Tìm sự sống bên ngoài Trái Đất

space

Các nhà thiên văn vừa phát hiện một hành tinh nằm ngoài hệ Mặt Trời có điều kiện môi trường gần giống như Trái Đất của chúng ta, cho phép hy vọng có thể tìm thấy sự sống ở đó. Hành tinh này có nước và nhiệt độ bề mặt dao động từ 0 đến 40 độ C.

Hành tinh của ngôi sao Gliese 581

Một nhóm các nhà thiên văn học đã phát hiện một hành tinh mới rất giống và không lớn hơn nhiều so với trái đất, nằm ngoài hệ mặt trời. Hành tinh này quay quanh một ngôi sao có tên là Gliese 581 trong chòm sao Libra (chòm sao Thiên Bình). Các nhà khoa học đã phát hiện ra nó nhờ sử dụng kính viễn vọng Eso 3.6m đặt ở Chile. Điều đặc biệt là nước có thể chảy trên bề mặt của hành tinh này dưới dạng chất lỏng thông thường.

Các nhà khoa học cũng cho biết, chính khí hậu ôn hoà của hành tinh này giúp nước có thể tồn tại dưới dạng chất lỏng, mở ra cơ hội về một nơi trú ẩn khá lý tưởng của con người trong tương lai.

Theo GS Stephane Udry thuộc trung tâm nghiên cứu Geneva Observatory ở Switzerland: “Ước tính, nhiệt độ trung bình của hành tinh này dao động từ 0 đến 40 độ C. Và vì thế, nước có thể tồn tại ở dạng lỏng bình thường. Hơn nữa, bán kính của hành tinh mới này lớn gấp 1.5 lần bán kính trái đất. Do đó, chúng tôi dự đoán rằng hành tinh này cũng có đá hoặc được bao phủ bởi các đại dương giống như Trái Đất của chúng ta”.

Ông tin tưởng rằng, trong tương lai, hành tinh này sẽ là mục tiêu quan trọng để các nhà khoa học có thể tìm hiểu về sự sống bên ngoài trái đất.

Việc tìm ra hành tinh mới này thực sự đang gây nhiều hứng thú cho các nhà khoa học. Bà Alison Boyle, người phụ trách Bảo tàng thiên văn học tại London cho biết: “Tất cả các hành tinh chúng ta tìm được đều quay xung quanh các ngôi sao nhưng hiện nay đây là hành tinh duy nhất mà chúng ta có thể hi vọng tìm thấy sự sống trên đó".

Ngôi sao Gliese 581 được phát hiện tại đài quan sát phía bắc châu Âu (Eso), cách trái đất của chúng ta 20, 5 năm ánh sáng. Gliese 581 hiện tại có 3 hành tinh: super-Earth, 15 Earth-mass và 8 Earth-mass. Để có được kết quả này, nhóm nhà khoa học đã đặt nhiều thiết bị cảm ứng có thể đo được những thay đổi nhỏ nhất trong vận tốc của hành tinh nhờ vào lực hấp dẫn của các hành tinh gần với nó.

(Theo CNN)

Tìm ra nước ở HD 209458b

Lần đầu tiên các nhà thiên văn học phát hiện ra nước tại một hành tinh bên ngoài hệ Mặt trời. “Hơi nước được tìm thấy trong khí quyển của một hành tinh lớn thuộc thể khí giống như sao Mộc, ở cách Trái đất 150 năm ánh sáng, trong chùm sao Pegasus. Hành tinh này được biết dưới ký hiệu HD 209458b” - Travis Barman, nhà thiên văn học của Đài quan sát Lowell ở Flagstaff, bang Arizona (Mỹ) tuyên bố ngày 10.4.

Hồi tháng Hai vừa qua một số nhà khoa học khác đã thông báo rằng họ không tìm thấy dấu hiệu của nước trong khí quyển của hành tinh này, cũng như một hành tinh giống sao Mộc khác. “Tôi rất vững tin. Đây thực sự là một thông tin tốt bởi vì trước đây người ta đã tiên đoán là có nước trong khí quyển của hành tinh này và nhiều hành tinh khác nữa” – Barman khẳng định.

Đài quan sát Lowell, một cơ sở nghiên cứu thiên văn học của tư nhân, đã thông báo kết quả quan sát. Kết quả này cũng được tạp chí Vật lý học thiên thể đăng tải. Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đã hậu thuẫn quá trình nghiên cứu trên.

Việc phát hiện ra hơi nước tại hành tinh này là có thể, bởi hành tinh này (theo sự quan sát từ một điểm cao của Trái đất) cứ 3 ngày rưỡi lại quay hết một vòng quỹ đạo ngay trước mặt ngôi sao của nó, cho phép thực hiện những đo đạc chủ chốt.

Các nhà khoa học quan tâm đến sự sống ngoài Trái đất thường chủ tâm tìm kiếm sự tồn tại của nước ở những hành tinh khác trong và ngoài hệ Mặt trời, bởi nước là nền tảng cho sự tồn tại của sự sống. Nước có rất nhiều trên Trái đất và cũng đã được tìm thấy trong hệ Mặt trời, ví dụ như tại những tảng băng khổng lồ ở bắc và nam cực của sao Hoả.

Hành tinh HD 209458b là hành tinh đầu tiên ngoài hệ mặt trời được phát hiện có khí quyển. Cho đến nay đã xác định được hơn 200 hành tinh ngoài hệ Mặt trời.

(Theo Reuters)

Một nửa bề mặt sao Hỏa có thể chứa băng

Các nhà khoa học Mỹ cho biết số liệu ban đầu thu được từ một phương pháp mới quét hình ảnh để phát hiện nước cho thấy một nửa bề mặt sao Hỏa có thể chứa băng. Họ cho biết, phương pháp mới cho kết quả chính xác hơn nhiều so với các phương pháp trước đây. Những số liệu này có thể là rất hữu ích cho con tàu thám hiểm sao Hỏa Phoenix dự kiến được phóng lên vào tháng 8 này và đáp xuống bề mặt sao Hỏa để đào tìm băng.

Các nhà khoa học cho rằng, các lớp chất lỏng đọng lại tồn tại ở cực bắc của hành tinh này có thể lớn đến mức mà nếu chúng tan ra sẽ làm ngập hành tinh này, tạo ra một đại dương. Đến nay, các nhà khoa học đã có khả năng tìm kiếm các lớp chất lỏng bằng cách sử dụng quang phổ kế được gắn vào tàu vũ trụ Odyssey có quỹ đạo quay quanh sao Hỏa. Đây là một phương tiện đo phóng xạ hạt nhân phát ra từ một hành tinh để dò tìm những vật chất khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có thể đạt được số liệu chính xác trong phạm vi vài trăm km.

Tiến sĩ Joshua Bandfield thuộc ĐH bang Arizona, Mỹ đã phát minh một phương pháp mới để dò tìm băng. Ông cho biết, bằng cách so sánh những thay đổi theo mùa trong những mẫu nhiệt hồng ngoại do tàu Odyssey xác định, ông có thể thu được những số liệu chính xác tới phạm vi chỉ hàng trăm mét.

Theo tiến sĩ Bandfield tính ở vùng bề mặt sao Hỏa, nước đá có thể chiếm khoảng 1/3 đến một nửa. Số liệu thu được từ phương pháp mới này cũng cho thấy có sự thay đổi đáng kể trên sao Hỏa xét về độ sâu dưới bề mặt hành tinh này có thể phát hiện có băng.

(Theo BBC)