Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Nhân vật > Dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936)

Dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936)

Thứ Bảy 12, Tháng Năm 2007

Nguyễn Văn Vĩnh nói "Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ quốc ngữ". Ông và lớp trí thức thế hệ ông đã làm cuộc cách mạng chữ viết thành công hồi đầu thế kỷ.

Nguyễn Văn Vĩnh không xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc nào cả. Bố mẹ ông là nông dân nghèo, ở làng Phượng Vũ, phủ Thường Tín (bây giờ là huyện Phú Xuyên, thuộc Hà Nội), vùng đồng chiêm quanh năm nước ngập, đói, nên phải bỏ quê ra thành phố kiếm ăn, ở nhờ nhà bà nghè Đại Gia (tức ông nghè Phạm Huy Hổ) phố Hàng Giấy.

Người Việt ta, từ ngàn xưa đã giao lưu với văn hóa Trung Hoa. Những tư tưởng Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo từ Trung Hoa truyền sang, đã chi phối sinh hoạt tư tưởng của các nhà văn hóa Việt Nam nhiều thế kỷ. Thơ Đường, thơ Tống, cùng những bộ tiểu thuyết đồ sộ của thời Minh, thời Thanh (Tam quốc chí, Thuỷ hử, Hồng lâu mộng, Tây du ký...) đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc trong giới bút mực Việt Nam. Một thời gian dài Việt Nam đã dùng chữ Hán làm phương tiện biểu cảm những tư tưởng và tình cảm của mình (trong công việc hành chính cũng như công việc sáng tác).

Còn nền văn hóa phương Tây, ta chỉ mới làm quen độ hơn trăm năm nay. Những người có công bắc chiếc cầu nối để ta hiểu phần nào nền văn hóa phương Tây, cũng như để người phương Tây phần nào hiểu nền văn hóa Việt Nam, là lớp trí thức hồi đầu thế kỷ, mà ông Nguyễn Văn Vĩnh là người đáng được ghi công đầu.

I. Sơ qua về cuộc đời ông Nguyễn Văn Vĩnh

Ông sinh ngày 15/6/1882 tại số nhà 46 phố Hàng Giấy, trong cảnh loạn lạc, vào lúc thành Hà Nội bị quân Pháp đánh chiếm lần thứ hai, do Henri Rivière chỉ huy, được hơn một tháng. Sau đó đã dẫn đến hiệp ước Patenôtre (1884) buộc triều đình Huế ký nhận đầu hàng, và Hà Nội trở thành đất nhượng địa của thực dân Pháp.

Bố mẹ ông đông con, ông lại là con lớn, nên lên tám tuổi, bố mẹ xin cho đi làm thằng nhỏ kéo quạt ở trường thông ngôn của Pháp mới mở ở đình Yên Phụ để đỡ gánh nặng cho gia đình. Cậu bé ngồi phía cuối lớp kéo hai chiếc quạt nối liền nhau, vừa quạt mát cho giáo viên vừa quạt mát cho học sinh là những ông tú tài nho học thất thế quay ra học tiếng Pháp để làm thông ngôn. Cậu cũng chăm chú nghe giảng, cũng nói được và viết được tiếng Pháp, lại còn thông thạo hơn nhiều học sinh lớn tuổi khác.

Hiệu trưởng là ông D’Argence thấy vậy, sau ba năm mãn khóa, cho cậu thử thi tốt nghiệp. Lớp học có 40 học sinh, cậu đỗ thứ 12 khi mới 11 tuổi. Hiệu trưởng đặc cách nhận cậu vào học chính thức, được hưởng học bổng, để theo học khóa tiếp theo.

Nguyễn Văn Vĩnh được là học sinh chính thức lớp thông ngôn tập sự ngạch tòa sứ khóa 1893-1895, và đã đỗ thủ khoa lúc 14 tuổi, được tuyển đi làm thông ngôn ở tòa sứ Lao Cai. Ông bắt đầu cuộc đời viên chức vào tuổi còn vị thành niên như thế.

Sau thời gian ở tòa sứ Lao Cai, ông Vĩnh được thuyên chuyển làm thông ngôn ở tòa sứ Hải Phòng. Bấy giờ Pháp đang xây dựng tuyến đường sắt Hải Phòng - Lao Cai. Rồi ông được chuyển làm thông ngôn ở tòa sứ Bắc Giang (từ 1902-1905). Lúc này Pháp đang xây dựng nhà máy giấy Đáp Cầu (1902) và tuyến đường sắt lên Lạng Sơn đã hoàn thành (1894).

Viên công sứ Bắc Giang Hauser là một trí thức Pháp đỗ cử nhân luật, đi học ngạch quan cai trị thuộc địa. Thấy Vĩnh nói tiếng Pháp thành thạo, am hiểu công việc văn thư, tự mình thảo được công văn và báo cáo đủ các loại cho tòa sứ, lại viết được báo tiếng Pháp và là cộng tác viên của tờ "Courrer d’ Haiphong" và tờ "Tribune Indochinoise" của Schneider, Hauser liền đề bạt Vĩnh làm chánh văn phòng tòa sứ, nâng lương vượt ngoài khung lương thông ngôn, và giao cho các công việc đáng lẽ phó sứ phải làm, mà phó sứ Eckert nguyên là nhân viên của sở mật thám, không có trình độ văn hóa, không làm được.

Tòa sứ đặt ở Bắc Ninh, gần Hà Nội, nên các quan chức Pháp thường xuyên qua lại. Ai muốn hỏi việc gì, công sứ Hauser đều giới thiệu đến chánh văn phòng và đều được giải đáp nhanh chóng, thỏa đáng với đầy đủ chứng cứ rõ ràng. Sau bốn năm làm việc, Hauser càng mến phục Vĩnh, đi đâu cũng điều Vĩnh đi theo. Cho nên khi Hauser được về làm đốc lý TP Hà Nội thì cũng điều luôn Vĩnh về.

Khi toàn quyền Beau sang thay Doumer, chủ trương mở mang học hành, lập các tổ chức y tế và hội thiện, đốc lý Hauser được giao nhiệm vụ vận động và giúp đỡ người Việt làm đơn và thảo điều lệ xin phép lập các trường, các hội, đệ lên phủ thống sứ để duyệt. Hauser giao toàn bộ công việc này cho ông Vĩnh. Vì vậy Nguyễn Văn Vĩnh đã trở thành sáng lập viên của các hội và các trường được lập ra thời bấy giờ. Như: trường Đông Kinh nghĩa thục, Hội Trí Tri, Hội dịch sách, Hội giúp đỡ người Việt sang Pháp học v.v...

Một việc nữa của đốc lý Hà Nội được phủ thống sứ giao bấy giờ là tổ chức và quản lý gian hàng Bắc kỳ ở hội chợ thuộc địa mở ở Marseille (Exposition colonial de Marseille). Hauser lại giao hết cho ông Vĩnh, nào là làm đề án thu thập sản phẩm hàng hóa để trưng bầy, nào là tuyển thợ đi sang Marseille dựng gian hàng. Trần Trọng Kim được tuyển sang Pháp trong cơ hội này, danh nghĩa là thợ khảm, sau hội chợ được ở lại Pháp học đại học sư phạm.

Nguyễn Văn Vĩnh vừa đúng 25 tuổi được cử sang Pháp dự hội chợ thuộc địa từ tháng 3 đến tháng 8/1906, được tận mắt thấy nền văn minh của một nước tiên tiến phương Tây. Sau khi kết thúc hội chợ, ông Vĩnh được ở lại thêm một tháng. Hauser đưa ông Vĩnh lên thăm Paris. Ông đã đến thăm nhà in và báo "Revue de Paris", nhà xuất bản Hachette, nhà soạn và in từ điển Larousse, tìm hiểu phong trào báo chí Pháp và nền dân chủ Pháp.

Ông Vĩnh là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Hội nhân quyền Pháp.

Về nước, ông xin thôi ngạch quan chức, chuyển sang làm báo và nghề in cùng với Schneider là kỹ sư ngành in ký hợp đồng sang giúp chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương. Hồi ấy người ta hay nói câu cửa miệng: "La plus grande invention de l’homme c’est l’imprimerie" (Nghề in là sự phát minh lớn nhất của loài người). Ông Vĩnh quyết định bỏ búi tó và khăn xếp, bỏ áo dài quần là, mặc áo quần Âu, đội mũ cát, tóc húi cua, đi giầy da, lái xe môtô hiệu Terrot mang từ Pháp về, và lấy bút danh là Tân Nam tử tức Người Nam mới.

Ông là chủ bút các báo tiếng Việt đầu tiên dùng chữ quốc ngữ như tờ Lục tỉnh tân văn, Đăng cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn và tờ Học báo; chủ bút các báo tiếng Pháp như tờ Notre journal, Notre revue và L’Annam nouveau; cùng làm giám đốc nhà xuất bản Âu Tây tư tưởng.

Ông còn có chân trong hội đồng dân biểu Bắc kỳ và hội đồng kinh tế tài chính Đông Dương, đã lên tiếng bênh vực cho quyền lợi đồng bào trong đó có quyền lợi của mình. Đại hội đồng kinh tế tài chính Đông Dương (Grand Conseil des Intérêts économiques et Financiers de I’Indochine) họp ở Sài Gòn năm 1932, ông Vĩnh đã thay mặt giới doanh nghiệp phản đối việc chuyển đồng tiền Đông Dương từ ngân bản vị sang kim bản vị [1]. Cuộc họp chưa xong thì ở Hà Nội đã có trát của tòa án đòi tịch biên gia sản vì ông thiếu nợ. Ông vay tiền nhà băng để kinh doanh, dựng tòa soạn báo L’Annam nouveau, và nhà xuất bản Âu Tây tư tưởng (dãy nhà hoành tráng nhưng lòng rất hẹp ở đầu phố Hàng Gai chạy dài về phía Thủy Tạ, trông ra bồn phun nước Bờ Hồ).

Vỡ nợ, ông phải đi sang Lào đào vàng, và chết vì một cơn sốt rét ác tính, trong một chiếc thuyền độc mộc, trên dòng sông Sêbăngghi, với một chiếc quản bút trong tay, đang viết dở thiên ký sự bằng Pháp văn đăng tải trên báo L’Annam nouveau: "Một tháng với những người tìm vàng" (Un mois avec des chercheurs d’or), ở tuổi 54, vào đúng ngày 1-5-1936.

Ông Vĩnh là người Việt Nam đã hai lần từ chối huân chương Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp ban tặng, và ông đã cùng với bốn người Pháp viết đơn gửi chính quyền Đông Dương phản đối việc bắt giữ cụ Phan Chu Trinh.

II. Hội dịch sách

Ngày 26-6-1907 ở Hội Trí Tri Hà Nội, có hơn 300 người, vừa người Hà Nội vừa người ở các tỉnh về họp, để lập Hội dịch sách. Ông Nguyễn Văn Vĩnh đã đọc một bài diễn thuyết. Xin trích đoạn để độc giả tham khảo, như sau:

"Trình các quan,

"Ở thế gian này, xem trong các nước, phàm nước nào đã gọi là nước văn minh, là cũng có văn chương riêng cả, tiếng nói thế nào, chữ viết như thế. Mà cái văn minh người ta cũng ở đó mà ra, vì chữ có là ảnh tiếng nói thì mới dùng để truyền bá hay đi trong nước ai ai đều học được cả. Cách truyền tư tưởng đi có hai cách: một là lấy miệng mà nói, thì chỉ ai đứng nghe nói thì nghe được mà thôi, mà nói xong nhời nói có nhẽ quên đi được. Một cách nữa là nghĩ điều gì hay, làm ra sách thì tư tưởng truyền đi được xa, mỗi quyển sách in ra nhiều người đọc được, mà không đọc khi này, đọc khi khác, có nhãng lại có thể đọc lại được (...)

(...) Có như thế thì tôi thiết tưởng bây giờ mà muốn cho trí dân Annam chóng mở mang ra, thì phải có sách bằng tiếng nôm. Nhưng trong nước ta bây giờ, chưa có ai có tài mà làm được nên quyển sách để dạy dân. Dẫu có học chữ ngoại quốc, mà hiểu được một vài ý hay nữa, mà có làm ra sách mới, thì vị tất đã có ai xem, vì cách tư tưởng của mình xưa nay, huyến hồ viển vông, bây giờ nghe những nhẽ mới cũng khó vỡ. Vậy trước khi xem được những sách bắt chước ngoại quốc mà làm ra, thì dân phải đã biết qua những ý nguyên ấy. Sau nữa lại còn một nhẽ rằng: người ta không ai chịu ai, một người có làm ra quyển sách bây giờ, những người xem cũng không để vào tai, vì mình đã quen xưa nay chỉ học sách của thánh. Có họa bây giờ, những người học được các sách hay của ngoại quốc, mà cố đem tiếng bản quốc dịch ra rõ được ít nào hay chút ấy, thì người ta xem đến, dẫu không biết được hết nghĩa, nhưng cũng vỡ được đại khái, khi đã có nhiều người nghe phang phác được cái tư tưởng của người ta, rồi lúc bấy giờ có mượn những tư tưởng ấy mà làm ra sách nôm thì ta mới có nhiều người hiểu.

Vì nhẽ ấy, cho nên chúng tôi định lập ra Hội dịch sách này.

Chắc rằng làm việc là việc bạc, vì bây giờ đem sách người mà dịch ra tiếng bản quốc, nếu cứ dịch cho đúng từng chữ thì xem không hiểu được. Tất phải dịch lấy nghĩa. Lấy nhời nhẽ ta mà giải nhời nhẽ người. Đến lúc thiên hạ xem hiển nhiên rồi, tất có người rạch ròi muốn biết nghĩa thâm trầm thì lại đem dịch lại, nhưng lúc bấy giờ dịch kỹ mới có người hiểu. Chúng tôi cũng biết rằng sách dịch ra bây giờ, đời sau là có người chê, nhưng có thế mới gọi là tiến bộ, chúng tôi cũng sẽ thỏa lòng rằng: mình đã có cắm nêu lên trước, cho nên mới có kẻ theo hút sau.

"Các quan bây giờ mà giúp vào lập thành cho cái Hội này, thì cái công đức các quan thực là to nữa. Thực là đúc một quả chuông to, vì chuông này, đánh một tiếng rồi kêu mãi, mà có tiếng chuông này rồi mới nảy ra trăm nghìn tiếng khác liên thanh, tai hậu thế lúc nào cũng được nghe tiếng hay. (...).

"(...) Còn nên dùng chữ nôm hay chữ quốc ngữ, thì chắc các quan cũng nghĩ như chúng tôi: nước Nam có muốn hòng một mai tiếng nói có thể nhiều tiếng ra, tiếng nhiều vần thêm bớt vô cùng, thì phải dùng một lối chữ có vần. Có nhiều ông đã nghĩ ra một lối chữ mới, cũng chắp nét diệu lắm, nhưng hễ còn dùng chữ một-vần-một, thì muôn đời tiếng nói không rộng ra được. Cũng may! Dù khéo thế nào mặc lòng, một thứ chữ một người đặt ra không ai chịu theo. Vả chữ viết có in tiện, thì dùng mới tiện. Như lối chữ quốc ngữ, thì có 25 chữ, sắp lại tiện mà chóng lắm. Còn như cái chữ nôm của mình ngày xưa, thì thực nên bỏ. Chữ phải có mẹo mực, chớ một chữ mà đọc nhiều cách viết nhiều cách được, thì khó học lắm.

"Bây giờ ta nên xét xem dịch thì nên dịch sách gì trước.

"Điều ấy phải để tùy ý những người dịch, vì những người đã có thể dịch được, tất học thức đã rộng, dân Annam đương cần học gì tất cũng đã biết, bây giờ chắc hẳn những điều cao kiến lắm, dân mình xưa nay trí khôn chỉ là là mặt đất cũng chưa với đến được. Chắc các ông vào việc dịch sẽ chọn những sách phổ thông. Mỗi thứ phải có một ít, cách trí, bác vật, hóa học, toán học, cơ khí học, thương mãi học là điều cốt nhất.

"Lẽ tất nhiên trong hội các quan cũng nhiều người ngoại thư cũng đã rộng, bây giờ dịch những sách phổ thông thì cũng khí chán, nên xin thế nào cũng có dịch một hai điều cao kiến như kinh tế học, chính trị học. (...)

"(...) Còn như sách nho, vốn đạo Nho là gốc cách ăn ở, gốc phong tục nước mình, ta nên giữ lấy, vì trước khi bỏ một đạo hãng phải có sẵn đạo khác hay hơn mà thế vào đã! Vả sửa lại thì sửa chớ việc chi phải bỏ đạo Nho là đạo thực hay: kìa như sách nho đã có mấy nghìn năm nay mà xem những ý mới Âu châu bây giờ cũng nhiều ý không ra ngoài tứ thư ngũ kinh. Sách thì hay nhưng học không hay cũng chỉ vì vụng học. Giá bây giờ dịch ra tiếng nôm, mỗi bài chính văn lại lấy nhời nhẽ nôm mình mà bàn cho kháp vào thực sự thì có nhẽ hay. (...)

"(...) Những số tiền đóng, thì chúng tôi đã tính chiếu theo số 1000 hội viên. Hễ được số ấy, thì có thể mỗi tháng in được cho mỗi ông một quyển nhỏ độ 120 trang, khổ Tân dân tùng báo, giấy cũng vậy.

"Nhược bằng không được số ấy, thì hội hãng sẽ in thạch bản, xem tạm vài tháng, đến khi có đủ số hội viên sẽ in bản sắt.

"Việc này lại còn có ích một chút nữa, là người Annam bây giờ nhiều ông muốn mở nhà in, nhưng trước khi mở một cái nhà in, phải chắc có việc làm đều, tháng nào cũng có, mới mở được. Giá hội này của ta thành, rồi về sau lại mở được vài cái nhật báo nữa, thì nghề in có nhẽ mở mang ra được to".

(Nguyễn Văn Vĩnh. Trích trong Đăng cổ tùng báo số 813 và 814)

Chẳng cần phải phẩm bình gì nhiều nữa. Vạn sự khởi đầu nan. Chúng ta chỉ còn biết cúi đầu bái phục lớp cha ông đầu thế kỷ, vốn Tây học còn ít, công việc thì mới mẻ, nhưng với tấm lòng cầu học, cầu hiểu biết, muốn dân trí được nâng cao, đổi mới, đã không quản ngại khó khăn ghé vai đảm nhận công việc nặng nhọc xây chiếc cầu nối giữa hai nền văn hóa Đông Tây.

III. Những công trình dịch thuật của ông Nguyễn Văn Vĩnh

Ông Nguyễn Văn Vĩnh đã nói một câu bất hủ, hồi ấy thường in ở các bìa sách do ông xuất bản. "Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ quốc ngữ". Ông và lớp trí thức thế hệ ông đã làm cuộc cách mạng chữ viết thành công hồi đầu thế kỷ. Chữ quốc ngữ đã đánh bại chữ Hán và chữ Nôm trở thành chữ viết của toàn dân tộc.

Những công trình dịch thuật của ông Vĩnh tạm thống kê như sau:

1. Dịch từ Pháp văn sang Việt văn

- Thơ ngụ ngôn của La Fontaine.
- Truyện trẻ con của Perrault.
- Truyện Gil Blas de Santillane của Lesage (4 quyển).
- Mai nương Lệ cốt (Manon Lescaut) của Abbé Prévost (5 quyển).
- Ba người ngự lâm pháo thủ của A. Dumas (24 quyển).
- Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo.
- Miếng da lừa của Balzac.
- Guy-li-ve du ký của J. Swift.
- Tê-lê-mặc phiêu liêu ký của Fénélon.
- Kịch của Molière (Trưởng giả học làm sang, Giả đạo đức, Người bệnh tưởng, Người biển lận).
- Kịch của Lesage (Tục ca lệ tức Turcaret, 2 quyển).
- Truyện các danh nhân Hy lạp và La Mã của Plutarque.
- Rabelais của Emile Vayrac.
- Đàn cừu của chàng Panurge của Emile Vayrac.

Ngoài ra còn những bài dịch về Luân lý học và Triết học yếu lược đăng tải nhiều kỳ trên Đông Dương tạp chí.

2. Dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp

- Kim Vân Kiều tân điển Pháp văn của thi hào Nguyễn Du (đăng từng kỳ trên Đông Dương tạp chí và L’Annam nouveau, sau này in thành sách).

3. Dịch từ chữ Hán sang tiếng Pháp

- Tiền Xích Bích (đăng trong Đông Dương tạp chí)
- Hậu Xích Bích (đăng trong Đông Dương tạp chí).

Ông Vĩnh xứng đáng là nhà quán quân trong công việc dịch thuật ở nước ta hồi đầu thế kỷ. Trong vòng 10 năm ông đã làm được một khối lượng dịch thuật đồ sộ, ngoài ra còn viết báo, in sách, soạn niên lịch thông thư, đề xuất những vấn đề cải cách nông thôn, hôn nhân, xã hội v.v...

IV. Sơ bộ nhận xét

Nhận xét tổng quát: Xét về các nước ở châu Á và Đông Nam Á tiếp thu ảnh hưởng của nền văn hóa và văn học phương Tây, thì nước ta thuộc diện sớm nhất và biến chuyển nhanh nhất. Thực vậy, chỉ kể một giai đoạn từ 1925-1945, khoảng độ hai chục năm trời, đã nở rộ những trào lưu cùng các loại hình văn học: thơ mới, văn học lãng mạn, văn học hiện thực, văn học cách mạng, kịch nói, kịch thơ, văn triết học, văn chính luận, văn khảo cứu, v.v... mà ở phương Tây, như nền văn học Pháp tiêu biểu, cũng phải đi mất hàng trăm năm. Những loại hình nghệ thuật chữ nghĩa ấy đều được viết bằng chữ quốc ngữ ngày càng chính xác, trong sáng, tế nhị và uyển chuyển.

Phép lạ gì làm chúng ta rút ngắn được thời gian như vậy? Nhờ giao lưu văn hóa. Mà cái cầu để nối nhịp giao lưu là công việc dịch thuật...

Theo: Hoàng Tiến