Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Cuộc sống > Bốn phương > Không cho chụp hình? Càng chụp!

Không cho chụp hình? Càng chụp!

Thứ Sáu 27, Tháng Bảy 2012

Tuần qua, những người phản đối chụp hình đã vào bảo tàng Orsay (Paris) và chụp hình tứ tung để gây chú ý tới chính sách cấm chụp hình của bảo tàng này. Nhân viên an ninh tiến tới bảo họ phải dừng lại, nhưng khi những người phản đối giải thích hành động của mình và lịch sự từ chối đóng ống kính máy ảnh, nhân viên an ninh đành phải nhân nhượng và để họ tiếp tục chụp. Cuộc phản đối lan nhanh hệt như nhiễm virus, và khách tham quan bảo tàng hôm đó cũng rút máy ảnh ra theo mà chụp lia lịa.

Người phản đối ùa vào chụp hình

Nhóm Orsay Commons, bắt đầu chiến dịch phản đối của họ hồi tháng 12 và tháng nào cũng có một đợt tấn công như vậy – vào chủ nhật đầu tiên của mỗi tháng, cũng là ngày bảo tàng mở cửa tự do. Một trong những người phản đối, blogger Bernard Hasquenoph, nói rằng lần này có rất ít nhân viên an ninh ngăn cản và phản ứng cũng hết sức thụ động. Anh còn để ý sự thay đổi về số lượng biển cấm chụp hình. “Trước đây chỗ nào cũng treo; chúng tôi đã chỉ ra là cái thứ biển ấy rất xấu xí. Sau đó chúng tôi có thấy họ cất đi cũng khá nhiều – thí dụ như tháng này số biển không nhiều bằng tháng trước.”

Với Hasquenoph đây có lẽ là dấu hiệu báo trước chiến thắng của cả nhóm. “Chúng tôi đã đưa được họ vào thế bí”. Anh nói. “Tháng nào chúng tôi cũng sẽ đến, họ luôn muốn giữ hình ảnh mình là một bảo tàng hiện đại, thức thời, nét niếc nọ kia, mà lại đi cấm đoán chuyện chụp hình thì thật là phản tác dụng và ngược đời. Rồi họ cũng phải nghĩ lại. Không thể cứ mãi vậy được, nực cười lắm.”

Khi nhiều người bắt đầu chú ý đến chính sách cấm chụp hình, trong cuốn sổ lưu niệm của bảo tàng cũng bắt đầu xuất hiện đầy những lời ca cẩm và giận dữ, lên án chính sách cấm chụp hình, nào là “gây phẫn nộ”, “có hại”, “lạc hậu và phản tác dụng”, “cổ hủ”. Một khách tham quan bảo tàng, Serge Chaumier ở Paris còn viết rằng chính sách này “tạo ra không khí sợ hãi và chỉ khiến người xem thêm thụ động”.

Cùng với việc cắt giảm chi tiêu và biên chế, các bảo tàng ở Pháp đang ở thế thủ, nhiều người nghi ngờ rằng có động cơ tài chính đằng sau chính sách này, mà thực ra cũng chỉ mới có hiệu lực từ hồi cuối tháng 6. 2010 vừa qua. Một người phản đối có tên là Gaelle Kermen viết trên blog rằng, “nếu chính sách này nhằm tăng doanh số của mấy thứ trong quầy lưu niệm có in hình tranh, như nam châm dán tủ lạnh và ly tách thì rõ là thất bại.”

Nhưng Musée d’Orsay phủ nhận hoàn toàn, trả lời rằng “chính sách nói trên không có ý nghĩa gì về mặt thương mại”. Trong một tuyên bố chính thức, bảo tàng cho rằng luật cấm chụp ảnh có “liên quan đến chuyện gần đây người ta rất hay chụp quá gần tác phẩm bằng điện thoại,” và nói thêm rằng “bản sao hầu hết tác phẩm trong bộ sưu tập có thể dễ dàng được tải xuống từ Website” (chứ chẳng cần phải mua ly tách gì cả).

Có thể chính phủ sẽ vào cuộc, nếu dân biểu Patrick Beaudouin làm nên trò. Hồi tháng 6. 2010 Beudouin đã gởi thư đến bộ trưởng văn hoá Frédéric Mitterand, đặt vấn đề về “tính pháp lý của việc cấm sao chụp những tác phẩm đã trở thành di sản công cộng mà người sao chụp lại là khách tham quan bảo tàng, đã có mua vé hẳn hoi”. Anh vẫn đang chờ bộ trưởng hồi âm.

Những bảo tàng khác xử lý chuyện chụp hình như thế nào? Sau khi đưa ra một chính sách cấm chụp hình tương tự năm 2005, Louvre bỏ ngay vì quá khó khăn đối với nhân viên an ninh do suốt ngày cứ phải chạy đi can thiệp. Trong một tuyên bố sau đó, bảo tàng Louvre nói rằng “luật lệ cấm chụp hình rất khó khăn với công chúng và gây ra nhiều lúng túng.” Chụp ảnh hiện giờ vẫn bị cấm trong khu vực gallery trưng bày tạm thời do những lý do về bản quyền. Trong khi đó hầu hết các tác phẩm ở Musée d’Orsay đã thuộc về công chúng.

Phần lớn các bảo tàng ở châu Âu cho phép khách tham quan chụp hình, miễn là không dùng flash để tránh hư hại cho tác phẩm. Một vài bảo tàng khá là nghiêm khắc, chẳng hạn như bảo tàng Prado ở Madrid, cấm chụp ảnh tuyệt đối sau khi thấy rằng rất khó kiểm soát chuyện dùng flash và nhiều khi còn dẫn tới cãi vã giữa khách và nhân viên an ninh.

Cũng có bảo tàng lại khuyến khích chụp ảnh và còn biết tận dụng sức mạnh của Internet để phát tán những bức ảnh do khách tham quan chụp. Bảo tàng Victoria và Albert ở London có cả một trang Flickr để khách có thể chia sẻ ảnh chụp, còn Bảo tàng Quốc gia Anh lại hợp tác với Wikipedia để phổ biến rộng rãi hình ảnh của các tác phẩm trong bộ sưu tập. Ở Pháp, bảo tàng của lâu đài Versailles còn tổ chức một cuộc thi ảnh, gắn với triển lãm sau đó là Versailles qua ảnh- 1850-2010. Các nhà tổ chức triển lãm nói rằng họ rất ấn tượng với chất lượng và sự sáng tạo trong những bức ảnh do khách tham quan gởi đến.

Hồ Như Mai dịch (SOI, Theo Artinfo)