Đời sống công nhân nữ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất

Kỳ 1: Nhọc nhằn mưu sinh

Tâm lý muốn thoát ly khỏi đồng ruộng, tìm kiếm cơ hội đổi đời, việc làm có thu nhập ổn định đã cuốn hút lực lượng lao động từ nông thôn ra thành thị ngày càng đông. Trong đó, lao động nữ (LÐN) chiếm số lượng không nhỏ. Ước mơ đổi đời là khát vọng chính đáng. Tuy nhiên, với đồng lương ít ỏi nơi phố thị, trước mắt, cuộc sống của họ vẫn mịt mờ cơ hội đổi đời.

Thiếu thốn trăm bề

Ðã nhiều lần, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng nghìn công nhân vội vã trở về khu nhà trọ sau giờ làm việc tại khắp các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) trên cả nước. Nhưng buổi tan ca tại KCN Sóng Thần (Dĩ An, Bình Dương) trong cơn mưa như trút nước vào một ngày cuối tháng 9 vừa qua dễ dàng nhận ra trong chiếc áo mưa mỏng manh gồng mình đạp xe, nhấn ga, ngược chiều mưa gió, thậm chí có nữ công nhân đang mang thai. Người tấp nhanh vào vệ đường, nơi có những quầy hàng, nhìn qua đã biết không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, mua vội vài mớ rau, dăm quả trứng, ít cá khô. Nhiều người trong số họ trở về nhà trọ mà không biết bữa tối lấy gì cho vào bụng.

Vội vã theo bánh xe của cô công nhân Hoàng Thị Linh (Công ty ACTIVE, sản xuất yên xe đạp), chúng tôi tới nhà trọ tại khu dân cư Ðồng An, cách công ty hơn 3 km. Thực đơn của hai vợ chồng hôm ấy không khác mấy so với các bữa cơm chiều khác: rau muống, vài miếng khổ qua kho thịt ba chỉ lõng bõng nước. Có lẽ ngượng với khách, Linh cúi mặt nhặt mớ rau đã héo phần nửa, lúng túng thanh minh: "Giá trời không mưa, em mua thêm ít đậu phụ hoặc cá khô. Mấy món này ăn hai tối rồi, cũng ngán". Linh sinh ra trong một gia đình có sáu anh em ở một làng quê thuần nông huyện Nông Cống, Thanh Hoá. Năm 2004, cô theo chân các cô gái trong làng vào đây làm công nhân với hy vọng thoát ly cảnh "chân lấm, tay bùn", kiếm tiền đỡ đần bố mẹ nuôi các em ăn học. Tìm được tấm chồng sau một thời gian làm công nhân như Linh được coi như may mắn hơn nhiều nữ công nhân khác. Linh cho biết, với thu nhập của hai vợ chồng son, việc chi tiêu hết sức tằn tiện coi như tạm đủ, nếu như không có chuyện hai năm qua, có đồng nào dành dụm, cô đổ vào việc chữa trị tại Bệnh viện Từ Dũ, hy vọng có được mụn con. Chia tay chúng tôi, cũng là lúc bữa cơm đạm bạc hoàn tất vào lúc tám giờ tối, Linh nói: "Cho dù phải trở về quê hương với hai bàn tay trắng, thì việc có một, hai đứa con vẫn "lãi" hơn so với nhiều nữ công nhân quá lứa, lỡ thì khác. Nói rồi, cô quay vào với bốn bức tường trong căn nhà trọ rộng chừng tám mét vuông, không máy thu hình, không đài, báo, chờ chồng về trong cơn mưa dai dẳng.

Cuộc sống thiếu thốn, không dám mơ ước gì cao sang là tình trạng chung của hàng triệu lao động trong các KCN. Chưa đủ, LÐN càng thiệt thòi hơn khi họ đang phải sống cảnh "năm không": Không nhà cửa, do công nhân ngoại tỉnh chiếm hơn 70%, đa số phải thuê nhà trọ. Không gia đình, do nhiều doanh nghiệp sử dụng tỷ lệ LÐN tới 80-95%. Quanh năm, họ mải miết tăng ca mới mong đủ tiền trang trải cuộc sống, không có thời gian giao lưu, tìm hiểu bạn trai. Không được hưởng thụ các hoạt động văn hoá. Không quan tâm và mơ hồ về chính trị. Không được khám sức khoẻ định kỳ, vốn quý nhất của NLÐ. Khi chưa lập gia đình, cuộc sống nữ công nhân ngoại tỉnh đã thiếu thốn, vất vả là thế, nhưng khi lập gia đình, họ lại phải đối mặt nhiều khó khăn khi sinh con. Thiếu hiểu biết về sức khoẻ sinh sản. Trước và sau khi sinh không được bồi dưỡng, thiếu thốn thời gian chăm sóc con nhỏ và gia đình. Ðiều kiện sinh hoạt kham khổ, ít được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, con cái không được nuôi dưỡng, giáo dục chu đáo do phải gửi con về quê nhờ ông bà trông giúp, là bức tranh chung của cuộc sống sau kết hôn của LÐN.

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Ngần, quê ở Hà Giang tại khu nhà trọ tại phường Bình Chiểu (quận Thủ Ðức, thành phố Hồ Chí Minh) là một thí dụ. Trước khi sinh đứa con thứ hai, chị là công nhân Công ty May Sài Gòn 3. Chị Ngần cho biết: "Ði tăng ca quần quật cũng chỉ đủ tiền gửi hai đứa con vào nhà trẻ tư nhân, cho nên quyết định ở nhà trông con. Bốn miệng ăn trông vào chưa đầy bốn triệu đồng lương thợ mộc của người chồng". Chúng tôi thắc mắc làm sao gia đình nhỏ của chị "sống" nổi với số tiền khiêm tốn ấy, chị bảo: "Hai vợ chồng chỉ ăn rau qua ngày. Hằng tháng trả tiền nhà trọ, điện nước hết một triệu đồng, còn bao nhiêu mua sữa, thịt cho con ăn. Tháng nào chúng nó ốm đau đi viện thì vay tiền bà chủ trọ, hoặc của những người đồng hương… Ðược cái, cùng cảnh nghèo cho nên mọi người thương yêu, đùm bọc nhau. Cũng đành hy sinh đời bố, củng cố đời con vậy". Ðược hỏi: "Chị định "củng cố" đời bọn trẻ như thế nào trong xóm trọ tồi tàn, thiếu thốn đủ thứ này, chị Ngần lạc quan cho biết: "Thì phải cố gắng. Tằn tiện, chờ đợi đến bao giờ có năm, sáu chục triệu đồng, sẽ trở về quê chồng ở Nam Ðịnh, xin ông bà đất, dựng căn nhà, cùng nhau cày cấy, trở về điểm xuất phát vậy. Chồng tôi chăm mua vé số lắm. Biết đâu, lại có ngày trúng số độc đắc, đổi đời ngay. Các cụ chẳng bảo "nghèo thì lâu, giàu thì mấy". Trường hợp trở về tay trắng, vẫn có hai của để dành đây. Còn người còn của, sá gì cơ cực, đói nghèo. Nghe chị nói cười chúng tôi cũng thấy ấm lòng hơn. Có lẽ lâu lắm rồi, trong các khu nhà trọ, mới bắt gặp sự lạc quan hiếm hoi như thế. Phải chăng sức chịu đựng và khả năng vượt qua hoàn cảnh luôn là đức tính tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Bất giác, chúng tôi kỳ vọng vào một phép nhiệm mầu sẽ tới với gia đình bé mọn của người đàn bà tên Ngần ấy.

Tương lai nào đối với lao động nữ?

Tới khu nhà trọ nằm trong hẻm 149, đường Dương Thị Hoa (Thủ Ðức, TP Hồ Chí Minh) vào lúc sáu giờ chiều, chúng tôi thật khó khăn mới tìm được một căn phòng mở cửa. Ra đón khách là cô công nhân mặc chiếc áo Công ty giầy da An Thịnh. Nhìn em gầy guộc và rất trẻ, anh bạn đồng nghiệp buột mồm: Em đã 18 tuổi chưa vậy? Mặt cô đỏ bừng, lúng búng cho biết tên là Trần Thị Cẩm Hường, quê ở Chợ Mới, An Giang, 19 tuổi. Căn nhà trọ chưa tới chục mét vuông, một hình ảnh điển hình đến ngột ngạt, bức bối trong các khu nhà trọ công nhân từ nam ra bắc, bao gồm cả bếp, khu vệ sinh, nơi ăn uống, ngủ nghỉ của Hường và hai vợ chồng chị gái. Trò chuyện một lát, chúng tôi thấy một người phụ nữ đứng tuổi tay bế, tay dắt hai đứa trẻ đi vào. Hường giới thiệu đó là má và hai đứa con của chị gái. Bà Thu thấy khách lạ nhưng rất vồn vã: Chị con Hường bỏ hai đứa con cho tôi ở dưới quê từ khi đứa thứ hai mới hai tháng tuổi, giờ nó đã gần một tuổi rồi. Cách đây năm hôm, tôi mang hai nhỏ lên thăm má nó mổ ruột thừa. Lúc gặp má trong bệnh viện, đứa lớn nhận ra ngay, con nhỏ thì khóc thét khi má nó giơ tay bế. Tận tối qua, nó mới chịu theo má, rồi quấn riết. Thiệt khổ, vừa bén hơi nhau thì mai tôi lại đưa bọn chúng về dưới quê. Chẳng biết đến bao giờ vợ chồng, con cái mới được ở cùng nhau dưới một mái nhàể. Than thở là vậy, nhưng khi chúng tôi hỏi, dù bà biết đời sống của công nhân rất khó khăn nhưng sao vẫn để đứa con gái út đi làm công nhân? Bà Thu bảo:"Cực thì có cực, nhưng làm lụng chăm chỉ cũng có đồng ra đồng vào, còn hơn làm thuê làm mướn dưới quê. Tôi cũng tính bảo nó, làm công nhân khi nào có vài chỉ vàng lận lưng thì về quê kiếm tấm chồng. Cắm mặt riết vào cái máy khâu thì ế mất".

Việc đưa chị em gái, họ hàng lên thành phố, ở trọ cùng tiết kiệm tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt là xu hướng mới của LÐN tại các KCX. Tại một khu nhà trọ phường Thủ Ðức (TP Hồ Chí Minh) chúng tôi không khó để tìm một căn phòng có hai, ba chị em ruột cùng ở trọ. Trong căn phòng chật hẹp của ba chị em ruột quê ở Yên Khánh, Ninh Bình, cô út tên là Phạm Thị Quyết tiếp chuyện chúng tôi. Người chị cả tên Phạm Thị Xuân chỉ im lặng, cắm cúi nhặt túi nấm kim châm, không một lần ngước mặt lên nhìn khách. Quyết giải thích: Không có nhiều tiền mua thịt, bọn em chuyển sang mua nấm, rẻ mà vẫn có chất đạm thực vật. Chỉ sau khi Xuân ra ngoài bể tập thể rửa nấm, Quyết mới cho hay: Chị gái em vào thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân may khi 24 tuổi. Ở quê, tuổi ấy khó lấy chồng, chị hy vọng vào môi trường nhiều công nhân dễ lấy chồng. Thấm thoắt đã 16 năm trôi qua, quanh năm ngày tháng chỉ biết con đường duy nhất từ công ty về nhà trọ. 40 tuổi rồi vẫn không chồng, không con, không gia đình, không sổ tiết kiệm, và không biết tương lai sẽ ra sao. Trò chuyện cùng các nữ công nhân khác ở khu nhà trọ này, chúng tôi được biết từ Tết Nguyên đán đến nay, gần chục công nhân quá lứa nhỡ thì trở về quê. Năm, sáu người khác tuổi ngoài bốn mươi, không đủ sức khoẻ làm công nhân, cũng không muốn về lại nhà đành bỏ công ty, ra ngoài làm tạp vụ, bưng bê tại các quán ăn, nhà hàng với mức lương hai triệu đồng/tháng.

Trao đổi ý kiến với một số lãnh đạo LÐLÐ các tỉnh, chúng tôi được biết, tại một số KCN, xuất hiện tình trạng nhóm đối tượng xã hội đen cho vay nặng lãi. Công nhân thất nghiệp hoặc đồng lương không đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày, chấp nhận vay tiền với lãi suất cao. Khi lãi mẹ đẻ lãi con, LÐN không có tiền trả, chúng ép nữ công nhân"làm thêm" tại các quán cà-phê đèn mờ. Bên cạnh đó, rời quê lên thành phố làm công nhân, sự hiểu biết hạn chế, không được trang bị kỹ năng, kinh nghiệm sống để tự phòng vệ, dễ choáng ngợp trước cuộc sống đô thị trong điều kiện cuộc sống của mình nhiều vất vả, lo toan; thiếu sự quan tâm và hỗ trợ của các đoàn thể, chính quyền địa phương. Không ít LÐN rơi vào cám dỗ, cạm bẫy cuộc sống, sống thử trước hôn nhân, góp gạo thổi cơm chung, chấp nhận trở thành"vợ hờ", vợ bé của những người đàn ông có gia đình. Hậu quả là những đứa con ra đời không hôn thú… Không thể phủ nhận một điều, hàng triệu nữ công nhân ngoại tỉnh đang làm việc trong các KCN, KCX thoát ly đồng ruộng, không chỉ tìm kiếm cơ hội đổi đời cho bản thân mà còn vì thế hệ con em họ. Nhưng với tất cả những gì đã và đang diễn ra trong những khu nhà trọ tồi tàn và nhọc nhằn ấy, không một nữ công nhân nào trả lời được câu hỏi: tương lai của họ sẽ đi về đâu? Trong khi đó, một thế hệ mới đã và đang ra đời trong các xóm trọ này. Tương lai nào cho những đứa trẻ, thiếu dinh dưỡng, thiếu sự chăm sóc của người mẹ, không được giáo dục bài bản, không được hưởng các quyền vui chơi, học hành như bao trẻ em khác?

(Còn nữa)

Bài và ảnh: ÐẶNG THANH HÀ (ND)