Chiếc bẫy Oligarchs

Sau một giai đoạn tạm thời trì hoãn, Chính phủ Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước thông qua 2 phương thức quan trọng là thoái vốn và cổ phần hoá. Tuy nhiên, dòng chảy tài sản từ túi nhà nước sang tư nhân không phải lúc nào cũng êm đềm và được chứng minh là rất phức tạp đối với những nền kinh tế từng chuyển đổi như Nga, Trung Quốc. Trong đó, sự thao túng của các nhóm thiểu số tư nhân lợi ích (Oligarchs) đối với các tài sản quan trọng quốc gia như khoáng sản, dầu mỏ, tài chính, viễn thông là điều có thể thấy rõ. Vậy Việt Nam cần lưu ý gì để tránh bẫy Oligarchs như nước Nga từng lâm vào?

Oligarchs trong nền kinh tế Nga

Có thể bắt đầu từ nước Nga vào những năm 1990, khi nền kinh tế Nga bắt đầu chuyển đổi. Đây là giai đoạn hỗn mang của nước Nga vĩ đại, trong đó nổi lên sự làm mưa làm gió về kinh tế và chính trị của các nhóm Oligarchs. Trong tiếng Hy Lạp, Oligarchs có nghĩa là “thiểu số người thống trị”.
Nghiên cứu của tổ chức tư vấn tài chính Thomas White International (2010) đã chỉ ra khá rõ tiến trình hình thành và hoạt động của các nhóm lợi ích này. Theo đó, sự xuất hiện của các nhóm Oligarchs song song với tiến trình cải cách nền kinh tế và chính trị Liên Xô dưới thời Tổng Bí thư Mikhail Gorbachev vào những năm cuối thập kỷ 80.
Thời đó, một số doanh nhân trẻ đã kiếm lợi nhuận từ buôn bán tài nguyên thiên nhiên và ngoại hối, bên cạnh việc thu lợi lớn từ nhập khẩu hàng hoá để bán lại cho chính thị trường nội địa và họ cũng thực hiện các hoạt động cho vay với lãi suất cao đối với các doanh nghiệp nhập khẩu.
Đến giữa thập kỷ 90, các nhóm doanh nhân giàu có này bắt đầu tạo mối quan hệ gần gũi với chính phủ và các nhà hoạt động chính trị.
Sau khi Gorbachev rời khỏi ghế năm 1991, Boris Yeltsin đã trở thành tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga và phát động quá trình tư nhân hoá các tập đoàn kinh tế nhà nước, đó thật sự là cơ hội cho những người giàu đã tích lũy tài sản trước đó tham gia vào việc mua bán tài sản để trở thành cổ đông của các công ty đó.
Ngoài ra, dưới hình thức các khoản cho vay để đổi lấy cổ phần, chính phủ đã bán phần lớn cổ phần trong các công ty nổi tiếng thuộc các lĩnh vực năng lượng, truyền thông, sắt thép để đổi lấy các khoản vay từ các ngân hàng tư nhân thuộc sở hữu của những người giàu có. Theo kỳ hạn hợp đồng được ký kết, các ngân hàng sẽ sở hữu số cổ phần nếu chính phủ không thể trả được các khoản vay sau đó.
Cuối cùng, điều đen tối nhất cũng xảy ra. Chính phủ đã không thể trả được nợ theo cam kết và phần lớn cổ phần các công ty lớn nhất nước Nga đều rơi vào tay một nhóm nhỏ các nhà tài phiệt với giá rẻ khủng khiếp. Ngoài ra, nhóm tài phiệt này còn tài trợ để Yeltsin giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1996 với mục tiêu duy trì tầm ảnh hưởng trên chính trường Nga.
Điển hình cho giới tài phiệt thống trị cả về mặt kinh tế và có ảnh hưởng lớn về mặt chính trị là Mikhail Khodorkovsky. Thông qua Ngân hàng Menatep mà mình sở hữu, Khodorkovsky đã thâu tóm công ty dầu mỏ quốc gia lớn thứ hai nước Nga Yukos vào lúc bấy giờ với số tiền chỉ 300 triệu USD, trong khi giá trị thị trường của Yukos được ước tính khoảng 30 tỉ USD.
Một số nhà tài phiệt khác cũng xuất hiện là Vladimir Potanin, người đã mua Norilsk Nickel, một trong những công ty chuyên sản xuất nguyên vật liệu thô lớn nhất thế giới. Và Boris Berezovsky thì thâu tóm đài truyền hình nhà nước. Ngoài ra còn có một loạt các tên tuổi khác như Vagit Alekperov, Roman Abramovich, Vladimir Bogdanov, Rem Viakhirev, Viktor Chernomyrdin, Viktor Vekselberg, Mikhail Fridman, Alexander Lebedev. Họ đã nhanh chóng nắm giữ các tài sản quan trọng của quốc gia, trở thành những tỉ phú đầy quyền lực của một nước Nga đang trì trệ và yếu đuối.
Khi Tổng thống Putin lên nắm quyền vào năm 2000, ông đã cố gắng giảm ảnh hưởng của nhóm Oligarchs này. Hành động đầu tiên của Putin là buộc Boris Berezovsky, Vladimir Gusinsky phải bán lại tài sản cho Nhà nước và sau đó bị trục xuất ra khỏi Nga. Đỉnh điểm của việc thanh trừng là việc Mikhail Khodorkovsky bị cáo buộc trốn thuế và gian lận, sau đó bị kết án 8 năm tù vào năm 2005. Công ty dầu mỏ Yukos của Khodorkovsky bị quốc hữu hoá, trở thành tài sản của Công ty Rosneft.
Ngoài dầu khí, Chính phủ Nga cũng trừng trị các nhà tài phiệt khác trong lĩnh vực điện. Putin đã nêu đích danh Vladimir Potanin, người sở hữu Công ty Điện OGK-3, Mikhail Prokhorov sở hữu Công ty Điện TGK-4, Viktor Vekselberg sở hữu Công ty Complex Energy Systems, Leonid Lebedev sở hữu Công ty Điện TGK-2, đe doạ sẽ trừng phạt nặng họ và từ chối việc tiếp cận thị trường điện của những công ty này.
Thậm chí, Tổng thống kế nhiệm sau này thuộc phe Putin là Dmitry Medvedev đã nói thẳng: “Họ chẳng làm được gì ngoài việc bán các nguyên vật liệu thô”.
Dù các tài phiệt ở thế hệ cũ đã không còn đất dung thân trong giai đoạn cầm quyền của cặp đôi Putin và Medvedev, nhưng không vì thế mà các nhóm Oligarchs tuyệt chủng. Thay vào đó, hiện tại đã xuất hiện một thế hệ các nhà tài phiệt thứ hai (Oligarchs đời 2.0 theo cách gọi của Tạp chí Financial Times).
Đó là sự xuất hiện của Ziyavudin Magomedow, được cho là có mối quan hệ chặt chẽ với Medvedev. Ông là chủ sở hữu Tập đoàn Summa và giờ đây là đồng sở hữu công ty vận hành cảng lớn nhất nước Nga. Tập đoàn Summa đã hưởng lợi nhờ vào làn sóng chuyển giao tài sản từ nhà nước sang tư nhân gần đây.
Hiện nay, làn sóng chuyển giao này nổi lên với quá trình cổ phần hoá một số công ty lớn như Aeroflot, hãng hàng không quốc gia; Alrosa, công ty kim cương quốc gia và một số công ty khác thuộc Tổng Công ty Đường sắt Nga. Một câu hỏi đặt ra là liệu các tài sản quý giá của quốc gia có một lần nữa rơi vào tay nhóm các nhà tài phiệt như những năm 1990 hay không?
Theo Financial Times, thế hệ tỉ phú mới hiện tại ở Nga hầu hết đều có mối quan hệ khắng khít với ông Putin, điển hình là Gennady Timchenko, chủ sở hữu Công ty Kinh doanh Dầu khí Gunvor, Sergei Chemezo, sở hữu Tập đoàn Truyền thông Russian Technologies.
“Chính phủ Nga có thể đã thực hiện đúng khi kiểm soát nhóm tài phiệt xuất hiện từ thập niên 1990. Tuy vậy với việc không phân định ranh giới giữa lợi ích chính trị và kinh doanh, các hành động của Chính phủ có thể tạo ra một lớp mới các doanh nghiệp có liên quan đến chính trị, có thể đưa quá trình phát triển kinh tế của quốc gia đối mặt với rủi ro”, Thomas White International nhận xét.

Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện tiến trình tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, nằm trong đề án tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế. Trong đó, chiến lược tư nhân hoá là một trong những chính sách cốt lõi của Chính phủ.
Cụ thể, Bộ Tài chính thông báo 93 doanh nghiệp nhà nước sẽ được tư nhân hoá trong năm nay, trong đó có một số tên tuổi đáng chú ý như Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn, Công ty Dịch vụ Hàng hải Vinalines, Công ty Khoáng sản Lai Châu, Công ty Đầu tư và Kinh doanh Khoáng sản Vinaconex, Tổng Công ty Xi Măng Việt Nam, Công ty Giấy Việt Nam.
Tính chung, theo dự kiến của Bộ Tài chính, tổng số doanh nghiệp nhà nước sẽ được cổ phần hoá từ đây đến năm 2015 sẽ là 367 doanh nghiệp.
Tổng Công ty Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) cũng công bố sẽ bán bớt cổ phần vốn nhà nước tại 262 doanh nghiệp trong năm nay. Trong danh sách này có những công ty như thủy sản Sóc Trăng, thủy sản An Giang, bóng đèn Điện Quang, nhựa Tân Tiến, Ngân hàng Hàng Hải, Công ty Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam, Công ty Xuất nhập khẩu Khoáng sản, Công ty Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đó là những công ty hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề đầy tiềm năng.
Đặt trong tình hình kinh tế ảm đạm như hiện nay thì để chuyển nhượng thành công, không loại trừ khả năng SCIC có thể sẽ chọn phương án giá thấp so với giá trị thực của tài sản để bán.
Thêm một nhân tố tác động nữa là nợ công. Trong nhiều năm qua, Việt Nam liên tục rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách. Để có thể tài trợ cho sự thâm hụt ấy, Chính phủ buộc phải vay nợ nhưng nợ công không thể tăng trưởng mạnh nữa do mức nợ công của Việt Nam đã vào khoảng 58,7% GDP vào cuối năm 2011, một mức khá cao khiến việc vay mượn thêm của Chính phủ gặp khó khăn. Điều này càng tăng khả năng đẩy mạnh việc bán tài sản của Nhà nước để có thêm nguồn thu.
Ngoài ra, việc thoái vốn ngoài ngành bắt buộc từ đây đến năm 2015 của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng là một cơ hội cho các nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước sở hữu được các tài sản có giá trị.
Quá trình cổ phần hoá, chuyển giao tài sản của Nhà nước được xem là quá trình hợp lý. Nó giúp cải cách các doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn thiếu hiệu quả. Tuy vậy, quá trình đó cũng tạo ra khả năng tài sản có giá trị của Nhà nước có thể rơi vào tay một nhóm tư nhân theo cách thiếu minh bạch.
Đơn cử là mối quan hệ phức tạp giữa các doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, vốn được phản ánh một phần từ việc sáp nhập Habubank vào SHB. Habubank trước đây đã cho Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vay với tổng giá trị 3.345 tỉ đồng, bằng tới 83% vốn điều lệ của ngân hàng này, gánh nặng các khoản cho vay không thể thu hồi được nợ này đã buộc Habubank phải sáp nhập vào SHB.
Nhưng vì sao SHB tham gia vụ việc này vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng, ngoài một số lợi ích SHB nhận được như SHB sẽ được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp, ngoài ra còn được sử dụng trái phiếu của Vinashin để mua bán trên thị trường mở, được hưởng lãi suất tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước với lãi suất thấp hơn 3% so với mức thông thường, được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0% trong 3 năm liên tiếp (từ năm 2012-2014).
Không chỉ Vinashin,
hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đều đang sử dụng đòn bẩy tài chính rất lớn, trong đó có một khoản vay không nhỏ đến từ các ngân hàng (cả nhà nước lẫn tư nhân), dĩ nhiên trong quá trình tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty thì các ngân hàng này sẽ là người được quan tâm đầu tiên. Liệu có sự bắt tay ngầm giữa các ngân hàng (có thể thông qua các công ty con hay liên kết) với các doanh nghiệp nhà nước được tái cấu trúc? Vụ bắt giữ bầu Kiên gần đây thêm một lần nữa phản ánh mối liên hệ phức tạp trong giới tài chính.
Trong giai đoạn bùng nổ của chứng khoán, ngân hàng, bất động sản trước khi khủng hoảng năm 2008 nổ ra, Việt Nam đã xuất hiện một tầng lớp giàu có với sức mạnh tài chính lớn và nhờ những mối quan hệ chính trị kinh tế phức tạp, tầng lớp này ngày càng đi sâu và thể hiện tầm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội của quốc gia.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây đã thẳng thắn nhìn nhận về các nhóm lợi ích “Lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai, hầm mỏ, rừng, biển… Những nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt động rất linh hoạt, theo từng vụ việc, vây quanh một số cá nhân nhất định. Lợi dụng tính thiếu công khai, minh bạch các nhóm lợi ích thường tiếp xúc theo quan hệ cá nhân, có thể đặt quan hệ trực tiếp hay qua con cái, thân quen mà chất kết dính là tiền bạc”.
Vì vậy, quá trình chuyển giao tài sản từ nhà nước sang khu vực tư nhân tại Nga có thể sẽ là bài học đắt giá cho nhiều nền kinh tế chuyển đổi.