Họa sĩ Lê Văn Miến (1873-1943)

Có người đã so sánh vị thế của ông trong nền mỹ thuật trước 1945 tương tự vai trò của Tản Đà đối với Thơ Mới. Cách so sánh này chưa hẳn chính xác, vì sự cách quãng khá dài về thời gian sáng tác của ông với của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương sau này. Nhưng ông vẫn là hoạ sĩ sơn dầu đầu tiên của Việt Nam.

Bức tranh quý có linh...

Bình văn

Bức Bình văn được nhà phê bình Thái Bá Vân phát hiện tình cờ khi đến chơi với nhà điêu khắc Nguyễn Mạnh Quân khoảng năm 1968. Số là, ông nội của ông Quân được một người bạn thân gửi tặng bức tranh trước khi đi Nam, dặn rằng “đây là một tài sản lớn, phải gìn giữ cẩn thận”. Giữ được đến đời bố ông Quân, tranh treo ở chỗ rất cao trên tường nhà. Ông Thái Bá Vân phải bắc thang lên xem kỹ, sau đó về mời Tổ Hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật và Giám đốc Nguyễn Đỗ Cung đến xem và quyết định mua. Nhưng việc thương thảo không thành, vì chủ nhà đòi đổi tranh bằng một chiếc xe đạp Peugeot (một số tiền khá lớn khi đó, tương đương 13 - 14 tháng lương trung bình của một công chức). Đến tận năm 1972, đúng lúc bom đạn ác liệt sau khi bố ông Quân mất, ông này bèn đến Bảo tàng Mỹ thuật nối lại việc mua bán với giá 900 đồng (gấp ba lần giá tiền mua bức Em Thúy).

Bà Hải Yến, người công tác ở Bảo tàng Mỹ thuật lâu năm, được giao việc mua tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật kể rằng bức tranh được cứu thoát khỏi bom Mỹ hoàn toàn ngẫu nhiên như sau: Lúc đó bà Yến ở trên chỗ sơ tán về Hà Nội để gom tranh cho triển lãm Hữu nghị 12 nước anh em. Bà đến nhà ông Lê Thanh Đức để lấy bức tranh Đêm khuya chờ xem điện ngầm. Nhà ông Đức ở 64 Khâm Thiên, cách nhà ông Quân vài số nhà. Khi đó, việc thương lượng mua đã xong nhưng để tập trung một số tiền nhiều như vậy với Bảo tàng Mỹ thuật cũng là khó. Bà Yến cố hối thúc tài vụ đưa đủ tiền để “đến lấy hai bức tranh một thể cho tiện chuyến xích lô". Lấy tranh về xong, đúng hai hôm sau, căn nhà treo bức Bình văn bị bom đánh tan tành, hú vía! Mới hay bức tranh quý có linh, y như một người được phù hộ!

Cuộc đời và tác phẩm

Chân dung cụ Tú Mền

Bình văn (1898-1905?) và Chân dung cụ Tú Mền (1896) là hai bức tranh cao tuổi nhất trong bộ sưu tập sơn dầu của Bảo tàng Mỹ thuật. Trong tranh là một cụ đồ già áo the khăn xếp đang đứng giảng sách, ngồi xếp bằng tròn xung quanh là 7 cậu học trò đầu quấn khăn. Bố cục và ánh sáng bức Bình văn vẽ theo kỹ thuật sơn dầu cổ điển châu Âu, nhưng nó được vẽ với gam màu nâu nền nã, đặc biệt phương Đông và đặc biệt Việt Nam, qua thời gian, bức tranh trở nên tối thẫm, càng gây cảm giác cổ kính vừa giản dị, vừa kỳ ảo.

Nhưng hai tác phẩm này chưa phải là những bức tranh đầu tiên của Lê Văn Miến. Ông là một trong năm "cậu ấm" được cử đi Pháp học để về cai trị Đông Dương là Hoàng Trọng Phu, Thân Trọng Huề và hai hoàng tử Ai Lao, Cao Miên. Trong thời gian ở Pháp, do yêu thích mỹ thuật, ông thi vào Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris (1891-1894). Về nước, chán ghét chốn quan trường lại ôm trong lòng tâm sự cứu nước, ông bỏ đi làm thầy giáo, thỉnh thoảng rỗi ông vẽ vài bức tranh phảng phất vẻ hoài cổ, u buồn, và chủ yếu là chân dung để người ta treo thờ. Mới đầu ông dạy Quốc học Huế, sau sang làm hiệu trưởng Quốc tử giám. Ông âm thầm truyền kiến thức và nhiệt tình yêu nước cho các học trò. Một trong số các học trò xuất sắc của ông tại Trường Quốc học Huế đã hoàn thành tâm nguyện nước của người thầy thời trung học. Đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Khi thầy Lê Văn Miến mất, một trong hai học trò đứng trực tang là ông Nguyễn Sinh Khiêm, anh ruột của Hồ Chủ tịch.

Ngoài 2 bức tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật, Lê Văn Miến còn vẽ hai bức chân dung bố mẹ vợ (1 trong 5 bà vợ của ông) bằng pastel hiện để ở nhà thờ họ Nguyễn Khoa ở Huế và một bức chân dung thờ vẽ để "trả nợ ăn khao" cho một gia đình tại quê ông ở xã Nghi Long (Nghi Lộc - Nghệ An).

Bức tranh vẽ trả nợ có xuất xứ là trong dòng họ Lê Huy có người đỗ đạt, làm khao làng, phải đi vay cỗ của hàng xóm. Người cho cỗ bảo không cần trả, chỉ cần Miến vẽ cho một bức chân dung để thờ. Vài năm trước họa sĩ Lê Huy Tiếp (cụ Miến là em ruột của ông nội họa sĩ Lê Huy Tiếp) được gia đình có tranh nhờ chép lại để giao lại bản gốc (vì bản gốc đã hỏng). Ông Tiếp chép lại, đem bản gốc về. Mấy tháng sau, nghe con cháu kêu ca, ông chủ nhà tiếc lại ra đòi đổi lại, hiện ông Tiếp vẫn giữ bức tranh chép này. Ngoài ra, còn một số bức của cụ Miến được biết đến (nhưng chưa biết tranh ở đâu) là chân dung cha và mẹ họa sĩ, chân dung hai vợ chồng ông Hồ Đắc Trung, Phong cảnh cầu Trường Tiền (Huế), Điện Ngọc Trai... Một người bạn của họa sĩ Lê Huy Tiếp ở Viện Viễn Đông Bác Cổ cho biết qua nghiên cứu tư liệu thấy có khả năng cụ Miến còn để lại tác phẩm ở Paris, nhưng chưa tìm ra...!

(theo TTVH)