Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Nghệ thuật > Tạo hình > Những cách thấy (14)

Những cách thấy (14)

John Berger

Thứ Hai 18, Tháng Mười Một 2013, bởi Cong_Chi_Nguyen

Giờ đây hãy quay lại với hai viên đại sứ, với sự hiện diện của họ, trong vai trò những người đàn ông. Điều này có nghĩa là ta sẽ phải đọc bức tranh theo kiểu khác; không quan tâm tới việc nó phô bày ra những gì, mà tới việc nó tham chiếu tới điều gì bên ngoài nó.

Hai người đàn ông trông rất tự tin và điềm tĩnh; mỗi người một vẻ, đều rất thoải mái. Song cái nhìn của họ vào họa sĩ - hay vào chúng ta, những người xem, là như thế nào? Thật ra, trong cái nhìn đó, thái độ đó, hoàn toàn không có sự quan tâm hay ý thức gì về người đối diện.

Cái nhìn đó như thể không thèm đếm xỉa gì về người khác. Cái nhìn đó tỏ ra cho thấy kẻ nhìn thuộc về một thế giới khác với chúng ta. Nó cho thấy như thể họ biết rằng xung quanh họ có những người nào đó, song những con người ấy, với họ, là những kẻ mà kẻ họ không muốn dính líu đến. Ở trường hợp tốt nhất, đó là một đám đông vô danh đang tôn vinh họ, ở trường hợp xấu nhất, đó chỉ là những kẻ đột nhập vào thế giới của họ

Còn các mối quan hệ của hai người này với thế giới thì sao ?

Các đồ vật được vẽ nằm trên chiếc kệ đặt giữa họ thật ra để cung cấp (cho rất ít người có thể đọc được ám chỉ mà nó cung cấp) một số thông tin cụ thể về vai trò của hai viên đại sứ này trên thế giới. Sau bốn thế kỉ, giờ đây chúng ta có thể diễn giải thông tin này theo quan giác của chúng ta.

Các dụng cụ khoa học đặt trên cùng chính là các dụng cụ định vị. Thời họ đang sống chính là thời điểm khi các con đường trên biển mới được mở ra để mua bán nô lệ và phục vụ giao thông, tức những con đường sẽ mang đem của cải từ các lục địa khác tới châu Âu, và sau này, để cung cấp vốn cho sự mở ra của cuộc cách mạng công nghiệp.

Vào năm 1519 Magellan, với sự bảo trợ của vua Charles V, đã bắt đầu chuyến đi vòng quanh thế giới bằng đường biển. Ông và một nhà thiên văn là bạn của ông, tức người đã cùng ông lập kế hoạch cho chuyến đi, đã ký thỏa thuận với triều đình Tây Ban Nha rằng họ sẽ được hưởng 20% các của cải thu được, cũng như được quyền cai trị bất kỳ vùng đất nào mà họ chinh phục được trong chuyến đi. Quả địa cầu ở kệ dưới chân hai viên đại sứ là một quả địa cầu mới, mà trên đó có ghi hải đồ chuyến du hành của Magellan. Holbein đã đưa thêm vào quả địa cầu này tên các bất động sản tại Pháp thuộc về viên đại sứ bên trái. Bên cạnh quả địa cầu là một cuốn sách số học, một cuốn sách thánh ca và một chiếc đàn lute. Để chiếm làm thuộc địa một vùng đất, điều cần thiết là phải cải đạo những con người ở đó thành các tín đồ Ki-tô giáo và dạy họ làm tính, qua đó chứng minh cho họ thấy rằng nền văn minh châu Âu là điều gì tân tiến nhất trên thế giới. Và nghệ thuật cũng là điều gì thuộc về nền văn minh đó.

Việc hai viên đại sứ trong bức tranh có quan hệ trực tiếp đến đâu với công cuộc thuộc địa hóa đầu tiên thì không phải điều gì quan trọng, bởi điều chúng ta quan tâm ở đây là thái độ của họ đối với thế giới; và thái độ này có thể đại diện cho toàn bộ giai cấp của họ. Hai viên đại sứ thuộc về một giai cấp được thuyết phục rằng thế giới chỉ hiện hữu đó để tạo ra của cải cho họ mà thôi. Và trong hình thức cực đoan nhất, sự thuyết phục này đã được chứng minh qua mối quan hệ được thiết lập giữa kẻ chinh phục thuộc địa và dân bị thuộc địa.

Mối quan hệ này có xu hướng tự duy trì mãi mãi. Khi biến kẻ khác thành thị cảnh qua sự quy giản vô nhân tính, sự hiện hữu của kẻ nhìn sẽ được xác nhận. Ta có thể thấy được vòng tuần hoàn của mối quan hệ làm cho mỗi phía trở nên cô đơn này trong giản đồ sau.

Cái nhìn của các viên đại sứ vừa có vẻ tách biệt, vừa có vẻ đề phòng. Họ không mong đợi sự tương tác. Họ muốn hình ảnh của họ buộc kẻ khác phải ý thức được sự thận trọng của họ, khoảng cách của họ đối với kẻ ấy. Sự hiện diện của các vị vua và hoàng đế cũng từng tạo ra ấn tượng tương tự, song hình ảnh của các vị vua hay hoàng đế đó, dù tách biệt, song vẫn có chút gì đó gần gũi. Điều mới mẻ và làm chúng ta bối rối ở đây chính là sự hiện diện được cá nhân hóa thông qua việc cố ý tạo khoảng cách. Chủ nghĩa cá nhân rốt cuộc đã thừa nhận sự bình đẳng. Song sự bình đẳng phải được tạo ra theo kiểu không thể hình dung nổi.

Vua Ferdinand đệ nhị của xứ Tuscany và hoàng hậu Vittoria Della Rovere. Suttermans (1597-1681)

Sự xung đột một lần nữa lại xuất hiện trong bức tranh- phương pháp vẽ. các vật thể được mô tả giống thực trên bề mặt của bức tranh có xu hướng đưa người xem vào ảo giác rằng anh ta đang ở rất gần chúng -chỉ cần với tay ra là có thể chạm vào được các đồ vật ngay tiền cảnh. Và như thế, nếu hình thể được vẽ là một con người, khoảng cách này sẽ đề nghị một sự thân mật nào đó.

Vì lẽ đó, các bức chân dung nhân vật phải nhấn mạnh vào một khoảng cách có tính nghi thức. Chính điều này- chứ không phải sự thiếu khả năng kỹ thuật của họa sĩ-đã làm cho các bức tranh chân dung thông thường trong truyền thống có vẻ cứng nhắc và nghiêm trang. Cảm thức về một sự nhân tạo (không tự nhiên) phải được thể hiện rõ trong bức tranh, bởi nhân vật phải được thấy, đồng thời, vửa rất gần, vừa rất xa. Điều này tương tự với việc khi chúng ta quan sát một mẫu vật qua kính hiển vi vậy.

Tất cả các mẫu vật đều được bày ra đó, với các nét dạng đặt biệt của chúng, và chúng ta có thể nghiên cứu chúng, song sẽ là bất khả cho việc hình dung rằng chúng có thể xem xét ngược lại chúng ta theo cùng một cách với chúng ta.

Gia đình Beaumont. Romney (1734-1802)

Dạng tranh chân dung nhân vật, khác hoàn toàn với chân dung tự họa hay chân dung bạn bè nghệ sỹ - không bao giờ vượt qua khỏi không khí này. Song theo thời gian, các khuôn mặt của nhân vật được vẽ trong các bức chân dung nhân vật ngày càng trở nên giống nhau.

Chính khách Berlusconi

Các nét đặc trưng của nhân vật dần chuyển hóa thành một chiếc mặt nạ, phù hợp với trang phục của anh ta. Ngày nay, dị bản của dạng chân dung nhân vật này chính là vẻ dạng tạo chế như thể các búp bê của các chính trị gia khi xuất hiện trên truyền hình.

(còn tiếp)

Như Huy dịch từ: Ways of Seeing, John Berger, Peinguin Books published 2008


Xem online : Những cách thấy (15)