Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Lịch sử > Cận đại > Sài Gòn thời xưa

Sài Gòn thời xưa

Thứ Sáu 4, Tháng Năm 2007

Những tòa nhà, con đường, kênh rạch, khu chợ, bến xe với con người, cảnh sinh hoạt, buôn bán... ở từng thời điểm, ở nhiều góc nhìn đã “mang” quá khứ về trong hiện tại một cách khá toàn vẹn. Đó là một Sài Gòn xưa, dù đã khá tấp nập nhưng còn hoang sơ, vắng lặng và mộc mạc.

Đông Dương năm 1903

Một Bến Thành cổ xưa, xập xệ, còn vắng vẻ, lưa thưa người chứ không đông đúc, sầm uất như bây giờ; một Sài Gòn của ngoại thành với cây cỏ, ao nước, nhà cửa ọp ẹp; một góc quán cà phê đơn sơ ở trung tâm Sài Gòn; gánh hàng rong của người đàn ông đội nón Tàu to bành, quần xắn đến đầu gối; cảnh sinh hoạt bên bờ sông Sài Gòn năm 1880; những chiếc taxi, xích lô, xe kéo, xe đò của những năm đầu thế kỷ 20...

...Có con kênh Charner, kéo dài từ vàm Bến Nghé đến thành Gia Định. Hai bờ kênh là hai con đường rộng (đường Rigault de Genouilly và đường Quảng Đông). Dưới kênh, tàu ghe neo đậu khá tấp nập. Cái tên “kênh đào Charner” biến mất vào năm 1887, khi người Pháp cho lấp kênh và sáp nhập hai con đường lại thành đại lộ Charner. Chính là đại lộ Nguyễn Huệ ngày nay với hàng loạt cao ốc, khách sạn, dịch vụ hiện đại, hoành tráng và sang trọng.

…Có con đường Bangkok um tùm cây cối, lèo tèo vài ngôi nhà, là nơi mà nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi “ngự” bên con đường này từ cuối thế kỷ 19. Chẳng ai ngờ cả trăm năm sau đó lại là vị trí của công viên Lê Văn Tám ngày nay!

...Có ngôi trường Áo Tím (tên chính thức là Trường Nữ học đường Sài Gòn, xây năm 1913), nay là Trường Nguyễn Thị Minh Khai. Bức ảnh chụp cảnh những nữ sinh mặc áo dài màu tím, nhìn khá lạ và đặc biệt. Màu tím được chọn làm màu áo đồng phục cho nữ sinh, tượng trưng đức tính đoan trang, kín đáo và khiêm nhường của thiếu nữ Việt Nam.

Những người bán cá trên dốc cầu Ông Lãnh 1962

Sài Gòn xưa trong mắt người hôm nay thật lạ, lạ đến bỡ ngỡ, ngạc nhiên. Đặc biệt những tấm bưu ảnh về nhà thờ Đức Bà (tên gọi lúc đó là Vương cung thánh đường chánh tòa Đức Bà Sài Gòn), nhìn từ những góc độ đa chiều, qua nhiều cột mốc thời gian đã gây bất ngờ và thú vị. Đó là một nhà thờ Đức Bà vừa quen vừa lạ khi chưa có tháp chuông, gây ấn tượng mạnh (mãi đến năm 1895, người ta mới xây thêm hai tháp chuông). Rồi cả tấm bưu ảnh khi nhà thờ chưa có tượng đặt trước vườn hoa cho đến khi xuất hiện bức tượng đầu tiên (năm 1903)...

Mỗi bưu thiếp là một chứng nhân lịch sử. Lặng lẽ và trung thành. Sài Gòn xưa, xa mà gần, lạ mà quen. Những đổi thay qua một vài chi tiết, hình ảnh nào đó trong cùng một con đường, một tòa nhà, một góc phố, bến cảng... vẫn còn giữ lại những nét, những hình trong hiện tại.

Xem để hiểu hơn về một Sài Gòn xưa của một Sài Gòn năng động hôm nay. Tạo vật đổi thay. Nhanh như chớp mắt! Một Sài Gòn cổ xưa đã lùi xa, rất xa... chỉ còn lại sắc hình từ những tấm bưu thiếp đến từ quá khứ.