Bản đồ Trung Quốc năm 1904 không có Hoàng Sa, Trường Sa

Với sự xuất hiện tấm bản đồ cổ nhất thời cận đại của Trung Quốc - “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (tạm dịch: Bản đồ địa dư (trọn vẹn) các tỉnh của triều đình nhà Thanh) xuất bản năm 1904, thuộc sở hữu của TS Mai Ngọc Hồng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phả học Việt Nam - đã thêm một chứng cứ có ý nghĩa quan trọng, bổ sung vào hệ thống chứng cứ lịch sử chứng minh đến đầu thế kỷ 20, Trung Quốc vẫn chưa hề có ý định xác lập chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Sáng 25.7, TS Mai Ngọc Hồng đã trân trọng trao tặng tấm bản đồ quý “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được Nhà xuất bản Thượng Hải, Trung Quốc xuất bản năm 1904 cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Giới sử học quốc tế và VN đã từng biết đến nhiều tấm bản đồ chính thức của Trung Quốc từ trước năm 1909 không hề thể hiện hai quần đảo “Tây Sa” và “Nam Sa” (cách gọi của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Tấm bản đồ hành chính, có giá trị pháp lý và cổ nhất của Trung Quốc đã được các nhà nghiên cứu Việt Nam biết đến hiện nay là “Đại Thanh đế quốc toàn đồ” 1905.

Tâm sự với PV Báo Lao Động về lý do tại sao lại công bố tấm bản đồ cổ của Trung Quốc sau 35 năm cất giữ, TS Mai Ngọc Hồng cho biết: “Trung Quốc đã ép chúng ta quá lắm, vừa rồi họ lại còn thành lập thành phố cấp địa khu “Tam Sa” bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tôi biết, tôi công bố tấm bản đồ này thì họ sợ lắm, bởi “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” 1904 của nhà Thanh cho thấy, lãnh thổ của Trung Quốc chỉ giới hạn về phía đông là đảo Đài Loan, phía nam là đảo Hải Nam được nhà Thanh công bố với thế giới”.

Quả thực, theo quan sát của PV thì quần đảo Senkaku của Nhật Bản - mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư (nằm ở phía đông bắc đảo Đài Loan) - cũng không được thể hiện trên bản đồ.

Năm 1977, khi còn là Trưởng phòng Tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm, TS Mai Ngọc Hồng đã bỏ ra 100 đồng (trong khi lương tháng của ông là 70 đồng) để mua tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”. Ông cho biết, lúc đó ông cũng chỉ nghĩ đây là một tấm bản đồ cổ, không ngờ bây giờ được đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Tại lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật cổ hiến tặng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, TS Mai Ngọc Hồng đã xúc động khi được sự quan tâm của báo giới. TS Mai Ngọc Hồng đã thể hiện mong muốn: “Tôi muốn nhân dân toàn thế giới, đặc biệt là nhân dân Trung Quốc biết đến tấm bản đồ này. Qua chứng cứ lịch sử không thể chối cãi, nhân dân Trung Quốc tiến bộ sẽ thấy được sự vô lý, ngang ngạnh của chính quyền hiện nay đối với lãnh thổ của các nước láng giềng”.

Người Trung Quốc nên tự hào về “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”

Theo TS Mai Ngọc Hồng, mặt sau bản đồ có khoảng 600 chữ Hán giải thích rõ về xuất xứ, thời gian thực hiện tấm bản đồ. Trong khoảng 200 năm, bắt đầu từ Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh đã thuê các giáo sĩ phương Tây giỏi về vẽ địa đồ đi đo đạc trực tiếp tại 15 tỉnh nằm trong lãnh thổ Trung Quốc bấy giờ, để tổng hợp vẽ lên “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”.

Đến thời Hoàng đế Quang Tự (1871 – 1908) thì hoàn thành và năm 1904 Nhà xuất bản Thượng Hải chính thức xuất bản, để phục vụ cho sự cai trị của nhà Thanh.

Theo các nhà sử học, Hoàng đế Khang Hy (1654 - 1722) là vị vua thứ tư của nhà Thanh và là vị hoàng đế thứ hai của người Mãn Châu cai trị toàn cõi Trung Quốc. Ông là một vị hoàng đế tài ba. Dưới quyền cai trị của Khang Hy, lãnh thổ Trung Quốc được thống nhất và trở nên rộng lớn nhất trong lịch sử nước này. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ các nước Á Châu đứng trước nguy cơ nhòm ngó của thực dân phương Tây. Để khẳng định chủ quyền và bảo vệ lãnh thổ quốc gia, Hoàng đế Khang Hy đã quyết định phải vẽ bản đồ toàn bộ lãnh thổ của mình, để công bố với toàn thế giới.

Trong khi đó có rất nhiều bản đồ cùng thời do người phương Tây vẽ như "Đại Nam thống nhất toàn đồ" (Quốc sử quán triều Nguyễn) hay “Bản đồ bán đảo Đông Dương” của Công ty Đông Ấn (Hà Lan) đều thể hiện rất rõ Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Điều này cho thấy, “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” là một báu vật quốc gia của Trung Quốc và người Trung Quốc nên tự hào công bố báu vật của cha ông với toàn thế giới.

Khi được hỏi về cảm nghĩ khi xem “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” 1904 của Trung Quốc, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Đây là bản đồ phản ánh nhận thức về lãnh thổ của nước Trung Hoa thời kỳ nhà Thanh. Chúng ta có thêm một bằng chứng bổ sung vào hệ thống chứng cứ lịch sử chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ lâu đời của Việt Nam”.

Đỗ Văn - Kim Anh (LĐ)