Nhường đất cho khu kinh tế, người dân chống chọi với tệ nạn

Sau dự án Khu kinh tế Nghi Sơn (Tĩnh Gia - Thanh Hóa), phần đông nhân khẩu của 12.000 hộ gia đình nhường dất cho dự án hiện đang thất nghiệp và có nguy cơ đối mặt với các loại tệ nạn xã hội.


Anh Nguyễn Đức Cường (44 tuổi) thường ngày vẫn ra trông hàng sửa xe máy cho thằng con trai cả. Ế khách, anh buồn mồm ngồi đếm ô tô qua lại trên Quốc lộ 1A. Gặp chúng tôi, anh Cường được dịp nói lên suy nghĩ của mình.

Cả 6 khẩu của gia đình nhà anh Cường đang trông chờ vào nguồn thu nhập từ cửa hàng sửa chữa xe máy của thằng cả là Nguyễn Đức Vương. Cách đây năm năm, khi có thông tin xã Hải Yến sẽ là trọng điểm của Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, anh Cường “đi tắt, đón đầu” dồn vốn cho Vương vào tận Bình Dương để học nghề sửa cơ khí.

Ra nghề, cũng là lúc Vương theo gia đình nhận tiền đền bù về khu tái định cư xã Nguyên Bình, rồi cưới vợ, sinh con, lập nghiệp. “Thế mà…, cả tháng nay cả khu tái định cư không có cái xe máy nào hỏng hóc mang đến sửa”, tiếng thở dài của anh Cường lộ rõ tâm trạng của một gia đình đang thấp kém về thu nhập !

Gia đình nhà anh Cường bây giờ không có ruộng; trừ thằng Vương ra, năm người còn lại không một ai có nghề ngỗng gì. Vợ anh là chị Lê Thị Hằng chạy chợ bữa đực, bữa cái. Sự khốn khó đang có dấu hiệu bủa vây gia đình nông dân thuần chất nông nghiệp này…

Chẳng riêng gì hộ gia đình anh Cường, toàn Khu kinh tế Nghi Sơn tính đến 31/12/2011, có 11.829 hộ gia đình của một số xã bị tác động, ảnh hưởng bởi sự đền bù bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhưng chỉ có 1.118 hộ phải di dời đến khu tái định cư mới. Theo đó, diện tích đất phải thu hồi là 1.716,81 ha, trong đó đất ở 79,9 ha; đất sản xuất nông nghiệp 687,6 ha; đất muối và nuôi trồng thủy sản 170,11ha; còn lại là đất trồng rừng và các loại đất khác.

Trong các xã bị thu hồi đất, xã Hải Yến là một trong những xã trọng điểm của Khu kinh tế Nghi Sơn hoàn thành công tác bàn giao giải phóng mặt bằng sớm nhất. Ông Trần Văn Quân (Chủ tịch UBND xã Hải Yến) cho biết: “Xã có 1.800 hộ thì từ năm 2010, có 420 hộ đã nhận đất đền bù tại khu tái định cư xã Nguyên Bình. Trong đó, đến nay có 326 hộ đã làm nhà ở; số hộ còn lại tuy đã nhận đất nhưng chưa làm nhà, vì họ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một mặt, sở dĩ họ chưa và không làm nhà ở khu tái định cư vì một bộ phận gia đình được đền bù đất đã bán và gom tiền đến địa phương khác để sinh sống. Mặt khác, một số hộ khi nhận tiền đền bù đã sử dụng số tiền đó vào các mục đích trang trải sinh hoạt và mua sắm vật dụng gia đình (như mua xe máy, ti vi…) và đầu tư cho con cái học nghề…, nên không còn tiền làm nhà.

Chợ tạm mọc lên ở khu tái định cư

Cá biệt có một số chủ hộ gia đình khi nhận được tiền đền bù và nhận đất tái định cư đã sử dụng vào con đường tệ nạn cờ bạc, lô đề và cá cược bóng đá. Xác nhận về tệ nạn này, ông Quân cho biết: “Ngay khu tái định cư Nguyên Bình (nơi gần nhà ông Quân), cán bộ xã đã phát hiện 4 chủ hộ mất đất, mất nhà vì chơi lô đề, cờ bạc”. Nguyên nhân nào dẫn đến tệ nạn này, ông Quân cho biết, nguyên nhân cơ bản của hiện tượng trên xuất phát từ việc không có việc làm, sinh “nhàn cư vi bất thiện”.

Trong khi đó, ngày 23/10/2009, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định 3788/2009/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho những người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi. Tuy vậy, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cũng như cơ quan chức năng của huyện Tĩnh Gia và các DN, chủ đầu tư liên quan đang thực hiện quyết định này theo kiểu “mang con bỏ chợ”.

Ông Quân còn cho biết, cả khu tái định cư Nguyên Bình mới chỉ có 30 chị em trong độ tuổi lao động được tổ chức học 3 tháng đan lát mỹ nghệ, làm từ nguyên liệu là bẹ cây lục bình. Học xong, 30 chị em này tổ chức sản xuất, nhưng không hiệu quả. Rốt cuộc, tổ đan lát này đã giải tán.

Đối với nam giới, ở khu tái định cư ngoại trừ một số trường hợp như anh Nguyễn Đức Vương (SN 1991) tự đầu tư tiền đi học nghề, còn lại đại đa số là không có nghề và chưa tìm được việc làm. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn không tuyển dụng những nông dân do trình độ văn hóa thấp và không có nghề .

Ngoài những hiện tượng trên, tại khu tái định cư Nguyên Bình đang đối mặt với hàng loạt khó khăn cần được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Thanh Hóa xem xét, nhanh chóng khắc phục. Đó là, đối với trẻ em, hiện nay đã bước vào khai giảng năm học mới, nhưng các cháu mầm non phải đến học nhờ tại nhà văn hóa của khu tái định cư; còn các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở phải đi học nhờ ở một số xã lân cận, vì trường học đang xây dựng dở dang.

Đối với người lớn, nhất là những người cao tuổi khi về khu tái định cư mỗi khi ốm đau muốn xin giấy đi khám bệnh, hiện nay họ không biết xin ai và xin ở bệnh xá nào. Theo ông Quân giải thích, lý do là tại khu tái định cư chưa có bệnh xá và cũng chưa có y tá, bác sỹ về đảm nhận công tác.

***

Trước khi rời xã Hải Yến, ông Quân tìm đưa cho chúng tôi Tờ trình số 70 đề ngày 25//8/2012, đề nghị Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và UBND huyện Tĩnh Gia cần nhanh chóng giải quyết 10 nội dung. Trong đó, có một số nội dung rất cấp bách, như là: Các cơ quan có liên quan đến việc tái định cư của bà con nhân xã Hải Yến nói riêng và bà con chịu ảnh hưởng từ các dự án của Khu kinh tế Nghi Sơn nói chung, cần giải quyết dứt điểm các chính sách, chế độ còn tồn đọng của nhân dân trong các dự án đóng trên địa bàn, như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm, ổn định đời sống; hỗ trợ lương thực thêm 12 tháng (từ 24 lên 36 tháng) cho số hộ đã đi nơi ở mới khu tái định cư; và các chủ đầu tư cần khẩn trương hoàn thành các công trình trường học khu tái định cư, cho các em được đến trường và không phải đi học nhờ.

Các đề nghị trên của xã Hải Yến là rất chính đáng, UBND huyện Tĩnh Gia và Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cần nhanh chóng xem xét, tránh hiện tượng “đem con bỏ chợ” ra khu tái định cư Nguyên Bình như hiện nay…

Trọng Hùng (PLVN)