Làng Kim Liên
Hà NộiLàng Kim Liên (nay thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa) tên gốc là Kim Hoa, vì kỵ húy mẹ Vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa nên đổi gọi là Kim Liên vào năm Tân Sửu (1841). Đây là một trong 36 phường của Kinh đô Thăng Long thời Lê. Sang thời Nguyễn, phường đổi thành thôn (làng) và là một trong 23 thôn, trại, phường thuộc tổng Tả Nghiêm (sau đổi thành tổng Kim Liên), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, từ năm 1915 thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (năm 1941 đổi thành Đại lý đặc biệt Hà Nội), có dân số tương đối đông (năm 1926, làng có 1586 nhân khẩu).
Ngoài làm ruộng, trồng màu (đồng ruộng của làng nay là các dãy nhà cao tầng của khu tập thể Kim Liên), làng có nghề nhuộm vải nâu, nên làng còn có tên là Đồng Lầm. Phía Đông của làng có hai hồ lớn là hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu (xem bản đồ). Đây là nơi xưa kia dân làng lấy bùn để “nhấn bùn” cho vải màu nâu ngả sang màu đen. Xưa kia làng còn có sông Kim Ngưu - một nhánh của sông Tô Lịch chảy qua, xuống Cầu Dền, Vĩnh Tuy thì chia thành nhiều nhánh xuống các làng xã huyện Thanh Trì. Nghề nhuộm nâu, sông Kim Ngưu (sông Dài) cùng với hai hồ lớn là ba nét đặc trưng của làng Kim Liên - Đồng Lầm xưa. Ca dao cũ có câu:
Đồng Lầm có vải nâu non
Có hồ cá rộng, có con sông dài
Đầu làng Kim Liên (chỗ ngã tư Đại Cồ Việt - Kim Liên hiện nay) vào giữa thế kỷ XIX trở về trước có một cửa ô gọi là Ô Kim Hoa, hay Ô Kim Liên, tên dân gian gọi là Ô Đồng Lầm, nay thuộc đất công viên Thống Nhất. Đây chính là một cửa ô mở qua tường phía Nam của tòa thành đất vòng giữa bao bọc khu dân cư của Kinh thành Thăng Long về phía Đông. Trên địa phận của làng còn có địa danh Mộng Kiều là nơi diễn ra trận đánh giữa Vua Lê Tương Dực dẹp tan quân của Trần Cảo vào năm Canh Ngọ (1510) mà sử cũ đã ghi.
Thời Lê - Trịnh, làng Kim Liên cùng với làng Trung Tự được hưởng "tạo lệ” chuyên trách việc thờ cúng ông Nguyễn Hy Quang (1634 - 1692), đỗ Tam trường thi Hội khoa Sĩ Vọng, làm quan Thị lang, dạy các thế tử họ Trịnh, được ban tước Hiển Quận Công, sau khi mất được phong Phúc thần.
Trước đó, làng Kim Liên có ông Trần Vĩ (1564 - ?) đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hoằng Định, đời Vua Lê Kính Tông (năm 1604), làm quan đến Tả Thị lang bộ Lại, kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Hương Quận công, được cử đi sứ sang nhà Minh; về trí sĩ; khi mất được tặng Thượng thư, hàm Thiếu bảo.
Làng Kim Liên có ngôi đình thờ Cao Sơn đại vương. Hiện nay có nhiều thuyết khác nhau về lai lịch của vị thần này: là Sơn Tinh, là chú ruột của Sơn Tinh hoặc là một trong 50 người con theo Lạc Long Quân đi xuống khai phá vùng đồng bằng. Làng còn có ngôi đền cũng thờ Cao Sơn, xây dựng vào năm Canh Ngọ (1510), được coi là ngôi đền trấn giữ phía Nam thành Thăng Long. Trong đền còn tấm bia do Hoàng giáp Lê Tung soạn năm 1510, kể về việc thần Cao Sơn đã âm phù Lê Tương Dực đánh dẹp Lê Uy Mục. Bia đã bị mờ nên được khắc lại vào năm Nhâm Thìn đời Cảnh Hưng (1772).
(Theo TS Bùi Xuân Đính)