Trang nhà > Văn chương > Truyện ngắn > Hi Tech
Hi Tech
Thứ Ba 4, Tháng Chín 2012, bởi
Lâu lắm mới check mail từ hộp thư cá nhân, thấy mail của Đạt. Giọng rộn ràng: đêm qua bỗng nhiên nằm mơ thấy Mai. Mai đi một chiếc xe Gat của Liên xô, trông như thế này (một cái xe xanh lá cây hùng dũng biểu tượng của quá khứ hiện trên màn hình) và muốn gửi xe ở sân nhà tớ. Tớ băn khoăn không biết Mai đã học lái xe chưa.
Email của Đạt khiến tôi cười nhẹ nhõm. Một ngày mệt nhọc khủng khiếp kết thúc có hậu bằng giấc mơ của Đạt. Lẽ ra phải đọc được bức thư đó từ tuần trước. Công việc chất chồng công việc khiến tôi không còn biết trời đâu đất đâu. Sống rất gần nhau nhưng nửa năm trời tôi và Đạt chưa gặp mặt nhau. Và rất thân.
Tôi có hai computer: một chiếc ở công ty và một chiếc ở nhà. Vì vậy, cả hai chiếc cùng mất tác dụng xách tay của nó. Tôi chẳng xách chiếc nào đi đâu cả vì nếu di chuyển trên đường hoặc đi công tác hoặc đi bất cứ đâu không ở nhà không ở công ty mọi người vẫn lùng sục được tôi bởi chiếc Black Berry online 24/24. Tôi không được phép tắt điện thoại. Tôi cũng không được phép cho nó hết pin. Tôi còn một chiếc điện thoại Nokia 6300 nữa. Tất nhiên với số SIM khác. Chiếc điện thoại này cũ rồi. Tháng trước đi ăn trưa cùng Chiến, vừa nhìn thấy tôi lủng lẳng cầm chiếc Nokia 6300 trong tay Chiến nói luôn: lát nữa ăn trưa xong tôi đưa cậu đi mua chiếc điện thoại mới. Đó là câu đầu tiên Chiến nói trong lần gặp lại nhau sau một năm rưỡi. Chẳng hỏi có khoẻ không gia đình thế nào, bụp một cái đề nghị tặng cái điện thoại mới. Tôi còn ngơ ngác kéo ghế ngồi thì Chiến đã bồi tiếp: hôm qua tôi mới tặng cái Hằng một cái, chỉ bảy triệu thôi. Ngồi được xuống ghế rồi, tôi từ chối: tớ sợ lắm. Tớ có hai cái điện thoại là đủ rồi, ba cái thì chết luôn. Chiến đồng ý luôn: ừ, sợ thì thôi.
Tôi nhất định phải giữ SIM điện thoại của chiếc Nokia đó. Và nó có tác dụng thật. Hai hôm trước, mười giờ đêm, nó kêu đi kêu lại mấy lần điệp khúc bài hát Pháp (tôi không biết tiếng Pháp nhưng thấy hay nên lấy làm nhạc chuông) khiến tôi phải lồm cồm bò ra khỏi giường. Có phải Mai không, tớ Hồng đây. Trời ơi, hai mươi năm rồi mới nghe lại giọng này. Vẫn giọng nhừa nhựa đầy nhục cảm. Cả lớp tôi mất liên lạc với nó hai mươi năm nay. Nghe bao nhiêu lời đồn đại. Sự thực bây giờ cười ròn rã tớ hiện nay buôn bán ở chợ Láng. Thế là mừng rồi. Vẫn nói to ầm ĩ, vẫn cười to ầm ĩ là được rồi. Cái vụ cười to nói to này thỉnh thoảng cũng gây nên nỗi lo lắng. Tôi cùng con Phượng và thằng Hà ngồi trong quán Nghệ sĩ. Phòng thắp nến. Tiếng piano thánh thót. Tôi và con Phượng mỗi đứa một cốc sinh tố khoai môn đặc nghẹt múc lấy múc để nói cười ha hả: giống cháo dinh dưỡng nhỉ! Hà cối ngồi bên cạnh hết suỵt lại soạt, mắt liếc ngang liếc dọc nói bé thôi, mọi người đang nhìn. Kệ tao, con Phượng càng cười. Tao ba bằng đại học, mày đừng sợ người ta chê tao không có văn hoá. Cả ngày phải cười mỉm chi rồi, đến tối mày cho tao thoải mái chút đi. Hà cối kéo ghế ngồi ra xa một chút, nhìn lơ đãng. Dỗi. Con trai lớp tôi rất hay dỗi, chúng tôi toàn phải chiều. Con trai lớp khác lại chiều chúng tôi. Giống như Đạt, bất cứ lúc nào tôi cần đều có mặt. Giống như Dũng, hai năm không gặp, gọi điện cho nó nói ngày ấy giờ ấy tớ đến sân bay, nhớ ra đón tớ. Đón đúng hẹn, chở đến đúng nơi mình cần đến rồi chào nhau. Lại rất lâu sau nữa mới gặp. Và rất thân.
Bảy giờ sáng chủ nhật điện thoại Nokia đã hát đi hát lại điệp khúc. Là Chiến: tôi có một cô con gái nuôi. Năm nay nó vào đại học. Bố nó là bạn tôi. Hôm đến nhà nó thấy hoàn cảnh khó khăn quá nên tôi nhận chu cấp trong suốt thời gian nó học đại học. Nó đang ở nhà tôi đây. Cuối tuần tôi bắt nó về nhà tôi để vợ tôi vỗ béo cho nó. Nó giống cậu vô cùng. Mắt, mũi, miệng, lông mày, giống kinh khủng. Càng nhìn nó tôi lại càng thấy nó giống cậu, Vì vậy tôi gọi điện cho cậu.
Tôi cười lăn. Trời ơi tớ còn chằng hình dung ra mắt mũi miệng lông mày của tớ ra sao mà bạn lại nhớ à. Cười xong thì xúc động quá. Mình suốt ngày cau có mắng mỏ ở công ty, trông mình chắc là kinh lắm. Mình cũng không muốn ngắm mình trong gương nữa. Mệt mỏi và căng thẳng. Thế mà vẫn có người giữ trong lòng ấn tượng về mình. Điện thoại lúc bảy giờ sáng khiến chủ nhật thường thành một chủ nhật tươi hồng. Bạn Chiến luôn là người khiến người khác ấm lòng. Nhắn tin chúc mừng sinh nhật vào lúc hai giờ sáng: ngủ một giấc rồi tỉnh dậy mới nhớ ra ngày sinh của cậu, chúc mừng sinh nhật nhé. Bạn Chiến đi học thạc sĩ ở Úc ngày sinh của tôi cử em trai đi xe buýt hơn một trăm cây số tới nhà tôi tặng hoa thay anh. Bạn Chiến chùm áo mưa cho tôi và hết sức cẩn thận buộc dây mũ ngang cằm tôi khiến sau đó tôi phải dùng kéo cắt dây mới chui ra được, buộc chặt quá.
Trong lúc tôi đang dùng chiếc máy tính ở nhà thì Black Berry rền rĩ. Email nhắn tin doanh số cuối ngày. Hồi hộp xem. Mặc dù hôm nay trời mưa và mặc dù lúc bảy giờ tối rời công ty thì số vẫn lẹt đẹt nhưng vẫn hồi hộp mong có phép nhiệm màu nào đẩy vụt doanh số lên. Di chuột. Không đạt target rồi. Đành cày tiếp ngày sau để bù vậy.
Tôi có một thằng bạn tên Phong bán bảo hiểm nhân thọ. Lâu lắm nó mới gặp tôi. Nó vừa có ý định sờ đến cái khoá cặp của nó thì tôi đã nói: bán cho tao một cái bảo hiểm, loại năm trăm nghìn một tháng, trong vòng hai mươi năm. Thế là xong, không phải trình bày tám bước bán hàng làm gì. Mua bảo hiểm là văn minh và đằng nào cũng chẳng tránh được thằng Phong. Suy từ kinh nghiệm bản thân, mỗi lần tôi gọi điện cho một mối quen biết tôi đều nói thẳng em đây, tớ đây, em gọi/tớ gọi để bán giỏ quà Tết đấy. Bỏ qua luôn bước có khoẻ không gia đình thế nào, con cà con kê mà đối tác bên kia thì biết thừa mục đích cuộc điện thoại của mình. Đỡ phải cười nhạt, đỡ phải ô a thế à hay nhỉ. Sếp của tôi chỉ cần tôi nói một câu dài hơn bảy từ là lập tức cắt ngang: What do you want? Tôi thì muốn một ngày nhiều hơn hai mươi bốn giờ. Sếp tôi thì muốn mặt trời không bao giờ lặn. Lần căng thẳng nhất là lần chuẩn bị đón chủ tịch tập đoàn. Trông Sếp tơi tả như một con sâu róm rụng lông. Tôi quá ngán ngẩm chẳng buồn bình luận về bộ dạng của Sếp thì đột nhiên Sếp nói: cô về trước đi, trông cô tệ quá, tôi ở lại làm được rồi. Hoá ra trông mình cũng giống con sâu róm rụng lông mà mình không biết vì làm gì có thời giờ soi gương.
Làm để sống hay làm để chết? Mấy mệnh phụ phu nhân lớp tôi ngồi đồng ở quán cà phê hò hét tôi ra không được liền quát vào điện thoại (Nokia 6300) hỏi. Hồi là sinh viên tôi rất thích tiểu thuyết Thời gian để sống và thời gian để chết. Tôi không thể ra quán cà phê ngồi chat với mấy người đẹp cùng lớp được. Nếu không làm thì không chết. Chắc chắn thế. Nhưng không làm thì không sống tốt được. Mấy bà cô già nhà quê nhà tôi cứá bĩu môi chê tôi tiêu tiền hoang phí mấy chục đôi giày mấy chục cái thắt lưng trong khi các em họ ở quê không có giày mà đi. Mẹ tôi bảo nó làm như điên tiền nó nó tiêu việc gì đến các bà.
Không thể dừng lại. Black Berry 24/24 online. Tôi từ chối bạn Chiến chiếc điện thoại thứ ba. Tôi không bao giờ ngủ sâu giấc. Tôi buồn ngủ vô cùng, khi nhắm mắt lại lập tức tôi tỉnh ngủ. Cứ lơ tơ mơ như vậy thức thức ngủ ngủ với chiếc ti vi trước mặt. Roger Federer và Andy Roddick. Khi tôi nhắm mắt họ đang thi đấu với nhau, vòng chung kết. Nhịp đấu chậm. Giọng người bình luận cũng mỏi mệt và căng thẳng. Mở mắt mấy lần vẫn thấy họ thi đấu. Tôi rất muốn xem kết quả trận đấu. Tôi thần tượng Federer vì sự không dừng lại. Khi tôi mở mắt Federer đang thua. Mọi người đang vỗ tay cho Roddick. Roddick cũng không dừng lại. Cuối cùng tôi ngủ thiếp đi. Sáng sớm hôm sau bản tin thể thao chào buổi sáng rộn ràng báo tin Federer đã chiến thắng Roddick sít sao sau trận đấu kéo dài 4 tiếng 17 phút. Thật khủng khiếp. Đấu bằng não và bằng cơ bắp. Sức khoẻ phi thường và ý chí phi thường. Tôi là người bình thường. Tôi thích sở hữu hàng chục đôi giày, hàng chục chiếc thắt lưng. Tôi làm như điên và muốn một ngày nhiều hơn hai mươi bốn giờ. Thực ra mấy mệnh phụ phu nhân lớp tôi lần nào ngồi quán cà phê đều cố gọi tôi mặc dù gọi xong lại chuốc bực vào người. Đạt thỉnh thoảng nằm mơ về tôi dù tôi trong giấc mơ phải đi xe Gát Liên Xô thập kỷ sáu mươi. Bạn Chiến bảy giờ sáng hớn hở gọi điện. Hai computer, hai điện thoại di động, bị công việc săn đuổi nhưng không thể dừng lại.