Trống đồng Cẩm Giang
Cập nhật: Đông Tỉnh
Hơn 2000 năm trước, trong giai đoạn văn hoá Đông Sơn đã xuất hiện hàng loạt trống đồng với tạo hình độc đáo và hoa văn đẹp đẽ. Những chiếc trống thiết kế tinh xảo và tạo tác bằng kỹ nghệ đúc đồng đỉnh cao đã được tôn thờ và trở thành báu vật truyền thống, trăm họ ngưỡng vọng, thấm đẫm hơi thở của thời đại sản sinh ra nó. Văn hoá trống đồng là kết tinh cao độ của đời sống xã hội đương thời, phản ánh hệ giá trị của người Việt cổ: tôn chuộng đồ đồng, coi trống đồng là vật cao quý, linh thiêng.
- Trống đồng Cẩm Giang
Mô tả
Tính đến thời điểm hiện nay ở nước ta chưa nơi nào có chiếc trống đồng đẹp và giống với chiếc trống Cẩm Giang tìm thấy giữa vùng đất Cửu Chân cổ xưa với lưu vực sông Mã, sông Chu. Ngày 30/9/1992 ông Lê Đức Tậu, thôn Phú Lai, xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá, trong khi làm vườn đã phát hiện được trống ở độ sâu khoảng 1,50m. Ngày 01/6/1993 ông đã bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá.
Tham số chính của trống như sau: ĐKM 73cm; ĐKC 73cm; cao 41,9cm; trọng lượng 60 kg; niên đại Văn hoá Đông Sơn muộn, cách nay khoảng 2000 năm. Trống có 2 đôi quai kép hình chữ C, rìa ngoài trang trí đường gờ nổi. Chính giữa mặt trống là hình ngôi sao 16 cánh, tính từ tâm ra ngoài trang trí 9 vòng hoa văn. Rìa mặt có 4 khối tượng vịt quay ngược chiều kim đồng hồ. Lưng trống có 3 vành hoa văn. Trống mang số đăng ký BTTH 339/KL:123. Tên: trống đồng Cẩm Giang I, còn gọi là trống vịt.
Nhận định
Trống đồng cổ Việt Nam nói chung, trống đồng cổ Thanh Hoá nói riêng có những đặc trưng hết sức rõ ràng, từ kỹ nghệ đúc đồng đến đời sống xã hội và văn hoá được thể hiện đều phản ánh về một nền văn hoá lâu đời đã phát triển đến trình độ cao, cũng như trí tuệ, sức sáng tạo của người Việt cổ, như một bức tranh sinh động về lịch sử - văn hoá và đời sống xã hội của Việt Nam thời cổ.
Trống đồng tìm thấy ở Cẩm Giang có kiểu dáng cân đối, thân trống được chia làm 3 phần: mặt, tang, lưng và chân trống. Hoa văn chủ yếu là các hình người hoá trang lông chim cách điệu nhảy múa sinh động nhưng điều đặc biệt hơn cả là trên mặt trống lại có 4 (mất 1) khối tượng vịt thay thế cho tượng cóc phổ biến. Vịt vốn gần gũi với những gia đình làm ruộng từ xưa nay và là một biểu tượng của nền nông nghiệp trồng lúa nước đã biết thuần hóa chim trời thành gia cầm. Các khối tượng vịt đều theo hướng ngược chiều kim đồng hồ và được đặt trên vị trí trang trọng của mặt trống. Đó là điểm độc đáo chỉ có ở trống Cẩm Giang.
Căn cứ vào kiểu dáng và hoa văn trang trí, trống Cẩm Giang thuộc loại H1, nhóm C1 theo phân loại của Heger. Ngày 30/12/2013, Thủ tướng chính phủ đã ban hành quyết định số 2599 về việc công nhận bảo vật quốc gia cho 37 hiện vật, nhóm hiện vật, trong đó có trống Cẩm Giang. Với những nét tiêu biểu riêng, trống Cẩm Giang đã góp phần làm phong phú thêm cho bộ sưu tập trống đồng, khẳng định Việt Nam là một quốc gia có nền văn hoá Đông Sơn nổi tiếng thế giới, có truyền thống chế tạo và sử dụng trống đồng từ rất lâu đời.
Phát huy giá trị
Trống Cẩm Giang sau khi phát hiện đã được trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hoá và còn có mặt trong các cuộc trưng bày lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị như:
trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, chào mừng Hội nghị thượng đỉnh nguyên thủ các quốc gia nói tiếng Pháp tại Hà Nội năm 1997;
trưng bày Kỷ niệm 80 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hoá Đông Sơn tại Hà Nội năm 2004;
trưng bày kỷ niệm 50 năm kết nghĩa Thanh Hoá - Quảng Nam tại Quảng Nam năm 2010;
Ngoài ra, Bảo tàng Văn minh châu Á Singapore đã lựa chọn mẫu bản dập trống Cẩm Giang để trưng bày phục vụ lễ hội văn hoá tại Singapore năm 2008, được du khách trong nước và quốc tế quan tâm nghiên cứu và đánh giá cao.
Đông Tỉnh