Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Con người > Thực hành > Bôxít Tân Rai trước ngày chạy thử

Bôxít Tân Rai trước ngày chạy thử

Thứ Ba 9, Tháng Mười 2012

Trong tháng 9.2012, viện CODE (thuộc liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) đã mời đoàn chuyên gia khai khoáng đi thị sát tình hình thi công và chuẩn bị vận hành của hai dự án alumin tại Lâm Đồng và Dăk Nông.

Sau đây là cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Thành Sơn, thành viên của đoàn, giám đốc ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Những con số đáng báo động

  • Thưa ông, những gì nhìn thấy ở hai dự án Tân Rai, Nhân Cơ mới đây có gì khác với những điều ông hình dung trước kia về chương trình alumin không?

Những điều quan trọng nhất thì chẳng có gì “khác” cả. “Bùn đỏ” – vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm, vẫn được thải bằng công nghệ “ướt” rẻ tiền và nhiều rủi ro. Hồ bùn đỏ ban đầu cũng đã chiếm quá nhiều diện tích thuộc loại “bờ xôi, ruộng mật”. Công nghệ Trung Quốc lạc hậu thì ngày càng rõ (phân xưởng khí hoá than sử dụng công nghệ của những năm 1960 và phải dùng than cục tốt của Hòn Gai loại 4A). Nhà thầu Trung Quốc dây dưa, dự án chậm tiến độ cũng chẳng có gì là mới. Tổng mức đầu tư đã tăng lên (vốn “thử nghiệm” hai dự án đã gần 1,5 tỉ đôla Mỹ) cũng chẳng làm ai ngạc nhiên.

  • Qua chuyến khảo sát, ông thấy điều gì đã cản trở tiến độ dự án?

Nhà thầu nước ngoài chưa chịu bàn giao phần việc của mình chỉ là lý do chậm tiến độ. Khâu “tắc” nhất của dự án Tân Rai bây giờ là phần việc mà chủ đầu tư đảm trách – khâu tuyển bôxít sau khi khai thác, trước khi đưa vào luyện thành alumin. Việc đơn giản, dễ làm nhất là thiết kế dây chuyền tuyển bôxít. Công việc này được ưu tiên chỉ định cho “nội lực” là viện Khoa học công nghệ mỏ của Vinacomin triển khai. Bãi thải quặng đuôi – một hạng mục lẽ ra chẳng có gì đáng bàn, nhưng được các “nhà khoa học” của viện Khoa học công nghệ mỏ thiết kế còn rủi ro hơn bãi thải bùn đỏ của nhà thầu Trung Quốc. Nước thải đầu ra của xưởng tuyển được thải trực tiếp vào nguồn nước đầu vào (đầu ra của bể “phốt” chính là bể nước ăn), v.v. Tổng đầu tư cho xưởng tuyển bôxít này khoảng 300 tỉ đồng, việc xây lắp đã hoàn tất từ lâu, nhưng tư vấn thiết kế vẫn đang tiếp tục “nghiên cứu thí nghiệm” để “hiệu chỉnh thiết kế” ở Hà Nội… Vinacomin cần làm rõ trách nhiệm nội bộ trước khi đổ lỗi cho người ngoài.

  • Tại thời điểm này, bài toán kinh tế về tổng thể của các dự án alumin Việt Nam có thể nhẩm tính ra kết quả lỗ lãi thế nào, thưa ông ?

Dự án Nhân Cơ chưa xong, chưa có cơ sở để tính toán. Dự án Tân Rai đã gần như hoàn tất, nhưng chậm tiến độ gần hai năm, có thể “nhẩm” được bài toán đơn giản nhất như thế này: chậm tiến độ một năm, riêng lãi suất huy động vốn trong quá trình xây dựng (IDC) đã làm tăng tổng mức đầu tư thêm gần 1.100 tỉ đồng.

Khi đi vào hoạt động, giả sử trường hợp lý tưởng: tổng vốn đầu tư đã được điều chỉnh của Tân Rai chỉ dừng lại ở mức 15.600 tỉ đồng, lãi suất huy động vốn tạm tính 7%/năm, thời gian huy động vốn là mười năm, trả vào cuối kỳ, riêng chi phí hoàn trả vốn đầu tư (cả gốc và lãi) đã lên tới 2.220 tỉ đồng/năm.

Nếu đạt 100% công suất thiết kế (0,6 triệu tấn/năm), mỗi năm nhà máy sẽ phải tiêu dùng khoảng: 1,2 triệu tấn bôxít qua tuyển (khai thác tại chỗ); 0,4 triệu tấn than cám (giá FOB tại Quảng Ninh khoảng 1,6 triệu đồng/tấn); 0,2 triệu tấn than cục (giá FOB tại Quảng Ninh khoảng 4 triệu đồng/tấn); khoảng 0,1 triệu tấn hoá chất và đá vôi (vận chuyển ngược từ xa tới), v.v. Nếu tính “vo”, tổng chi phí vận hành khoảng 2.500 tỉ đồng/năm. Như vậy, giá thành alumin xuất xưởng tại Tân Rai thấp nhất cũng khoảng 375 USD/tấn.

Tôi đã tham khảo giá nhôm trên thế giới và có nhận định: nếu giá nhôm kim loại trên thế giới năm 2013 sẽ đạt mức 2.300 USD/tấn, thì giá xuất khẩu alumin của Vinacomin ở ven biển tối đa khoảng 345 USD/tấn. Như vậy, nếu tính chi phí tiêu thụ (vận chuyển, bốc – dỡ, hao hụt) khoảng 25 USD/tấn và thuế xuất khẩu theo quy định là 20%, thì mỗi tấn alumin sẽ lỗ khoảng 124 USD, Vinacomin lỗ 74,4 triệu USD/năm. Trong trường hợp “thuận buồm xuôi gió” nhất (được miễn cả thuế xuất khẩu – và ngân sách tạm thời chưa nộp ngân sách), mỗi tấn alumin sẽ lỗ ít nhất 55 USD, và mỗi năm Vinacomin lỗ ít nhất 33 triệu USD.

Tây Nguyên, “vốn để dành”

  • Theo ông, quyết tâm làm alumin theo cách hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả gì đối với Tây Nguyên và cả nước?

Đối với Tây Nguyên và cả nước, còn cần phải tính đến vấn đề sinh thái. Hậu quả về sinh thái nguy hiểm hơn nhiều, nhưng bây giờ chưa thể hiện. Còn đối với Vinacomin, nếu cứ quyết tâm làm thử nghiệm đến cùng thì bôxít sẽ gặp phải những thiệt hại kinh tế. Khoảng 99,36% lợi nhuận thu được để Vinacomin đầu tư vào các dự án kinh doanh đa ngành (trong đó có các dự án bôxít – alumin) có nguồn gốc từ ngành than. Nếu ngành than bị mất vốn đã đầu tư vào bôxít, và trong tương lai vẫn phải tiếp tục “gánh” lỗ cho bôxít (74,4 triệu USD/năm như phân tích ở trên), thì bôxít còn ảnh hưởng lan toả đối với cả nền kinh tế.

  • Cảm tưởng của ông sau chuyến đi?

Buồn nhiều hơn vui. Buồn vì những cảnh báo của các nhà khoa học cách đây 3 – 4 năm đang dần trở thành đúng. Bởi, sau khi Vinacomin quyết tâm làm, đẩy tổng vốn thử nghiệm của cả hai dự án lên tới 1,5 tỉ đôla Mỹ thì trong thâm tâm, tôi cũng phải cầu mong cho việc thử nghiệm thành công. Rất tiếc, việc triển khai dự án đến nay đã cho thấy rõ kết quả như dự báo ban đầu là: chậm tiến độ một cách toàn diện, vốn đầu tư tăng toàn diện… Cả hai dự án thử nghiệm đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Kể cả bây giờ, tôi vẫn muốn khuyên Vinacomin hai điều: thứ nhất, dũng cảm xin Chính phủ cho dừng dự án Nhân Cơ, chờ thử nghiệm Tân Rai “trót lọt”, nếu có hiệu quả hãy triển khai tiếp Nhân Cơ; và thứ hai, hãy tập trung nguồn lực (vốn, thời gian, cán bộ…) để phát triển ngành than ở Quảng Ninh. Trong tình cảnh của Vinacomin bây giờ, tiết kiệm được 1 đồng, giảm tổn thất được 1 đồng cũng quý (dừng Nhân Cơ cũng tiết kiệm được vài trăm triệu đôla Mỹ). Còn trong tình cảnh chung của đất nước: không có alumin thì Tây Nguyên vẫn phát triển được, còn thiếu than thì cả nền kinh tế sẽ gay go.

  • Ông có suy tư gì sau chuyến đi vừa qua?

Chúng tôi đã “rong ruổi” ba ngày từ Buôn Ma Thuột, ghé Nhân Cơ, thăm Tân Rai rồi xuống Kê Gà (Bình Thuận). Chúng tôi quan sát, đánh giá và gặp gỡ những người có trách nhiệm. Điều có thể nhận thấy là các dự án bôxít sẽ triệt tiêu rất nhanh và rất mạnh các nguồn tài nguyên đất, tài nguyên nước, và tài nguyên sinh học của Tây Nguyên. Trước hay sau, sớm hay muộn chúng ta cũng phải “loại bôxít ra khỏi tiềm năng kinh tế của Tây Nguyên”, như tôi đã đề nghị cách đây 23 năm trong bài viết trên tạp chí Năng Lượng (số 11/1989).

Về mặt chiến lược phát triển đất nước lâu dài, tài nguyên thiên nhiên (đất, nước và sinh học) của Tây Nguyên quý hơn vạn lần tài nguyên khoáng sản (bôxít). Nếu được quy hoạch và tổ chức tốt, Tây Nguyên có đủ nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên để phát triển một cách bền vững.

Hoàng Nguyên thực hiện (SGTT)

Chiều 5.10, làm việc về dự án bôxít Tân Rai (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), thứ trưởng bộ Công thương Lê Dương Quang yêu cầu tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và ban quản lý dự án bôxít Tân Rai chốt mốc cuối cùng chạy thử nhà máy alumin vào ngày 1.11. Mốc thời gian vận hành nhà máy được ban quản lý dự án công bố, liên tục dời nhiều lần, từ tháng 4, tháng 6, tháng 10.2012.