Bé nghèo đợi quà Giáng sinh

Phạm Việt Long

Có một bé nhà nghèo ở tận miền núi xa xôi lần đầu tiên nghe đến lễ Giáng sinh và chuyện đêm đó có ông già Nô en đem quà đến phân phát. Nghe lời các bạn, em cũng viết một bức thư gửi ông già Nô en, với mong muốn được nhận cuốn truyện “Bi Bi chăm ngoan”. Rồi em treo bức thư ở cửa sổ và nằm thấp thỏm chờ đợi.

Mệt quá, em bé ngủ thiếp đi.

Sáng dậy, em bé vô cùng thất vọng vì thấy bức thư vẫn còn nguyên trên cửa sổ, cũng chẳng thấy có món quà nào. Em bé rơm rớm nước mắt.

Bỗng em nghe văng vẳng bên tai một gọng nói ấm áp:

  • Lâm ơi, cháu đừng buồn. Có lẽ ông già Nô en phải đi nhiều nơi quá cho nên không đến kịp nhà cháu, mà nhà cháu lại ở quá xa. Nhỡ chạy vội quá, xe tuần lộc của ông già Nô en va phải vách núi thì khổ thân ông. Cũng có khi người ở ngay gần nơi ông ở mà cũng không nhận được quà vì ông lên xe là phóng vèo qua mất. Lại có lúc vì người nhà thức khuya quá mà ông già Nô en không chờ được, phải đi phát quà nơi khác. Cho nên, không phải chỉ có cháu mà rất nhiều bạn trên đời này đêm nay cũng không nhận được quà Giáng sinh. Vả lại dân tộc cháu không có tục lệ đón Giáng sinh, chỉ mới làm theo mọi người từ năm nay thôi. Cũng có khi phải mấy ngày sau mới nhận được quà Giáng sinh cháu ạ. Đừng buồn vì chuyện ấy cháu nhé!

Hôm sau, Lâm lại treo thư ở cửa sổ và nằm thấp thỏm đợi. Đang ngủ thì Lâm giật mình vì tiếng động lớn ở cửa. Đoán là ông già Nô en đến, Lâm mở cửa. Nhưng em vội vàng đóng lại ngay vì đó là một con gấu to lớn. Hù... hù... hù... Gấu rên rỉ. Rồi gấu đập cửa: - Em bé ơi, cho tôi vào nghỉ nhờ với, tôi lạnh quá.

Lâm sợ hãi đóng chặt cửa. Gấu lại gọi:

  • Tôi sắp chết cóng rồi, thương tôi với.
  • Ông to như thế, nhỡ ông đè phải tôi thì tôi chết ngạt mất!
  • Không, tôi hứa chỉ ngồi ở một góc bếp cho đỡ lạnh thôi. Tôi là gấu hiền mà.

Lúc này mẹ Lâm ngủ say như chết vì ban ngày bà đi làm nương mệt quá. Lâm lay lay mẹ: - Mẹ ơi, có con gấu muốn vào nghỉ nhờ...

Mẹ giật mình choàng dậy:

  • Sao... sao... Ông già Nô en đến à?
  • Không ạ. Đấy là con gấu to lớn muốn vào nghỉ nhờ.
  • À, để mẹ nhìn xem là loại gấu nào đã.

Mẹ Lâm ghé mắt nhìn ra cửa rồi bảo: - Đây là loại gấu hiền, cho vào được con ạ. Bác này thỉnh thoảng còn mang mật ong cho trẻ con nữa cơ.

Sáng dậy, không thấy bác gấu đâu mà chỉ có một ống tre lớn đựng đầy mật ong. Hai mẹ con thắc mắc không biết có phải đó là ông già Nô en giả dạng hay không. Dù sao, món quà đối với gia đình nghèo này cũng rất có ý nghĩa. Lâm tâm sự với mẹ: - Con chỉ thích sách thôi mẹ ạ. Trên này chỉ thiếu sách. Chứ ăn thì có gạo, sắn, ngô mẹ làm, cá con bắt dưới suối về là đủ rồi. Thế mà con chẳng được...

Mẹ thương Lâm lắm nhưng chỉ biết động viên: - Tối hôm qua thế là nhà ta đã có quà rồi. Nhưng, ta cứ thử chờ đêm nay xem sao.

Đêm, hai mẹ con đang ngủ say thì nghe tiếng gõ cửa. Tiếng đập dồn dập hơn, một giọng run run cất lên: - Cho tôi vào nhờ với. Tôi rét quá!

Hai mẹ con vội mở cửa cho người lạ vào. Đó là một thanh niên người dông dỏng cao, quần áo ướt sũng.

Mẹ vội cho thêm củi vào bếp để ngọn lửa bốc cao hơn, sưởi ấm người thanh niên.

Đưa cốc nước ấm pha mật ong với gừng, Lâm bảo: - Chú ơi, chú uống cho ấm.

Người thanh niên nhận cốc nước, uống chậm rãi. Lâm lại hỏi:

  • Chú tên là gì ạ? Tại sao chú đến đây khuya thế?
  • Chú tên là Lâm.
  • Ô, thế là chú cùng tên với cháu rồi.

Sau khi ăn một bát cháo do mẹ Lâm đưa, chú Lâm thổ lộ:

  • Bây giờ ở Việt Nam đã phát triển việc phái ông già Nô en đi phát quà cho trẻ em vào dịp Giáng sinh. Chú cũng là một ông già Nô en.
  • Thế quần áo ông già đâu?
  • Ôi, chú bị ngã xuống suối ướt quá, phải cởi ra, treo ngoài cành cây ngoài kia kìa.
  • Còn râu?
  • Râu ư? Khi ngã dập cằm vào tảng đã, râu bị bung ra mất hết rồi. Râu giả ấy mà.
  • Thế xe tuần lộc đâu?
  • Việt Nam ta làm gì có xe tuần lộc. Chú phải đi bộ đấy. Ấy, sao cháu thạo về ông già Nô en thế?

Lâm giải thích: - Cháu cũng chỉ nghe cô giáo kể thôi, chứ đã thấy bao giờ đâu ạ.

Chú Lâm “ờ” lên một tiếng rồi hỏi:

  • Nếu viết thư cho ông già Nô en thì cháu nói thích quà gì?
  • Cháu thích có mỗi cuốn truyện “Bi Bi chăm ngoan” thôi ạ.

Chú Lâm mở ba lô ra. Nó được bọc bằng một lớp ni lông tốt cho nên vẫn khô ráo. Thấy Lâm đã líu ríu mắt buồn ngủ, chú nháy nháy mắt, bảo: - Cháu cứ ngủ đi, chú bận chút việc rồi sẽ ngủ sau.

Khi mẹ con Lâm đã ngủ, chú Lâm bật máy tính, lắp cục 3G Viettel, và lập tức, chú bước vào thế giới ảo vừa xa xôi, mênh mông, vừa gần gũi, nhỏ bé. Thấy trên màn hình một nicknam có tên Bibi đang nhấp nháy, chú Lâm “nhảy” vào ngay và nêu yêu cầu tìm cuốn sách mà Lâm mong muốn. Bi Bi liền hồi âm: “Hiện nay cuốn truyện này đang chuẩn bị in. Nhưng do đã có một phần được post lên mạng vanhien.vn nên nhiều bạn đọc nhỏ tuổi trong cả nước đều hâm mộ. Tôi sẽ chuyển cho bạn ngay phần đã có trên mạng”. Chỉ mấy phút sau, chú Lâm đã có trên máy một phần cơ bản của cuốn truyện “Bi Bi chăm ngoan”. Với máy in cơ động sử dụng bình ắc quy khô, chỉ mấy chục phút sau, chú Lâm đã in xong, đóng quyển “Bi Bi chăm ngoan trích truyện”, nhẹ nhàng đặt ở đầu giường Lâm.

Sớm tinh sương, một làn gió mạnh thổi thốc vào nhà khiến cả mẹ và Lâm đều tình giấc. Không hiểu sao cánh cửa ra vào lại bật tung ra. Trong làn ánh sáng mờ ảo của buổi sớm, Lâm nhìn thấy một cỗ xe tuần lộc với ông già Nô en mặc bộ quàn áo đỏ, mũ đỏ, râu trắng toát lướt qua cửa rồi bay bổng dần lên, biến dần trong không trung.

Ngồi thừ một lúc, Lâm quờ tay lên đầu giường thì đụng ngay vào một cuốn sách. Run run, Lâm đưa tập sách lại gần ngọn đèn mà mẹ vừa thắp lên và thích thú reo lên: - Đúng là quà Giáng sinh của con rồi!

Mẹ cũng mừng rỡ không kém: - Thật hả con. Cho mẹ xem nào.

Lâm đưa cuốn sách cho mẹ, nhưng bà không biết chữ cho nên không hiểu gì. Nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ suốt ngày làm lụng, không được đi học. Mẹ phải vắt kệt sức mình trên nương rẫy để nuôi Lâm ăn học.

Lâm giải thích: - Đây là cuốn truyện thiếu nhi rất hay, trong đó có nhiều truyện ngăn ngắn, dễ hiểu, dễ nhớ lắm.

Lâm hứa: - Mẹ ơi, mỗi ngày con sẽ đọc một, hai câu chuyện trong đó để mẹ con mình cùng nghe nhé.

Trời đã sáng rõ. Không hiểu rằng những gì Lâm trải qua trong ba đêm vừa rồi là thực hay mơ, nhưng có điều luôn luôn thực là trẻ em dù ở đâu, nghèo hay khá giả, đều được người lớn yêu thương. Đó là món quà tặng mà con người truyền cho con người, từ đời này sang đời sau, chưa bao giờ đứt mạch...