Trang nhà > Giáo dục > Viết > Tóm tắt ý kiến về chữ Việt hiện nay
Hội thảo "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế"
Tóm tắt ý kiến về chữ Việt hiện nay
Thứ Sáu 21, Tháng Mười Hai 2012, bởi
Dưới đây là tóm tắt phát biểu của tôi tại Hội thảo "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế" diễn ra sáng nay 21-12-2012. Buổi chiều đọc trên ictnews bài Bốn ký tự F, J, Z, W vẫn gây nhiều tranh luận thì thấy phóng viên Ngọc Mai đã không phản ánh được đúng ý tôi. Thực tế, toàn bộ 144 ký tự Việt (bao gồm các con chữ w, f, j, s) đã được chuẩn hoá trong tiêu chuẩn quốc gia TCVN5702 ban hành năm 1993 và TCVN6909 ban hành năm 2001 mà tôi là Trưởng Ban Kỹ thuật TCVN/JTC1. Tôi chỉ không đồng ý thay đổi sách vỡ lòng vì trẻ em không cần hiểu những điều mà nhiều PV và giáo viên còn chưa hiểu rõ.
Đặc điểm của chữ Quốc ngữ
- Một hệ chữ viết sử dụng bộ ký tự gốc Latin với các dấu thanh,
- Ra đời từ đầu thế kỷ XVII, dần dần thay thế chữ Hán và chữ Nôm,
- Rất ổn định từ đầu thế kỷ XX, các "cải tiến" đều không căn bản,
- Đang chịu ảnh hưởng do sự phổ biến máy tính, ĐTDĐ và Internet.
Ý nghĩa quan trọng
- Dùng bộ ký tự Việt có thể ghi âm tiếng nói 53 dân tộc VN (và hầu hết các thứ tiếng khác), không thua kém Hệ Phiên Âm Quốc Tế (IPA: International Phonetic Alphabet),
- Cho phép hội nhập quốc tế dễ hơn chữ Hán, chữ Nôm nói riêng và các hệ chữ phi Latin nói chung,
- Qua tài liệu chữ Quốc ngữ có thể biết được sự biến đổi cách phát âm các từ Việt qua từng thời kỳ và của các vùng miền
Trong sáng ngôn ngữ
- Nói: thể hiện đúng âm và nghĩa,
- Viết: tuân theo chính tả thống nhất.
Chính tả tiếng Việt
- theo qui định của Bộ Giáo dục,
- sử dụng bộ ký tự Latin đầy đủ với các dấu thanh.
Bảng chữ cái tiếng Việt:
- không nên thay đổi sách vỡ lòng vì tốn kém không cần thiết,
- trẻ em lớn lên tự khắc biết dùng các con chữ w, f, j, s,
- toàn bộ 144 ký tự Việt bao gồm các con chữ w, f, j, s đã được chuẩn hoá trong tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5702 ban hành năm 1993 và TCVN 6909 ban hành năm 2001.
Viết từ ngữ nước ngoài:
- tên riêng: phiên âm, có chú thích nguyên văn, mặt khác giữ nguyên những tên đã dùng lâu đời (vd. Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức, Ý, Nhật, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Ba Lan, Lào, Hàn quốc, Triều Tiên, v.v.),
- tên chung: phiên âm, riêng trường hợp thuộc hệ chữ viết Latin thì giữ nguyên văn,
- nếu muốn giữ nguyên văn bản không thuộc hệ chữ viết Latin thì phải có phông chữ Unicode tương ứng.
Luật ngôn ngữ ở VN
Trước hết cần:
- nghiên cứu đầy đủ hiện trạng tiếng nói 53 dân tộc VN,
- tham khảo thông lệ quốc tế, đặc biệt của các nước lớn,
- chỉ bắt buộc tuân thủ trong các khu vực công quyền và hành chính.
Đề xuất từ góc độ CNTT
- Quy định trên lãnh thổ VN các thiết bị CNTT (như bàn phím, màn hình, điện thoại di động, máy tính, máy in...) phải có khả năng nhập/xuất chữ Việt đúng chính tả,
- Đào tạo kỹ năng CNTT tối thiểu cho các giảng viên,
- Tổ chức nghiên cứu xác định các phạm trù trong tiếng Việt hiện đại và quan hệ giữa chúng, một việc mà các nước văn minh đều đã làm.
TS Nguyễn Chí Công
(Trưởng ban Kỹ thuật tiêu chuẩn CNTT VN)