư.

Chương Văn : Hai năm nay không ít báo đài đều ca ngợi công cuộc đổi mới của Việt Nam, cho rằng có mặt họ làm tốt hơn Trung Quốc.

Tề Kiến Quốc : Nếu nói Việt Nam đổi mới vượt qua Trung Quốc thì cũng không hợp thực tế. Năm 1978 chúng ta đã tiến hành cải cách mở cửa ; Việt Nam đến năm 1986 mới bắt đầu. Chậm sau chúng ta 8 năm kia mà.

Ban đầu chúng ta cũng gọi đấy là « cải cách mở cửa ». Tháng 12 năm 1992, trước khi thăm Việt Nam, Thủ tướng Lý Bằng có hỏi tôi : « Thế nào, Việt Nam cũng gọi là cải cách mở cửa à ? ». Tôi giải thích, nói thế « là để tiện hiểu thôi », thực ra dịch chính xác phải là « Đổi mới ». Thế là Thủ tướng bảo, từ nay dùng từ « Đổi mới » để phân biệt với chúng ta.

Nói thực lòng thì công cuộc « Đổi mới » của Việt Nam về cơ bản là đi con đường của Trung Quốc : thu hút đầu tư nước ngoài bằng các chính sách ưu đãi [về thuế, về điều kiện kinh doanh], thậm chí họ còn có nhiều chính sách ưu đãi hơn. Người Việt Nam có lòng tự tôn rất mạnh, với bên ngoài thì họ nói là « tham khảo kinh nghiệm tiên tiến của thế giới », nhưng các vị lãnh đạo của họ khi gặp riêng thì nói thực ra là học các đồng chí Trung Quốc.

Nhưng thế nào nhỉ, trên một số mặt đúng là Việt Nam mạnh dạn hơn Trung Quốc.

Chương Văn : Có người nói thế này : cải cách cơ chế kinh tế ở Việt Nam tiến hành đồng bộ với cải cách cơ chế chính trị.

Tề Kiến Quốc : Cách nói ấy có những lý lẽ nhất định. Thí dụ đại biểu Quốc Hội của họ (tương đương với đại biểu Đại hội nhân dân toàn quốc của Trung Quốc) được bầu trực tiếp, hơn nữa ứng viên còn có số dư [Trung Quốc không bầu mà do trên tiến cử].

Chương Văn : Xin hỏi quá trình bầu cử của họ như thế nào ?

Tề Kiến Quốc : Họ chia cả nước làm một số khu vực bầu cử, giả thiết khu vực này cần bầu 3 đại biểu thì có 5 người được đề cử. Như thế là phải loại bỏ 2 người.

Người được chọn làm ứng viên chính thức phải qua 3 cửa ải. Cửa thứ nhất là toàn thể người trong đơn vị bỏ phiếu ; cửa này dễ qua thôi. Cửa thứ hai thì khó hơn, phải được Ủy ban nhân dân khu vực cư trú bỏ phiếu, nếu không được quá bán thì không thể đi tiếp.

Chương Văn : Có người bị kẹt lại chứ ạ ?

Tề Kiến Quốc : Dĩ nhiên là có chứ. Tôi biết có mấy vị như thế đấy. Một vị nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, vì bị tố giác là có 3 biệt thự. Một vị nguyên Giám đốc Đài Phát thanh Việt Nam vì bị nghi là có liên quan tởi việc ủng hộ bọn xã hội đen. Một vị Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao do vấn đề kinh tế. Một vị Phó Bí thư tỉnh vì chuyện văn bằng giả. Kết quả là số phiếu bầu không được quá bán, họ đều bị rớt cả.

Chương Văn : Vậy ai phanh phui những vấn đề ấy?

Tề Kiến Quốc : Những vấn đề ấy đều bị quần chúng phanh phui ra trong quá trình bầu cử. Người ta ở cùng khu vực với họ cho nên bao giờ cũng biết họ hơn.

Lại nói về cửa ải thứ ba ; cửa này có mùi vị tranh cử. Các vị lãnh đạo như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng (các vị lãnh đạo ấy nói chung đều phải là đại biểu Quốc Hội, cũng phải qua trình tự này) cùng các ứng cử viên khác đều phải đến khu vực bầu cử của mình tiếp xúc với cử tri ít nhất một tuần, phải đưa ra cương lĩnh tranh cử của mình, lại còn phải tiếp nhận sự chất vấn của cử tri. Chẳng hạn người ta có thể hỏi Tổng Bí thư : « Sao đồng chí lại xây thêm một toà nhà mới ở quê mình thế? » *

Ở cửa ải thứ ba này đều phải công khai cho mọi người biết tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu và tỷ lệ phiếu bầu mỗi ứng viên giành được. Nói chung tỷ lệ cử tri đi bầu ở Việt Nam rất cao, trên 99% ; quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo mà. Tỷ lệ phiếu bầu cho các vị lãnh đạo nói chung cũng rất cao. Nhưng cũng có ngoại lệ. Từng có trường hợp một vị Phó Thủ tướng chỉ được 57% số phiếu.

Chương Văn : Tại Đại hội X Đảng Cộng sản Việt Nam họp hồi tháng 4 năm 2006, Tổng Bí thư cũng được bầu chọn từ danh sách có mấy người được đề cử. Trường hợp này được nói là chưa từng thấy trong lịch sử phong trào cộng sản quốc tế.

Tề Kiến Quốc : Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc nói với tôi đấy là lần đầu tiên. Một người bạn trong giới lãnh đạo cao ở Việt Nam bảo tôi là sau khi trúng cử, ông Nông Đức Mạnh đặc biệt mừng rỡ như trẻ con ngày Tết được ăn kẹo *. Vì trong lòng ông có chút nghi ngại. Lúc đó có ba người được đề cử, trong đó một người là ông Nguyễn Minh Triết Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, rất có tiếng tăm. Nhưng nội bộ dự định ông này làm Chủ tịch nước, ông Nông Đức Mạnh tiếp tục làm Tổng Bí thư, cho nên tỷ lệ phiếu bầu cho ông Nguyễn Minh Triết không cao bằng ông Nông Đức Mạnh. Như thế là vẫn có thể kiểm soát được.

Chương Văn : Tôi thấy đợt bầu Quốc Hội Việt Nam khoá XII tháng 5/2007, trong số 165 người được Trung ương giới thiệu có 153 người trúng cử.

Tề Kiến Quốc : Vâng, chỉ rớt mất 12 vị. Cho nên về cơ bản vẫn có thể kiểm soát được thôi. Việt Nam làm như thế có gì hay ? Hay ở chỗ làm cho những người dân bình thường cảm thấy mình đã thực hiện được một lá phiếu thiêng liêng, khiến cho họ cảm thấy « Dù ông là Tổng Bí thư hay Thủ tướng cũng vậy, tôi vẫn có thể không tin ông ». Tạo cho họ một cái kênh để trút nỗi bực tức, nhưng thực ra không ảnh hưởng tới sự lãnh đạo của người Cộng sản *.

Chương Văn : Ha ha ! Có lẽ chúng ta thì sợ mất kiểm soát đấy nhỉ?

Tề Kiến Quốc : Chẳng mất kiểm soát được đâu. Việt Nam là một thí dụ sống động đấy thôi.

Một người bạn trong Quốc Hội Việt Nam nói riêng với tôi rằng trước đây người ta đều nói Quốc Hội chúng tôi là bù nhìn, bây giờ không phải thế nữa rồi. Các nhà lãnh đạo ấy đều phải lịch sự một chút với chúng tôi. *

Chương Văn : Quốc Hội có thể có tác dụng chế ước gì với các nhà lãnh đạo hay không ?

Tề Kiến Quốc : Có chứ. Có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm nữa cơ. Chỉ cần 20% đại biểu Quốc Hội đề xuất kiến nghị, hoặc một Ban chuyên môn nào đó đề nghị, là có thể khởi động bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tiếp đó còn phải được Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đồng ý. Trong Ủy ban Thường vụ ấy Ủy viên Trung ương Đảng chiếm quá nửa ; nếu họ chấp hành nghị quyết của Đảng thì sẽ làm cho cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chết yểu. Nhưng rút cuộc có một quy định như thế, vì vậy một số đại biểu Quốc Hội cảm thấy mình không còn [bị
coi nhẹ] như trước nữa.

Chương Văn : Tôi được biết là ngoài cơ chế bỏ phiếu bất tín nhiệm ra, Quốc Hội còn có thể chất vấn chính phủ nữa kia.

Tề Kiến Quốc : Đúng thế. Quốc Hội có quyền chất vấn Thủ tướng và các Bộ, các Ban. Mấy năm đầu chính phủ làm chuyện ấy khốn khổ lắm. Về sau có chuẩn bị cẩn thận. Quốc Hội thu thập ý kiến dân chúng, lựa chọn Bộ nào người ta có lắm ý kiến để chất vấn. Bộ bị chất vấn cũng không dám lơi là chút nào, đều phải chuẩn bị đầy đủ, nghiêm chỉnh trả lời từng câu.

Chương Văn : Vừa rồi chúng ta chủ yếu nói về Quốc Hội. Còn tình hình chống tham nhũng của Việt Nam thế nào ?

Tề Kiến Quốc : Chuyện ấy cũng na ná như chúng ta thôi. Có vị cán bộ cấp cao của họ nói với tôi là về mặt này họ còn chưa được như Trung Quốc đâu, bảo là các đồng chí còn dám động đến Ủy viên Bộ Chính trị (Trần Hy Đồng và Trần Lương Vũ) chứ chúng tôi hiện nay còn chưa dám.

Sau khi đảm nhiệm Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã tăng cường mức độ chống tham nhũng. Việt Nam có làm một cuộc điều tra toàn quốc, xác định thứ tự sắp xếp « 4 nguy cơ lớn » (kinh tế trì trệ, xa rời phương hướng chủ nghĩa xã hội, tham nhũng, diễn biến hoà bình). Lúc ấy hầu như tất cả báo đài đều đề nghị xếp « tham nhũng » lên vị trí thứ nhất ; nhưng về sau vẫn cứ xếp thứ ba. Tôi có hỏi ông Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao là có chuyện gì thế. Ông ấy bảo không thể xếp thứ nhất được đâu, nếu làm thế thì bên ngoài người
ta sẽ cảm thấy chúng tôi là một đảng tham nhũng.

Chương Văn : Ngoài sự giám sát bên trong đảng ra, chức năng giám sát của giới truyền thông Việt Nam như thế nào ? Mức độ tự do ra sao ?

Tề Kiến Quốc : Truyền thông của họ không bị kiểm soát chặt như bên ta đâu. Tôi xin nêu một thí dụ nhé.

Năm ấy Việt Nam cần xây dựng một sân bay. Tập đoàn Kiến Công Thượng Hải giành được vai Tổng thầu. Truyền thông Việt Nam phản ứng mạnh lắm, phanh phui các chuyện hậu trường, họ nói mấy phương án thiết kế của các nước khác đều đẹp hơn phương án của Trung Quốc, sở dĩ Trung Quốc thắng thầu là do phương án của họ rẻ được 3 triệu đô-la. Các cơ quan truyền thông ấy tuyên truyền um lên rằng sân bay nước ta phải là sân bay hàng đầu châu Á, chúng ta thà để dân chúng quyên góp thêm 3 triệu đô-la chứ cũng không để cho công ty Trung Quốc làm.

Thấy tình hình bất lợi rồi đây, tôi bèn đến gặp ông Phó ban thường trực Ban Văn hoá tư tưởng Việt Nam (tương đương Ban Tuyên truyền Trung ương của chúng ta) và nói, sao bây giờ lại có phong trào chống công ty Trung Quốc thế này ? Ông ấy trả lời chẳng có phong trào gì đâu, phong trào thì phải có bố trí chứ, chúng tôi không làm thế đâu, tất cả đều là hành động tự phát của giới truyền thông đấy thôi.

Chương Văn : Chẳng lẽ truyền thông bên họ không phải là của nhà nước hay sao ?

Tề Kiến Quốc : Truyền thông của họ khá phức tạp, trong đó có cái được phương Tây hỗ trợ. Nói chung là các phương tiện truyền thông bên họ có mức độ tự do khá lớn. Tuy còn chưa có những ngôn luận tiêu cực trực tiếp nhằm vào các nhà lãnh đạo, nhưng thường hay nêu lên những ý kiến bất đồng với chính sách của nhà nước. Chẳng hạn có tờ báo Thanh niên thường xuyên nói quan điểm trái chiều, nói toạc ra một số chuyện hậu trường, báo có lượng phát hành rất lớn.

Ghi chú của người dịch :

* Câu này nguyên văn in đậm.

Nguyên Hải lược dịch, các ghi chú trong ngoặc vuông [ ] là của người dịch.

Nguồn :

http://zhangwen.blshe.com

越南比中国“先进”的地方 作者: 章文

2010年11月16日