Kế hoạch nghiên cứu và cách sử dụng cây Lược vàng

Nếu cây cảnh Lược vàng cũng có thể chữa được cả ung thư thì thật đáng mừng. Tuy vậy, phải tiếp tục nghiên cứu và hết sức cẩn trọng khi sử dụng nó

Trên thực tế, việc hồi phục sức khoẻ sau khi bị suy sụp đã là dấu hiệu tốt với bệnh nhân. Còn việc các tế bào ung thư tái phát trở lại vào thời gian nào thì không thể biết trước.

Trước những thông tin về "cây Lược vàng chữa được bách bệnh", Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã đưa ra cảnh báo: Tác dụng chữa bệnh của cây Lược vàng chưa được chứng minh và có thể gây độc cho cơ thể.

Một số nhà nghiên cứu đã cho thử nghiệm về tác dụng của cây Lược vàng với các bệnh nhân mắc các chứng bệnh khác nhau và đều thấy được tác dụng ban đầu của nó, mặc dù chưa có kết quả phân tích cho thấy tác dụng của loại cây này có thể là vĩnh viễn hay không. Theo quan điểm của Đông y, Lược vàng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nhuận phế, tiêu viêm, hoá đàm, lợi tiểu. Thực ra, những tác dụng đó không chỉ có ở cây đó mà cũng có ở rất nhiều vị thuốc Nam quen thuộc khác.

Bác sĩ Phạm Văn Lâm, phó chủ tịch hội Đông y tỉnh Thanh Hoá nói: "Mặc dù trước đây cũng có chủ trương thực hiện việc nghiên cứu cây Lược vàng, nhưng Hội Đông y tỉnh Thanh Hoá không làm được vì do kinh phí và trang thiết bị không thể đáp ứng. Do chưa nghiên cứu nên chưa xác định được độc tính của loài này vì thế người tiêu dùng nên hết sức cẩn trọng khi sử dụng".

Không có một loại thuốc nào có thể chữa bách bệnh. Trong Đông y, cách sử dụng thuốc cũng không bao giờ giống nhau, việc gia giảm là khác nhau đối với từng thể trạng. Vì vậy, sẽ rất nguy hại nếu người dân cứ chữa bệnh theo lời đồn.

Sách Cây thuốc VN của dược sĩ Đỗ Tất Lợi không có tên và hình ảnh cây Lược vàng. Hiện tại đang có kế hoạch đưa loại dược thảo này vào nghiên cứu trong thời gian 48 tháng để biết rõ những tác dụng tốt xấu của cây và phân tích sâu hơn. Viện Dược liệu sẽ tiếp tục thực nghiệm về kháng khuẩn, chống viêm trên mô hình khác (gây viêm bằng các tác nhân khác), thử tác dụng hạ đường huyết và khả năng trên hệ miễn dịch xem có khả năng kích thích hệ miễn dịch hay không. Đặc biệt, sẽ tiến hành thử nghiệm trên động vật thí nghiệm trong thời gian dài. Sau đó làm xét nghiệm sinh hoá kiểm tra trên tế bào gan, thận, xem có ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của cơ thể hay không.

KINH NGHIỆM TRONG NƯỚC

THU HOẠCH: Lúc nào cũng được. Cây, rễ, lá, thân đều dùng được. Ngâm rượu nên dán nhãn đề ngày, tránh đừng để ánh sáng mặt trời chiếu vào.

SỬ DỤNG: Liều lượng tuỳ thể tạng bệnh nhân, dừng ngay nếu dị ứng. Người bệnh có thể lấy lá ăn hoặc nghiền ra uống trong 2 bữa cơm; hoặc đem thân cây cắt ra ngâm rượu khoảng 15 ngày, uống trước bữa ăn 30 phút, mỗi lần 30 ml.

LƯU Ý: Khi dùng lá này nên kiêng ăn bắp (ngô), đu đủ ruột đỏ, cam, mít, nhãn. Nên ăn trái cây có nhiều dương tính như dâu tây, ổi, mãng cầu xiêm, táo khô (táo tàu đỏ), khổ qua (mướp đắng), mãng cầu ta, rau muống, canh mồng tơi nấu nấm rơm, sữa chua…

Nghiên cứu ở nước ngoài

Từ những năm giữa thế kỷ 20, một số nhà khoa học Mỹ và Canada đã phát hiện: những loài cây thuộc họ Commelinaceae (trong đó có cây lược vàng), chứa nhiều loại hoạt chất sinh học, có khả năng kiềm chế sự phát triển của các khối u. Ở Nga, các nghiên cứu về thành phần hoá học và tác dụng dược lý của lược vàng được tiến hành tại Đại học Y khoa thành phố Irkut, từ những năm 1980, dưới sự chỉ đạo của GS. Semenov, một nhà khoa học rất nổi tiếng. Kết quả nghiên cứu nhiều năm ở Irkut cho thấy: Trong cây lược vàng có một số hoạt chất sinh học thuộc nhóm flavonoid và steroid thực vật. Ngoài ra, trong cây còn có sắt, đồng, crôm… những nguyên tố có tác dụng quan trọng đối với hoạt động sống của cơ thể.

Hai chất thuộc nhóm flavonoid được phát hiện là: kvercitin và kempferol. Lvercitin có hoạt tính giống như vitamin P và là chất chống ôxy hoá, có tác dụng lợi tiểu và chống co giật. Có thể sử dụng trong điều trị dị ứng, chảy máu nội tạng, viêm thận, viêm khớp, cũng như một số bệnh tim mạch, mắt và nhiễm trùng, Kempferol có tác dụng làm tăng độ bền của mạch máu, an thần, chống viêm, lợi tiểu mạnh – giúp cơ thể bài tiết các chất độc hại ra ngoài. Có thể sử dụng để chữa trị các bệnh nhiễm khuẩn, bệnh dị ứng, rối loạn chức năng bài tiết nước tiểu.

Các steroid có trong thực vật được gọi là các fitosterol. Chúng có hoạt tính tương tự nội tiết tố sinh dục, còn có tác dụng diệt khuẩn, chống xơ vữa động mạch và kiềm chế sự phát triển của các khối u. Có thể ứng dụng trong điều trị một số dạng ung thư, cũng như các bệnh tuyến tiền liệt, bệnh nội tiết và rối loạn chuyển hoá.

Tuy nhiên, cùng với những tác dụng có lợi nói trên, các nhà khoa học Nga còn nhận thấy, lược vàng cũng là vị thuốc dễ gây tác dụng phụ, như gây tổn thương thanh quản, dị ứng nổi ban đỏ, phù nề tứ chi, phù toàn thân… Các phản ứng phụ đó hay gặp nhất ở những người có khả năng miễn dịch yếu và có cơ địa dị ứng. Chính những nhược điểm đó đã hạn chế việc mở rộng ứng dụng lược vàng trên lâm sàng. Vì vậy chỉ có thể sử dụng lược vàng để chữa bệnh sau khi được chuyên gia tư vấn.

Trong các sách về y học dân gian Nga, các sách tra cứu hay các từ điển lớn về thảo dược ở Nga, xuất bản trong thời Liên Xô cũ đều không thấy đề cập đến vị thuốc này. Gần đây sách về nó mới rộ lên, trong số đó, cuốn “Thần thoại và sự thật về cây lược vàng” của GS. I.P.Neumưvakin… được xem như đầy đủ và khách quan nhất. Cùng với sách báo, các loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, với lược vàng là dược liệu chính, cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Theo Quyết Trần, Lê Thi và Lương y Thái Hư