Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Cuộc sống > Bốn phương > NGÔI LÀNG CỦA CHÚNG TA

NGÔI LÀNG CỦA CHÚNG TA

Thứ Năm 14, Tháng Sáu 2012

Lời giới thiệu: Long Ứng Đài (Lung Ying-tai,1952-), người Đài Loan, nhà văn hoá, nhà văn và nhân vật của công chúng, nổi tiếng trong thế giới người Hoa như một nhà trí thức giàu tinh thần dân tộc và dân chủ, không chịu khuất phục bởi cường quyền. Năm 1975 tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, bà sang Mỹ nghiên cứu và làm việc 8 năm, giành học vị tiến sĩ văn học Anh và là phó giáo sư trường ĐH bang Kansas. Thời gian 1983-1986 ở Đài Loan, viết nhiều tác phẩm có tiếng vang. Sách Long Ứng Đài bình tiểu thuyết gây ra một “cơn lốc” trên văn đàn Đài Loan. Dã Hoả tập (tuyển tập các bài viết của bà) in 200 nghìn bản tại một xứ có 20 triệu dân là cuốn sách có ảnh hưởng lớn ở Đài Loan thập niên 80. Thời gian 1986-1999 bà định cư ở Thuỵ Sĩ và Đức lo việc nuôi dạy con (chồng cũ là người Đức), đồng thời viết bài cho một số tờ báo châu Âu. Cuối 1999 nhận lời mời của Thị trưởng Đài Bắc Mã Anh Cửu, về Đài Loan làm Giám đốc Sở Văn hoá Đài Bắc; 2003 từ chức, sau đó định cư ở Hồng Công, là giáo sư trường ĐH Hồng Công. Đầu năm 2012 bà nhận lời mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hoá trong Chính phủ Đài Loan của Tổng thống Mã Anh Cửu. Đã xuất bản 17 đầu sách. Có nhiều phát ngôn thẳng thắn được dư luận chú ý. Tia Sáng từng đăng bài Học trò Thầy Mạnh Tử của bà.

Dưới đây là bài nói (nguyên văn tiếng Anh) của bà tại Lễ Tốt nghiệp của sinh viên Học viện Y Đại học Hồng Công ngày 28/11/2011. Chúng tôi dịch lại theo bản dịch tiếng Hoa của báo Trung Quốc Phương Nam Cuối tuần, có tham khảo bản tiếng Anh. Tên bài và các mục nhỏ trong bài do báo này đặt thêm. Chú thích trong ngoặc đơn là của chúng tôi.

Người dịch : Nguyễn Hải Hoành

Học kỳ hai

Nói chung tôi không thích phát biểu tại lễ tốt nghiệp của sinh viên học sinh, bởi lẽ trong các trường hợp ấy chắc chắn cử toạ sẽ là những thính giả rách việc nhất — mình còn chưa mở miệng thì họ đã chỉ mong sao mình nói xong. Hơn nữa họ đã có chủ ý dù mình nói gì đi nữa thì khi đội chiếc mũ vuông (mũ của sinh viên tốt nghiệp) ùa ra khỏi hội trường, họ đã quên phéng bất cứ câu nói nào của mình.
Tuy vậy tôi vẫn cứ đến với các bạn, chẳng những chỉ vì việc được mời tới nói chuyện tại Học viện Y khoa là một vinh dự và niềm vui của tôi mà cũng còn vì tôi đã « tính toán kỹ lưỡng » rồi — sớm muộn sẽ có ngày tôi « rơi » vào tay các bạn. Khi ngày ấy tới, tôi tự nhiên mong mỏi cái người sẽ đứng bên giường bệnh cúi đầu nhìn tôi chẳng những là một thầy thuốc giỏi mà hơn thế, còn là một người có tinh thần trách nhiệm xã hội, tràn đầy nhiệt tình quan tâm người khác.

Hôm nay làm lễ tốt nghiệp, hôm nay là ngày chấm dứt 5, 6 năm vô cùng vất vả học ngành y. Tôi cảm thấy phải chăng ta có thể nhìn nhận thế này : thực ra hôm nay chỉ là lễ bế giảng « học kỳ một trong học trình » của các bạn, đề tài cốt yếu trong học kỳ ấy là y học ; nhưng hôm nay đồng thời còn là lễ khai giảng « học kỳ hai trong học trình » của các bạn, đề tài cốt yếu trong học kỳ này là « cuộc đời ». Học kỳ hai khó hơn học kỳ một, bởi lẽ nó không có sách giáo khoa, không có giáo sư hướng dẫn. Trong bài nói hôm nay, tôi muốn chia xẻ với các bạn chút ít ghi nhận trong cuộc đời của tôi.

Sữa bột và chấy rận

Tôi lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở miền Nam Đài Loan, đó là thị trấn Cao Hùng. Năm 1961 ấy trong lớp hai tiểu học trường tôi có xảy ra một sự việc lớn. Một nữ sinh trong lớp bỗng dưng nôn thốc nôn tháo và được đưa ngay vào bệnh viện. Sau đó nhà trường cho chúng tôi về nhà, tất cả các trường học trong thị trấn đều đóng cửa. Ít hôm sau, khi chúng tôi trở lại trường, mấy chiếc ghế trong lớp không có người ngồi. Đấy là lần đầu tiên tôi nghe nói có một thứ bệnh gọi là « dịch tả ». Dĩ nhiên chúng tôi không biết năm ấy một « ngôi làng » kề bên của Đài Loan là Hồng Công cũng đồng thời bị đợt dịch bệnh truyền nhiễm này tấn công, làm 15 người chết. Từ lâu trước khi xảy ra đại dịch SARS, số phận của Đài Loan và Hồng Công đã gắn liền với nhau, thế nhưng chúng tôi ngu ngốc chẳng biết gì.

Đúng vậy, tôi là một đưa trẻ lớn lên ở cái gọi là « Thế giới thứ ba ». Hãy tưởng tượng những tấm ảnh đen trắng thế này : các bà mẹ trẻ ngồi chen chúc trong những căn phòng chật chội hết ngày này sang ngày khác làm hoa nhựa và những chiếc đèn Lễ Giáng sinh rẻ tiền, trong khi lũ trẻ con chạy nhông nhông ngoài sân, chúng mặc những chiếc áo cụt tay may bằng loại vải bao tải đựng sữa bột viện trợ Mỹ, đứa nào gặp may trên ngực áo còn dòng chữ « Hợp tác Trung-Mỹ » hoặc « Trọng lượng tịnh 20 pounds ».

Năm 1975 tôi sang Mỹ du học. Sự việc đầu tiên khiến tôi ngạc nhiên là : Ố, sao người Mỹ không ăn loại sữa pha từ sữa bột nhỉ ?

Ở lớp tôi học năm 1961 nữ sinh nào cũng có chấy. Trứng chấy màu trắng nhỏ li ti bám chi chít trên từng sợi tóc thoạt nhìn cứ tưởng là gầu trắng trên đầu. Thỉnh thoảng lại thấy thầy cô giáo cầm chiếc bình thuốc trừ sâu DDT thận trọng xịt thuốc lên đầu các nữ sinh quỳ trên sàn nhà.

Người Hồng Công và người Đài Loan thế hệ tôi có rất nhiều ký ức chung. Sữa bột, đèn Giáng sinh rẻ tiền, dịch tả và chấy rận là dấu ấn của sự nghèo khổ. Giả thử chúng ta từ thời đại niên thiếu của tôi tiếp tục lội ngược dòng một hai thế hệ thì các bạn sẽ thấy những cảnh trong thước phim đen trắng ấy lại càng u ám đen tối hơn. Năm 1895 một nhà truyền giáo phương Tây đến Trung Quốc, quang cảnh bà ấy nhìn thấy ở đây là « Trên đường phố chỗ nào cũng thấy những người da lở loét, cổ to tướng (vì mắc bệnh tuyến giáp), mắt đui chột, thân hình tàn tật biến dạng, người ăn xin nhiều tới mức không thể tưởng tượng nổi… Những cảnh nhìn thấy suốt dọc đường ấy khiến chúng tôi vô cùng đau lòng. »

Năm 1900, một nhà văn người Nhật là Ohashi Otowa đến thăm Hồng Công, tình cờ ông ấy rẽ qua bệnh viện và ngó vào một căn phòng. Ông kể lại : « Tôi thấy một người Trung Quốc loại cùng đinh mạt hạng đang nằm quằn quại như một con giòi thối hoắc » trên chiếc phản gỗ không trải chiếu trong căn phòng tối om. Người Nhật ấy ba chân bốn cẳng chuồn thật nhanh ra khỏi bệnh viện.

Có điều vì sao tôi lại nói với các bạn những chuyện ấy nhỉ? Vì sao vào thời điểm này của hôm nay, tại địa điểm này, trong trường hợp như thế này tôi lại nói với các bạn những chuyện ấy ?

Thưa các bạn, tôi có những lý do của mình đấy ạ.

Những người sáng mắt

Các bạn là những sinh viên tốt nghiệp trong dịp trường Đại học Hồng Công kỷ niệm 100 năm ngày thành lập của mình. Tiền thân của trường này là Trường Tây Y người Hoa Hồng Công thành lập năm 1887. Nếu các bạn cảm thấy điều đó không có gì ghê gớm lắm thì chúng ta hãy xem xem thời kỳ trước sau năm 1887 là một thời đại như thế nào. Chúng ta có thể nhớ lại là vào năm 1887 việc mổ tử thi vẫn bị phần lớn người Trung Quốc coi là đại nghịch vô đạo, nhưng tại trường Tây Y Hồng Công thì đó là môn học bắt buộc mà nhà trường yêu cầu các học viên phải học.

Chúng ta có thể nhớ lại khi cụ thân sinh của Lỗ Tấn nằm liệt giường vì lâm trọng bệnh — đó là năm 1897, đơn thuốc mà thầy lang ở Thiệu Hưng kê cho cụ là một cặp dế mèn, hơn nữa phải là hai con dế « còn trinh nguyên » lần đầu cặp đôi với nhau. Có hiểu được bầu không khí thời đại ấy thì bạn mới hiểu được rằng 124 năm trước, việc sáng lập Trường Tây Y người Hoa Hồng Công là một sự kiện trọng đại như thế nào, một cái mốc đánh dấu sự thay đổi thời đại. Có thế bạn mới hiểu được rằng những người đứng phía sau sân khấu thúc đẩy sự việc ấy phải có tinh thần trách nhiệm xã hội sâu sắc đến thế nào cùng kiến thức và tầm mắt nhìn xa trông rộng ra sao mới có thể mở ra một thời đại mới như vậy. Chính là những nhà khai sơn phá thạch như Hà Khởi (Ho Kai) và Patrick Manson đã đưa các bạn vào toà nhà lễ đường này.

Ngày 1 tháng 10 năm 1887, trường Tây Y người Hoa Hồng Công làm lễ khai giảng. Vị Hiệu trưởng nhiệm kỳ đầu tiên là Patrick Manson đọc diễn văn. Patrick Manson — người từng hành nghề y tại Đài Loan, Hạ Môn, và cho tới ngày nay vẫn được gọi là Cha đẻ của Y học nhiệt đới, nói : trường Tây Y này « sẽ tạo ra cơ hội cho Hồng Công, làm cho thành phố này chẳng những là một trung tâm thương mại mà còn có thể là một trung tâm nghiên cứu khoa học ». Nhìn xuống các học sinh mới vào học, ông chân thành thổ lộ : « Người Hy Lạp cổ đại thường kiêu hãnh và thận trọng khoe khoang các vĩ nhân của họ. Chúng ta hãy kỳ vọng tại Tân Trung Quốc trong tương lai, khi các học giả tranh cãi ai là những vĩ nhân của nước này, tôi tin là sẽ có một số vĩ nhân đến từ Hồng Công, hơn nữa số người ấy hiện đang ngồi tại đây, trong lễ khai giảng này. »

Ba chục học sinh đã dự lễ khai giảng năm 1887 ấy. Sau 5 năm học tập, số học sinh tốt nghiệp khoá đầu năm 1892 chỉ có hai người. Trong đó một người trở thành thầy thuốc ở một thị trấn nhỏ tại Malaysia ; một người nữa nhận thấy chữa bệnh cho cá biệt bệnh nhân không quan trọng bằng chữa trị cho cả đất nước, vì thế ông quyết định bỏ nghề y, làm nghề khác.

Người học trò ấy đăng ký vào trường này dưới cái tên Tôn Dật Tiên. Thoạt tiên ông chỉ có một dự định rất nhỏ bé, có chút giống như sinh viên đại học thời nay tranh thủ dịp nghỉ hè đi phục vụ tại một khu vực nhỏ. Khi đi trên đường phố Hồng Công, nhìn thấy thành phố này dưới sự quản lý của người Anh sao mà ngăn nắp trật tự, ông ngạc nhiên nghĩ mãi mà không thể hiểu được do đâu thị trấn Hương Sơn quê mình cách đây có 80-90 cây số lại lộn xộn lạc hậu đến thế nhỉ ? Dự định nhỏ bé của ông là biến Hương Sơn thành một Hồng Công nhỏ. Nói là làm. Chàng sinh viên 20 tuổi của trường Tây Y Hồng Công ấy tranh thủ kỳ nghỉ rét về quê kêu gọi các thanh niên cùng làng ra bắc cầu đắp đường, nhằm mục tiêu làm con đường nối hai làng lại với nhau. Cuối cùng do sự tham nhũng của bon quan lại địa phương, dự định nhỏ này không thành công. Thất bại ấy đã làm rung chuyển Tôn Dật Tiên, vì thế ông đã chuyển sang thực thi một dự định lớn hơn là lật đổ
toàn bộ đế quốc Trung Hoa.

Từ diễn văn khai giảng năm 1887 của Patrick Manson cho tới bài nói tại lễ tốt nghiệp năm 2011 hôm nay, cuộc đời của chúng ta đã có những thay đổi sâu sắc, mà tất cả những thay đổi ấy đến từ những người phi thường. Những người sáng suốt đã đổi mới chế độ giáo dục. Những người hành động đã làm cách mạng cải tạo toàn bộ đất nước. Còn có rất nhiều người vừa thông minh vừa bền chí đã phát minh ra các loại vắc-xin hoặc liệu pháp chữa bệnh. Trong thế giới hôm nay mà bạn và tôi đang sống, bệnh đậu mùa đã bị tuyệt diệt, vi-rut sốt rét và dịch hạch đã bị kiểm soát, các nữ sinh Đài Loan và Hồng Công không còn biết « chấy rận » là gì. Ngày nay, 124 năm sau ngày sáng lập trường Tây Y, Học viện Y khoa Hồng Công đã đào tạo được rất nhiều nhà khoa học và thầy thuốc hàng đầu thế giới, đang cống hiến vì hạnh phúc của cộng đồng toàn cầu.

Các bạn chính là những người đang bước theo dấu chân của truyền thống đó.

Đô thị giàu nhất châu Á

Có lẽ các bạn sẽ hỏi, nếu những bậc “trưởng lão” tiền bối như Patrick Manson và Tôn Dật Tiên đã hoàn tất bao nhiêu cống hiến trọng đại như vậy, thì ngày nay còn lại những gì để thế hệ này của các bạn có thể mơ ước, có thể đương đầu, có thể dốc sức dâng hiến và đeo đuổi nữa ?

Tôi tin rằng có đấy ạ.

Trước khi sáng lập trường Tây Y Hồng Công, Patric Manson 43 tuổi đã nghiên cứu về « thời » và « địa » của mình. « Địa », là Hồng Công ; hồi ấy sự chăm sóc y tế đối với người Hoa Hồng Công khác một trời một vực so với sự chăm sóc y tế dành cho người phương Tây. « Thời », là thời kỳ cuối của triều nhà Thanh, khi hệ giá trị truyền thống bắt đầu tan rã sụp đổ nhưng hệ giá trị mới còn chưa thành hình. Khi tốt nghiệp đại học, Tôn Dật Tiên mới 26 tuổi. Hàng ngày khi cuốc bộ trên đường đến trường ông không lúc nào không « chẩn đoán » trạng thái tồn tại của cái xã hội này, nghĩ cách làm thế nào để đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

Vậy thời và địa mà các bạn đang sống thì như thế nào ?

Trước tiên chúng ta hãy xem các bạn là ai đã. 20% sinh viên Học viện Y khoa trường Đại học Hồng Công đến từ các gia đình chuyên làm nghề y, cũng tức là nói, số 20% sinh viên này có song thân hoặc một trong song thân là bác sĩ hoặc y tá. 60% trong số các bạn xuất thân từ gia đình cha mẹ có trình độ đại học cao đẳng. Nói một cách chính xác, các bạn là tầng lớp tinh hoa của xã hội ; cho dù hiện nay chưa phải là tinh hoa thì sau này sẽ là tinh hoa.

Nói chính xác, cái xã hội các bạn đang sống là xã hội như thế nào ?

Hồng Công « ngôi làng » này là một nơi rất độc đáo. Người dân nơi đây có thu nhập bình quân đầu người hàng năm gần 30 nghìn Mỹ kim. Trong 7 triệu cư dân thành phố này có 1,2 triệu người sống dưới chuẩn nghèo. Cái gọi là chuẩn nghèo tức là có thu nhập thấp dưới một nửa mức thu nhập bình quân. Nếu điều đó nghe ra quá trừu tượng, không gây cảm giác gì, thì các bạn hãy thử ra khỏi trường, đi vào phố Bonham đứng một lát đếm các trẻ em tan học đi về nhà : một, hai, ba, bốn. Tại Hồng Công cứ 4 trẻ em thì có một sống trong cảnh nghèo túng.

Chẳng hay các bạn có để ý không, tại đường vòng giữa tấp nập nhất, có những bà già tóc bạc phơ đẩy xe chở hàng ngược lên con đường dốc ở khu Trung tâm, họ phải còng lưng như thế nào để chịu sức nặng như vậy ? Tại thành phố các bạn đang sống có 40% số người già thuộc vào diện thu nhập dưới chuẩn nghèo.

Ai đến Hồng Công sẽ thấy ngay một biển quảng cáo hấp dẫn tại sân bay. Dòng chữ trên biển rất đơn giản : « Hồng Công là đại đô thị thế giới của châu Á ». Điều mà biển quảng cáo ấy chưa nói lên được là Hồng Công là đại đô thị số một về cách biệt giàu nghèo ở châu Á. Mức độ phân hoá giàu nghèo ở đây rất cao, vượt quá Ấn Độ, vượt quá Trung Quốc đại lục. Hồng Công cũng đứng đầu về khoảng cách giàu nghèo trong số các nền kinh tế phát triển trên thế giới.

Cái xã hội mà bạn và tôi đang sống có một điểm đặc biệt nhất là một nhà nhiếp ảnh chẳng cần đợi quá lâu cũng có thể chộp được một hình ảnh như thế này ngoài đường phố : khi một chiếc Rolls Royce hoặc Bentley vừa chạy qua, phía sau nó hiện lên hình ảnh một cụ già đang vục đầu xuống thùng rác ven đường để nhặt nhạnh thứ gì đó.

Cái tầm thường nhất, nhỏ nhoi nhất

Tôi không có ý định kêu gọi các bạn bắt chước Lỗ Tấn bỏ nghề y làm nghề viết văn, hoặc theo bước Tôn Dật Tiên làm chính trị, hoặc tất cả đều đi làm công tác xã hội. Bởi lẽ cuộc đời có nhiều con đường thú vị ta có thể lựa chọn. Tôi chỉ muốn nói một điều : là những người tiếp nhận cây gậy tiếp sức của cuộc đua quan trọng này, các bạn có thể bỏ thêm chút thời gian suy nghĩ xem mình đến từ đâu, đang ở đâu. Viên đá đầu tiên lát con đường nối tới làng bên, tức nơi hiện nay bạn đang sống, được lát cách đây 124 năm. Patrick Manson chống lại sự vô tri, kiên trì việc học tập các tri thức đã được khoa học chứng thực. Tôn Dật Tiên chống lại sự tham nhũng mục ruỗng của chế độ chính trị, kiên trì chế độ quản lý minh bạch hợp lý. Phải chăng bạn từng có lần nghĩ rằng ở thời đại của mình, trong xã hội của mình, bạn sẽ chống lại những gì, sẽ kiên trì những gì ?

Tôi không hề mong muốn bạn sẽ lập tức trả lời, bởi lẽ nếu bạn tùy tiện trả lời thì ngược lại tôi có thể nghi ngờ sự chân thành của bạn. Những gì một người có thể chống lại và có thể kiên trì được sẽ tổng hợp lại thành một tổng thể gọi là « tín ngưỡng ». Nhưng tín ngưỡng cá nhân thì không được tuyên bố ầm ĩ ; nó được thực thi trong từng chi tiết của cuộc đời, nó thể hiện ở những quyết định nhỏ nhặt nhất, tầm thường nhất trong cuộc sống hàng ngày.

Về sau Patrick Manson làm Cố vấn y tế của Bộ Thuộc địa ở London, phụ trách việc kiểm tra sức khoẻ những người xin đi làm công tác cơ sở tại các vùng Á Phi nhiệt đới. Ai không đạt yêu cầu sức khoẻ thì không có dịp đi làm công việc đó. Khi ấy ông phát hiện một vấn đề chưa từng dự kiến tới : 90% số người được kiểm tra đều hỏng răng, không đạt yêu cầu kiểm tra. Rốt cuộc chỉ những người có tiền thì mới được các nha sĩ chăm sóc. Vậy ông nên giải quyết vấn đề này như thế nào ?

Manson đã xử lý như sau. Ông viết công văn gửi lên Bộ Thuộc địa, nói là nếu lấy lý do hỏng răng để « loại bỏ họ thì coi như loại bỏ tất cả những người thuộc tầng lớp đó », ông kiến nghị chính phủ nên cung cấp dịch vụ chữa răng cho những người nghèo.

Có những nhà chuyên môn chỉ thấy răng hỏng. Có những người như Manson khi thấy răng hỏng còn đồng thời thấy được trạng thái tồn tại của con người — ông thấy được nỗi đau khổ của nhân loại. Sự phán đoán và lựa chọn trong đời sống hàng ngày xem ra rất không quan trọng và rất phổ biến ấy đã quyết định chúng ta thực ra là loại người như thế nào.

Hương thơm toả mãi

Năm tôi 14 tuổi, cả gia đình dọn đến một làng chài nhỏ ở miền Nam Đài Loan. Nhà tôi nghèo đến nỗi khi con cái ốm đau, mẹ tôi không dám đưa con đến phòng khám, vì bà không có tiền để trả. Một hôm em trai tôi sốt cao và ho khá nặng, mẹ tôi buộc phải tìm đến ông thầy thuốc của làng mình. Chúng tôi đều được mẹ đưa đi theo. Bốn đứa trẻ khác tuổi nhau, đứa cao đứa thấp xếp hàng ngang đứng trơ trơ trước mặt thầy thuốc. Ông ấy rất yên lặng, hầu như không nói gì cả, khi mở miệng thì giọng nói rất nhẹ nhàng, có những câu tôi không hiểu lắm, vì ông ấy nói giọng Phúc Kiến pha lẫn tiếng Nhật.

Ông thầy thuốc kiểm tra kỹ sức khoẻ lũ chúng tôi rồi cầm lấy chỗ thuốc cô y tá đem lại đặt vào tay mẹ tôi, dùng những lời khó hiểu căn dặn mẹ tôi nên chăm sóc các con như thế nào. Sau đấy ông ấy khăng khăng không nhận tiền mẹ tôi đưa. Từ đó trở đi cho tới khi cả 4 đứa chúng tôi đã trưởng thành, ông chưa bao giờ lấy tiền của mẹ tôi.

Đó là vị thầy thuốc đầu tiên trong ký ức của tôi. Căn phòng khám bệnh nho nhỏ của ông ấy hầu như không có đồ đạc gì, sàn xi măng trơ khấc nhưng sạch sẽ không một hạt bụi. Bên ngoài có một mảnh vườn nhỏ, lá cây sáng lấp loá dưới nắng chiều. Hoa nhài nở rộ, mùi hoa thơm ngát tràn đầy căn phòng.

Xin chúc các bạn thành công và hạnh phúc. Xin cảm ơn tất cả.

Nguồn:

1. 我们的村落 作 者: 龙 应 台 2011-12-22 http://www.infzm.com/content/66849

2. Speech by Professor Lung Ying-tai
Faculty Graduation and Prize Presentation Ceremony. November 28, 2011
http://www0.hku.hk/facmed/grad2011/speech.html