Chùa Xuân Lạn (Quảng Ninh)
Quảng NinhChùa Xuân Lạn có từ cuối thế kỷ XVIII. Tên chữ: Linh Quang Cổ Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1999). Vị trí: GX7H+RH thôn Trung, xã Hải Xuân, TP Móng Cái, Quảng Ninh. Cách BĐX Bờ Hồ: 312km (hướng 2h)
Lược sử
Khoảng những năm đầu Công nguyên, Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào vùng ven biển và phát triển rộng khắp đồng bằng sông Hồng vào thời Bắc thuộc. Đến thời Lý–Trần, đạo Phật phát triển đạt tới mức cực thịnh. Sang thời Lê Sơ, Nho giáo trở thành quốc giáo, đạo Phật bị suy thoái rõ rệt.
Đến thời Mạc rồi thời Lê trung hưng, các tầng lớp quý tộc và người giàu mới lại dần dần quan tâm đến việc chấn hưng đạo Phật. Dân chúng quyên góp tiền của để xây chùa, lựa chọn các tăng ni có học thức và đạo đức trông coi. Thậm chí tại những miền biên giới xa xôi cũng có các ngôi chùa lớn.
Chùa làng Xuân Lạn[1] ở Móng Cái ra đời trong bối cảnh như thế vào đầu thời Tây Sơn. Chùa có tên chữ “Linh Quang Cổ Tự”, dân còn gọi là chùa Đá do vật liệu xây dựng chủ yếu bằng đá. Các tảng đá tự nhiên được lấy về từ núi Tổ Sơn[2] và được đục đẽo chạm khắc tinh xảo. Năm 1999, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp hạng chùa là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Chùa Xuân Lạn cỏ từ cuối thế kỷ XVIII và đã trải qua nhiều lần sửa chữa, tôn tạo. Sau đợt trùng tu năm 2006 và lần mở rộng gần đây, chùa chủ yếu vẫn mang dáng vẻ kiến trúc của thời Nguyễn nhưng cổ thụ không còn. Các toà nhà đều có hàng hiên mát mẻ và nằm trong một khuôn viên khá rộng ở giữa hai nhánh sông Ka Long, cổng chùa mở ở phía Tây và phía Nam ra đường làng.
Tam quan đồ sộ 3 tầng 12 mái nhìn ra sông qua một hồ nước nhỏ ở hướng Nam. Khách vào sân trước sẽ thấy giếng đá và tượng đài Quan Âm, Di Lặc. Tiền đường rộng 5 gian 2 dĩ, nối với thiêu hương và thượng điện. Nhà Tổ và nhà Mẫu cũng xây 5 gian 2 dĩ với tường hồi bít đốc và các thềm đá 5 bậc mở ra lối đi bên hông chùa chính. Sau lưng tam bảo là các toà giảng đường, nhà khách, nhà tăng vây quanh sân hậu và thông với cổng bên.
Di sản
Chùa Xuân Lạn cũ nổi tiếng với những đường nét chạm khắc tinh xảo, các mộng đá và cấu kiện gỗ ghép vào nhau rất khít. Ngoài kiến trúc đá là những mảng chạm khắc gỗ khá đẹp. Trong chùa có một hệ thống đầy đủ các tượng Phật giáo Bắc tông. Bên cạnh thờ Phật, tại đây còn thờ Thần Đá.
Chùa Xuân Lạn. Panorama NCCong ©2019
Tương truyền xưa kia lũ trẻ trong làng thường dắt trâu lội qua sông Ka Long để chăn. Một buổi chiều chúng đang trên đường trở về đến giữa sông thì trời nổi cơn giông, sấm chớp đùng đùng. Bọn trẻ sợ hãi nhưng bỗng dưng như có người đưa cả lũ vào bờ. Khi trời quang, mây tạnh, giữa sông có một tảng đá nổi lên. Lũ trẻ cho rằng thần Đá đã hiển linh cứu chúng nên khiêng về chùa Xuân Lạn để thờ như một vật rất linh thiêng.
Di tích lân cận
- Chùa Linh Sơn: khu 7, phường Hải Yên, TP Móng Cái.
- Chùa Yên Tử: TP Uông Bí, Quảng Ninh.
- Ðền Cửa Ông: TP Cẩm Phả, Quảng Ninh.
- Đình Trà Cổ: phường Trà Cổ, TP Móng Cái.
Bản đồ trực tuyến
Chú thích
[1] Lấy theo tên của làng Xuân Lạn, nghĩa là sự sáng lạn của mùa xuân. Nay thường bị gọi chệch thành Xuân Lan.
[2] Núi Tổ Sơn thuộc phường Hải Hòa, TP Móng Cái, nằm cách chùa Xuân Lạn khoảng 8km. Trên núi nay vẫn còn dấu tích khai thác đá.
Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong