Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Lịch sử > Cận đại > Ý nghĩa tác phẩm TÂN VIỆT NAM của Phan Châu Trinh (2)

Ý nghĩa tác phẩm TÂN VIỆT NAM của Phan Châu Trinh (2)

Thứ Bảy 26, Tháng Năm 2007, bởi Cong_Chi_Nguyen

Phan Bội Châu dưới cặp mắt của Phan Châu Trinh trong Tân Việt Nam

Như đã đề cập ở phần đầu, Tân Việt Nam được trước tác trong khoảng thời gian Phan mới đến Mỹ Tho sau khi được thả từ Côn Đảo. Vào thời điểm này, tri kỷ của Phan là Trần Quý Cáp đã bị sát hại ở Khánh Hòa và những người bạn thân thiết khác như Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, ... thảy đều bị lưu đày ở Côn Đảo sau vụ dân biến ở Trung Kỳ và binh biến ở Hà Nội (tức vụ đầu độc binh lính Pháp xảy ra vào ngày 27 tháng 6 năm 1908) [33]. Bởi vậy Phan cảm thấy không thể không minh oan cho những đồng chí của mình.

Theo Phan, hai vụ dân biến và binh biến “đều do lời cổ động trong những trước tác của PBC và đã được thực hiện không chút sai sót” [34]. Vụ dân biến sở dĩ có hậu quả xấu xa một phần cũng vì “quan lại Nam triều phản ứng quá mức [35], rồi hai phái bài Pháp và tự trị kích bác lẫn nhau”. Phan cho rằng binh biến là kết quả tất yếu của dân biến, vì một khi “chủ nghĩa tự trị đã bị chủ nghĩa áp chế đánh bại, người bị tù bị chết đầy rẫy, người ta biết chủ nghĩa tự trị dựa Pháp ắt không thành công thì cái thế tất yếu là không thể không chạy theo đảng bài Pháp. Do đó nghĩ đến bạo động là cái thế phải đến, cái lẽ tất nhiên” [36].

Theo Phan, sở dĩ Phan bị nghi ngờ là do mối liên hệ giữa Phan và PBC. Bởi vậy, trong Tân Việt Nam, nhằm minh oan cho các đồng chí đã chết hay còn bị tù đày Phan giải thích tường tận những khác biệt giữa Phan và PBC về chủ trương cũng như về đường lối hoạt động. Những thông tin độc đáo trong Tân Việt Nam giúp người đọc nhận thức rõ hơn tâm trạng của Phan khi bị tù đày ở Côn Đảo và trong khoảng thời gian cư ngụ ở Pháp sau này. Trước khi đưa ra một số nhận xét và đánh giá tổng quát, chúng tôi sẽ trình bày cách nhìn của Phan về con người của PBC.

Theo nhận xét của Phan, thoạt kỳ thủy không có đảng phái mà chỉ có hai chủ nghĩa tranh luận với nhau mà thôi. PBC chủ trương bạo động, nhưng trong lần gặp gỡ với Phan tại Huế vào khoa thi Hội năm Quý Mão (1903), khi Phan bác bỏ chủ trương bạo động thì PBC cũng đồng ý là cả hai cùng đứng lên kêu gọi sĩ phu dâng sớ xin bãi bỏ khoa cử, cải cách luật pháp và chế độ (biến pháp) [37]. Khi công việc kêu gọi đang tiến hành tốt đẹp thì PBC vì thi hỏng nên không ký tên, sĩ phu vì thế cũng bắt chước không chịu ký bởi lẽ uy tín của PBC rất lớn trong giới sĩ phu [38]. Sau đó, PBC sang Nhật và từ lúc này trở đi mới có hai đảng: đảng cách mạng do PBC sáng lập có bộ phận ở trong nước và ở ngoài nước, và đảng tự trị do Phan khởi xướng thì không có trong ngoài [39].

Về mối quan hệ với PBC, Phan ghi lại như sau: “Lịch sử cuộc đời của PBC là một trang sử u sầu ảm đạm, một lịch sử đầy gian truân vất vả. Lịch sử của ông cũng là lịch sử đời tôi. Tính chất giống nhau, chí khí giống nhau, cảnh ngộ giống nhau, nhưng ý kiến không giống nhau và chủ nghĩa thì khác hẳn. Bởi vậy ban đầu thì thương nhau mà cuối cùng thì xa nhau, trước là bạn mà sau là địch. Tôi sở dĩ không ngại hiềm nghi, không nề đường sá cách trở để theo tận hải ngoại cũng vì ông ấy. Tôi sở dĩ bất chấp sống chết, đụng chạm tới kỵ húy nhằm hô hào người trong nước cũng vì ông ấy. Tôi thất bại chẳng còn chút gì, đồng chí bạn bè bị tù đày hay phải hy sinh đầy rẫy, và cho tới nay cũng vì ông ấy mà tôi hãy còn bị nghi kỵ và không giải bày tâm sự được” [40].

Phan cho rằng “nếu không biết rõ nhân cách của PBC cùng lý do vì sao ông lợi dụng quốc dân thì không làm sao hiểu được tại sao tôi đã phản đối ông ấy từ đầu đến cuối” [41]. Theo Phan, “PBC là người rất giàu chí khí, nhiều nghị lực, chịu nhẫn nhục và dám làm (cảm vi). Một khi ông đã tin vào điều gì rồi thì quyết không bỏ, cho dù sấm sét cũng không thay đổi”. Trong giới sĩ phu ở nước ta lúc đó, “không ai có thể sánh với ông ấy” [42]. Đó là những ưu điểm của PBC. Theo Phan, “vì chủ trương bạo động bị Phan bác bỏ nhiều lần nên PBC không thích giao du” cùng Phan. Phan kể là trong lần hai người tranh luận với nhau ở Hương Cảng, “ông ấy đuối lý rồi khóc sướt mướt — tôi thương ông chỗ ấy” [43]. Về nhược điểm của PBC, Phan nhận xét: “Tiếc thay ông ấy học thức nông cạn, không rõ thời thế, thích dùng thủ đoạn và mánh khóe (quyền thuật), tự dối mình và dối người, đầu óc ngoan cố khăng khăng không chịu thay đổi ... Chủ nghĩa phục thù cực đoan của PBC thật ngoan cố và sai lầm cùng cực, đã không hợp lý luận, không hợp thời thế mà lại còn đẩy đồng bào vào chỗ chết (tử địa)” [44]. Dưới mắt Phan, PBC là “người có lòng yêu nước nhưng không biết cách thương nước” (hữu ái quốc chi tâm nhi bất tri sở dĩ ái quốc chi đạo) [45]. Phan kể lại như sau: “PBC thường nói ‘Bình sinh sở học của tôi đắc ý nhất ở chữ Nhân trong sách Luận ngữ’. Tôi mới nói đùa: ‘Sở đắc của anh là ở bộ Chiến quốc sách, nếu quả là sách Luận ngữ thì tôi sợ anh sẽ đem nửa bộ giết người trong nước và nửa bộ để giết thân anh. Ông bực tôi lắm” [46].

Phan cho rằng PBC là người “cực kỳ thủ cựu, nhất thiết không chịu đọc Tân thư”. Bởi thế, “những trước tác của ông ấy không căn cứ vào lý luận, không khảo sát thời thế, khi thì chửi tràn, khi thì khóc than thống thiết”. Sự thật, dưới mắt Phan, PBC là “nhà yêu nước bị biến tướng bởi cái học văn chương tám vế” (bát cổ biến tướng chi ái quốc gia) [47]. Không những thế, cá tính con người PBC biểu hiện “những quán tính lâu đời của người Việt Nam, gồm những mặt tốt đẹp nhất cho tới những mặt thiếu sót, kém cỏi nhất” [49]. Phan giải thích: “... Ông ấy là người đại biểu cho những tập quán có từ ngàn xưa trong lịch sử của dân tộc nước Nam. Không biết chân tướng của người nước Nam, xem ông ấy thì biết được. Người dân nước Nam rất giàu tính bài ngoại, ông ấy bài ngoại đến chỗ cực đoan. Người nước Nam rất thích ỷ lại vào người nước ngoài thì ông ấy ỷ lại đến chỗ cực đoan. Người dân nước Nam rất thiếu tính tự lập thì ông ấy lại càng thiếu cùng cực. Tính cách và trình độ của ông ấy nhất nhất đều tương hợp với tính cách và trình độ của quốc dân, bởi vậy ông nhân ưu điểm và khuyết điểm của quốc dân mà lợi dụng. Đây là điều thầy thuốc gọi là thuật ‘lấy độc trị độc’ (tắc nhân tắc dụng chi thuật)” [50].

Mặc dù Phan không nói rõ “danh sĩ” trong đoạn sau đây là ai, nhưng đọc qua ta có thể đoán ngay được nhân vật Phan muốn ám chỉ không ai khác hơn là PBC: “Ngày nay có danh sĩ tự phụ là yêu nước mà không biết tập trung hết sức vào trong nước mà đề xướng quốc dân, rồi như sư tử ngủ mê, ngợi khen cường quyền của Đảo quốc [Nhật Bản], nói năng ngông cuồng không nghĩ tới lợi hại, chỉ muốn mời một nước thứ ba “khẩu Phật tâm xà” không có lấy chút nhân đạo (tận vô nhân lý) để đem giao phó tất cả vận mệnh đất nước cho được mới bằng thích. [Danh sĩ ấy] không hiểu rằng nước đó hiện nay không có sức nên để vậy mà không quyết đoán, chứ nếu quả thật có sức thì còn đợi ta cầu làm gì? Hãy trông Triều Tiên, các đảng phái liên Nga liên Nhật chia năm xẻ bảy, rốt cuộc bây giờ hoàng hậu thì bị sát hại, nhà vua thì bị giam cầm, tù tội liên miên và cảnh giết chóc vẫn chưa yên. Cầu đã được đấy mà lợi thì không thấy đâu cả” [51]. Cần để ý là Tân Việt Nam được Phan trước tác vào 1910-1911, tức chẳng bao lâu sau khi Triều Tiên bị Nhật Bản sáp nhập, bởi vậy niềm lo lắng của Phan không phải là hoàn toàn vô căn cớ.

Nếu Phan đã rất mực thẳng thừng khi phê phán chủ trương bạo động của PBC, điều khiến ta không khỏi ngạc nhiên và cảm phục là Phan cũng không kém thẳng thừng và khách quan khi dự đoán về khả năng thất bại của đường lối mà chính bản thân Phan đang theo đuổi: “Tôi tự biết những lý do mà chủ nghĩa của ông ấy đưa ra thì rất yếu, nhưng nếu áp dụng vào đặc tính của dân nước Nam thì rất mạnh. Chủ nghĩa của tôi, lý do đưa ra thì rất mạnh, nhưng nếu áp dụng vào đặc tính của người nước Nam trong tình thế hiện tại thì rất yếu. Chủ nghĩa của ông ấy rất hợp với đặc tính và trình độ của quốc dân, lại nhắm vào chỗ mạnh mà lợi dụng và vì ở hải ngoại nên ngôn luận tự do, dễ có người theo, do đó chủ nghĩa ông ấy sẽ tất thắng. Chủ nghĩa của tôi tương phản với đặc tính và trình độ của quốc dân, lại nhắm vào chỗ yếu mà cứu và vì ở trong nước nên bị các thế lực chèn ép và nghi kỵ tập trung vào, các hoạt động và ngôn luận đều không được tự do nên người theo cũng khó, do đó chủ nghĩa của tôi tất bại” [52].

Lập trường khác biệt giữa hai cụ Phan

Có thể nói rằng một trong những ý nghĩa quan trọng của Tân Việt Nam là qua tác phẩm này lần đầu tiên ta thấy rõ lập trường khác biệt giữa Phan và PBC.

Vào năm 1925, khi hai nhà chí sĩ lần lượt về lại Việt Nam, lập trường của họ có thay đổi gì chăng so với 20 năm trước đó ? Về phía Phan, nhận thức về PBC hầu như không có gì thay đổi. Trong bài diễn văn nói về “Đạo đức và luân lý Đông Tây” đọc tại nhà Hội Việt Nam ở Sàigòn vào cuối tháng 11, 1925, khi thuyết giải về lòng thương nước của người Việt, Phan vẫn phê phán chủ trương bạo động và lập trường vọng ngoại của PBC: “Cái ‘thương nước’ tôi nói ở đây không phải là xúi dân ‘tay không’ nổi lên, hoặc đi lạy nước này cầu nước khác về phá loạn trong nước đâu ! Tôi xin thưa : Nước ta đã hư hèn bị mắc trong tay người ta rồi, thì bây giờ ta phải đem lòng thương nước, bênh vực lẫn nhau, mà giúp cho nhau để cứu chuộc lại cái danh giá cùng lợi quyền của ta về sau ... Thương nước cho phải đường mới gọi là thương nước, nếu thương nước không phải đường thì đã không ích gì cho ai mà lại còn làm hại sinh linh nữa” [53].

Về phần PBC, rõ ràng là có những chuyển biến sâu sắc sau khi cụ về sống những năm cuối đời ở Huế trong tình trạng bị giam lỏng. Vào tháng 3 năm 1927, trong dịp kỷ niệm ngày giỗ một năm của Phan, PBC đã viết những dòng sau đây : “Than ôi! Ông có thứ cho tôi chăng? Lúc ông [từ Nhật Bản] về nước [1906], tôi tiễn chân ông đến Hương Cảng, ông cầm tay tôi dặn mấy lời sau hết: ‘Từ thế kỷ 19 về sau, các nước tranh nhau ngày càng dữ dội, cái tính mạng một nước, gửi trong tay một số người đông, chứ không thấy nước nào không có dân quyền mà khỏi mất nước bao giờ. Thế mà nay Bác lại còn dựng cờ quân chủ lên hay sao?’ Ông nói thế, lúc bấy giờ tôi chưa có câu gì đáp lại, nay đã hơn 20 năm rồi, lời ôn càng lâu, càng nghiệm. Tôi mới biết cái óc suy nghĩ cùng cái mắt xem xét của tôi thiệt không bằng ông! Phỏng ngày nay ông còn sống thì cầm cờ hướng đạo cho chúng ta, hẳn phải nhờ tay ông mới được. Than ôi! Ngày nay những kẻ cúng vái ông, kính mến ông, có phải là chỉ ngắm tượng ông, đọc văn ông góp nhặt năm ba câu làm bộ ái quốc, ái quần đầu miệng mà thôi ư? Phải biết rằng ông Hy Mã mà được danh tiếng lưu truyền với sử xanh là vì ông có chủ trương thiệt, tinh thần thiệt” [54]. Hoặc giả, trong tập hồi ký Tự phán viết chẳng bao lâu sau đó, PBC cũng đã bộc bạch: “Than ôi, lịch sử tôi là lịch sử của trăm điều thất bại mà không có lấy một điều thành công. Bôn ba trôi nổi gần ba mươi năm, vì liên lụy với tôi mà kẻ chết người tù, tai ương tràn cả nước, độc hại lan khắp đồng bào. Mỗi khi tỉnh giấc nửa đêm lòng tự bảo lòng rồi gạt lệ nhìn trời ; hai mươi năm lần lữa, trông râu mày mà hổ thẹn” [55].

Cần để ý là trong khoảng thời gian ở Pháp, Phan bị nhà đương cuộc Pháp bắt giam ở ngục Santé gần 10 tháng (tháng 9, 1914 đến tháng 7, 1915) vì bị tình nghi là đã thông đồng với Đức nhờ giúp chống lại Pháp bằng phương tiện vũ trang. Trong ngục, Phan không chịu khuất phục, cực lực phản đối sự vu cáo, dọa nạt của nhà đương cuộc và dùng lý lẽ để chứng minh mình là “người không có tội”. Trong một bức thư gửi cho thẩm phán tòa án quân sự, Phan viết: “Quan lớn là một tên quan án gian dối, thay mặt cho quân thù nghịch tôi, lấy ý riêng mà bắt tôi, giam tôi, thì từ nay về sau, tôi cứ đem lời lẽ ra mà chống cự lại với những việc gian dối không công bình của quan lớn” [56].

Có thật Phan muốn nhờ cậy thế lực của Đức nhằm chống lại Pháp như lời buộc tội của quan tòa ? Hay Phan hoàn toàn vô tội và đã bị bắt oan ? Lập trường của Phan trong thời kỳ Âu chiến đã gây thắc mắc, hoài nghi cho nhiều nhà nghiên cứu từ trước tới nay [57]. Trong trường hợp PBC, chúng ta có thể khẳng định là cụ đã tìm cách cầu viện Đức, đặc biệt trong thời kỳ Âu chiến, nhằm chống lại Pháp bằng cách liên hệ với các văn phòng ngoại giao của Đức ở Bắc Kinh và ở Băng Cốc (Thái Lan) [58]. Nhưng Đức không phải là nước duy nhất mà PBC muốn cầu viện nhằm chống lại Pháp, vì cho đến khi về nước vào năm 1925 PBC luôn luôn chủ quan nghĩ rằng nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc và Nhật Bản thì người Việt không thể nào giành lại độc lập từ người Pháp. Vô hình trung PBC đã cả tin rằng chỉ có Pháp, một mình nước Pháp mà thôi, mới có ý đồ đen tối đối với Việt Nam. Nhưng lập trường của Phan thì khác hẳn. Qua Tân Việt Nam (cùng các tác phẩm chính luận khác), ta thấy Phan nhiều lần bác bỏ lập trường của PBC là vừa bài ngoại (Pháp) mà lại vừa vọng ngoại, và như đã trình bày, Phan giữ vững lập trường này cho tới lúc lìa đời. Bởi vậy, đối với một nhà chí sĩ “đen trắng phân minh” và có lập trường kiên định như Phan, thật khó hình dung là Phan lại trông cậy vào thế lực của nước ngoài, cho dù nước đó là nước Đức, là nước Trung Hoa, hay là nước Nhật. Ngay khi còn bị lưu đày ở Côn Đảo, Phan đã từng nói : “Chưa có tư cách quốc dân độc lập, dầu có nhờ cậy ở nước ngoài chỉ diễn cái trò ‘đổi chủ làm đầy tớ lần thứ hai’, không ích gì ..., mình không tự lập, ai cũng là kẻ cừu của mình ...” [59]. Nói ngắn gọn, ta có thể không đồng ý với chủ trương và chính kiến của Phan, nhưng theo thiển kiến, khó có thể nghi ngờ về nhân cách cùng tấm lòng xả thân vì nước của Phan.

Để kết thúc bài này, xin mượn lời nhận xét chí lý sau đây của Huỳnh Thúc Kháng về cuộc đời của Phan : “Như tiên sinh, không những là một người chí sĩ yêu nước, mà thật là một nhà chính trị cách mạng đầu tiên nước Việt Nam ta vậy. Một kẻ sĩ vai gánh giang sơn, lòng thương nòi giống, một mình xông đột trăm cách toan lường, trong hai mươi năm thừa, trải biết bao hiểm nghèo, nếm biết bao mùi cay đắng ... thế mà tiên sinh cứ khăng khăng ôm một cái chủ nghĩa, đeo đẳng mãi với cảnh hoạn nạn mà không chịu rời ra ; không những danh vị lợi lộc không dỗ dành được, cực khổ không đổi dời được ; cho đến gươm kề trên cổ, súng gí trước bụng cũng cũng không chút nào lay chuyển, sánh với ông Sào Nam [PBC], chí khí đồng nhau, nhiệt thành đồng nhau, phách lực đồng nhau, mà cái cảnh càng khó, cái lòng càng khổ hơn vậy” [60].

Vĩnh Sính, Giáo sư ĐH Alberta, Canada

TỪ ĐÔNG SANG TÂY, nxb Đà Nẵng, 2005

Tài liệu tham khảo

Đinh Xuân Lâm chủ biên, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Đình Lễ, Đại cương Lịch sử Việt Nam, Tập II. Hà Nội : Nxb Giáo Dục, 2001.

Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ Tiên sinh lịch sử. Huế : Nxb Anh Minh, 1959.

Phan Châu Trinh, Thi tù tùng thoại. Sàigòn : Nam Cường, 1951.

Nagaoka Shinjirô và Kawamoto Kunie biên dịch, Vetonamu bôkokushi hoka (Việt Nam vong quốc sử và các tác phẩm khác của Phan Bội Châu). Tokyo : Heibonsha, 1974.

Nguyễn Q. Thắng, Phan Châu Trinh — Cuộc đời và tác phẩm. TP Hồ Chí Minh : Nxb TP Hồ Chí Minh, 1987 ; Nxb Văn Học, 2001, tái bản và có bổ sung).

Nguyễn Văn Dương biên soạn, Tuyển tập Phan Châu Trinh. Đà Nẵng : Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 1995.

Phan Bội Châu, “Cảm tưởng của cụ Sào Nam đối với cụ Tây Hồ”. Tân dân, Số 3 (24.3.1949) đặc biệt kỷ niệm Phan Tây Hồ Tiên sinh.

Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu niên biểu (NB). Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt dịch. Hà Nội : Nxb Văn Sử Địa, 1957.

Phan Châu Trinh, Tự phán (TP). Huế : Nxb Anh Minh, 1956.

Phan Châu Trinh, Giai nhân kỳ ngộ. Lê Văn Siêu bình giải và chú thích. Sàigòn : Nxb Hướng Dương, 1958.

Phan Châu Trinh, Tân Việt Nam. Di thảo bằng chữ Hán. Lưu trữ tại nhà thờ cụ Phan ở Đà Nẵng. Trong bài này, những phần trích dẫn từ Tân Việt Nam là do chúng tôi dịch từ nguyên văn chữ Hán, số trang trích dẫn là số trang ghi ở đầu mỗi trang của nguyên bản di thảo.

Thế Nguyên, Phan Chu Trinh. Sàigòn : Tủ sách “Những mảnh gương” Tân Việt, 1956.

Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp, 1911-1925. TP Hồ Chí Minh : Nxb Văn Nghệ Tp Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2000.


Xem online : Ý nghĩa tác phẩm TÂN VIỆT NAM của Phan Châu Trinh (1)


[33Thường được gọi là “Hà Thành đầu độc”. Trong Đại cương Lịch sử Việt Nam (Tập II), các tác giả cho biết sau vụ đầu độc, Hội đồng đề hình Pháp xử tử 16 người, “kết án tử hình vắng mặt 6 người và tù chung thân 4 người, còn số người bị án có hạn thì khá nhiều”. Ngoài ra, “[n]hân vụ này, thực dân Pháp có cớ để bắt, lưu đày một số nhân sĩ ở Đông kinh nghĩa thục” (Đinh Xuân Lâm chủ biên, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Đình Lễ, Hà Nội : Nxb Giáo Dục, 2001, trang 173-174).

[34Tân Việt Nam, trang 16-17. Trong tác phẩm này Phan nêu rõ là việc chiêu dụ lính tập được gợi ý trong Việt Nam vong quốc sử, và việc chiêu dụ dân binh phản đối thì có bàn trong Hải ngoại huyết thư, cả hai cuốn đều do PBC trước tác (trang 17). Vai trò chủ mưu của PBC trong hai vụ này cũng được xác nhận trong “Vetonamu minzoku undôshi kankei nenpyô” (Niên biểu về những sự kiện có liên hệ đến phong trào cách mạng Việt Nam). Nagaoka Shinjirô và Kawamoto Kunie biên dịch, Vetonamu bôkokushi hoka (Việt Nam vong quốc sử và các tác phẩm khác của Phan Bội Châu) (Tokyo : Heibonsha, 1974), trang 303.

[35Phan nêu rõ là ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam), quan huyện tăng số dân phu ứng dịch đến năm lần một cách tùy tiện. Khi dân chúng kéo nhau đến sảnh đường để chống đối, quan huyện báo cáo với công sứ là dân nổi loạn. Phong trào dân biến bắt đầu từ đó (Tân Việt Nam, trang 26).

[36Tân Việt Nam, trang 31.

[37Có lẽ đã mô phỏng theo chủ trương “biến pháp” của phái cải lương ở Trung Quốc do Khang Hữu Vi lãnh đạo vào cuối thập niên 1890.

[38Tân Việt Nam, trang 19-20.

[39Tân Việt Nam, trang 16.

[40Tân Việt Nam, trang 27.

[41Tân Việt Nam, trang 18.

[42Tân Việt Nam, trang 17.

[43Tân Việt Nam, trang 17.

[44Tân Việt Nam, trang 18.

[45Tân Việt Nam, trang 36.

[46Tân Việt Nam, trang 36.

[47Tân Việt Nam, trang 36.], là “nhà bát cổ” điển hình mang những tập tính do ảnh hưởng của cái học khoa cử đã đề cập ở phần trên. Phan viết: “[Các trước tác của PBC] xem ra toàn là biến thể của văn chương bát cổ, không có mảy may một chút giá trị, nhưng vì trình độ và tính cách thích hợp với quốc dân, nên dân mới bị lừa theo” [[<48> Tân Việt Nam, trang 17

[49Tân Việt Nam, trang 36

[50Tân Việt Nam, trang 18.

[51Tân Việt Nam, trang 4.

[52Tân Việt Nam, trang 21.

[53Xem Thế Nguyên, Phan Chu Trinh, phần “Phụ lục” (Sàigòn : Tủ sách “Những mảnh gương” Tân Việt, 1956), trang 144-145.

[54“Cảm tưởng của cụ Sào Nam đối với cụ Tây Hồ”. Tân dân, Số 3 (24.3.1949) đặc biệt kỷ niệm Phan Tây Hồ Tiên sinh, trang 17-18.

[55Tự phán, trang xv ; NB, trang 20.

[56“Thư gửi cho quan Sơ thẩm tòa án Binh đề ngày 27 tháng 4, 1915”, trích lại từ Phan Thị Châu Liên, “Phan Tây Hồ Tiên sinh dật sự”, in lại trong Phan Châu Trinh, Giai nhân kỳ ngộ (Lê Văn Siêu bình giải và chú thích), trang 75.

[57Về những hoài nghi, xem lời “Tựa” của Hoàng Xuân Hãn trong cuốn Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp, 1911-1925 của Thu Trang (TP Hồ Chí Minh: Nxb Văn Nghệ Tp Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2000, trang 10) ; Thu Trang, như trên, trang 95 ; Nguyễn Văn Dương, sách đã dẫn, trang 507. Để biết rõ những chi tiết về những “bằng chứng” do nhà cầm quyền Pháp đưa ra cùng lời biện minh của Phan, xem Thu Trang, sách đã dẫn, trang 85-99. Để có đầy đủ chi tiết những bức thư phản kháng của Phan, xem “Phan Tây Hồ Tiên sinh dật sự” của bà Phan Thị Châu Liên in lại trong tập Phan Châu Trinh, Giai nhân kỳ ngộ (Lê Văn Siêu bình giải và chú thích), trang LXXV-LXXVII.

[58Chẳng hạn xem Tự phán, trang 174-176 ; NB, trang 171-173.

[59Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại (Sài gòn: Nam Cường, 1951), trang 105.

[60Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ Tiên sinh lịch sử, trang 33-34. Chúng tôi có sửa đổi một vài chữ cho thích hợp với cách dùng hiện nay (ví dụ, cụ Huỳnh dùng chữ “người học trò/anh học trò” để dịch chữ “sĩ” trong chữ Hán, chúng tôi xin mạn phép sửa lại là “kẻ sĩ” nghe thuận tai hơn).