Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Gia đình > Bệnh và thuốc > Cội nguồn của những bất hạnh

Cội nguồn của những bất hạnh

Thứ Sáu 16, Tháng Mười Một 2012

Thiếu kiến thức, kém hiểu biết, yêu nhanh, cưới vội… là những nguyên nhân khiến nhiều tổ ấm công nhân dễ dàng tan vỡ. Hệ luỵ là tệ nạn xã hội nảy sinh, là sự ra đời một thế hệ “con công nhân” mà số phận đã được thấy trước.

Chị Đặng Thị Ngọc Yến, 30 tuổi, quê ở Cà Mau, tạm trú tại quận Tân Bình vì không đủ tiền cho con học mẫu giáo nên phải nghỉ việc ở nhà, gom góp vốn liếng mua vài chiếc máy may gia công để tiện bề giữ con. Chị một mình nuôi hai con gái, đứa lớn sáu tuổi, đứa nhỏ bốn tuổi vì chồng bỏ theo người khác cả năm nay. Chị kể mà nước mắt lưng tròng: “Ảnh ở gần đây mà không về thăm con, con nhỏ bị răng sâu xin vài chục ngàn đi nhổ cũng không đưa”.

Chị Đặng Thị Ngọc Yến. Ảnh: Hồng Thái

Chuyên viên tư vấn tâm lý tình yêu hôn nhân Trần Ngọc Châu, cộng tác viên trung tâm Nhịp Cầu Hạnh Phúc (TP.HCM), người nhiều kinh nghiệm làm việc với công nhân cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến tổ ấm công nhân mau tan vỡ. Sống xa gia đình, không có thời gian vui chơi, giải trí nên tình trạng nam nữ công nhân đến với nhau và chia tay cũng thật dễ dàng. Các công nhân nữ khát khao có bạn trai còn để chia sẻ kinh tế. Chưa tìm hiểu kỹ, cưới rồi thấy sụp đổ. Thời lượng làm việc tăng, thời gian vợ chồng gặp nhau ít, nam công nhân thường xuất thân từ nông thôn nên bản tính gia trưởng bộc lộ sau khi kết hôn, đi làm về mệt rồi cãi cọ, hay lương không đủ nuôi con, không thoả mãn tình dục hoặc bất đồng nhỏ nhặt, rất dễ bùng nổ. Người công nhân lại thiếu kiến thức xã hội, thiếu người động viên, không ai lắng nghe, chỉ dẫn, khi xảy ra mâu thuẫn không biết giải quyết, dẫn đến tan vỡ.

Từ các buổi làm việc với công nhân, chuyên viên Châu nhận xét, các tổ ấm công nhân thiếu kỹ năng bảo vệ hạnh phúc gia đình, kỹ năng lập kế hoạch, quản trị tổ ấm về tài chính, pháp luật, sức khoẻ sinh sản, tình dục an toàn. Từ chuyện chán nản gia đình, các nam công nhân dễ tụ tập ăn chơi. Trong khi đó, các cơ sở massage, bài bạc, bia ôm… mọc nhan nhản quanh các khu công nghiệp.

Những đứa trẻ biết trước số phận

Chuyên viên Trần Ngọc Châu cho biết: “Công nhân quen nhau trung bình hai tuần là quan hệ tình dục và thường có con trong lần quan hệ đầu tiên do không biết các biện pháp phòng tránh thai”.

Theo ước tính của một chuyên viên tâm lý, trong mười nữ công nhân có con thì chỉ một may mắn có chồng. Phá thai là giải pháp được nhiều nữ công nhân lựa chọn. Vì mắc cỡ, ngại giấy tờ phiền phức nên đa số nữ công nhân tìm đến các ổ phá thai lậu, chấp nhận hiểm nguy tính mạng. Nhiều trường hợp không biết mình có thai, khi biết thì thai quá lớn chỉ còn cách sinh con ra, sau đó đem bỏ như chuyện cô bé công nhân 16 tuổi sinh con rồi bỏ vào thùng rác mới đây hoặc gửi về quê cho ông bà nuôi. Có những đứa trẻ được ông bà chăm sóc nhưng cưng chiều quá mức hoặc vì ông bà lớn tuổi không thể quản nổi, khiến trẻ hư. Nếu trẻ may mắn được sống cùng cha mẹ, thì do cha mẹ lo làm không có thời gian dạy dỗ, trẻ cũng hư. Chị T., công nhân may một công ty Hàn Quốc (quận 12) uất nghẹn khi nghe đứa con gái 18 tuổi, đang học lớp 12 đòi nghỉ học lấy chồng với tuyên bố: “Má chỉ học tới lớp 9, không bằng con thì không có tư cách khuyên!”

Phúc lợi cho công nhân: quá xa vời

Làm cha mẹ, ai cũng mong con cái được học hành để có tương lai sáng sủa. Nhưng với đời công nhân thì những mơ ước đó mấy ai thực hiện được. Chị Nguyễn Vân Như, 34 tuổi, quê ở Thanh Hoá, làm công nhân ở công ty may Upgain (Thủ Đức) được tám năm, lương tháng nào ăn hết tháng đó. Công ty ở Thủ Đức nhưng vợ chồng chị thuê nhà ở Bình Dương cho rẻ và có chỗ gửi con. Lương cả hai vợ chồng chỉ tầm 5-6 triệu đồng nhưng đã phải chi 1,2 triệu/tháng tiền học mẫu giáo cho con. Chị bi quan: “Cứ nghe nói Nhà nước có những chương trình phúc lợi cho công nhân, xây nhà thu nhập thấp cho người nghèo nhưng ở đâu đâu, xa vời không tới lượt mình. Trường tư thì mọc lên như nấm, muốn điều tốt đẹp cho con cái cũng không có. Có ấp ủ ước mơ cũng vậy thôi, không có cách gì thoát khỏi cảnh này”.

Chuyên viên Trần Ngọc Châu cho biết, các buổi nói chuyện chuyên đề về vấn đề tâm lý, giới tính, tình yêu, hôn nhân, gia đình được giới công nhân hưởng ứng rất nhiệt tình vì hữu ích cho đời sống của họ. Nhưng các buổi nói chuyện như thế so với nhu cầu thực tế của công nhân thì như mưa không đủ thấm đất. (còn tiếp)

Sa Đồng (SGTT)

Không dám sinh con thêm

Phạm Hồng Hải, 38 tuổi, công nhân bảo trì công ty may Pro Kingtex Việt Nam (Q. Bình Tân, TP.HCM):

Vợ tôi đã nghỉ việc về quê chăm sóc đứa con trai bị bại não. Một mình tôi đi làm lo cho vợ con không xuể. Khổ nỗi là con chỉ nằm một chỗ nên không có trường khuyết tật nào chịu nhận. Tôi không nghĩ sẽ sinh thêm đứa nữa để đỡ đần sau này. Có một đứa con bị như vầy là quá khổ rồi.

Đã có người vì áp lực mà tự tử

Trần Thị Yến Oanh, 35 tuổi, công nhân công ty may Lâm Thanh (Q.12 TP.HCM):

Tôi hy vọng có những lớp mời chuyên gia đến tư vấn tâm lý cho công nhân để bớt áp lực. Tôi biết cũng đã có công nhân vì áp lực quá mà tự tử. Những lúc gặp khó khăn trong công việc, trong chuyện tình cảm, tôi nghĩ về gia đình, người thân của mình để vượt qua.

Cần có người nghe và hiểu mình

Trần Anh Hùng, 27 tuổi, công nhân công ty thiết kế nội thất Mỹ An (Q.12 TP.HCM):

Vợ chồng cãi nhau, thường tôi là người làm lành trước. Mỗi khi tâm lý buồn bực, rất muốn có một người nghe và hiểu mình (nhiều khi chia sẻ với bạn bè, họ nghe nhưng không đồng cảm). Rất cần chuyên gia tâm lý, bởi tuy không giải quyết được vấn đề nhưng họ có thể giúp giải toả tâm lý.