Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Bạn đọc > Nhà báo > Trung Quốc gia tăng đe doạ Việt Nam tại biển Đông

Trung Quốc gia tăng đe doạ Việt Nam tại biển Đông

Chủ Nhật 29, Tháng Bảy 2012

Vài tuần gần đây Trung Quốc liên tục có các hành động đơn phương trên biển Đông là vùng biển tranh chấp với Việt nam và các nước khác trong khu vực, từ việc điều đội tàu cá 30 chiếc ra Trường Sa, đến việc nâng cấp thành phố Tam Sa quản lý Hoàng Sa và Trường Sa gần đây nhất là tuyên bố gửi quân đồn trú ra khu vực đảo đang tranh chấp. Những hành động này cần được nhìn nhận ra sao và sẽ có hậu quả thế nào đối với Trung Quốc? Việt Hà phỏng vấn GS. Carl Thayer, chuyên gia Đông Nam Á, thuộc học viện Quốc Phòng Úc để có thêm chi tiết. Trước hết, đánh giá về những hành động gần đây của Trung Quốc, GS. Carl Thayer cho biết:

Luật biển Việt Nam và phản ứng mạnh mẽ của TQ

GS. Carl Thayer: Trung Quốc đang gia tăng một cách có tính toán những đe doạ đối với Việt Nam và theo tôi là cả Philippines. 30 tàu cá TQ ra vùng biển nơi vùng đặc quyền kinh tế các nước chồng lấn, nó đi từ bãi chữ thập đến phía nam bãi Johnson đây là khu vực đã xảy ra trận đụng độ vào tháng 3 năm 1988 giữa hải quân hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng họ chỉ giới hạn thời gian hoạt động ở đây, tất nhiên là đội tàu có tàu hộ tống đi cùng.

Thứ hai là việc nâng cấp Tam Sa lên thành phố. Vào năm 2007 Trung Quốc đã tuyên bố họ sẽ làm điều này và nó đã gây ra cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam. Nhưng lịch sử của khu vực đó cho thấy là từ khi thành lập nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa họ đã liên tục đưa ra cái gọi là đơn vị hành chính bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Cho nên đây chỉ mang tính tượng trưng, Trung Quốc không thể quản lý 20 đảo và đá do Việt Nam đang chiếm đóng.

Nhưng điều nghiêm trọng hơn là việc Trung Quốc thiết lập đơn vị quân đội đồn trú. Vì đây là quyết định được đưa ra bởi Hội đồng quân ủy trung ương, là bộ mặt của những lãnh đạo cao cấp trong quân đội và đảng cộng sản. Và bằng cách trao trách nhiệm của Tam Sa cho quân đội, Trung Quốc đang đẩy vai trò của quân đội lên. Cho đến giờ thì điều này chưa làm thay đổi gì cụ thể, chúng ta chưa thấy việc chuyển quân lớn, cũng không có các cơ sở căn cứ tại đó để Trung Quốc có thể cho tàu đỗ, đảo Phú Lâm và Hoàng Sa thì có thể nhưng Tam Á thì vẫn là căn cứ chính.

Cho nên chúng ta phải xem họ sẽ làm gì tiếp theo trong kế hoạch mà họ đưa ra. Vào lúc này nếu tính cả 3 sự kiện vào với nhau thì không cho thấy một dấu hiệu của một cuộc chiến nhưng đó là một sự gia tăng đe doạ và có thể là một sự trả đũa đối với Việt Nam vì VN đã thông qua luật biển.

  • Việt Hà: Mới đây Hoa Kỳ đã lên tiếng quan ngại về những hành động đơn phương của Trung Quốc, đặc biệt là tuyên bố gửi quân ra khu vực tranh chấp. Liệu điều này có cho thấy Hoa Kỳ có thể sẽ có hành động mạnh mẽ hơn với Trung Quốc về vấn đề biển Đông, dù nước này luôn nói là không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền?

GS. Carl Thayer: trước diễn đàn an ninh khu vực ASEAN, ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã nhấn mạnh chính sách lâu nay của Mỹ là họ muốn vấn đề này được giải quyết không phải bằng đe doạ, lấn chiếm và dùng vũ lực. Đó là một chính sách từ lâu nay của Mỹ. Nhưng dù sau khi Mỹ đã nhấn mạnh như vậy, Trung Quốc giờ đây tiến thêm một bước nữa bằng cách thiết lập quân đồn trú, cho thấy họ dường như không chú ý tới lời nói của Mỹ. Và khi mỗi nước đưa ra các tuyên bố của mình rồi vẽ đường ranh trên biển thì chỉ làm tăng sức nóng khiến Hoa Kỳ phải đưa ra các hành động của mình, không phải là đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền mà tập trung các ủng hộ về mặt ngoại giao chống lại Trung Quốc, nếu nước này chuyển từ các lời tuyên bố sang các hành động tượng trưng đến việc đưa ra các hành động đe doạ và lấn chiếm.

Cần củng cố sự đoàn kết của khối ASEAN

  • Việt Hà: Ông nói rằng Trung Quốc đang gia tăng sự đe doạ đối với Việt Nam, trong khi trong một lần phỏng vấn gần đây thì ông nói rằng khả năng của Việt nam còn hạn chế so với Trung Quốc. Vậy Việt Nam có những lựa chọn nào vào lúc này để đối phó với tình huống này?

GS. Carl Thayer: thực ra không có những lựa chọn mới đối với Việt Nam. Thứ nhất là tăng cường khả năng của mình, như khả năng của cảnh sát biển, xây dựng quân đội, duy trì sự đoàn kết nội bộ, có thông tin cho người dân để họ hiểu và có sự đoàn kết trong nước, củng cố quan hệ với ASEAN dù có vấn đề với Campuchia nhưng vẫn còn sự ủng hộ của các nước khác trong khối. Các nước này đã bày tỏ những quan ngại cho nên Việt Nam cần gia tăng các nỗ lực ngoại giao với Indonesia, Singapore, Malaysia, và Philippines.

Trong khoảng 1 năm gần đây, Việt Nam và Philippines đã nói chuyện về một thoả thuận hợp tác quân sự nhưng chưa thấy có những diễn tiến chắc chắn rõ ràng. Vì vậy những cuộc tuần duyên phối hợp, chia sẻ các thông tin tình báo là những việc cần phải gia tăng hơn nữa. Tôi nghĩ Việt Nam cũng phải nghĩ đường dài, đó là mua thêm các máy bay tuần duyên, tàu tuần duyên, củng cố đội ngũ cảnh sát biển để họ có thể kịp thời nắm bắt được cái gì đang xảy ra ngoài biển. Cho nên song phương, đa phương, và củng cố trong nội bộ là những gì Việt Nam đang làm và họ còn cần phải làm tốt hơn.

  • Việt Hà: là người theo dõi chặt chẽ những diễn biến trên biển Đông, ông có thể dự đoán tình hình từ giờ đến cuối năm ra sao? Liệu Trung Quốc còn có thể đưa ra hành động gì nữa và khả năng các nước có thể làm gì để kiềm chế Trung Quốc?

GS. Carl Thayer: theo tôi thì 6 tháng tới là quan trọng vì vào tháng 11 tới có hội nghị của ASEAN và thượng đỉnh Đông Á, khối này đưa ra thời hạn đàm phán COC với Trung Quốc để kỷ niệm đúng 10 năm ký DOC tại Campuchia. Cho nên theo tôi từ giờ cho đến cuối năm cuộc chơi sẽ phụ thuộc vào ngoại trưởng Indonesia tìm cách đàm phán thuyết phục giới chức Trung Quốc để có thể đưa ra một bản COC.

Tôi không biết là liệu họ có đạt được COC vào cuối năm hay không, nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục chơi vai của người phá hỏng và không tham gia vào đàm phán thì nó chỉ gây sự chú ý của quốc tế tại thượng đỉnh ASEAN và thượng đỉnh Đông Á. Cũng giống như cái gì đã xảy ra vào năm ngoái 18 thành viên thì có 16 thành viên đưa vấn đề biển Đông ra, Trung Quốc là thành viên thứ 16 chống lại 15 nước khác, chỉ có Miến Điện và Campuchia là im lặng. Cho nên Trung Quốc hiểu là nếu họ không chơi trò chơi ngoại giao thì chỉ khiến các nước như Mỹ, Nhật, Úc, Nam Hàn, những nước có quyền lợi trên biển phải đóng vai trò tích cực hơn và điều này không có lợi cho Trung Quốc. Cho nên theo tôi họ sẽ tiếp tục chơi trò ngoại giao để giữ các nước lớn ở xa.

Và mặc dù họ ghi bàn trong thượng đỉnh ASEAN vào tháng 4 và hội nghị Asean tháng 7 vừa rồi, nhưng với sự tham gia tích cực của ngoại trưởng Indonesia cho thấy Trung Quốc phải đối mặt với một ASEAN đoàn kết và được lãnh đạo bởi Indonesia, một nước thuộc G20, một đối tác chiến lược mới nổi trong khu vực. Cho nên Trung Quốc sẽ không có lợi nếu họ không nhìn thấy vai trò của Indonesia tại đây.

Việt Hà thực hiện (RFA)