Về giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai

Sáng nay (18/9), Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục nghe Đoàn giám sát báo cáo kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, trưởng đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo.

67% khiếu nại về đất đai là đúng

Báo cáo nêu rõ, qua giám sát cho thấy, đối với các vụ việc thuộc cơ quan hành chính thụ lý, giải quyết thì tỷ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và khiếu nại, tố cáo có đúng có sai chiếm hơn 47,8%. Tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần tại toà án nhân dân các cấp chiếm 19,5% các vụ đưa ra xét xử. Qua đó có thể thấy việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nhận định đây là vấn đề quan trọng trong việc xây dựng các dự án luật liên quan. Đây là chủ đề được chọn để Quốc hội thực hiện việc giám sát tối cao. Trong báo cáo kết quả giám sát có nhiều vấn đề được đặt ra để sửa đổi luật đất đai, luật khiếu nại, tố cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, theo quy định cơ quan giám sát và cơ quan bị giám sát là rất quan trọng, tuy nhiên trong báo cáo rất chung chung không biết giám sát ai, cơ quan bị giám sát là bộ, ngành nào trong báo cáo không thể hiện rõ. Cũng theo ông Hiện, về tình hình khiếu nại, tố cáo của người dân về đất đai, trong báo cáo trước đây liên quan đến vấn đề đất đai chiếm gần 70% trong số đơn thư khiếu nại. Trong báo cáo giám sát nếu cộng cả việc giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính và tỷ lệ các vụ xét xử của Toà án nhân dân các cấp thì việc người dân khiếu nại, tố cáo với các quyết định hành chính về đất đai chiếm tới 67% khiếu nại đúng. Như vậy lĩnh vực này luôn là vấn đề nhức nhối, không có lĩnh vực nào có tỷ lệ khiếu nại lớn như vậy.

Ông Hiện cũng cho rằng, các văn bản luật về quản lý đất đai hiện nay vẫn chưa cụ thể về vấn đề giải quyết khiếu nại của người dân. Trong khi đó mỗi địa phương lại ban hành các loại văn bản khác nhau, thậm chí trong cùng một tỉnh 2 huyện ban hành 2 loại văn bản khác nhau chính vấn đề này đã dẫn đến việc khiếu nại tố cáo của người dân tăng.

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân được giao cho chủ tịch tỉnh, huyện nhưng các địa phương lại giao việc giải quyết này cho sở tài nguyên môi trường. Ngay cả việc khiếu nại các quyết định hành chính do chủ tịch tỉnh, huyện ký bị người dân khiếu nại, tố cáo, khởi kiện nhưng không có vị chủ tịch tỉnh, huyện nào phải ra toà về việc này.

Vấn đề tham nhũng trong đất đai có hay không, phải có tham nhũng người dân mới đi khiếu kiện. Ngay cả những trường hợp khiếu kiện đông người cũng liên quan đến đất đai, vấn đề giá đất và bồi thường đất cũng là nguyên nhân dẫn tới khiếu nại, tố cáo, những vấn đề này cũng chưa được làm rõ trong báo cáo giám sát.

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn quá chậm

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, trong báo cáo kết quả giám sát đã chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến quyết định hành chính về đất đai tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ.

Cũng theo ông Phúc, chính việc ban hành giá đất tại các địa phương khác nhau dẫn đến khiếu nại, tố cáo của người dân, việc đền bù đất dịch vụ với những % không phù hợp. Giải quyết việc làm cho người dân khi bị thu hồi đất còn bất cập. Việc đền bù đất của các cơ quan, doanh nghiệp khác nhau, không thống nhất, mặc dù trong cùng một địa phương nhưng mỗi doanh nghiệp lại đền bù một giá đất khác nhau, ngay cả quy định đền bù giá đất của thị trấn, thị tứ cũng khác nhau nên đã dẫn tới khiếu kiện của người dân.

Ông Phúc cho rằng, hiện nay người dân rất ít đến Toà hành chính để khởi kiện quyết định hành chính của cơ quan nhà nước bởi năng lực của các thẩm phán về vấn đề này cũng cần phải bàn, nhiều phiên toà xử kết quả không có gì thay đổi với người dân nên người dân không mặn mà đến với Toà hành chính.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, trong báo cáo giám sát chưa làm rõ được cái tồn tại của các quyết định hành chính sai ở đâu, phạm vi đền bù, thu hồi; sai ở cấp nào trung ương hay địa phương, rồi thẩm quyền, trách nhiệm của những người ra quyết định hành chính, xử lý được bao nhiêu trường hợp ban hành quyết định hành chính sai dẫn đến việc khiếu nại tố cáo liên quan đến vấn đề đất đai của người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị báo cáo phải làm rõ hơn về nguyên nhân khiếu nại, tố cáo của người dân với các quyết định hành chính về đất đai. Ông Lý cho rằng, Luật đất đai hiện nay còn quá nhiều văn bản dưới luật “vênh” nhau dẫn tới việc thực hiện khó khăn, điều này cũng chưa thể hiện rõ trong báo cáo giám sát.

Về việc giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo quyết định hành chính của người dân về đất đai còn quá chậm, chưa được giải quyết dứt điểm, gây tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong dân nhân.

Ông Khoa ví dụ, vụ cưỡng chế, phá nhà dân tại Tiên Lãng thời gian đã quá lâu nhưng việc điều tra vẫn chưa có kết quả, trong khi đó nhiều vụ cướp của, giết người lại được khám phá rất nhanh.

Xuân Hải (infonet)