Trang nhà > Giáo dục > Đào tạo > Chưa nên cải cách cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông
Chưa nên cải cách cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông
Thứ Năm 15, Tháng Mười Một 2012
Gần đây các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhiều ý kiến về cải cách giáo dục Việt Nam bằng cách rút ngắn cấu trúc giáo dục phổ thông từ 12 năm xuống còn 11 năm. Là người có nghiên cứu về giáo dục và đang nghiên cứu sâu về giáo dục đại học, tác giả bài viết này xin nêu ra ba lý do không nên đặt nặng vấn đề thay đổi cấu trúc giáo dục phổ thông tại thời điểm hiện nay.
Một là, từ trước tới nay phân ban thất bại, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở thất bại dù nhà nước đã trợ giúp, trợ cấp cho các chính sách vĩ mô này là vì người dân làm theo cách của họ chứ không theo cách lập luận của nhà làm chính sách. Cấu trúc giáo dục phổ thông hiện nay vẫn là khuyến khích phân luồng sau trung học cơ sở, tức là học sinh và phụ huynh lựa chọn hướng giáo dục hàn lâm hay giáo dục nghề nghiệp khi học sinh ở tuối 15-16 nên không có gì là lạc hậu so với thế giới cả. Hơn thế nữa, với những lời kêu ca về chương trình phổ thông quá tải, nếu rút ngắn lại nữa thì chương trình phổ thông sẽ trở thành “quá quá” tải.
Hai là, cải cách cấu trúc giáo dục quốc dân có tác động rất rộng tới đời sống xã hội và đòi hỏi sự đầu tư tốn kém về sức người sức của. Đó là một bài toán thực nghiệm đầy rủi ro cho ít nhất cả một thế hệ con người và một đất nước. Không nên ứng dụng mô hình của các nước tiên tiến cho Việt Nam khi chưa cân nhắc kĩ rằng các hệ thống giáo dục tiên tiến thường có lịch sử giáo dục ít nhất là vài trăm năm. Ở các nước đó, cấu trúc hệ thống giáo dục là sự đúc kết từ văn hoá của dân tộc và nguyện vọng của người dân chứ không phải được thiết kế trong một thời gian chốc lát, ví dụ như đo bằng nhiệm kỳ của một nhà cầm quyền.
Ba là, cho đến nay, hiếm có một nghiên cứu nào về nguyện vọng của người đi học là được đi học bao nhiêu năm, 11 năm hay 12 phổ thông. Nguyện vọng phổ biến của người dân hiện nay là được hưởng một nền giáo dục có chất lượng theo nghĩa con trẻ sẽ trở thành người lương thiện và có năng lực để tự tồn tại và đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Vì thế, tại thời điểm hiện tại cải cách giáo dục theo hướng có được một nền giáo dục tôn vinh các giá trị nhân văn và phát triển tiềm năng con người nên được ưu tiên trước hết. Đây cũng là quan điểm được đông đảo các trí thức, các nhà giáo dục nêu ra để đóng góp vào những nỗ lực cải cách giáo dục của Việt Nam.
Những vấn đề cốt lõi hơn nhằm cải cách giáo dục Việt Nam là tìm ra đường hướng chấn hưng giáo dục. Phần tiếp theo đây tác giả kết hợp các nhận định của mình với những ý kiến của các nhà trí thức nổi tiếng về đổi mới giáo dục Việt Nam để phác thảo ra một số trụ cột cơ bản cho quá trình cải cách giáo dục Việt Nam.
Thứ nhất, triết lý và mục tiêu của giáo dục phải thể hiện tình yêu thương con người, tức là tính nhân văn. Giáo sư Hoàng Tụy và nhiều nhà trí thức khác cũng đã đề cập đến trụ cột cải cách này. Người học phải được tạo điều kiện để đón nhận các cơ hội đa dạng để phát triển nhân cách và năng lực. Giảm thiểu tính áp đặt trong các mục tiêu, trong các điều luật, kế hoạch phát triển về giáo dục. Hệ quả của tính áp đặt không dựa trên thực lực là sự phá sản thường xuyên của các „kế hoạch, mục tiêu duy ý chí”. Nếu chỉ chăm chăm đạt được mục tiêu mà bỏ qua các trình tự phát triển nội tại của quá trình đạt đến mục tiêu thì tất yếu sẽ dẫn đến gian dối và đổ vỡ.
Thứ hai, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và nhiều giáo sư uy tín cũng nhận định, mắt xích mấu chốt của đổi mới giáo dục là nhà giáo. Nhiệm vụ chăm lo cho giáo dục phổ thông là của nhà nước chứ không thể đùn đẩy cho xã hội chung chung. Trước tiên, nhà nước cần phải phục hồi lại vị trí xã hội của nhà giáo bằng cách đãi ngộ công bằng với họ bằng mức lương chính thức mà họ có thể sống tươm tất. Chính mức lương cạnh tranh của khu vực giáo dục so với ngành nghề khác sẽ giúp ngành giáo dục thu hút được nhân lực giảng dạy chất lượng.
Việc sử dụng công cụ công khai thông tin về cơ sở giáo dục để huy động tối đa công suất giám sát quản lý của toàn xã hội cũng là một biện pháp nâng cao đạo đức trong ngành giáo dục. Khi thông tin được công khai, toàn xã hội tham gia giám sát giáo dục thì tiêu cực trong ngành giáo dục sẽ sớm bị phát hiện. Hiện tượng chạy việc làm trong ngành giáo dục, cơ sở giáo dục từ chối sinh viên tốt nghiệp từ các trường uy tín sẽ chấm dứt.
Thứ ba, chú trọng giáo dục đạo đức trong nhà trường, lấy đạo đức trong trường học, nhân cách nhà giáo để lan toả ra xã hội, phục hồi lại các hệ thống giá trị cốt lõi của toàn xã hội.
Thứ tư, cũng liên quan tới con người trong hệ thống giáo dục nhưng mà là con người nắm giữ chức vụ quản lý, dẫn dắt, lèo lái quá trình cải cách; cần phải cải cách đánh giá và giám sát đội ngũ lãnh đạo quản lý trong ngành giáo dục. Lãnh đạo có giỏi thì mới chiêu nạp người giỏi dưới trướng của mình. Hiệu trưởng có giỏi, có tâm thì nhà trường mới có giáo viên có năng lực và đạo đức. Tuy nhiên, đánh giá nhân lực lãnh đạo không phải là một việc dễ dàng nhất là đánh giá về đạo đức. Mặc dù vậy, đột phá trong đánh giá, bổ nhiệm, và kỉ luật cán bộ có nhiều yếu tố khả thi. Các nguyên nhân của cuộc khủng hoảng giáo dục của Việt Nam đã được nhận diện rõ ràng. Nếu bổ nhiệm lãnh đạo dựa trên thực lực về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp là một hướng làm đúng thì dần dần sẽ tìm ra công cụ và kĩ thuật thực hiện.
Trên đây là những ý kiến của tác giả nhằm đóng góp vào những nỗ lực cải cách giáo dục Việt Nam. Chiến lược quốc gia và chính sách công cần được thiết kế hợp quy luật phát triển của xã hội và thuận lòng dân mới thành công và được trân trọng.
Phạm Thị Lan Phượng (TS)