Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Cuộc sống > Du lịch > Cao nguyên đá Hà Giang mùa hoa tam giác mạch

Cao nguyên đá Hà Giang mùa hoa tam giác mạch

Ảnh bên: Núi Đôi ở thung lũng Quản Bạ

Thứ Sáu 5, Tháng Mười 2012

Đã biết bao đoàn người kéo nhau lên tận nơi biên cương phía bắc để chiêm ngưỡng một cao nguyên đá kỳ vĩ. Theo thống kê chỉ riêng từ năm 2010 đến hết năm 2011 thì có khoảng 32.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước từng tới thăm vùng đất này qua quốc lộ 4C. Con đường huyết mạch duy nhất của Hà Giang lúc nào cũng phải tu sửa, bởi vì sạt lở ở đây là chuyện xảy ra như cơm bữa.

Quốc lộ 4C hay "đường Hạnh Phúc" được khởi công năm 1959. Ảnh ©2012 NCCong

Đi về phía tây-bắc Hà Giang, nơi được gọi là vùng cao núi đất, du khách bắt gặp những bản làng của người Tày, Nùng, Dao… [1] với những nếp nhà sàn, nhà lá đơn sơ, những mảnh ruộng bậc thang đẹp như trong mơ và tấm lòng chân thật của người dân thiểu số bản địa.

Ruộng bậc thang duyên dáng phơi mình trong nắng

Đi sang phía đông-bắc Hà Giang, trước mắt du khách hiện ra những con đường ngoằn nghèo thường ẩn hiện trong mây và sương mù, với những người Hmong bé nhỏ nhưng leo dốc tài nhất. Trở về qua các triền núi đá từ Mèo Vạc đến Đồng Văn, từ Yên Minh sang Quản Bạ, ta vẫn thấy những nương ngô, vườn đậu và ruộng bậc thang trải dài như những dải lụa vàng.

Tan phiên chợ Mèo Vạc, các cô gái Hmong lại leo núi về bản. Ảnh ©2012 NCCong

Xưa kia đàn ông nơi đây thường hút thuốc phiện, uống rượu ngô, cưỡi ngựa đi chợ và săn bắn bằng súng kíp. Ngày nay xe máy đã thay ngựa, muông thú trở thành của hiếm, nhưng y phục và đức hạnh của đàn bà vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống độc đáo.

Cổng trời Quản Bạ trong sương chiều. Ảnh ©2012 NCCong

Quốc lộ 4C quanh co cùng đường dây điện vắt dài vài trăm cây số qua những nơi hiểm hóc cao vút mang tên cổng trời Quản Bạ và đỉnh Lũng Cú. Nổi tiếng còn có đoạn đèo Mã Pì Lèng, đứng ở lưng chừng núi này thật hiếm khi nhìn thấy rõ mặt sông dưới đáy vực sâu hun hút.

Từ đèo cao nhìn xuống, dòng Nho Quế chỉ như một dải mây trắng mờ. Ảnh ©2012 NCCong

Mới đây những "rừng" đá xám của vùng cao nguyên Đồng Văn đã được công nhận như một công viên địa chất của thế giới, chứng tích lịch sử trái đất biến đổi dữ dội qua nhiều trăm triệu năm tuổi. Nhưng với thường dân, cao nguyên đá vào mùa thu đặc biệt trở nên thi vị bởi những vạt hoa tam giác mạch và hoa cúc dại đan xen.

Những tay săn thạch anh đến từ nước Nhật xa xôi. Ảnh ©2012 NCCong

Người miền khác ắt hỏi: ngoài đá cổ, cao nguyên Đồng Văn còn có những gì hấp dẫn mà khiến cho nhiều du khách mê mẩn đến thế ? Nhưng có đi, có đứng giữa những tấm thảm thiên nhiên xanh vàng hồng xám, và ngắm nhìn những dải mây bạc quẩn quanh rừng núi, ta mới hiểu được vì sao nơi đây chẳng thế nào thiếu một loài hoa mang tên lạ: tam giác mạch.

"Rừng" đá Đồng Văn thường tới trưa mới hiện rõ. Ảnh ©2012 NCCong

Đá núi bàng bạc một màu xam xám, lạnh lẽo vào cuối mùa thu lại được những vạt hoa trắng hồng nồng nàn như sưởi ấm lên, như xua bớt đi cái tê tái trong hơi thở của vùng biên ải. Tam giác mạch trải dài trên những con đường đất đỏ làm bao người đắm say, cái tên không có gì gợi đến sắc hương nhưng mà loài hoa này quả thật là đẹp một cách giản dị.

Tam giác mạch nở hoa

Loài cây này thân mềm như cỏ, nở nhiều cả trong mùa xuân và mùa thu. Hoa nhỏ xinh màu trắng phơn phớt hồng, cánh chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác, giữ ở giữa một hạt mạch quý. Những tay lá bé bỏng cũng mơ hồ ba góc xanh.

Vườn tam giác mạch và các phượt phó nháy. Photo ©2012 NCCong

Cây non có thể dùng để luộc ăn như rau, còn đợi cho ra hoa, kết quả và thành hạt là để xay bột làm bánh. Hoa của loài cây này có hình dạng giống như kim tự tháp nên người dưới xuôi quen gọi là tam giác mạch. Đồng bào Hmong Hà Giang thì gọi đó là cây chễ.

Một bản của người thiểu số trong thung lũng nhỏ. Ảnh ©2012 NCCong

Hà Giang thật đáng yêu và dễ làm người ta say lòng. Du khách tạm biệt còn nhớ mãi những phiên chợ vùng cao, những làn sương mờ quấn quýt rừng thông và đỉnh đèo, những cung đường uốn quanh bản làng và ruộng bậc thang, những vách tường trình bằng đất vàng, những câu chuyện cổ tích bên bếp lửa nhà sàn, những tà áo váy và tấm khăn sắc màu phong phú của các cô gái trỉa bắp, chăn bò trên sườn núi và tất nhiên nhớ cả loài hoa đã làm nên nét độc đáo của cao nguyên địa đầu Tổ quốc.

Người La Chí chăn bò trên núi Yên Minh. Ảnh ©2012 NCCong

Các tuyến du lịch mùa thu:

  • Theo đường quốc lộ 4C từ Hà Giang đi Đồng Văn có rất nhiều điểm dừng chân thú vị và tuyệt đẹp khi tam giác mạch vào mùa hoa.
  • Phố Cáo, Sủng Là, Phó Bảng, đường từ Sủng Là nối Thài Phìn Tủng, đường đi Lũng Cú, Phố Là có những nơi tam giác mạch được trồng tập trung và khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, hút hồn lữ khách nhất.

Xem online : Nhà họ Vương ở Sà Phìn, Hà Giang


[1Hà Giang có 22 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người Hmong chiếm tới trên 32%, người Tày trên 23%, người Dao trên 15%, người Kinh gần 13%, người Nùng gần 10%...